Chương 6 Luật Viễn thông 2023
Điều 48. Quản lý tài nguyên viễn thông
1. Quản lý tài nguyên viễn thông bao gồm quy hoạch, phân bổ, cấp, đăng ký, ấn định, sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng, thu hồi quyền sử dụng, hoàn trả tài nguyên viễn thông; giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”.
2. Việc quản lý tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh trong hoạt động viễn thông được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện.
3. Việc quản lý tài nguyên viễn thông được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông;
b) Bảo đảm tối ưu việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông;
c) Bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc phân bổ, cấp tài nguyên viễn thông;
d) Bảo đảm việc sử dụng tài nguyên viễn thông hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích;
đ) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được phân bổ, cấp tài nguyên viễn thông và người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Điều 49. Quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet
1. Việc quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông;
b) Bảo đảm cập nhật công nghệ mới, phù hợp với xu thế hội tụ công nghệ, dịch vụ và xu thế phát triển về viễn thông, Internet thế hệ mới;
c) Bảo đảm tối ưu việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông;
d) Bảo đảm việc sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích;
đ) Bảo đảm có kho số viễn thông, tài nguyên Internet phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh;
e) Phù hợp với quy định về kho số viễn thông, tài nguyên Internet của các tổ chức quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
g) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet.
2. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về nội dung, trình tự phê duyệt quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet và thực hiện việc phê duyệt quy hoạch.
Điều 50. Phân bổ, cấp, sử dụng, đăng ký, hoàn trả mã, số viễn thông, tài nguyên Internet
1. Việc phân bổ, cấp, đăng ký, sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Phù hợp với quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet;
b) Bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch trong việc phân bổ, cấp mã, số viễn thông, tài nguyên Internet;
c) Bảo đảm sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet được phân bổ, cấp hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích;
d) Ưu tiên phân bổ, cấp mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông tại khu vực biên giới, miền núi, vùng cao, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phục vụ hoạt động viễn thông công ích và hoạt động phục vụ lợi ích công cộng khác;
đ) Ưu tiên phân bổ, cấp mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam cho tổ chức có năng lực ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu hội tụ công nghệ, dịch vụ.
2. Việc phân bổ mã, số viễn thông được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
a) Đấu giá quyền sử dụng mã, số viễn thông đối với mã mạng viễn thông di động mặt đất dùng cho phương thức giao tiếp giữa người với người (sau đây gọi là mã mạng di động H2H), số thuê bao viễn thông dùng cho dịch vụ viễn thông di động mặt đất thực hiện phương thức giao tiếp giữa người với người (sau đây gọi là số thuê bao di động H2H), số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin;
b) Phân bổ trực tiếp đối với mã, số viễn thông quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 49 của Luật này, mã, số viễn thông không thuộc quy định tại điểm a khoản này. Việc phân bổ trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc tổ chức, doanh nghiệp đăng ký trước được xét phân bổ trước.
3. Việc phân bổ, cấp tài nguyên Internet Việt Nam được thực hiện theo một trong các phương thức sau đây:
a) Đấu giá quyền sử dụng đối với tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” cấp 02 có độ dài 01 hoặc 02 ký tự, trừ tên miền được bảo vệ, tên miền dùng chung theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
b) Cấp trực tiếp đối với tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” , trừ tên miền được cấp quyền sử dụng theo hình thức đấu giá quy định tại điểm a khoản này; địa chỉ Internet, số hiệu mạng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng dịch vụ. Việc cấp trực tiếp được thực hiện theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân đăng ký trước được xét cấp trước;
c) Phân bổ trực tiếp đối với địa chỉ Internet, số hiệu mạng cho doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ viễn thông theo nguyên tắc doanh nghiệp đăng ký trước được xét phân bổ trước.
4. Việc đấu giá quyền sử dụng mã, số viễn thông được thực hiện như sau:
a) Mã, số viễn thông quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được niêm yết trực tuyến trên thị trường để tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số đấu giá;
b) Trường hợp mã, số viễn thông được niêm yết trực tuyến trên thị trường hết thời gian theo quy định của pháp luật mà không có tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số để đấu giá thì phân bổ tuần tự, trực tiếp cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao di động H2H được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng cục Thống kê tính cho 01 ngày;
d) Giá khởi điểm để đấu giá mã mạng di động H2H, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin được xác định bằng phí sử dụng 01 năm của mã, số đó. Trường hợp đấu giá mã mạng di động H2H, số dịch vụ ứng dụng tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin không thuộc điểm a khoản này do tổ chức, doanh nghiệp đề nghị đấu giá thì giá khởi điểm để đấu giá bằng phí sử dụng 05 năm của mã, số đó;
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả đấu giá mã, số viễn thông. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để người trúng đấu giá sử dụng dịch vụ viễn thông gắn với số thuê bao đã trúng đấu giá;
e) Mã mạng di động H2H, số thuê bao di động H2H, số dịch vụ tin nhắn ngắn, số dịch vụ giải đáp thông tin sau 02 lần đấu giá không thành thì được phân bổ trực tiếp cho tổ chức, doanh nghiệp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này. Tổ chức, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp tiền cấp quyền sử dụng bằng phí sử dụng 01 năm của mã, số đó và nộp phí sử dụng mã, số viễn thông theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
5. Việc đấu giá quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện như sau:
a) Giá khởi điểm tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được xác định bằng phí duy trì sử dụng 01 năm của tên miền đó;
b) Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kết quả đấu giá quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng tên miền trúng đấu giá;
c) Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” sau 02 lần đấu giá không thành thì được cấp trực tiếp theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
6. Hình thức, phương thức, trình tự, thủ tục đấu giá mã, số viễn thông, tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
7. Việc tiếp nhận, xử lý yêu cầu đăng ký và yêu cầu duy trì tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” của tổ chức, cá nhân được thực hiện thông qua các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền.
8. Doanh nghiệp viễn thông khi hết hạn giấy phép viễn thông mà được cấp lại, gia hạn giấy phép viễn thông thì được tiếp tục khai thác, sử dụng mã, số viễn thông đã được phân bổ theo quy định của Luật này về quản lý, sử dụng kho số viễn thông.
9. Tổ chức, cá nhân được phân bổ, cấp mã, số viễn thông, tài nguyên Internet có quyền và trách nhiệm sau đây:
a) Sử dụng, cho thuê, chuyển nhượng, cấp lại mã, số viễn thông, tài nguyên Internet được phân bổ, cấp theo đúng mục đích, phạm vi, đối tượng theo quyết định phân bổ, cấp mã, số viễn thông, tài nguyên Internet và quy định về quản lý, sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet;
b) Được tặng, cho, góp vốn, để thừa kế quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông về tình hình sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet đã được phân bổ, cấp;
d) Nộp phí sử dụng mã, số viễn thông; phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet; lệ phí phân bổ kho số viễn thông, phân bổ, cấp tài nguyên Internet; tiền cấp quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet được phân bổ, cấp thông qua đấu giá. Người trúng đấu giá số thuê bao di động H2H được miễn phí sử dụng mã, số viễn thông;
đ) Tổ chức, cá nhân không còn nhu cầu sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet phải hoàn trả cho cơ quan quản lý kho số viễn thông, đơn vị quản lý tài nguyên Internet.
10. Chính phủ quy định chi tiết khoản 4 và khoản 5 Điều này.
Điều 51. Chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam
1. Mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam được chuyển nhượng quyền sử dụng bao gồm:
a) Mã, số viễn thông được Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ cho tổ chức, cá nhân thông qua đấu giá theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 50 của Luật này;
b) Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”, trừ tên miền được bảo vệ, tên miền dùng chung theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tên miền đang bị xử lý vi phạm hoặc đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tên miền đang bị tạm ngừng sử dụng.
2. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam phải có quyền sử dụng hợp pháp mã, số viễn thông, tài nguyên Internet đó;
b) Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam phải được phép hoạt động hoặc đủ điều kiện đầu tư, khai thác, sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet đó.
3. Các bên tham gia chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam có trách nhiệm sau đây:
a) Nộp phí, lệ phí, thuế khi chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về thuế, phí và lệ phí;
b) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 52. Giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”
1. Giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” được thực hiện thông qua hòa giải, trọng tài, tòa án theo quy định của pháp luật.
2. Căn cứ giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” bao gồm các yếu tố sau đây:
a) Tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại mà bên nguyên đơn có quyền, lợi ích hợp pháp;
b) Quyền, lợi ích hợp pháp liên quan đến tên miền của các bên tranh chấp;
c) Bị đơn đã sử dụng tên miền với dụng ý xấu, lợi dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý mà bên nguyên đơn có quyền, lợi ích hợp pháp nhằm thu lợi bất chính.
3. Nguyên đơn khi yêu cầu giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” phải cung cấp chứng cứ chứng minh các yếu tố quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
Điều 53. Thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet
1. Thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu lại quyền sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet đã phân bổ, cấp cho tổ chức, cá nhân.
2. Việc thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Thu hồi để sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh;
b) Mục đích, đối tượng sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam không còn phù hợp với quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet;
c) Không nộp đủ lệ phí phân bổ kho số viễn thông, phí sử dụng mã, số viễn thông và không khắc phục để nộp đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn nộp tiền quy định tại pháp luật về phí và lệ phí theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông;
d) Không nộp đủ phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet Việt Nam trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đến hạn nộp phí theo thông báo của đơn vị quản lý tài nguyên Internet;
đ) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Tổ chức, cá nhân bị thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet quy định tại khoản 2 Điều này phải ngừng sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet theo quyết định thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet.
4. Nhà nước bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này theo quy định sau đây:
a) Đối với mã, số viễn thông, tài nguyên Internet được phân bổ trực tiếp, cấp trực tiếp, mức bồi thường được xác định trên cơ sở mức phí sử dụng mã, số viễn thông, phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet quy định tại pháp luật về phí và lệ phí;
b) Đối với mã, số viễn thông, tài nguyên Internet được phân bổ, cấp theo phương thức đấu giá quyền sử dụng, mức bồi thường được xác định bằng số tiền trúng đấu giá.
Luật Viễn thông 2023
- Số hiệu: 24/2023/QH15
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: 24/11/2023
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Vương Đình Huệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/07/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Chính sách của Nhà nước về viễn thông
- Điều 5. Bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an toàn thông tin mạng và an ninh thông tin
- Điều 6. Bảo đảm bí mật thông tin
- Điều 7. Thông tin ưu tiên truyền qua mạng viễn thông
- Điều 8. Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia
- Điều 9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động viễn thông
- Điều 10. Hình thức kinh doanh viễn thông
- Điều 11. Sở hữu trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 12. Đầu tư trong kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 13. Quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông
- Điều 14. Quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông
- Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ viễn thông, thuê bao viễn thông
- Điều 16. Hoạt động bán buôn trong viễn thông
- Điều 17. Doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường
- Điều 18. Thiết bị đầu cuối, mạng nội bộ
- Điều 19. Thiết lập mạng viễn thông
- Điều 20. Cung cấp dịch vụ viễn thông
- Điều 21. Cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ viễn thông trên lãnh thổ Việt Nam
- Điều 22. Từ chối cung cấp dịch vụ viễn thông
- Điều 23. Ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 24. Liên lạc nghiệp vụ
- Điều 25. Dịch vụ viễn thông khẩn cấp
- Điều 26. Dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao điện thoại cố định
- Điều 27. Dịch vụ báo hỏng dịch vụ viễn thông
- Điều 28. Cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet
- Điều 29. Cung cấp và sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây
- Điều 30. Hoạt động viễn thông công ích
- Điều 31. Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam
- Điều 32. Quản lý hoạt động viễn thông công ích
- Điều 33. Giấy phép viễn thông
- Điều 34. Nguyên tắc cấp giấy phép viễn thông
- Điều 35. Hình thức cấp giấy phép viễn thông
- Điều 36. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
- Điều 37. Điều kiện về viễn thông khi tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
- Điều 38. Điều kiện cấp giấy phép nghiệp vụ viễn thông
- Điều 39. Gia hạn, cấp lại, sửa đổi, bổ sung giấy phép viễn thông
- Điều 40. Thu hồi giấy phép viễn thông, buộc chấm dứt hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông
- Điều 41. Đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông
- Điều 42. Miễn giấy phép viễn thông, đăng ký, thông báo cung cấp dịch vụ viễn thông
- Điều 43. Phí quyền hoạt động viễn thông
- Điều 44. Nguyên tắc kết nối viễn thông
- Điều 45. Kết nối mạng viễn thông công cộng
- Điều 46. Kết nối mạng viễn thông dùng riêng
- Điều 47. Chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông
- Điều 48. Quản lý tài nguyên viễn thông
- Điều 49. Quy hoạch kho số viễn thông, quy hoạch tài nguyên Internet
- Điều 50. Phân bổ, cấp, sử dụng, đăng ký, hoàn trả mã, số viễn thông, tài nguyên Internet
- Điều 51. Chuyển nhượng quyền sử dụng mã, số viễn thông, tài nguyên Internet Việt Nam
- Điều 52. Giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”
- Điều 53. Thu hồi mã, số viễn thông, tài nguyên Internet
- Điều 54. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông
- Điều 55. Quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông
- Điều 56. Giá dịch vụ viễn thông
- Điều 57. Nguyên tắc quản lý và điều tiết giá dịch vụ viễn thông
- Điều 58. Căn cứ định giá dịch vụ viễn thông
- Điều 59. Quản lý giá dịch vụ viễn thông
- Điều 60. Lập hóa đơn và thanh toán tiền sử dụng dịch vụ viễn thông
- Điều 61. Quản lý thẻ trả trước dịch vụ viễn thông di động và tài khoản SIM di động
- Điều 62. Hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ viễn thông và bồi thường thiệt hại
- Điều 63. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động
- Điều 64. Đất sử dụng cho công trình viễn thông
- Điều 65. Thiết kế, xây dựng, lắp đặt công trình viễn thông
- Điều 66. Sử dụng chung hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật
- Điều 67. Quản lý công trình viễn thông