Hệ thống pháp luật

Chương 1 Luật Quản lý thuế 2019

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người nộp thuế bao gồm:

a) Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

b) Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước;

c) Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế.

2. Cơ quan quản lý thuế bao gồm:

a) Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực;

b) Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.

3. Công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan.

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.

2. Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm:

a) Phí và lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí;

b) Tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước;

c) Tiền thuê đất, thuê mặt nước;

d) Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản;

đ) Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;

e) Tiền nộp ngân sách nhà nước từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

g) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan;

h) Tiền chậm nộp và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

3. Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm:

a) Tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ lĩnh vực thuế và hải quan;

d) Tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công từ việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí;

đ) Thu viện trợ;

e) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

4. Trụ sở của người nộp thuế là địa điểm người nộp thuế tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh, bao gồm trụ sở chính, chi nhánh, cửa hàng, nơi sản xuất, nơi để hàng hóa, nơi để tài sản dùng cho sản xuất, kinh doanh; nơi cư trú hoặc nơi phát sinh nghĩa vụ thuế.

5. Mã số thuế là một dãy số gồm 10 chữ số hoặc 13 chữ số và ký tự khác do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế dùng để quản lý thuế.

6. Kỳ tính thuế là khoảng thời gian để xác định số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về thuế.

7. Tờ khai thuế là văn bản theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định được người nộp thuế sử dụng để kê khai các thông tin nhằm xác định số tiền thuế phải nộp.

8. Tờ khai hải quan là văn bản theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định được sử dụng làm tờ khai thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

9. Hồ sơ thuế là hồ sơ đăng ký thuế, khai thuế, hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, miễn tiền chậm nộp, không tính tiền chậm nộp, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, không thu thuế; hồ sơ hải quan; hồ sơ khoanh tiền thuế nợ; hồ sơ xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

10. Khai quyết toán thuế là việc xác định số tiền thuế phải nộp của năm tính thuế hoặc thời gian từ đầu năm tính thuế đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc thời gian từ khi phát sinh đến khi chấm dứt hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

11. Năm tính thuế được xác định theo năm dương lịch từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12; trường hợp năm tài chính khác năm dương lịch thì năm tính thuế áp dụng theo năm tài chính.

12. Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế là việc nộp đủ số tiền thuế phải nộp, số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

13. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế là việc áp dụng biện pháp theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan buộc người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

14. Rủi ro về thuế là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của người nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

15. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.

16. Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan thuế với người nộp thuế hoặc giữa cơ quan thuế với người nộp thuế và cơ quan thuế nước ngoài, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế thu nhập cho một thời hạn nhất định, trong đó xác định cụ thể các căn cứ tính thuế, phương pháp xác định giá tính thuế hoặc giá tính thuế theo giá thị trường. Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được xác lập trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế.

17. Tiền thuế nợ là tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu mà người nộp thuế chưa nộp ngân sách nhà nước khi hết thời hạn nộp theo quy định.

18. Cơ sở dữ liệu thương mại là hệ thống thông tin tài chính và dữ liệu của doanh nghiệp được tổ chức, sắp xếp và cập nhật do các tổ chức kinh doanh cung cấp cho cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

19. Thông tin người nộp thuế là thông tin về người nộp thuế và thông tin liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế do người nộp thuế cung cấp, do cơ quan quản lý thuế thu thập được trong quá trình quản lý thuế.

20. Hệ thống thông tin quản lý thuế bao gồm hệ thống thông tin thống kê, kế toán thuế và các thông tin khác phục vụ công tác quản lý thuế.

21. Các bên có quan hệ liên kết là các bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn vào doanh nghiệp; các bên cùng chịu sự điều hành, kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp bởi một tổ chức hoặc cá nhân; các bên cùng có một tổ chức hoặc cá nhân tham gia góp vốn; các doanh nghiệp được điều hành, kiểm soát bởi các cá nhân có mối quan hệ mật thiết trong cùng một gia đình.

22. Giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết.

23. Giao dịch độc lập là giao dịch giữa các bên không có quan hệ liên kết.

24. Nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch độc lập.

25. Nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế nhằm phân tích các giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.

26. Công ty mẹ tối cao của tập đoàn là pháp nhân có vốn chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp tại các pháp nhân khác của một tập đoàn đa quốc gia, không bị sở hữu bởi bất kỳ pháp nhân nào khác và báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao của tập đoàn không được hợp nhất vào bất kỳ báo cáo tài chính của một pháp nhân nào khác trên toàn cầu.

27. Trường hợp bất khả kháng bao gồm:

a) Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;

b) Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 4. Nội dung quản lý thuế

1. Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế.

2. Hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế.

3. Khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.

4. Quản lý thông tin người nộp thuế.

5. Quản lý hóa đơn, chứng từ.

6. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế và thực hiện biện pháp phòng, chống, ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế.

7. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

8. Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.

9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.

10. Hợp tác quốc tế về thuế.

11. Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.

Điều 5. Nguyên tắc quản lý thuế

1. Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật.

2. Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

5. Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định của Chính phủ.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế

1. Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế.

2. Gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế.

3. Lợi dụng để chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép tiền thuế.

4. Cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp.

5. Cản trở công chức quản lý thuế thi hành công vụ.

6. Sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cho người khác sử dụng mã số thuế của mình không đúng quy định của pháp luật.

7. Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

8. Làm sai lệch, sử dụng sai mục đích, truy cập trái phép, phá hủy hệ thống thông tin người nộp thuế.

Điều 7. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế

1. Đồng tiền khai thuế, nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

2. Người nộp thuế hạch toán kế toán bằng ngoại tệ theo quy định của Luật Kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch.

3. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đồng tiền nộp thuế là Đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được phép khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Tỷ giá tính thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định đồng tiền khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi quy định tại khoản 1, khoản 3 và tỷ giá giao dịch thực tế quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 8. Giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

1. Người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Người nộp thuế đã thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế thì không phải thực hiện phương thức giao dịch khác.

3. Cơ quan quản lý thuế khi tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử phải xác nhận việc hoàn thành giao dịch điện tử của người nộp thuế, bảo đảm quyền của người nộp thuế quy định tại Điều 16 của Luật này.

4. Người nộp thuế phải thực hiện yêu cầu của cơ quan quản lý thuế nêu tại thông báo, quyết định, văn bản điện tử như đối với thông báo, quyết định, văn bản bằng giấy của cơ quan quản lý thuế.

5. Chứng từ điện tử sử dụng trong giao dịch điện tử phải được ký điện tử phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

6. Cơ quan, tổ chức đã kết nối thông tin điện tử với cơ quan quản lý thuế thì phải sử dụng chứng từ điện tử trong quá trình thực hiện giao dịch với cơ quan quản lý thuế; sử dụng chứng từ điện tử do cơ quan quản lý thuế cung cấp để giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế và không được yêu cầu người nộp thuế nộp chứng từ giấy.

7. Cơ quan quản lý thuế tổ chức hệ thống thông tin điện tử có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn, hỗ trợ để người nộp thuế, tổ chức cung cấp dịch vụ về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, ngân hàng và các tổ chức liên quan thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế;

b) Xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống tiếp nhận và xử lý dữ liệu thuế điện tử bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật và liên tục;

c) Xây dựng hệ thống kết nối thông tin, cung cấp thông tin về số tiền thuế đã nộp ngân sách nhà nước, thông tin về tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bằng điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính cho người nộp thuế theo quy định;

d) Cập nhật, quản lý, cung cấp các thông tin đăng ký sử dụng giao dịch thuế điện tử của người nộp thuế; xác thực giao dịch điện tử của người nộp thuế cho các cơ quan, tổ chức phối hợp thu ngân sách nhà nước để thực hiện quản lý thuế và quản lý thu ngân sách nhà nước;

đ) Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuế cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử;

e) Trường hợp chứng từ điện tử của người nộp thuế đã được lưu trong cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế phải thực hiện khai thác, sử dụng dữ liệu trên hệ thống, không được yêu cầu người nộp thuế cung cấp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế bằng giấy.

8. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.

Điều 9. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế

1. Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, hoàn thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản l‎ý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

2. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong khai thuế, hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

3. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế gồm nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

4. Đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế được quy định như sau:

a) Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế được thực hiện dựa trên hệ thống các tiêu chí, thông tin về lịch sử quá trình hoạt động của người nộp thuế, quá trình tuân thủ pháp luật và mối quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý thuế trong việc thực hiện pháp luật về thuế và mức độ vi phạm pháp luật về thuế;

b) Phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế được thực hiện dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Trong quá trình phân loại mức độ rủi ro, cơ quan quản lý thuế xem xét các nội dung có liên quan, gồm thông tin về dấu hiệu rủi ro; dấu hiệu, hành vi vi phạm trong quản lý thuế; thông tin về kết quả hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế, cơ quan khác có liên quan theo quy định của Luật này;

c) Cơ quan quản lý thuế sử dụng kết quả đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và kết quả phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

5. Cơ quan quản lý thuế ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để tự động tích hợp, xử lý dữ liệu phục vụ việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, phân loại mức độ rủi ro và việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Điều 10. Xây dựng lực lượng quản lý thuế

1. Lực lượng quản lý thuế được xây dựng trong sạch, vững mạnh; được trang bị và làm chủ kỹ thuật hiện đại, hoạt động hiệu lực và hiệu quả.

2. Công chức quản lý thuế là người có đủ điều kiện được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan quản lý thuế; được đào tạo, bồi dưỡng và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

3. Chế độ phục vụ, chức danh, tiêu chuẩn, lương, chế độ đãi ngộ khác, cấp hiệu, trang phục của công chức quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm đào tạo, xây dựng đội ngũ công chức quản lý thuế để thực hiện chức năng quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Hiện đại hóa công tác quản lý thuế

1. Công tác quản lý thuế được hiện đại hóa về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức, áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kỹ thuật hiện đại trên cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về người nộp thuế để kiểm soát được tất cả đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế; bảo đảm dự báo nhanh, chính xác số thu của ngân sách nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, vi phạm pháp luật về thuế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Nhà nước bảo đảm các nguồn lực tài chính để thực hiện nội dung quy định tại khoản này.

2. Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển công nghệ và phương tiện kỹ thuật tiên tiến để áp dụng phương pháp quản lý thuế hiện đại, thực hiện giao dịch điện tử và quản lý thuế điện tử; đẩy mạnh phát triển các dịch vụ thanh toán thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác để từng bước hạn chế các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt của người nộp thuế.

3. Cơ quan quản lý thuế xây dựng hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tiêu chuẩn kỹ thuật, định dạng dữ liệu về hóa đơn, chứng từ điện tử, hồ sơ thuế để thực hiện giao dịch điện tử giữa người nộp thuế với cơ quan quản lý thuế và giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 12. Hợp tác quốc tế về thuế của cơ quan quản lý thuế

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm sau đây:

1. Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính đề xuất đàm phán, ký kết và thực hiện quyền, nghĩa vụ và bảo đảm lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

2. Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa thuận song phương, đa phương với cơ quan quản lý thuế nước ngoài;

3. Tổ chức khai thác, trao đổi thông tin và hợp tác nghiệp vụ với cơ quan quản lý thuế nước ngoài, các tổ chức quốc tế có liên quan. Trao đổi thông tin về người nộp thuế, thông tin về các bên liên kết với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết;

4. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên bao gồm:

a) Đề nghị cơ quan quản lý thuế nước ngoài và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hỗ trợ thu thuế tại nước ngoài đối với các khoản nợ thuế tại Việt Nam mà người nộp thuế có nghĩa vụ phải nộp khi người nộp thuế không còn ở Việt Nam;

b) Thực hiện hỗ trợ thu thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế nước ngoài đối với các khoản nợ thuế phải nộp tại nước ngoài của người nộp thuế tại Việt Nam bằng biện pháp đôn đốc thu nợ thuế theo quy định của Luật này và phù hợp với thực tiễn quản lý thuế của Việt Nam.

Điều 13. Kế toán, thống kê về thuế

1. Cơ quan quản lý thuế thực hiện hạch toán kế toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế phải thu, đã thu, miễn, giảm, xóa nợ, không thu thuế, hoàn trả theo quy định của pháp luật về kế toán và pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Cơ quan quản lý thuế thực hiện thống kê số tiền thuế được ưu đãi, miễn, giảm và các thông tin thống kê khác về thuế, người nộp thuế theo quy định của pháp luật về thống kê và pháp luật về thuế.

3. Hằng năm, cơ quan quản lý thuế nộp báo cáo kế toán, thống kê về thuế cho cơ quan có thẩm quyền và thực hiện công khai thông tin theo quy định của pháp luật.

Luật Quản lý thuế 2019

  • Số hiệu: 38/2019/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 13/06/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 561 đến số 562
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH