Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với tổ chức tín dụng về điều kiện và việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo toàn tài sản trong thủ tục phá sản; điều kiện, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thủ tục thanh lý tài sản và tuyên bố phá sản; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, của tổ chức tín dụng bị yêu cầu tuyên bố phá sản và của người tham gia giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản.

2. Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.

Điều 2. Thủ tục phá sản

1. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thủ tục phá sản được áp dụng đối với tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản bao gồm:

a) Nộp đơn yêu cầu và mở thủ tục phá sản;

b) Phục hồi hoạt động kinh doanh;

c) Thanh lý tài sản, các khoản nợ;

d) Tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản.

2. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản về việc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với tổ chức tín dụng, sau khi mở thủ tục phá sản, Thẩm phán quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ quy định tại điểm c khoản 1 và tuyên bố tổ chức tín dụng phá sản mà không áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp Nghị định này không có quy định thì những nội dung liên quan đến thủ tục phá sản tổ chức tín dụng sẽ được áp dụng theo Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các thuật ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. “Kiểm soát đặc biệt” là việc một tổ chức tín dụng được đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

2. “Các khoản nợ đến hạn” là các khoản tiền hoặc tài sản mà tổ chức tín dụng nợ người khác (sau đây gọi là chủ nợ) không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần (chỉ tính phần không có bảo đảm) đã đến hạn thanh toán theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Điều kiện xác định tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản

Tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Điều 5. Thẩm quyền của Tòa án

1. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đó.

2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng có vốn đầu tư nước ngoài đó.

Điều 6. Tổ quản lý, thanh lý tài sản

1. Đồng thời với việc ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán phụ trách (sau đây gọi chung là Thẩm phán) việc phá sản tổ chức tín dụng ra quyết định thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản để làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản.

2. Thành phần Tổ quản lý, thanh lý tài sản gồm có:

a) Một chấp hành viên của cơ quan thi hành án cùng cấp với Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản làm Tổ trưởng;

b) Một cán bộ của Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

c) Một đại diện của chủ nợ là tổ chức, cá nhân có số nợ lớn nhất trong số các chủ nợ;

d) Một đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng bị mở thủ tục phá sản;

đ) Một đại diện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

e) Một đại diện của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong trường hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng của tổ chức tín dụng;

g) Trong trường hợp tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản có nợ lương hoặc các khoản nợ khác đối với người lao động, Thẩm phán xem xét, quyết định việc có đại diện công đoàn, đại diện người lao động tham gia Tổ chức quản lý, thanh lý tài sản.

3. Tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm cử đại diện tham gia Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo yêu cầu của Thẩm phán.

4. Trường hợp tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản có chi nhánh hoạt động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản có thể thành lập bộ phận giúp việc làm nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của chi nhánh của tổ chức tín dụng đó.

Tổ quản lý, thanh lý tài sản quy định cụ thể thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ phận giúp việc này.

Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản

1. Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 10 và 11 của Luật Phá sản.

2. Chế độ làm việc của Tổ quản lý, thanh lý tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 20 từ Điều 22 đến Điều 33 của Nghị định số 67/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn việc áp dụng Luật Phá sản đối với doanh nghiệp đặc biệt và tổ chức, hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản.

Nghị định 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng

  • Số hiệu: 05/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/01/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 61 đến số 62
  • Ngày hiệu lực: 15/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH