Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 9 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Mục 2. XỬ LÝ HÀNH VI KHÁC VI PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Điều 94. Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

1. Hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng là những hành vi không thuộc trường hợp quy định tạiĐiều 2 của Luật nàybao gồm:

a) Vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ;

c) Vi phạm quy định về quy tắc ứng xử;

d) Vi phạm quy định về xung đột lợi ích;

đ) Vi phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn;

e) Vi phạm quy định về nghĩa vụ báo cáo về hành vi tham nhũng và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng;

g) Vi phạm quy định về nghĩa vụ trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;

h) Vi phạm quy định về thời hạn kê khai tài sản, thu nhập hoặc vi phạm quy định khác về kiểm soát tài sản, thu nhập.

2. Người có hành vi quy định tại một trong các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi quy định tại điểm g khoản 1 Điều này thì bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật này.

3. Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét áp dụng tăng hình thức kỷ luật.

Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều này.

Điều 95. Xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện vi phạm quy định tại Điều 80 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý như sau:

1. Doanh nghiệp, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

2. Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức đó.Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các biện pháp xử lý đối với người giữ chức danh, chức vụ quản lý thì bị cơ quan có thẩm quyền thanh tra công bố công khai về tên, địa chỉ và hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

  • Số hiệu: 36/2018/QH14
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: 20/11/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1137 đến số 1138
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH