Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 02/2007/NĐ-CP về kiểm dịch thực vật

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh, kiểm dịch thực vật nội địa và xử lý vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến kiểm dịch thực vật trên lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng theo điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Sinh vật gây hại là bất cứ loài, chủng hoặc dạng sinh học thực vật, động vật hoặc vi sinh vật nào gây hại cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật, bao gồm: côn trùng, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, vi rút, phytophasma, cỏ dại, chuột và các sinh vật khác gây hại tài nguyên thực vật (dưới đây được gọi tắt là dịch hại).

2. Đối tượng kiểm dịch thực vật (còn gọi là dịch hại kiểm dịch thực vật) là loài dịch hại có nguy cơ gây hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loài sinh vật này chưa xuất hiện hoặc xuất hiện có phân bố hẹp và phải được kiểm soát chính thức.

3. Dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật là loài dịch hại mà sự có mặt của chúng đối với thực vật dùng để gieo trồng sẽ gây ra tác động kinh tế không thể chấp nhận được và phải kiểm soát trong lãnh thổ của nước nhập khẩu.

4. Dịch hại thuộc diện điều chỉnh bao gồm dịch hại kiểm dịch thực vật và dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật.

5. Sinh vật gây hại lạ (còn gọi là dịch hại lạ) là những dịch hại chưa được xác định trên cơ sở khoa học và chưa từng phát hiện ở trong nước.

6. Sinh vật có ích bao gồm vi rút, vi khuẩn, tuyến trùng, nấm, côn trùng, động vật và các sinh vật khác có tác dụng hạn chế tác hại của dịch hại đối với tài nguyên thực vật.

7. Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật (dưới đây gọi tắt là vật thể) gồm thực vật, sản phẩm thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc những vật thể khác có khả năng mang dịch hại thuộc diện điều chỉnh.

8. Tình trạng nhiễm dịch hại thực vật là mức độ, tính chất nhiễm sinh vật gây hại của vật thể.

9. Kiểm tra vật thể là việc điều tra, quan sát, theo dõi, lấy mẫu, phân tích, giám định, nghiên cứu để xác định tình trạng nhiễm dịch hại.

10. Khử trùng là việc tiêu diệt sinh vật gây hại vật thể một cách triệt để.

11. Xông hơi khử trùng là biện pháp khử trùng bằng hoá chất xông hơi độc.

12. Ổ dịch là nơi có một hoặc nhiều loài dịch hại thuộc Danh mục dịch hại kiểm dịch thực vật đã được công bố hoặc Danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh nhưng không phải dịch hại kiểm dịch thực vật.

13. Vùng dịch là phạm vi không gian bị nhiễm ổ dịch được cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền xác định.

14. Lô vật thể là một lượng nhất định của vật thể có các điều kiện và yếu tố giống nhau về khả năng nhiễm dịch.

15. Địa điểm kiểm dịch thực vật là nơi kiểm tra vật thể trước khi di chuyển vật thể đó.

16. Phân tích nguy cơ dịch hại là quá trình đánh giá bằng chứng sinh học hoặc khoa học, kinh tế để xác định loài dịch hại cần được điều chỉnh và tăng cường các biện pháp kiểm dịch thực vật chống lại nó.

17. Vùng không nhiễm dịch hại là vùng mà ở đó được chứng minh bằng các chứng cứ khoa học về sự không xuất hiện của một loài dịch hại cụ thể và các điều kiện này sẽ được duy trì một cách chính thức.

18. Tính tương đương của các biện pháp kiểm dịch thực vật là tình trạng áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật khác nhau nhưng hiệu quả như nhau.

19. Giám sát dịch hại là quá trình chính thức thu thập và ghi chép dữ liệu về sự xuất hiện hoặc không xuất hiện dịch hại bằng việc điều tra, theo dõi hoặc các quy trình khác.

20. Hài hoà các biện pháp kiểm dịch thực vật là sự thiết lập, công nhận và áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật của các nước khác nhau dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

21. Thực vật là cây và bộ phận của cây còn sống, kể cả hạt giống và sinh chất có khả năng làm giống.

22. Sản phẩm thực vật là các vật liệu chưa chế biến có nguồn gốc thực vật và sản phẩm đã chế biến có nguồn gốc thực vật mà do bản chất của sản phẩm hoặc do quá trình chế biến, có thể tạo ra nguy cơ xâm nhập và lây lan của dịch hại thực vật.

23. Giống cây trồng mới được nhập khẩu lần đầu tiên là giống cây trồng chưa có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh.

24. Biện pháp kiểm dịch thực vật là các quy định, quy trình chính thức nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và/hoặc lây lan của các dịch hại thực vật hoặc hạn chế tác động kinh tế của các dịch hại phải kiểm soát.

25. Nơi xuất xứ là nơi vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật được gieo trồng hoặc nơi mà vật thể lần đầu tiên tạo ra tình trạng nhiễm dịch hại.

26. Khu cách ly kiểm dịch là nơi gieo trồng thực vật, bảo quản sản phẩm thực vật cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài trong thời gian kiểm dịch.

27. Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu là văn bản pháp lý cho phép nhập khẩu một lô vật thể phù hợp với các yêu cầu kiểm dịch thực vật theo quy định.

Điều 4. Trách nhiệm của chủ vật thể

1. Thực hiện việc theo dõi, phòng trừ sinh vật gây hại, xử lý các vật thể nhiễm dịch, vật thể không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu, xuất khẩu hoặc vận chuyển ra khỏi vùng dịch theo quy định về kiểm dịch thực vật.

Trường hợp cùng một lúc phải xử lý vật thể nhiễm dịch của nhiều chủ vật thể, nhưng các chủ vật thể không thoả thuận được với nhau về việc xử lý thì cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định và chủ vật thể phải thực hiện.

2. Phải thường xuyên theo dõi tình hình sinh vật gây hại tài nguyên thực vật của mình hoặc do mình trực tiếp quản lý.

Ở những nơi thường tập trung vật thể nhập khẩu, quá cảnh hoặc đưa từ vùng dịch đến thì việc theo dõi nêu trên phải theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

3. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có dịch hại thuộc diện điều chỉnh của danh mục đã công bố hoặc sinh vật gây hại lạ thì chủ vật thể hoặc người phát hiện phải áp dụng các biện pháp cần thiết để diệt trừ và ngăn chặn sự lây lan, đồng thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

4. Thực hiện biện pháp xử lý vật thể theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

5. Nộp phí kiểm dịch thực vật theo quy định và thanh toán các khoản chi phí cho việc xử lý vật thể. Trường hợp không có chủ vật thể thì chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện chuyên chở, người bảo quản vật thể phải thực hiện những quy định về kiểm dịch thực vật đối với phương tiện và vật thể mà mình chuyên chở, bảo quản theo phương tiện đó và trả các khoản chi phí cho việc xử lý vật thể.

6. Cung cấp các thông tin cần thiết về bảo vệ và kiểm dịch thực vật cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật của Việt Nam như: thông tin về thực vật và sản phẩm thực vật, vùng sản xuất, phương pháp canh tác, danh mục dịch hại, đóng gói hàng hoá, chương trình xuất khẩu, chính sách xuất khẩu và các tài liệu liên quan khác.

7. Tạo điều kiện để cán bộ kiểm dịch thực vật thực thi nhiệm vụ như: mở, đóng phương tiện vận chuyển, kho chứa, kiện hàng, cung cấp nhân lực cho việc kiểm tra, lấy mẫu vật thể; theo dõi và kiểm tra vật thể trong quá trình gieo trồng, sử dụng, bảo quản.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan kiểm dịch thực vật

1. Hướng dẫn, giám sát, chứng nhận việc thực hiện các biện pháp theo dõi, phòng trừ và xử lý vật thể. Trực tiếp xử lý vật thể nhiễm dịch phải được thực hiện khẩn cấp mà chủ vật thể không có khả năng thực hiện.

2. Thực hiện việc kiểm dịch vật thể và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

3. Cung cấp thông tin cần thiết về bảo vệ và kiểm dịch thực vật cho nước nhập khẩu theo quy định của Hiệp định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật.

4. Xây dựng, quản lý vùng không nhiễm dịch hại theo Tiêu chuẩn Việt Nam.

5. Xem xét, đánh giá và công nhận tính tương đương của các biện pháp kiểm dịch thực vật áp dụng đối với vật thể xuất khẩu, nhập khẩu của các quốc gia khác.

6. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn dịch hại xâm nhập và lan rộng trong những trường hợp cần thiết.

7. Hài hoà các biện pháp kiểm dịch thực vật theo các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật.

8. Phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật nước xuất khẩu để kiểm tra, xử lý vật thể xuất khẩu, nhập khẩu tại nước xuất khẩu trong một số trường hợp theo quy định của các hiệp định đa phương và song phương.

Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của cán bộ kiểm dịch thực vật

Trong khi làm nhiệm vụ cán bộ kiểm dịch thực vật có trách nhiệm:

1. Thực hiện việc kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

2. Phải mang sắc phục, phù hiệu, cấp hiệu, thẻ kiểm dịch thực vật.

3. Có quyền vào những nơi có vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.

4. Đối với những nơi thuộc bí mật an ninh quốc phòng và trường hợp đặc biệt khác thì phải được cấp có thẩm quyền quản lý các cơ sở đó tạo điều kiện và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo cả hai yêu cầu bảo mật và kiểm dịch thực vật.

Điều 7. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Ủy ban nhân dân các cấp

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong từng thời kỳ xác định và công bố :

a) Danh mục dịch hại thuộc diện điều chỉnh;

b) Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

2. Cơ quan Hải quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật trong việc kiểm tra, giám sát đối với vật thể. Thủ tục hải quan chỉ hoàn tất đối với vật thể kiểm dịch thực vật sau khi đã làm đầy đủ thủ tục kiểm dịch thực vật. Nội dung khai báo kiểm dịch thực vật được thể hiện trong tờ khai nhập - xuất cảnh.

Những vật thể mà cơ quan kiểm dịch thực vật buộc tái xuất, buộc phải tiêu huỷ hoặc sau khi kiểm dịch, kết luận được phép xuất khẩu, nhập khẩu thì cơ quan kiểm dịch thực vật phải thông báo cho cơ quan Hải quan cửa khẩu nơi có vật thể xuất khẩu, nhập khẩu biết. Cơ quan Hải quan và các cơ quan khác liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật giải quyết, xử lý những vấn đề liên quan khi cơ quan kiểm dịch thực vật có yêu cầu.

3. Các cơ quan Giao thông vận tải, Bưu điện, Công an, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và các cơ quan khác có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với cơ quan kiểm dịch thực vật trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.

4. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương thực hiện công tác kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 8. Thủ tục kiểm dịch thực vật

1. Chủ vật thể hoặc người được chủ vật thể uỷ quyền phải thực hiện:

a) Khai báo trước ít nhất 24 giờ với cơ quan kiểm dịch thực vật nơi gần nhất trước khi xuất khẩu hay nhập khẩu vật thể;

b) Khai báo vào tờ khai nhập - xuất cảnh và được cơ quan kiểm dịch thực vật kiểm tra tại chỗ đối với hành lý xách tay, hành lý gửi theo phương tiện chuyên chở chứa vật thể;

c) Phải có Giấy đăng ký kiểm dịch hoặc Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam nộp cùng hồ sơ hải quan để làm thủ tục thông quan đối với những vật thể là hàng hoá nhập khẩu hoặc đóng gói chung với hàng hoá nhập khẩu khác (trừ hành lý xách tay, hành lý gửi theo phương tiện chuyên chở của hành khách nhập cảnh);

d) Phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam trong trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu, nộp cùng hồ sơ hải quan để làm thủ tục thông quan đối với những vật thể là hàng hoá xuất khẩu hoặc đóng gói chung với hàng hoá xuất khẩu khác (trừ hành lý xách tay, hành lý gửi theo phương tiện chuyên chở của hành khách xuất cảnh).

2. Cơ quan kiểm dịch thực vật phải kiểm tra, phúc tra, trả lời kết quả trong phạm vi 24 giờ sau khi kiểm tra vật thể. Trong trường hợp phải kéo dài quá 24 giờ, cơ quan kiểm dịch thực vật phải báo cho chủ vật thể biết.

3. Việc kiểm tra vật thể và lập hồ sơ về kiểm dịch thực vật được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước.

Điều 9. Hành vi nghiêm cấm

1. Đưa dịch hại thuộc diện điều chỉnh thuộc các danh mục quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này, sinh vật gây hại lạ còn sống ở bất kỳ giai đoạn sinh trưởng nào vào Việt Nam.

2. Đưa dịch hại thuộc diện điều chỉnh còn sống thuộc các danh mục quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này đến các vùng chưa có dịch.

3. Đưa vật thể thuộc danh mục phải phân tích nguy cơ dịch hại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định này vào Việt Nam.

4. Đưa thực vật mang theo đất dưới mọi hình thức vào Việt Nam.

Nghị định 02/2007/NĐ-CP về kiểm dịch thực vật

  • Số hiệu: 02/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/01/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 18/01/2007
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 02/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH