Hệ thống pháp luật

Chương 2 Luật trưng cầu ý dân 2015

Chương II

ĐỀ NGHỊ TRƯNG CẦU Ý DÂN VÀ QUYẾT ĐỊNH VIỆC TRƯNG CẦU Ý DÂN

Điều 14. Đề nghị trưng cầu ý dân

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

2. Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên kiến nghị Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân về cùng một vấn đề thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp các kiến nghị của đại biểu Quốc hội, chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 3 Điều này trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Việc kiến nghị và tổng hợp kiến nghị của đại biểu Quốc hội được thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật tổ chức Quốc hội.

3. Hồ sơ đề nghị trưng cầu ý dân gồm:

a) Tờ trình đề nghị trưng cầu ý dân, trong đó nêu rõ sự cần thiết của việc tổ chức trưng cầu ý dân, nội dung cần trưng cầu ý dân, dự kiến thời điểm tổ chức trưng cầu ý dân, các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân;

b) Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân;

c) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Điều 15. Thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân

1. Trước khi trình Quốc hội, đề nghị trưng cầu ý dân phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban có liên quan của Quốc hội thẩm tra.

2. Nội dung thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân tập trung vào các vấn đề sau đây:

a) Sự cần thiết của việc tổ chức trưng cầu ý dân;

b) Đối tượng, phạm vi tác động của vấn đề trưng cầu ý dân;

c) Nội dung cần trưng cầu ý dân;

d) Thời điểm trưng cầu ý dân;

đ) Các phương án, giải pháp để thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

3. Việc thẩm tra đề nghị trưng cầu ý dân phải được thực hiện tại phiên họp toàn thể của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Cơ quan chủ trì thẩm tra có trách nhiệm mời đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban khác của Quốc hội, cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp thẩm tra để phát biểu ý kiến về những nội dung của đề nghị trưng cầu ý dân.

Cơ quan thẩm tra có quyền yêu cầu cơ quan, người đã đề nghị trưng cầu ý dân báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung đề nghị trưng cầu ý dân. Cơ quan, người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng các yêu cầu của cơ quan thẩm tra.

4. Báo cáo thẩm tra phải thể hiện rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra về những nội dung quy định tại khoản 2 Điều này; phản ánh đầy đủ ý kiến của thành viên cơ quan chủ trì thẩm tra, ý kiến của cơ quan tham gia thẩm tra; việc đủ hoặc chưa đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

Điều 16. Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân

Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về đề nghị trưng cầu ý dân quy định tại Điều 14 của Luật này. Khi xét thấy đề nghị của cơ quan, người có thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa nội dung quyết định việc trưng cầu ý dân vào dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 17. Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân

1. Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân theo trình tự sau đây:

a) Đại diện cơ quan có thẩm quyền đề nghị trưng cầu ý dân trình bày tờ trình đề nghị trưng cầu ý dân; trường hợp đại biểu Quốc hội đề nghị trưng cầu ý dân thì đại diện Ủy ban thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình đề nghị trưng cầu ý dân;

b) Đại diện cơ quan chủ trì thẩm tra trình bày báo cáo thẩm tra;

c) Quốc hội thảo luận tại phiên họp toàn thể về đề nghị trưng cầu ý dân. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, đề nghị trưng cầu ý dân được thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội;

d) Trong quá trình thảo luận, đại diện cơ quan đã đề nghị trưng cầu ý dân có thể giải trình về những vấn đề liên quan mà đại biểu Quốc hội nêu;

đ) Sau khi đề nghị trưng cầu ý dân được các đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân và báo cáo Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết;

e) Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về trưng cầu ý dân.

2. Nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

3. Nghị quyết của Quốc hội về trưng cầu ý dân được công bố theo quy định của pháp luật.

Luật trưng cầu ý dân 2015

  • Số hiệu: 96/2015/QH13
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 25/11/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1261 đến số 1262
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH