Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/1997/QH10 | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1997 |
LUẬT
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 06/1997/QHX
Để xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia; tăng cường quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; góp phần phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Luật này quy định về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 1. Vị trí, chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) là cơ quan của Chính phủ và là ngân hàng trung ương của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; là ngân hàng phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và ngân hàng làm dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ.
3. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Ngân hàng Nhà nước là một pháp nhân, có vốn pháp định thuộc sở hữu nhà nước; có trụ sở chính tại Thủ đô Hà Nội.
Điều 2. Chính sách tiền tệ quốc gia
Chính sách tiền tệ quốc gia là một bộ phận của chính sách kinh tế - tài chính của Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân.
Nhà nước thống nhất quản lý mọi hoạt động ngân hàng; có chính sách để động viên các nguồn lực trong nước là chính, tranh thủ tối đa nguồn lực ngoài nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế; bảo đảm vai trò chủ đạo và chủ lực của các tổ chức tín dụng nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ quyền quốc gia; mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Điều 3. Quyết định và tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
1. Quốc hội quyết định và giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, mức lạm phát dự kiến hàng năm trong mối tương quan với cân đối ngân sách nhà nước và mức tăng trưởng kinh tế.
2. Chủ tịch nước thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định trong việc đàm phán, ký kết, tham gia, phê chuẩn điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về lĩnh vực tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
3. Chính phủ xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia, mức lạm phát dự kiến hàng năm trình Quốc hội quyết định; tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; quyết định lượng tiền cung ứng bổ sung cho lưu thông hàng năm, mục đích sử dụng số tiền này và định kỳ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội; quyết định các chính sách cụ thể khác và các giải pháp thực hiện.
Điều 4. Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia
1. Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia để tư vấn cho Chính phủ trong việc quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về chính sách tiền tệ.
2. Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia gồm: Chủ tịch là một Phó Thủ tướng Chính phủ, Uỷ viên thường trực là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các uỷ viên khác là đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành hữu quan khác và các chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia do Chính phủ quy định.
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
a) Tham gia xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước;
b) Xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia để Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định và tổ chức thực hiện chính sách này; xây dựng chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng Việt Nam;
c) Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo thẩm quyền;
d) Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, trừ trường hợp do Thủ tướng Chính phủ quyết định; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; quyết định giải thể, chấp thuận chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
đ) Kiểm tra, thanh tra hoạt động ngân hàng; kiểm soát tín dụng; xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo thẩm quyền;
e) Quản lý việc vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ;
g) Chủ trì lập và theo dõi kết quả thực hiện cán cân thanh toán quốc tế;
h) Quản lý hoạt động ngoại hối và quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
i) Ký kết, tham gia điều ước quốc tế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật;
k) Đại diện cho Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ và ngân hàng quốc tế trong những trường hợp được Chủ tịch nước, Chính phủ uỷ quyền;
l) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ ngân hàng.
2. Trong việc thực hiện chức năng ngân hàng trung ương:
b) Thực hiện tái cấp vốn nhằm cung ứng tín dụng ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho nền kinh tế;
c) Điều hành thị trường tiền tệ; thực hiện nghiệp vụ thị trường mở;
d) Kiểm soát Dự trữ quốc tế; quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước;
đ) Tổ chức hệ thống thanh toán qua ngân hàng, làm dịch vụ thanh toán, quản lý việc cung ứng các phương tiện thanh toán;
e) Làm đại lý và thực hiện các dịch vụ ngân hàng cho Kho bạc Nhà nước;
g) Tổ chức hệ thống thông tin và làm các dịch vụ thông tin ngân hàng.
3. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
2. Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, dự kiến tổng mức tạm ứng cho ngân sách nhà nước trong năm tiếp theo và thực hiện các quy định khác của Luật này về quan hệ giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước.
Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tại địa phương.
Điều 8. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với hoạt động ngân hàng
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia với các cơ quan nhà nước trong việc giám sát thi hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tiền tệ là phương tiện thanh toán, bao gồm tiền giấy, tiền kim loại và các giấy tờ có giá như tiền.
2. Thị trường tiền tệ là thị trường vốn ngắn hạn, nơi mua, bán các giấy tờ có giá ngắn hạn, bao gồm tín phiếu kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác. 3. Hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi và sử dụng số tiền này để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán.
4. Nghiệp vụ thị trường mở là nghiệp vụ mua, bán các giấy tờ có giá ngắn hạn do Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
5. Dự trữ bắt buộc là số tiền mà tổ chức tín dụng phải gửi tại Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
6. Ngoại hối là tiền nước ngoài, vàng tiêu chuẩn quốc tế, các giấy tờ có giá và các công cụ thanh toán bằng tiền nước ngoài.
7. Hoạt động ngoại hối là các hoạt động đầu tư, vay, cho vay, bảo lãnh, mua, bán và các giao dịch khác về ngoại hối.
8. Tỷ giá hối đoái là tỷ lệ giữa giá trị của đồng Việt Nam với giá trị của đồng tiền nước ngoài.
9. Dự trữ quốc tế là Dự trữ ngoại hối nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quản lý và Dự trữ ngoại hối của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối.
10. Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng có bảo đảm của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho các ngân hàng.
11. Cho vay lại theo hồ sơ tín dụng là hình thức tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng đã cho vay đối với khách hàng.
12. Lãi suất cơ bản là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh.
13. Lãi suất tái cấp vốn là lãi suất do Ngân hàng Nhà nước áp dụng khi tái cấp vốn.
14. Lãi suất tái chiết khấu là hình thức lãi suất tái cấp vốn được áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác cho các tổ chức tín dụng.
15. Giấy tờ có giá ngắn hạn là giấy tờ có giá có thời hạn dưới một năm.
TỔ CHỨC CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
1. Ngân hàng Nhà nước được tổ chức thành hệ thống tập trung, thống nhất gồm bộ máy điều hành và hoạt động nghiệp vụ tại trụ sở chính, các chi nhánh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các văn phòng đại diện ở trong nước, ở ngoài nước và các đơn vị trực thuộc.
2. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy điều hành của Ngân hàng Nhà nước do Chính phủ quy định.
Điều 11. Lãnh đạo và điều hành Ngân hàng Nhà nước
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Thống đốc) là thành viên Chính phủ, chịu trách nhiệm lãnh đạo và điều hành Ngân hàng Nhà nước.
2. Thống đốc có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước quy định tại Điều 5 của Luật này và các quy định của Luật tổ chức Chính phủ;
b) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về lĩnh vực mình phụ trách;
c) Đại diện pháp nhân Ngân hàng Nhà nước.
Điều 12. Chi nhánh, văn phòng đại diện
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng Nhà nước, chịu sự lãnh đạo và điều hành tập trung, thống nhất của Thống đốc.
Chi nhánh được thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây theo uỷ quyền của Thống đốc:
a) Kiểm tra, thanh tra hoạt động ngân hàng trên địa bàn được phân công;
b) Cấp, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng và giấy phép hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; quyết định giải thể, chấp thuận chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các tổ chức tín dụng trên địa bàn;
c) Thực hiện nghiệp vụ tái cấp vốn và cho vay thanh toán;
d) Cung ứng dịch vụ thanh toán, ngân quỹ và các dịch vụ ngân hàng khác cho các tổ chức tín dụng và Kho bạc Nhà nước;
đ) Thực hiện các uỷ quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của Ngân hàng Nhà nước, có nhiệm vụ đại diện theo sự uỷ quyền của Thống đốc. Văn phòng đại diện không được tiến hành hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.
3. Thống đốc quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chi nhánh, văn phòng đại diện của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 13. Các đơn vị trực thuộc
1. Ngân hàng Nhà nước có các đơn vị sự nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung ứng dịch vụ tin học, thông tin và báo chí chuyên ngành ngân hàng.
2. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập các doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để cung cấp sản phẩm chuyên dùng phục vụ hoạt động ngân hàng.
Điều 14. Trách nhiệm của cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước
Cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện các quy định sau đây:
1. Giữ bí mật hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và bí mật tiền gửi của khách hàng theo quy định của pháp luật;
2. Không được làm tư vấn, đại diện hoặc cộng tác viên cho các tổ chức tiền tệ, tín dụng, thương mại, tài chính hoặc tổ chức kinh doanh khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
3. Không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ, sách nhiễu, mưu lợi cá nhân;
4. Thực hiện các nghĩa vụ khác của cán bộ, công chức nhà nước theo quy định của pháp luật.
HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Mục 1: THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ QUỐC GIA
Điều 15. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
Trong việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:
1. Chủ trì xây dựng dự án chính sách tiền tệ quốc gia, kế hoạch cung ứng lượng tiền bổ sung cho lưu thông hàng năm trình Chính phủ;
2. Điều hành các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; thực hiện việc đưa tiền ra lưu thông, rút tiền từ lưu thông về theo tín hiệu của thị trường trong phạm vi lượng tiền cung ứng đã được Chính phủ phê duyệt;
3. Báo cáo Chính phủ, Quốc hội kết quả thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Điều 16. Công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia
Để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác do Thống đốc quyết định.
Điều 17. Hình thức tái cấp vốn
Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc tái cấp vốn cho các ngân hàng theo những hình thức sau đây:
1. Cho vay lại theo hồ sơ tín dụng;
2. Chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác;
3. Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác.
Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố lãi suất cơ bản và lãi suất tái cấp vốn.
1. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
2. Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam.
1. Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi với mức từ 0% đến 20% tổng số dư tiền gửi tại mỗi tổ chức tín dụng trong từng thời kỳ.
2. Việc trả lãi đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc của từng loại hình tổ chức tín dụng, từng loại tiền gửi trong từng thời kỳ do Chính phủ quy định.
Điều 21. Nghiệp vụ thị trường mở
Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ thị trường mở thông qua việc mua, bán tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các loại giấy tờ có giá ngắn hạn khác trên thị trường tiền tệ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Mục 2: PHÁT HÀNH TIỀN GIẤY VÀ TIỀN KIM LOẠI
Đơn vị tiền tệ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là "đồng", ký hiệu quốc gia là "đ", ký hiệu quốc tế là "VND"; một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.
1. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm tiền giấy và tiền kim loại.
2. Tiền giấy và tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành được dùng làm phương tiện thanh toán không hạn chế trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước quản lý tiền dự trữ phát hành theo quy định của Chính phủ.
4. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
5. Tiền phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 24. In, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, tiêu huỷ tiền
1. Ngân hàng Nhà nước thiết kế mệnh giá, kích thước, trọng lượng, hình vẽ, hoa văn và các đặc điểm khác của tiền giấy, tiền kim loại trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, tiêu huỷ tiền.
Điều 25. Xử lý tiền rách nát, hư hỏng
Ngân hàng Nhà nước quy định tiêu chuẩn phân loại tiền rách nát, hư hỏng; đổi, thu hồi các loại tiền rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông; không đổi những đồng tiền rách nát, hư hỏng do hành vi phá hoại.
Điều 26. Thu hồi, thay thế tiền
Ngân hàng Nhà nước thu hồi và rút khỏi lưu thông các loại tiền không còn thích hợp và phát hành các loại tiền khác thay thế. Các loại tiền thu hồi được đổi lấy các loại tiền khác với giá trị tương đương trong thời hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định. Sau thời hạn thu đổi, các loại tiền thu hồi không còn giá trị lưu hành.
Điều 27. Tiền mẫu, tiền lưu niệm
Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện việc in, đúc, bán ở trong nước và ngoài nước các loại tiền mẫu, tiền lưu niệm được thiết kế phục vụ cho mục đích sưu tập hoặc mục đích khác theo quy định của Chính phủ.
Điều 28. Ban hành và kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế nghiệp vụ phát hành tiền
1. Chính phủ ban hành quy chế nghiệp vụ phát hành tiền bao gồm các quy định về việc in, đúc, bảo quản, vận chuyển, phát hành, thu hồi, thay thế, tiêu huỷ tiền và chi phí cho các hoạt động nghiệp vụ phát hành tiền.
2. Bộ Tài chính kiểm tra việc thực hiện quy chế nghiệp vụ phát hành tiền; Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ giám sát quá trình in, đúc, tiêu huỷ tiền.
Điều 29. Các hành vi bị nghiêm cấm
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả;
2. Huỷ hoại đồng tiền;
3. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
1. Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng là ngân hàng vay ngắn hạn dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định tại Điều 17 của Luật này.
2. Trong trường hợp đặc biệt, khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước cho vay đối với tổ chức tín dụng tạm thời mất khả năng chi trả, có nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng.
3. Ngân hàng Nhà nước không cho vay đối với cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Ngân hàng Nhà nước không bảo lãnh cho tổ chức, cá nhân vay vốn, trừ trường hợp có chỉ định của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo lãnh cho tổ chức tín dụng vay vốn nước ngoài.
Điều 32. Tạm ứng cho ngân sách nhà nước
Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách trung ương để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Khoản tạm ứng này phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Ngân hàng Nhà nước không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khác.
Mục 4: MỞ TÀI KHOẢN, HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN VÀ NGÂN QUỸ
1. Ngân hàng Nhà nước được mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế.
2. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản và thực hiện các giao dịch cho các tổ chức tín dụng trong nước, các ngân hàng nước ngoài và tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế.
3. Ngân hàng Nhà nước mở tài khoản và thực hiện các giao dịch cho Kho bạc Nhà nước. ở huyện, thị xã không phải là tỉnh lỵ, Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại nhà nước.
Điều 35. Hoạt động thanh toán và ngân quỹ
1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức hệ thống thanh toán liên ngân hàng và cung cấp các dịch vụ thanh toán.
2. Ngân hàng Nhà nước làm dịch vụ ngân quỹ thông qua việc thu và phát tiền mặt cho khách hàng.
3. Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt và không dùng tiền mặt theo yêu cầu của chủ tài khoản.
4. Ngân hàng Nhà nước ký kết và thực hiện các thoả thuận về thanh toán với ngân hàng nước ngoài và tổ chức tiền tệ, ngân hàng quốc tế theo quy định của pháp luật.
Điều 36. Đại lý cho Kho bạc Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước làm đại lý cho Kho bạc Nhà nước trong việc tổ chức đấu thầu, phát hành và thanh toán tín phiếu, trái phiếu kho bạc.
Mục 5: QUẢN LÝ NGOẠI HỐI VÀ HOẠT ĐỘNG NGOẠI HỐI
Điều 37. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối
Trong việc quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác về quản lý ngoại hối; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại hối theo thẩm quyền;
2. Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngoại hối;
3. Tổ chức, điều hành thị trường ngoại tệ liên ngân hàng và thị trường ngoại hối trong nước;
4. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối; kiểm soát việc xuất, nhập ngoại hối;
5. Kiểm soát hoạt động ngoại hối của các tổ chức tín dụng;
6. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác về quản lý ngoại hối theo quy định của pháp luật.
Điều 38. Quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước
1. Dự trữ ngoại hối nhà nước bao gồm:
a) Ngoại tệ tiền mặt, số dư ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ở nước ngoài;
b) Hối phiếu và các giấy nhận nợ của nước ngoài bằng ngoại tệ;
c) Các chứng khoán nợ do Chính phủ, ngân hàng nước ngoài, tổ chức tiền tệ hoặc ngân hàng quốc tế phát hành, bảo lãnh;
d) Vàng;
đ) Các loại ngoại hối khác của Nhà nước.
2. Ngân hàng Nhà nước quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của Chính phủ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm khả năng thanh toán quốc tế, bảo toàn Dự trữ ngoại hối nhà nước.
3. Việc sử dụng Dự trữ ngoại hối nhà nước cho các nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4. Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình biến động Dự trữ ngoại hối nhà nước.
5. Bộ Tài chính kiểm tra việc quản lý Dự trữ ngoại hối nhà nước do Ngân hàng Nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Điều 39. Hoạt động ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc mua, bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện các giao dịch ngoại hối khác theo quy định của Chính phủ.
Điều 40. Thu nhận và cung cấp thông tin
1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu nhận, phân tích và dự báo thông tin trong nước và ngoài nước về kinh tế, tài chính, tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm phục vụ việc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Tổ chức hữu quan có trách nhiệm cung cấp các thông tin cần thiết cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Chính phủ.
2. Ngân hàng Nhà nước trao đổi và làm dịch vụ thông tin về tiền tệ, hoạt động ngân hàng cho các tổ chức tín dụng, các tổ chức khác và cá nhân.
Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin về tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Thống đốc quy định phạm vi, hình thức và thời điểm công bố các thông tin này.
Điều 42. Bảo vệ bí mật thông tin
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và trình Chính phủ quyết định danh mục tài liệu mật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật của Ngân hàng Nhà nước và của khách hàng theo quy định của pháp luật.
TÀI CHÍNH, HẠCH TOÁN KẾ TOÁN VÀ BÁO CÁO CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước do ngân sách nhà nước cấp. Mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thu, chi tài chính của Ngân hàng Nhà nước về nguyên tắc thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Chính phủ quy định những nội dung thu, chi tài chính đặc thù phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 45. Chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước
Chênh lệch thu, chi hàng năm của Ngân hàng Nhà nước được xác định từ nguồn thu về hoạt động nghiệp vụ ngân hàng và các nguồn thu khác, sau khi trừ chi phí hoạt động và khoản dự phòng rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước trích từ chênh lệch thu, chi để lập quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định của Chính phủ; số còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Điều 47. Hạch toán kế toán của Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước thực hiện hạch toán theo hệ thống tài khoản kế toán và chế độ chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê.
Báo cáo tài chính của Ngân hàng Nhà nước hàng năm phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và xác nhận.
Điều 49. Năm tài chính, báo cáo tài chính
1. Năm tài chính của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
2. Ngân hàng Nhà nước thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
THANH TRA NGÂN HÀNG, TỔNG KIỂM SOÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
1. Thanh tra ngân hàng là thanh tra chuyên ngành về ngân hàng, thuộc bộ máy của Ngân hàng Nhà nước.
2. Quan hệ giữa Thanh tra ngân hàng và Thanh tra nhà nước do pháp luật về thanh tra quy định.
3. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Thanh tra ngân hàng do Chính phủ quy định.
Điều 51. Đối tượng, mục đích của Thanh tra ngân hàng
1. Đối tượng của Thanh tra ngân hàng là tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác.
2. Mục đích của Thanh tra ngân hàng là góp phần bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, phục vụ việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
Điều 52. Nội dung hoạt động của Thanh tra ngân hàng
Nội dung hoạt động của Thanh tra ngân hàng gồm có:
1. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, việc thực hiện các quy định trong giấy phép hoạt động ngân hàng;
2. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng;
3. Kiến nghị các biện pháp bảo đảm thi hành pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Điều 53. Quyền hạn của Thanh tra ngân hàng
Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra ngân hàng có những quyền hạn sau đây:
1. Yêu cầu đối tượng bị thanh tra và các bên có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ và trả lời những vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;
2. Lập biên bản thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;
3. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 54. Trách nhiệm của Thanh tra ngân hàng
Khi tiến hành thanh tra, Thanh tra ngân hàng có trách nhiệm:
1. Xuất trình quyết định thanh tra và thẻ Thanh tra viên;
2. Thực hiện đúng trình tự, thủ tục thanh tra, không gây phiền hà, sách nhiễu làm cản trở hoạt động ngân hàng bình thường và gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng;
3. Báo cáo Thống đốc về kết quả thanh tra và kiến nghị biện pháp giải quyết;
4. Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước Thống đốc và trước pháp luật về kết luận thanh tra và mọi hành vi, quyết định của mình.
Khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra, tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng có những quyền sau đây:
1. Yêu cầu Thanh tra viên xuất trình quyết định thanh tra, thẻ Thanh tra viên và thực hiện đúng pháp luật về thanh tra;
2. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi của Thanh tra viên và kết luận, quyết định của Thanh tra ngân hàng mà mình cho là không đúng;
3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi, quyết định xử lý không đúng pháp luật của Thanh tra ngân hàng gây ra.
Khi Thanh tra ngân hàng thực hiện việc thanh tra, tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngân hàng có những nghĩa vụ sau đây:
1. Thực hiện các yêu cầu của Thanh tra ngân hàng về nội dung thanh tra;
2. Chấp hành các quyết định xử lý của Thanh tra ngân hàng.
1. Tổng kiểm soát là đơn vị thuộc bộ máy của Ngân hàng Nhà nước, có những nhiệm vụ sau đây:
a) Kiểm soát hoạt động của các đơn vị thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước;
b) Kiểm toán nội bộ đối với các đơn vị thực hiện nghiệp vụ ngân hàng trung ương.
2. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Tổng kiểm soát do Thống đốc quy định.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng, thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Điều 59. Đối tượng và hành vi vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Điều 29 của Luật này; hoạt động ngân hàng không có giấy phép hoặc hoạt động ngoài phạm vi được quy định trong giấy phép; cản trở, gây khó khăn cho việc kiểm tra, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước; vi phạm các quy định khác của Luật này và các quy định khác của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước có hành vi vi phạm các quy định tại Điều 14 của Luật này; thiếu trách nhiệm trong khi thi hành nhiệm vụ, bao che cho tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước hoặc của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 61. Khiếu nại, khởi kiện về quyết định xử lý vi phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng có quyền khiếu nại đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Toà án. Việc khiếu nại, khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trong thời gian khiếu nại hoặc khởi kiện, tổ chức, cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính vẫn phải thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì thi hành theo quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo bản án, quyết định của Toà án.
1. Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1998. 2. Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 23 tháng 5 năm 1990 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
3. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức việc rà soát các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng để tự mình huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với các quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
| Nông Đức Mạnh (Đã ký) |
- 1Directive No. 03/2007/CT-NHNN of May 28th, 2007, on controlling the amount and quality of credit and loans for securities investment and trading, aimed at controlling inflation and boosting economic growth.
- 2Directive No. 02/2006/CT-NHNN of May 23, 2006, on the intensification of restraining and preventive measures for risks in business activity of credit institutions
- 3Decision No. 108/2006/QD-TTg of May 19, 2006, establishing the Vietnam Development Bank
- 4Circular No. 03/2006/TT-NHNN of April 25, 2006, guiding a number of contents of the government''s decree no. 89/1999/ND-CP of september 1, 1999, on deposit insurance, and decree no. 109/2005/ND-CP of august 24, 2005, amending and supplementing a number of articles of decree no. 89/1999/ND-CP
- 5Decision No. 738/2004/QD-NHNN of June, 16, 2004, on the issuance of the regulations on confidential code for bills, bonds bidding and open market operation
- 6Official Dispatch No. 926/NHNN-CSTT of July 30, 2001, re on the lending of foreign contractors to perform the winning auction projects in Vietnam
- 7Decision No. 206/2000/QD-NHNN13 of July 11, 2000, on the amendment of Paragraph 2, Article 9 of the "Regulation on the organisation and operation of the foreign currency inter-bank market" issued in conjunction with Decision no. 101/1999/QD-NHNN13 dated 26 March, 1999 of the Governor of the State Bank
- 1Decree No. 96/2008/ND-CP of August 26, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of The State Bank of Vietnam.
- 2Directive No. 03/2007/CT-NHNN of May 28th, 2007, on controlling the amount and quality of credit and loans for securities investment and trading, aimed at controlling inflation and boosting economic growth.
- 3Directive No. 02/2006/CT-NHNN of May 23, 2006, on the intensification of restraining and preventive measures for risks in business activity of credit institutions
- 4Decision No. 108/2006/QD-TTg of May 19, 2006, establishing the Vietnam Development Bank
- 5Circular No. 03/2006/TT-NHNN of April 25, 2006, guiding a number of contents of the government''s decree no. 89/1999/ND-CP of september 1, 1999, on deposit insurance, and decree no. 109/2005/ND-CP of august 24, 2005, amending and supplementing a number of articles of decree no. 89/1999/ND-CP
- 6Decision No. 738/2004/QD-NHNN of June, 16, 2004, on the issuance of the regulations on confidential code for bills, bonds bidding and open market operation
- 7Decree No. 64/2003/ND-CP of June 11, 2003, on the amendment, supplement of the Decree No. 174/1999/ND-CP dated 9 December, 1999 of the Government on the management to gold trading activities
- 8Decision No. 206/2000/QD-NHNN13 of July 11, 2000, on the amendment of Paragraph 2, Article 9 of the "Regulation on the organisation and operation of the foreign currency inter-bank market" issued in conjunction with Decision no. 101/1999/QD-NHNN13 dated 26 March, 1999 of the Governor of the State Bank
- 9Decree of Government No.91/1999/ND-CP of September 4, 1999 on organization and operation of The Banking Inspectorate
- 10Decree of Government No. 81/1998/ND-CP of October 01, 1998 on the printing, minting, preservation, transport and destruction of banknotes and coins; and the preservation and transport of precious property and valuable papers within the banking system
- 11Law No. 07/1997/QH10 of December 12, 1997 on credit institutions
- 121992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam
Law No. 06/1997/QH10 of December 12, 1997 on The State Bank of Vietnam
- Số hiệu: 06/1997/QH10
- Loại văn bản: Luật
- Ngày ban hành: 12/12/1997
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nông Đức Mạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/10/1998
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra