Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về việc trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản trưng mua, trưng dụng; quyền và nghĩa vụ của người khác có liên quan đến việc trưng mua, trưng dụng tài sản.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Trưng mua tài sản là việc Nhà nước mua tài sản của tổ chức (không bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân), cá nhân, hộ gia đình thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.

2. Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.

3. Người có tài sản trưng mua là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu tài sản thuộc đối tượng trưng mua.

4. Người có tài sản trưng dụng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng trưng dụng.

Điều 3. Chính sách trưng mua, trưng dụng tài sản

1. Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp về tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư.

2. Người có tài sản trưng mua được thanh toán tiền trưng mua tài sản; người có tài sản trưng dụng bị thiệt hại về tài sản do việc trưng dụng gây ra thì được bồi thường thiệt hại theo giá thị trường.

3. Nhà nước khuyến khích và ghi nhận bằng văn bản việc tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư tự nguyện hiến, tặng cho tài sản cho Nhà nước hoặc cho Nhà nước sử dụng tài sản mà không nhận bồi thường trong trường hợp trưng mua, trưng dụng tài sản.

Điều 4. Nguyên tắc trưng mua, trưng dụng tài sản

1. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.

2. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản và không phân biệt đối xử.

3. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và phải tuân theo điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Luật này.

4. Người có tài sản trưng mua, trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản của người có thẩm quyền.

5. Việc quản lý, sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng phải đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

Điều 5. Điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản

Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

2. Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;

3. Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;

4. Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

Điều 6. Hình thức và hiệu lực của quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản

1. Quyết định trưng mua tài sản phải được thể hiện bằng văn bản.

2. Quyết định trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp đặc biệt không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói để thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng phải có giấy xác nhận.

3. Quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ký ban hành.

Điều 7. Hủy bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản

1. Quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:

a) Quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản trái với quy định của Luật này;

b) Khi quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản chưa được thực hiện nhưng điều kiện trưng mua, trưng dụng tài sản quy định tại Điều 5 của Luật này không còn;

c) Khi quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản chưa được thực hiện nhưng vì lý do khách quan mà tài sản không còn tồn tại.

2. Khi xảy ra một trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền ra quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản có trách nhiệm hủy bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản; trong trường hợp Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) không quyết định hủy bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản thì Thủ tướng Chính phủ quyết định hủy bỏ.

3. Quyết định hủy bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản và có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ký ban hành; người có tài sản trưng mua, trưng dụng được nhận quyết định hủy bỏ quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản.

4. Trường hợp quyết định trưng mua tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bị hủy bỏ mà tài sản trưng mua đã được bàn giao, tiếp nhận và người có tài sản trưng mua không nhận lại tài sản thì người có tài sản trưng mua được thanh toán theo quy định tại Điều 19 của Luật này; nếu người có tài sản trưng mua nhận lại tài sản mà việc trưng mua đã gây thiệt hại cho họ thì được bồi thường theo quy định tại Điều 34 của Luật này.

5. Trường hợp quyết định trưng dụng tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bị hủy bỏ mà tài sản trưng dụng đã được bàn giao, tiếp nhận và việc trưng dụng đó đã gây thiệt hại thì người có tài sản trưng dụng được bồi thường theo quy định tại Điều 34 của Luật này.

Điều 8. Quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng

1. Quyền sở hữu tài sản trưng mua thuộc về Nhà nước kể từ thời điểm quyết định trưng mua tài sản có hiệu lực thi hành.

2. Quyền sở hữu tài sản trưng dụng vẫn thuộc về người có tài sản trưng dụng; quyền quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng trong thời gian trưng dụng thuộc về Nhà nước.

Điều 9. Trách nhiệm quản lý nhà nước về trưng mua, trưng dụng tài sản

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trưng mua, trưng dụng tài sản trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về trưng mua, trưng dụng tài sản và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản;

b) Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản theo quy định của pháp luật;

c) Hướng dẫn việc sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thanh toán tiền trưng mua tài sản, chi trả tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra cho người có tài sản và người được huy động để vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng theo quy định của Luật này;

d) Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản theo thẩm quyền;

đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về trưng mua, trưng dụng tài sản theo thẩm quyền;

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về trưng mua, trưng dụng tài sản.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về trưng mua, trưng dụng tài sản.

Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của người có tài sản trưng mua, trưng dụng

1. Người có tài sản trưng mua, trưng dụng có các quyền sau đây:

a) Được thanh toán tiền trưng mua tài sản; được hoàn trả tài sản trưng dụng và bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra;

b) Được khen thưởng về thành tích và đóng góp trong hoạt động trưng mua, trưng dụng tài sản theo quy định của pháp luật;

c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về trưng mua, trưng dụng tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Người có tài sản trưng mua, trưng dụng có nghĩa vụ chấp hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản.

Điều 11. Quản lý, lưu trữ các tài liệu liên quan đến việc trưng mua, trưng dụng tài sản

Các tài liệu liên quan đến việc trưng mua, trưng dụng tài sản phải được lập thành hồ sơ và được quản lý, lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Trưng mua, trưng dụng tài sản không đúng đối tượng, điều kiện, thẩm quyền và trình tự, thủ tục theo quy định của Luật này.

2. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản để tham ô, tham nhũng, trục lợi hoặc vì mục đích cá nhân khác.

3. Trì hoãn, từ chối hoặc chống lại việc thực hiện quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản, quyết định huy động người vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng.

4. Bán, trao đổi, tặng cho và các giao dịch dân sự khác làm thay đổi quyền sở hữu đối với tài sản đã có quyết định trưng mua.

5. Hủy hoại, làm thay đổi hiện trạng của tài sản đã có quyết định trưng mua, trưng dụng.

6. Cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc trưng mua, trưng dụng tài sản.

7. Quản lý, sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng trái với quy định của pháp luật.

Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008

  • Số hiệu: 15/2008/QH12
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 03/06/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 521 đến số 522
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH