Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/KH-UBND | Phú Yên, ngày 06 tháng 9 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Công văn số 2436/BTNMT-TCMT ngày 26 tháng 6 năm 2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề; UBND Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Cụ thể hóa triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường làng nghề.
- Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
2. Yêu cầu:
- Tập trung chỉ đạo, phát huy cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân nhằm triển khai thực hiện hòan thành các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Thực hiện các nội dung của đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên, Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Yên và thực trạng sản xuất của làng nghề hiện nay.
II. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH
1. Mục tiêu tổng quát:
- Tăng cường mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong quản lý và phát triển làng nghề trên địa bàn Tỉnh.
- Từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm môi trường mới.
- Bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Mục tiêu đến năm 2015:
- Tổ chức triển khai thực hiện Thông tư số 46/2011/TT-BTNMT ngày 26 tháng 12 năm 2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về bảo vệ môi trường làng nghề và Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 28/6/2013 của UBND tỉnh Phú Yên về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
- Cơ bản hoàn thiện các công cụ chính sách, pháp luật cho công tác quản lý và BVMT làng nghề, đặc biệt là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho làng nghề và làng nghề truyền thống.
- Phân công, phân cấp cụ thể về trách nhiệm quản lý làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề giữa các Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương để triển khai, phối hợp đồng bộ, hiệu quả.
- Quản lý thống nhất từ Tỉnh đến địa phương thông tin về số lượng và hiện trạng sản xuất, hiện trạng môi trường các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống; đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng môi trường tại các làng nghề hiện đang ô nhiễm, công khai danh sách các làng nghề ô nhiễm môi trường.
- Quản lý chặt chẽ việc công nhận làng nghề gắn với các điều kiện về BVMT; hoàn thành việc rà soát lại danh mục làng nghề đã được công nhận, bảo đảm 100% làng nghề được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về BVMT; hoàn thành việc phân loại các hộ, tổ chức, cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
- Hoàn thành việc đánh giá, rà soát sự tuân thủ các quy định về BVMT đối với các Cụm tiểu thủ công nghiệp (TTCN) – làng nghề để đề xuất nâng cấp, điều chỉnh và bổ sung các Cụm tiểu thủ công nghiệp – làng nghề.
- Không hình thành mới các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc có công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại khu vực dân cư nông thôn.
- Xây dựng, triển khai áp dụng thử nghiệm một số mô hình làng nghề thủ công truyền thống điển hình, sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa dân tộc và làng nghề phục vụ du lịch; một số khu, cụm công nghiệp làng nghề điển hình đảm bảo các điều kiện về BVMT để nhân rộng ra các huyện có lọai hình làng nghề tương tự.
2.2. Mục tiêu đến năm 2020:
- Công khai và cập nhật thường xuyên danh sách, thông tin về thực trạng các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống trên địa bàn Tỉnh.
- Quản lý chặt chẽ công tác BVMT tại các làng nghề, cơ bản kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới.
- 100% các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các khu vực nông thôn tổ chức di dời vào Cụm Tiểu thủ công nghiệp - làng nghề hoặc chấm dứt hoạt động.
- Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường bao gồm ô nhiễm nước thải, chất thải rắn, khí thải và tiếng ồn chưa được xử lý triệt trong khu dân cư vào Cụm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề. Nâng cao hiệu quả quản lý và mở rộng, thành lập Cụm tiểu thủ công nghiệp mới để thu hút các cơ sở sản xuất kinh doanh trong làng nghề vào đầu tư trong các Cụm TTCN.
- 100% các khu, Cụm TTCN - làng nghề tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về BVMT.
- Triển khai các công cụ chính sách, pháp luật đặc thù cho công tác BVMT làng nghề và chính sách, pháp luật về phát triển làng nghề gắn với BVMT.
- Triển khai thường xuyên, liên tục các công cụ quản lý môi trường làng nghề, đặc biệt là công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất tại các làng nghề chưa được công nhận.
- Tiếp tục phối hợp đồng bộ, có hiệu quả hoạt động quản lý môi trường làng nghề giữa các Sở, ban, ngành và địa phương.
- Đảm bảo nguồn kinh phí thường xuyên đáp ứng yêu cầu của công tác BVMT làng nghề.
2.3. Định hướng đến năm 2030:
- Tiếp tục phát triển làng nghề theo định hướng bảo tồn làng nghề truyền thống, bảo đảm 100% các làng nghề trên địa bàn Tỉnh được công nhận, thống nhất quản lý và tuân thủ đầy đủ các điều kiện về BVMT.
- Khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Tỉnh.
- Hoàn thiện thể chế, chính sách về BVMT làng nghề để triển khai đồng bộ và hiệu quả.
III. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH
1. Các nhiệm vụ chủ yếu.
1.1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về BVMT làng nghề:
a) Ban hành quy chế quản lý làng nghề và các văn bản có liên quan nhằm phân định rõ trách nhiệm của các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và thị xã và đặc biệt là cấp xã trong quản lý làng nghề, các đối tượng sản xuất trong làng nghề nói chung và BVMT làng nghề nói riêng.
b) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về phát triển ngành nghề nông thôn của Tỉnh, trong đó chú trọng những nội dung về BVMT. Hoàn thiện hệ thống tiêu chí công nhận làng nghề đã ban hành, theo đó những yêu cầu về xử lý chất thải và BVMT là điều kiện bắt buộc khi xem xét, công nhận làng nghề.
c) Triển khai các văn bản liên quan đến các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tại các làng nghề truyền thống, làng nghề được công nhận phát triển gắn với hoạt động du lịch; về vay vốn ưu đãi để chuyển đổi công nghệ sản xuất; đào tạo nhân lực, mặt bằng sản xuất,… theo hướng thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, các công nghệ phù hợp để xử lý chất thải tại các làng nghề.
d) Xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các làng nghề được công nhận, đặc biệt là đối với các làng nghề truyền thống theo quy định tại Khoản 3, Điều 2, Nghị quyết số 19/2011/QH13 của Quốc hội.
e) Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách về BVMT phù hợp với đặc thù của làng nghề, năng lực của các cơ sở sản xuất trong làng nghề.
1.2. Thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường:
a) Tổ chức điều tra, thống kê, phân loại làng nghề và các cơ sở sản xuất trong làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; các làng nghề được công nhận, làng nghề chưa được công nhận và làng nghề truyền thống; mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Tỉnh.
b) Triển khai quy hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2020 định hướng đến năm 2030 trong đó chương trình BVMT làng nghề thuộc mức ưu tiên hàng đầu, cần sớm được triển khai thực hiện.
c) Tổ chức quản lý chặt chẽ việc hình thành làng nghề mới, việc công nhận mới các làng nghề và tập trung rà soát danh mục các làng nghề đã được công nhận đảm bảo các điều kiện về BVMT. Đối với các làng nghề đã được công nhận nhưng chưa đáp ứng các điều kiện về BVMT, cần lập kế hoạch khắc phục với lộ trình cụ thể trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
d) Tổ chức kiểm tra, rà soát việc tuân thủ các quy định về BVMT đối với toàn bộ các Cụm TTCN - làng nghề; đề xuất và triển khai nâng cấp, điều chỉnh và bổ sung các làng nghề đảm bảo các quy định về BVMT để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
e) Tiếp tục triển khai quyết liệt công tác thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án BVMT chi tiết hoặc Bản cam kết BVMT, Đề án BVMT đơn giản và giám sát việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề.
f) Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, đặc biệt tập trung vào các cơ sở thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, hoặc các cơ sở có công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các làng nghề chưa được công nhận.
g) Triển khai công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp đối với toàn bộ các cơ sở sản xuất trong làng nghề theo quy định.
h) Lập kế hoạch và theo dõi, giám sát, công khai thông tin về chất lượng môi trường tại các làng nghề, theo dõi thường xuyên, liên tục đối với các làng nghề hiện đang ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
i) Khuyến khích các làng nghề xây dựng Hương ước, Quy ước về BVMT hoặc Hương ước, Quy ước trong đó có nội dung về BVMT.
1.3. Triển khai các mô hình công nghệ, các biện pháp kỹ thuật nhằm định hướng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề:
a) Lựa chọn, xây dựng và áp dụng thử nghiệm các mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch, thực hiện tốt các quy định về BVMT để nhân rộng ra các địa phương có các loại hình làng nghề tương tự.
b) Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng BVMT làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, các điểm thu gom, xử lý chất thải rắn (lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn).
c) Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới hệ thống xử lý nước thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho các làng nghề được công nhận, ưu tiên đầu tư cho các làng nghề truyền thống.
1.4. Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực BVMT làng nghề:
a) Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo, tập huấn về quản lý môi trường làng nghề cho cán bộ các cấp làm công tác quản lý môi trường làng nghề; các khóa đào tạo, tập huấn về xử lý chất thải và BVMT cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong làng nghề.
b) Tăng cường phổ biến thông tin cho cộng đồng về BVMT làng nghề, giới thiệu công nghệ thân thiện môi trường, phổ biến các sáng kiến, mô hình BVMT phù hợp với sản xuất làng nghề.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về cơ chế, chính sách:
a) Triển khai các cơ chế chính sách về quản lý, phát triển làng nghề gắn với BVMT.
b) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với làng nghề và các đối tượng sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong khu vực dân cư nông thôn; hướng dẫn, tổ chức thực hiện, theo dõi việc thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, xử lý chất thải phát sinh từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và đáp ứng quy định của pháp luật về BVMT.
c) Xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường; theo dõi và xác định các làng nghề ô nhiễm và đề xuất phương án xử lý; tổ chức thu phí về BVMT; kiểm tra, giám sát tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật và xử lý vi phạm về BVMT tại làng nghề; nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý môi trường phù hợp với làng nghề.
d) Sở Công Thương chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với các cụm, điểm công nghiệp tập trung. Xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề.
đ) Công An Tỉnh có trách nhiệm điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi tội phạm về BVMT tại các làng nghề.
e) Sở Khoa học và công nghệ có trách nhiệm quản lý các công nghệ sản xuất nhằm hạn chế việc đưa công nghệ cũ, lạc hậu vào làng nghề và khu vực dân cư nông thôn gây ô nhiễm môi trường.
f) UBND các huyện, thành phố và thị xã bố trí nguồn lực cần thiết và chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai các nhiệm vụ về BVMT làng nghề.
i) UBND các xã, phường và thị trấn có làng nghề (bao gồm cả làng nghề được công nhận và làng nghề chưa được công nhận) phải bố trí cán bộ chuyên trách quản lý môi trường làng nghề để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và giám sát các cơ sở sản xuất tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT.
Xây dựng mô hình quản lý môi trường làng nghề theo nguyên tắc gọn nhẹ và hiệu quả; thí điểm thành các tổ tự quản về BVMT tại làng nghề do UBND cấp xã thành lập và ban hành quy chế hoạt động, kinh phí một phần do ngân sách xã đảm bảo, phần còn lại do các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng góp.
2. Về tuyên truyền, nâng cao nhận thức:
a) Tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác BVMT. Tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường.
b) Công bố danh sách các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến, tuyên truyền các mô hình làng nghề thực hiện tốt công tác BVMT.
c) Giao trách nhiệm cụ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các đoàn thể xã hội và mỗi người dân trong việc tham gia vào công tác BVMT làng nghề.
3. Triển khai xây dựng, thực hiện quy hoạch, di dời, chuyển đối ngành nghề sản xuất:
a) Quy hoạch lại sản xuất:
- Quy hoạch tập trung theo Cụm TTCN công nghiệp - làng nghề: Quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hệ thống thu gom và xử lý chất thải. Quy hoạch khu sản xuất phù hợp với đặc thù loại hình làng nghề.
- Quy hoạch phân tán: Quy hoạch này cần phải tổ chức bố trí không gian nhằm cải thiện điều kiện sản xuất và vệ sinh môi trường mà không cần phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng... lưu giữ nét cổ truyền, văn hóa của làng nghề để kết hợp với phát triển du lịch.
- Quy hoạch phân tán kết hợp tập trung: Di dời các công đoạn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như công đoạn tẩy, nhuộm,... vào Cụm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề.
b) Chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp tập trung:
- Lập danh mục các làng nghề cần có lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời.
- Đối với các làng nghề hoặc cơ sở sản xuất trong làng nghề cần chuyển đổi ngành nghề sản xuất phải lồng ghép với các Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình về giảm nghèo bền vững để nghiên cứu, định hướng ngành nghề chuyển đổi và tổ chức các khóa đào tạo nghề phục vụ cho việc chuyển đổi ngành nghề sản xuất.
- Các làng nghề hoặc các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu vực dân cư nông thôn cần di dời vào khu, cụm công nghiệp làng nghề được hưởng các chính sách ưu đãi như miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất…và phải tuân thủ các quy định BVMT đối với khu, cụm công nghiệp tập trung.
4. Giải pháp về tài chính:
Các sở, ban, ngành liên quan xem xét, phân bố kinh phí sự nghiệp môi trường, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học và công nghệ và các nguồn đầu tư khác cho công tác BVMT, khắc phục, xử lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề. Tại các địa phương có làng nghề, phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác BVMT làng nghề.
Nguồn vốn thực hiện:
- Ngân sách nhà nước (bao gồm cả ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn ODA...) theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
- Vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước theo quy định hiện hành.
- Nguồn vốn đóng góp từ các cơ sở sản xuất trong làng nghề.
5. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ:
- Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu tại các làng nghề ô nhiễm môi trường hiện nay.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường đạt hiệu quả.
- Đẩy mạnh đổi mới công nghệ sản xuất, nghiên cứu, ứng dụng nguyên liệu, thiết bị, công nghệ, mô hình, phương thức sản xuất thân thiện với môi trường.
6. Thực hiện lồng ghép chương trình BVMT làng nghề vào các chương trình, đề án, quy hoạch có liên quan:
Chương trình xây dựng Nông thôn mới; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình về giảm nghèo bền vững để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề sản xuất và xây dựng, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng BVMT làng nghề như hệ thống tiêu thoát nước, các điểm thu gom, xử lý chất thải.
7. Một số nhiệm vụ trọng tâm để Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Phụ lục 1 đính kèm).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn Tỉnh, cụ thể như sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Tổ chức điều tra hiện trạng môi trường, phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn Tỉnh.
- Tham gia phối hợp quản lý việc công nhận làng nghề bảo đảm các điều kiện về BVMT, rà soát danh sách làng nghề đã được công nhận, chú trọng đến các tiêu chí về BVMT.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan của Tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các quy định về bảo vệ môi trường.
- Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Công thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, đại diện cộng đồng dân cư tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường làng nghề.
- Tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải của các cơ sở trong làng nghề theo quy định.
- Thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bản cam kết BVMT theo thẩm quyền đối với các cơ sở trong làng nghề; thực hiện giám sát quan trắc môi trường làng nghề.
- Hàng năm tổng hợp báo cáo công tác bảo vệ môi trường các làng nghề trên địa bàn Tỉnh, báo cáo Uỷ ban nhân dân Tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Sở Kế hoạch và đầu tư:
Cân đối nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện các nhiệm vụ BVMT làng nghề.
3. Sở Tài Chính:
Chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trong việc phân bổ và theo dõi, kiểm tra việc sử dụng kinh phí từ nguồn sự nghiệp môi trường cho các địa phương có làng nghề.
4. Sở Công thương:
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
- Chủ trì hoặc phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng đề án phát triển năng lượng từ nguồn nguyên liệu tái chế, năng lượng không sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch…
- Xây dựng chính sách ưu đãi về việc áp dụng giá điện sinh hoạt để vận hành các công trình xử lý môi trường tập trung tại các làng nghề trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn đáp ứng các quy định về BVMT làng nghề; lập danh mục và quản lý các ngành nghề truyền thống cần được bảo tồn hoặc gắn với phát triển du lịch.
6. Sở Khoa học Công nghệ:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật xử lý chất thải, áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường; các giải pháp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng.
7. Công an Tỉnh:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn ngừa và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT tại các làng nghề.
8. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và thị xã:
- Rà soát lại quy hoạch, quản lý các Cụm tiểu thủ công nghiệp - làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
- Điều tra, thống kê, lập danh mục loại hình hoạt động của các cơ sở trong làng nghề theo nguy cơ gây ô nhiễm.
- Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác BVMT của các cơ sở sản xuất;
- Xây dựng, trình kế hoạch BVMT làng nghề và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
- Ưu tiên phân bổ kinh phí từ ngân sách của địa phương và các nguồn tài chính khác cho hoạt động BVMT làng nghề. Ưu tiên phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các xã, phường, thị trấn có làng nghề được công nhận để tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
- Đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý chất thải cho làng nghề.
- Các Sở, Ban, ngành phải báo cáo tình hình triển khai thực hiện BVMT làng nghề theo chức năng nhiệm vụ của ngành mình cho Ủy ban nhân dân Tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu để tổng hợp Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường (Theo Biểu mẫu Phụ Lục 2).
9. Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
- Hướng dẫn, kiểm tra, báo cáo công tác BVMT làng nghề của các cơ sở sản xuất trên địa bàn; không cho phép thành lập mới các cơ sở có công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao trong khu vực dân cư và thực hiện biện pháp xử lý đối với các cơ sở có công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao đang hoạt động trong khu vực dân cư;
- Đôn đốc việc xây dựng Hương ước, Quy ước BVMT làng nghề hoặc Hương ước, Quy ước làng nghề có nội dung về BVMT;
- Bố trí cán bộ thực hiện công tác BVMT làng nghề; tổ chức quản lý, vận hành và duy tu, bảo dưỡng các công trình xử lý môi trường theo đúng quy định khi được bàn giao, tiếp nhận, quản lý các dự án, công trình thuộc kết cấu hạ tầng và quản lý ô nhiễm môi trường làng nghề; ban hành quy chế hoạt động và tạo điều kiện để tổ chức tự quản về BVMT hoạt động có hiệu quả;
- Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư, xây dựng, vận hành, duy tu và cải tạo các công trình thuộc kết cấu hạ tầng về BVMT làng nghề trên địa bàn;
- Công bố các thông tin về hiện trạng môi trường, công tác BVMT làng nghề trên các phương tiện thông tin của địa phương, thông qua các đoàn thể và cộng đồng dân cư, trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này; hàng năm tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh tổng kết việc thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 48/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, khu công nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 2Quyết định 33/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành
- 3Quyết định 1322/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường các tuyến, khu công nghiệp, làng nghề trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2008 - 2010
- 4Quyết định 34/2013/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa Sở Công Thương với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 5Kế hoạch 151/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 6Kế hoạch 843/KH-UBND triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre (giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2015)
- 1Quyết định 48/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế bảo vệ môi trường làng nghề, khu công nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành
- 2Quyết định 33/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam ban hành
- 3Nghị quyết 19/2011/QH13 kết quả giám sát và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại khu kinh tế, làng nghề do Quốc hội ban hành
- 4Thông tư 46/2011/TT-BTNMT quy định về bảo vệ môi trường làng nghề do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5Quyết định 1322/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường các tuyến, khu công nghiệp, làng nghề trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2008 - 2010
- 6Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2013 vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường do Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 577/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 1111/QĐ-UBND năm 2013 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 9Công văn 2436/BTNMT-TCMT năm 2013 thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 10Quyết định 34/2013/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giữa Sở Công Thương với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế thực hiện nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 11Kế hoạch 151/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 12Kế hoạch 843/KH-UBND triển khai Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre (giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2015)
Kế hoạch 86/KH-UBND năm 2013 thực hiện Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Phú Yên ban hành
- Số hiệu: 86/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/09/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
- Người ký: Lê Văn Trúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/09/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra