Hệ thống pháp luật

Mục 5 Chương 2 Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa

Mục 5. BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỘC KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 31. Quy định chung về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

1. Công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải được bảo vệ, nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định này. Các hành vi lấn chiếm, đập phá, nạo vét, tháo dỡ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa trái quy định phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định.

2. Trước khi đưa công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để phối hợp bảo vệ công trình. Nội dung thông báo phải ghi rõ tên công trình, quy mô, công dụng của công trình, thời gian đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Điều 32. Nội dung bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

1. Nội dung bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định này.

2. Bảo vệ luồng đường thủy nội địa

a) Luồng được công bố, đưa vào sử dụng phải được duy trì chuẩn tắc theo thiết kế hoặc chuẩn tắc luồng theo cấp kỹ thuật và khả năng bố trí nguồn vốn của ngân sách nhà nước;

b) Các công trình qua luồng trên không, dưới mặt nước, mặt đất phải bảo đảm chiều cao, độ sâu an toàn đáy luồng theo tiêu chuẩn cấp kỹ thuật đường thủy nội địa đã được công bố;

c) Trong phạm vi luồng không được đặt ngư cụ cố định, khai thác khoáng sản trái quy định của pháp luật;

d) Không được đổ đất, bùn, cát, các chất thải khác gây bồi làm thay đổi cao độ đáy luồng.

3. Bảo vệ hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa

a) Phạm vi hành lang bảo vệ luồng phải được bảo đảm duy trì kích thước, không được thu hẹp, tự ý lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng;

b) Trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không được xây dựng nhà, các công trình khác, khai thác tài nguyên khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận; không đặt ngư cụ cố định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng;

c) Khi luồng thay đổi vào hành lang bảo vệ luồng, công trình, hoạt động khai thác khoáng sản, thủy sản, làng nghề, chợ nổi phải được di chuyển, thu hẹp hoặc thanh thải vật chướng ngại trên phạm vi luồng mới.

4. Đối với công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Để vật liệu, phương tiện, thiết bị gây sạt lở, hư hỏng công trình;

b) Neo, buộc phương tiện, động vật vào phao báo hiệu, cột báo hiệu, mốc thủy chí, mốc đo đạc, mốc tọa độ, mốc giới hạn hành lang bảo vệ luồng;

c) Sử dụng chất nổ, khai thác khoáng sản không đúng quy định hoặc có hành vi khác gây ảnh hưởng đến công trình;

d) Thải các chất độc hại ảnh hưởng đến độ bền và tuổi thọ của công trình.

Điều 33. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng

Phạm vi hành lang bảo vệ luồng được xác định từ mép luồng trở ra mỗi bên, đối với luồng đã có trong quy hoạch được phê duyệt thì xác định theo cấp kỹ thuật quy hoạch, cụ thể như sau:

1. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng trong trường hợp luồng không nằm sát bờ

a) Đối với luồng đường thủy nội địa trên hồ, vịnh, cửa sông ra biển, ven bờ biển và luồng cấp đặc biệt: từ 20 m đến 25 m;

b) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp I, cấp II: từ 15 m đến 20 m;

c) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp III, cấp IV: từ 10 đến 15 m;

d) Đối với luồng đường thủy nội địa cấp V, cấp VI: là 10 m.

2. Phạm vi hành lang bảo vệ luồng trong trường hợp luồng nằm sát bờ được tính từ mép bờ tự nhiên trở vào phía bờ ít nhất là 5 m; trường hợp luồng đi qua khu vực thành phố, thị xã, thị trấn thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng là chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Căn cứ đặc điểm của từng khu vực, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định cụ thể mép bờ tự nhiên để phục vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

4. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt thì phạm vi hành lang bảo vệ luồng được tính từ mép luồng tới mép bờ tự nhiên và thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn cầu đường bộ, cầu đường sắt.

5. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang bảo vệ luồng hàng hải thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang luồng hàng hải.

6. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với phạm vi bảo vệ các công trình phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi thì thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, bảo vệ đê điều và pháp luật về khai thác bảo vệ công trình thủy lợi.

7. Trường hợp phạm vi hành lang bảo vệ luồng trùng với hành lang an toàn bảo vệ nguồn nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang bảo vệ luồng.

8. Khi lập dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, mở rộng luồng đường thủy nội địa, chủ đầu tư dự án phải căn cứ vào quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để xác định rõ cấp kỹ thuật của luồng đường thủy nội địa, đồng thời xác định phạm vi hành lang bảo vệ luồng, thực hiện cắm mốc chỉ giới sau khi hoàn thành dự án.

Điều 34. Quản lý hành lang bảo vệ luồng

1. Lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng

a) Hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng phải cập nhật các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường thủy nội địa, phạm vi, thời điểm xuất hiện và quá trình xử lý; mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng;

b) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng quốc gia, Sở Giao thông vận tải tổ chức lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng địa phương, tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng lập hồ sơ quản lý hành lang bảo vệ luồng chuyên dùng.

2. Khi hành lang bảo vệ luồng thay đổi, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, tổ chức, cá nhân có luồng chuyên dùng phải thông báo đến chủ công trình, tổ chức, cá nhân có hoạt động trên đường thủy nội địa phải thực hiện di chuyển, thu hẹp hoặc thanh thải vật chướng ngại.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý luồng phải thực hiện cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ luồng và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mốc chỉ giới để phối hợp bảo vệ.

Điều 35. Trách nhiệm bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa

1. Tổ chức, cá nhân được giao quản lý công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

2. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa bị xâm hại phải kịp thời báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quản lý đường thủy nội địa hoặc cơ quan công an nơi gần nhất. Cơ quan, đơn vị nhận được tin báo phải yêu cầu chủ công trình kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Nghị định 08/2021/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa

  • Số hiệu: 08/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/01/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 295 đến số 296
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH