Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 4 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa

Mục 2. BẢO ĐẢM AN NINH TẠI CẢNG THỦY NỘI ĐỊA TIẾP NHẬN PHƯƠNG TIỆN THỦY NƯỚC NGOÀI VÀ HOA TIÊU ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 42. Bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài

1. Bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài là việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho người, phương tiện, công trình tại cảng thông qua việc tổ chức đánh giá an ninh, xây dựng kế hoạch an ninh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

2. Bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa áp dụng đối với phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển có tổng dung tích từ 500 GT trở lên hoạt động tuyến quốc tế.

3. An ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phân thành 03 cấp độ.

a) Cấp độ an ninh 1 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh thích hợp phải được duy trì liên tục;

b) Cấp độ an ninh 2 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh bổ sung phải được duy trì trong khoảng thời gian có nguy cơ cao của một sự cố an ninh;

c) Cấp độ an ninh 3 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh cụ thể phải được duy trì trong khoảng thời gian hạn chế khi một sự cố an ninh có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra, mặc dù có thể không xác định được mục tiêu cụ thể.

4. Các biện pháp bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải phù hợp với từng cấp độ an ninh

a) Cấp độ an ninh 1 đảm bảo duy trì thực hiện mọi nhiệm vụ an ninh trong kế hoạch an ninh; theo dõi tất các hoạt động diễn ra trong khu vực cảng; kiểm soát khu vực hạn chế trong cảng; kiểm tra, giám sát khu vực làm hàng; kiểm tra, giám sát hoạt động nhận đồ dự trữ cho phương tiện; đảm bảo việc trao đổi thông tin an ninh kịp thời;

b) Cấp độ an ninh 2 thực hiện các biện pháp bảo vệ bổ sung nêu trong Kế hoạch an ninh phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại điểm a khoản này;

c) Cấp độ an ninh 3 thực hiện các biện pháp tăng cường bảo vệ đặc biệt trong Kế hoạch an ninh phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại điểm a khoản này.

5. Đánh giá an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài do người quản lý khai thác cảng tổ chức thực hiện lần đầu và định kỳ hàng năm theo Mẫu số 27 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng.

6. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài

a) Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài (sau đây gọi là kế hoạch an ninh) do người khai thác cảng lập theo Mẫu số 28 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và gửi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp bảo vệ cảng, người, phương tiện, hàng hóa, các đơn vị vận chuyển hàng hóa, đồ dự trữ của phương tiện trong phạm vi cảng, tránh các rủi ro của một sự cố an ninh;

b) Kế hoạch an ninh phải được lập và duy trì trên cơ sở đánh giá an ninh cảng thủy nội địa. Kế hoạch an ninh phải đưa ra các biện pháp phù hợp đối với mỗi cấp độ an ninh quy định tại khoản 3 Điều này.

7. Cam kết an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài được thực hiện, dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ rủi ro có thể xảy ra từ các hoạt động giao tiếp giữa phương tiện thủy với cảng hoặc giữa phương tiện thủy với nhau đối với người, tài sản và môi trường theo Mẫu số 29 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

8. Bản cam kết an ninh phải do thuyền trưởng hoặc sĩ quan an ninh phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển và nhân viên an ninh cảng thủy nội địa hoặc tổ chức chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trên bờ thay mặt cho chủ cảng lập và phải được chủ cảng hoặc chủ phương tiện cam kết có biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp với cấp độ an ninh của cảng hoặc phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển. Chủ phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển hoặc chủ cảng có thể yêu cầu một bản cam kết an ninh khi có một trong các trường hợp sau:

a) Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển có cấp độ an ninh cao hơn so với cảng, khu neo đậu hoặc phương tiện thủy nước ngoài khác mà nó đang giao tiếp;

b) Có ký kết thỏa thuận về cam kết an ninh giữa các nước ký kết đối với một số tuyến quốc tế hoặc đối với một số phương tiện cụ thể trên các tuyến đó;

c) Đã có mối đe dọa an ninh hoặc sự cố an ninh liên quan đến phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển hoặc cảng;

d) Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển đang ở trong cảng nhưng không yêu cầu cảng phải có và thực thi Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa đã được phê duyệt;

đ) Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển đang tiến hành các hoạt động giao tiếp với phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển khác, nhưng không yêu cầu phải có và thực thi một kế hoạch an ninh phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển được phê duyệt;

e)Nội dung trong bản cam kết an ninh phải đượcnhân viên an ninh cảng hoặc thuyềntrưởnghoặc sĩ quan an ninh phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển cam kết có biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp với cấp độ an ninh của cảng và phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển.

9. Cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan quản lý chuyên ngành, nhân viên của doanh nghiệp cảng làm công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa phải hoàn thành khóa đào tạo, huấn luyện về an ninh cảng thủy nội địa tại cơ sở đào tạo có chuyên ngành đào tạo về an ninh theo chương trình đào tạo an ninh cảng đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo.

Điều 43. Thủ tục phê duyệt đánh giá an ninh, kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài

1. Người quản lý khai thác cảng lập hồ sơ theo quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này và nộp 03 bộ trực tiếp hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cảng vụ.

2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt đánh giá an ninh, gồm:

a) Đơn nghị phê duyệt đánh giá an ninh theo Mẫu số 30 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản đánh giá an ninh theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định này;

c) Thành phần tham gia họp đánh giá an ninh gồm: cơ quan công an cấp huyện, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng, Phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh, Chi cục Hải Quan, Cảng vụ, Trung tâm Y tế dự phòng cấp huyện, cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp huyện, cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu.

3. Hồ sơ đề nghị phê duyệt kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, gồm:

a) Đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo Mẫu số 31 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản đánh giá an ninh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Kế hoạch an ninh.

4. Hồ sơ xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa, gồm:

a) Đơn đề nghị xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo Mẫu số 32 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản đánh giá an ninh phải có ý kiến của các cơ quan quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

c) Biên bản các buổi tập huấn hoặc diễn tập hoặc huấn luyện theo chương trình Kế hoạch an ninh được phê duyệt;

d) Bản chính giấy chứng nhận phù hợp an ninh (để xác nhận vào trang sau của giấy chứng nhận).

5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cảng vụ thẩm định hồ sơ và báo cáo kết quả thẩm định gửi kèm 02 bộ hồ sơ đến Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và báo cáo của Cảng vụ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt đánh giá an ninh, kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài, xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa.

Giấy chứng nhận phê duyệt đánh giá an ninh, giấy chứng nhận phê duyệt kế hoạch an ninh, giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo Mẫu số 33, Mẫu số 34, Mẫu số 35 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài có thời hạn 05 năm và hàng năm phải được xác nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.

Điều 44. Kiểm tra, giám sát an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cảng vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm việc thực hiện công tác an ninh tại cảng thủy nội địa. Danh mục kiểm tra công tác an ninh tại các cảng thủy nội địa theo Mẫu số 36 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Người quản lý khai thác cảng có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác an ninh, để phục vụ cho việc đánh giá an ninh và xây dựng kế hoạch an ninh.

3. Phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển vào, rời cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật hàng hải về an ninh, an toàn hàng hải như đối với phương tiện vào, rời cảng biển Việt Nam và quy định tại Nghị định này, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Người quản lý khai thác cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh theo quy định.

Điều 45. Hoa tiêu đường thủy nội địa

1. Chế độ sử dụng hoa tiêu bắt buộc

Phương tiện thủy nước ngoài khi hoạt động trên đường thủy nội địa hoặc vào, rời cảng thủy nội địa bắt buộc phải có hoa tiêu dẫn đường, trừ phương tiện thủy nội địa của Vương quốc Campuchia hoạt động theo quy định tại Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia về vận tải thủy. Trường hợp cần thiết, thuyền trưởng phương tiện, tàu biển có thể yêu cầu hoa tiêu dẫn đường.

2. Hoạt động hoa tiêu trên đường thủy nội địa hoặc trong vùng nước cảng thủy nội địa thực hiện theo quy định về hoa tiêu của pháp luật hàng hải và do Hoa tiêu hàng hải thực hiện.

Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa

  • Số hiệu: 08/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/01/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 295 đến số 296
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH