Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08-TT

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 1958

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH NGHỊ ĐỊNH SỐ 12-NĐ NGÀY 27/2/1958 BỔ SUNG NHỮNG VĂN BẢN QUY ĐỊNH VIỆC CHUYỂN BƯU PHẨM VÀ BƯU KIỆN

Ngày 27/2/1958 Bộ đã ban hành Nghị định số 12-NĐ để bổ sung những văn bản trước quy định việc chuyển bưu phẩm và bưu kiện.

Nay Bộ nói rõ thêm một số điểm trong Nghị định số 12-NĐ:

1. - Điều 4 Mục C viết: trường hợp bưu phẩm không dán tem hoặc dán phiếu tem thì Bưu điện chuyển bưu phẩm đi nhưng thu ở người nhận một khoản tiền bằng hai lần tiền cước phẩm. Nay nói rõ thêm như sau: trường hợp bưu phẩm không dán tem hoặc dán thiếu tem thì Bưu điện chuyển bưu phẩm đi, nhưng thu ở người nhận một khoản tiền bằng hai lần tiền cước thiếu.

2. - Điều 4 Nghị định số 12-NĐ không nói nếu người gửi không chịu trả tiền cước phí thiếu thì Bưu điện xử lý như thế nào. Trường hợp này, nếu người vi phạm luật bưu điện cố tình ngoan cố không chịu trả tiền cho Bưu điện thì Bưu điện sẽ dùng tới biện pháp cao nhất là truy tố người phạm luật trước tòa án.

3. - Cũng ở điều 4 Nghị định số 12-NĐ nói rằng những bưu phẩm gửi ra nước ngoài không dán tem hoặc dán thiếu tem thì Bưu điện không chuyển, trả lại cho người gửi, thu ở người gửi một khoản tiền bằng cước phí một bưu phẩm thường. Bưu phẩm thường nói ở đây là bưu phẩm thường gửi trong nước, và cước phí thì tính theo trọng lượng của bưu phẩm.

Trường hợp này Bưu điện cũng có thể áp dụng phương pháp gửi giấy báo cho người gửi, để người gửi đến trả số tiền cước thiếu của bưu phẩm và tiền giấy báo rồi Bưu điện lại chuyển bưu phẩm đi cho người gửi. Phương pháp này chỉ thực hiện trong những trường hợp mà Bưu điện xét thấy cần làm thôi còn nguyên tắc thì Bưu điện thi hành theo tinh thần của Nghị định đã quy định.

4. - Điều 5 Nghị định quy định tất cả bưu phẩm gửi trong nước hay ra nước ngoài nếu dán tem nước ngoài thì Bưu điện không chuyển, trả lại cho người gửi, phạt người gửi một khoản tiền bằng hai lần cước một thư thường. Một thư thường nói ở đây là thư thường gửi trong nước.

Trường hợp dùng tem nước ngoài dán trên bưu phẩm thay cho tem Việt Nam thì coi là tem không có giá trị. Đây không phải là trường hợp không thuận tiện mua tem bưu điện Việt Nam mà coi là man trá. Mặt khác người dùng tem như vậy cũng thể hiện phần nào kém về ý thức tôn trọng chủ quyền của đất nước. Do đó, Nghị định quy định không chuyển bưu phẩm đi mà phạt người gửi.

Trường hợp dùng tem trước bạ, tem thuế dán lên bưu phẩm thì coi là bưu phẩm không dán tem, bưu điện sẽ xử lý như đã quy định ở điều 4 của Nghị định.

5. - Ngoài ra trong điều 3 của Nghị định viết những bưu phẩm, bưu kiện dán tem giả, nay bỏ hai chữ bưu kiện.

Trong mục d điều 4 của Nghị định viết: trường hợp bên ngaòi hoặc bên trong bưu phẩm, bưu kiện cước hạ… Nay sửa lại là: trường hợp bên ngoài hoặc bên trong bưu kiện, bưu phẩm cước hạ…

Ông Tổng Cục trưởng Tổng cục Bưu điện nghiên cứu kỹ thông tư này, hướng dẫn cho các cấp bưu điện thực hiện cho đúng tinh thần của Nghị định 12-NĐ và thông tư này.

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Mai

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 08-TT năm 1958 giải thích Nghị định 12-NĐ bổ sung những văn bản quy định việc chuyển bưu phẩm và bưu kiện do Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 08-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/05/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: Nguyễn Hữu Mai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản