Hệ thống pháp luật

Điều 24 Luật Thủ đô 2024

Điều 24. Phát triển các khu công nghệ cao

1. Việc xây dựng, phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Thành phố (sau đây gọi chung là khu công nghệ cao) được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập, điều chỉnh, mở rộng ranh giới khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do Ủy ban nhân dân Thành phố thành lập;

b) Ủy ban nhân dân Thành phố được phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý khu công nghệ cao thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong phạm vi Khu công nghệ cao Hòa Lạc;

c) Dự án đầu tư và hoạt động tại khu công nghệ cao được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật về công nghệ cao và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Khu công nghệ cao Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được áp dụng các quy định sau đây:

a) Ngân sách Thành phố bố trí vốn để đầu tư xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc;

b) Đối với khu chức năng cần đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Nhà nước đầu tư thông qua Ban Quản lý khu công nghệ cao hoặc cho nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng thuê đất đối với diện tích đất xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đất sử dụng vào mục đích công cộng theo quy hoạch phân khu xây dựng đã được phê duyệt.

Nhà nước cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án thực hiện các loại hình hoạt động công nghệ cao có sử dụng đất;

c) Nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ mục tiêu dự án sang nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo hoặc cung ứng dịch vụ công nghệ cao và tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư, quỹ đất đã được giao, cho thuê để thực hiện dự án theo mục tiêu chuyển đổi;

d) Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đối với nơi không tổ chức Hội đồng quản lý có cơ sở trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc được quyết định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong trường hợp sử dụng tài sản công để cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp hoặc trong các trường hợp được quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Việc sử dụng tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tương ứng;

đ) Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Ban Quản lý khu công nghệ cao hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong Khu công nghệ cao Hoà Lạc được xác định là tài sản công hợp pháp của đơn vị trực tiếp tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản mà không phải thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân.

3. Ban Quản lý khu công nghệ cao là tổ chức hành chính thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố. Ban Quản lý khu công nghệ cao được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết xây dựng trong phạm vi khu công nghệ cao;

b) Chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân Thành phố; cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án đầu tư tại khu công nghệ cao;

c) Chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được của các doanh nghiệp có trụ sở chính tại khu công nghệ cao hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị có vị trí công việc cần sử dụng người lao động nước ngoài mà phạm vi làm việc chỉ trong khu công nghệ cao; chấp thuận sử dụng người lao động nước ngoài của nhà thầu hoạt động tại khu công nghệ cao; cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động đối với người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao; xác nhận người nước ngoài làm việc tại khu công nghệ cao không thuộc diện cấp giấy phép lao động;

d) Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi, hủy giấy phép xây dựng đối với việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình trong phạm vi khu công nghệ cao;

đ) Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đất đai trong phạm vi Khu công nghệ cao Hòa Lạc khi được Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp, ủy quyền;

e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Hội đồng nhân dân Thành phố quy định các nội dung sau đây:

a) Trình tự, thủ tục thực hiện thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, các điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này; việc thực hiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố;

b) Cơ chế, chính sách, biện pháp ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao làm việc tại khu công nghệ cao và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại khu công nghệ cao;

c) Việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả của người sử dụng đất tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả đối với một số trường hợp cụ thể;

d) Việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong phạm vi Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập, lấy ý kiến, quyết định đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, phương thức và giá cho thuê tài sản công quy định tại điểm d khoản 2 Điều này và việc thực hiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Luật Thủ đô 2024

  • Số hiệu: 39/2024/QH15
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 28/06/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 983 đến số 984
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH