Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 16 tháng 05 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI 04 HUYỆN: BÌNH SƠN, LÝ SƠN, NGHĨA HÀNH, BA TƠ TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2018-2020

Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 17/8/2017 về việc phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại 04 huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2020, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/10/2016 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 38/2017/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của HĐND tỉnh và Đề án phát triển dịch vụ, du lịch đến năm 2020 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 577/QĐ-UBND ngày 17/8/2017.

- Xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng; tạo ra sản phẩm du lịch mới gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương và tăng cường thu hút khách du lịch đến tỉnh, kéo dài thời gian khách lưu trú tại tỉnh; cung cấp sản phẩm du lịch này đến du khách, công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh để khai thác, chào bán đến du khách.

- Tăng cường sự tương tác trải nghiệm, hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán, sinh hoạt giữa du khách và người dân địa phương; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương 4 huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ.

2. Yêu cầu:

- Triển khai sớm sản phẩm du lịch cộng đồng tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ để đi vào khai thác trong giai đoạn 2018-2020.

- Mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ được xây dựng làm mô hình điểm để rút kinh nghiệm phát triển mô hình du lịch này tại các địa phương khác có tiềm năng trên địa bàn tỉnh.

- Kế hoạch được triển khai trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân và cộng đồng địa phương; do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi và sự hỗ trợ về chuyên môn của Công ty TNHH Một thành viên Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel).

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác và phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc để xây dựng các chương trình trải nghiệm chân thực, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thương hiệu cho du lịch Quảng Ngãi.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Huyện Lý Sơn: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng trên cơ sở hoàn thiện các nhà homestay, tăng cường sự tương tác trải nghiệm giữa khách và người dân địa phương thông qua những hoạt động gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân đất đảo.

- Huyện Bình Sơn: Tập trung phát triển du lịch cộng đồng gắn kết giữa làng tranh bích họa Gành Yến và các điểm trải nghiệm trưng bày đồ cổ và gốm Mỹ Thiện trên tuyến du lịch đến Lý Sơn nhằm kết nối những giá trị tương đồng về cảnh quan và địa chất giữa hai huyện Bình Sơn - Lý Sơn.

- Huyện Ba Tơ: Hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa Hre tại Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ trên tuyến du lịch kết nối với huyện Nghĩa Hành và Minh Long; thí điểm xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới tại xã Ba Trang.

- Huyện Nghĩa Hành: Phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với miệt vườn trái cây, rừng sim, làng nghề và tạo liên kết với điểm dã ngoại tại Suối Chí.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Huyện Lý Sơn

a) Xây dựng các mô hình trải nghiệm:

- Mô hình 1: Trải nghiệm nghề truyền thống làm chả cá, nấu xu xoa, làm bánh ít lá gai, câu cá, soi nhum, soi cá ban đêm, làm rượu tỏi...;

- Mô hình 2: Dịch vụ homestay kết hợp trải nghiệm học trồng - thu hoạch hành tỏi, học cách chế biến các món ăn địa phương (gỏi cum cúm, gỏi tỏi, canh mực...);

- Mô hình 3: Nâng cao chất lượng mô hình ngắm san hô tại đảo Bé;

- Mô hình 4: Tham quan thu hoạch cam đàn, hái và chế biến dứa dại, mô hình nuôi của đá kết hợp đưa khách đi tham quan bằng xe đạp, trecking (đi bộ); cắm trại trên bãi biển tại đảo Bé;

- Mô hình 5: Tham gia trồng và chăm sóc cây bàng vuông;

- Mô hình 6: Trải nghiệm văn hóa truyền thống Lý Sơn qua chương trình sân khấu hóa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

- Mô hình 7: Tham gia chương trình “Vì biển xanh, đảo Lý Sơn xanh” giữa du khách và người dân đảo thông qua hoạt động dọn vệ sinh bờ biển.

b) Các hoạt động:

- Ban hành kế hoạch triển khai các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện

- Ra quyết định thành lập các đội/tổ/hộ gia đình tham gia vào các mô hình, địa điểm thực hiện các mô hình.

- Xây dựng nội dung thực hành và huấn luyện nghiệp vụ cho các hộ; tổ chức học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh

- Tổ chức famtrip và presstrip giới thiệu các mô hình

- Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mô hình: Xây dựng clip, viết blog, xây dựng tờ rơi và các hình thức quảng bá, truyền thông khác phù hợp.

- Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị ban đầu để thực hiện các mô hình khi được cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể.

2. Huyện Bình Sơn:

a) Xây dựng các mô hình trải nghiệm

- Mô hình 1: Xây dựng làng tranh Gành Yến trên cơ sở các hộ dân nằm dọc đường dẫn vào điểm du lịch Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải hiện có để triển khai các dịch vụ du lịch và dịch vụ trải nghiệm sau:

+ Dịch vụ ăn uống, giải khát, bán quà lưu niệm có vẽ hình ảnh Gành Yến như nón, mũ, áo thun và tỏi khô, hành tím, mực khô, cá tại Gành Yến.

+ Giữ xe máy và cho thuê xe đạp đơn hoặc xe đạp đôi cho khách tự đi từ điểm tập kết xe ở đầu thôn (10-15 hộ)

+ Tạo không gian để du khách trải nghiệm tự vẽ sơn trên chất liệu vách phên, thuyền thúng, nón do chủ nhà cung cấp (10-15 hộ)

+ Trải nghiệm học trồng - thu hoạch hành tỏi (5 hộ)

+ Trải nghiệm câu cá biển và chèo thuyền thúng (10 hộ)

+ Trải nghiệm văn hóa truyền thống: Hát bả trạo, bài chòi.

- Mô hình 2: Lựa chọn 10 -15 hộ tham gia mô hình Nhà vệ sinh công cộng tại gia trên cơ sở sử dụng nhà vệ sinh của gia đình để cung cấp dịch vụ vệ sinh có thu tiền dịch vụ tại chỗ cho du khách với mức thu không quá 3.000đ/khách/lần sử dụng dịch vụ. Số tiền này do chủ nhà tự thu và sử dụng nhằm đảm bảo vận hành nhà vệ sinh sạch sẽ, có nước rửa tay và giấy vệ sinh. Mô hình này sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu khi lượng khách tăng cao, nhất là vào ngày lễ, ngày tết. Ngoài ra, có thể bố trí các nhà vệ sinh công cộng tại các địa điểm phù hợp.

- Mô hình 3: Trải nghiệm tại làng gốm Mỹ Thiện (tại nhà ông Đặng Văn Trịnh) với các hoạt động: Giới thiệu về lịch sử của gốm Mỹ Thiện, cách nặn, cách nung, cách tạo hoa văn, bán sản phẩm lưu niệm và tự trải nghiệm cách làm gốm.

- Mô hình 4: Trải nghiệm không gian trưng bày cổ vật tại nhà trưng bày ông Lâm Zũ Sênh với các bộ sưu tập có giá trị độc đáo như: Gốm Mỹ Thiện: Xưa và nay, bộ sưu tập bàn xoay lớn nhất Việt Nam, bộ sưu tập gốm lớn nhất Quảng Ngãi...; trải nghiệm trang phục dân tộc trong không gian nhà cổ.

b) Các hoạt động:

- Ban hành kế hoạch triển khai các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện

- Ra quyết định thành lập các đội/tổ/hộ gia đình tham gia vào các mô hình, địa điểm thực hiện các mô hình.

- Xây dựng nội dung thực hành và huấn luyện nghiệp vụ cho các hộ; tổ chức học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh

- Tổ chức famtrip và presstrip giới thiệu các mô hình

- Thành lập tổ tự quản, xây dựng nội quy, quy định về bảo vệ môi trường, bố trí điểm thu gom rác thải.

- Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mô hình: Xây dựng clip, viết blog, xây dựng tờ rơi và các hình thức quảng bá, truyền thông khác phù hợp.

- Hỗ trợ gắn biển hiệu dịch vụ du lịch cộng đồng cho các hộ ở Gành Yến; biên soạn nội dung thuyết minh tại nhà ông Đặng Văn Trịnh; xây dựng đề cương và tổ chức trưng bày tại Nhà ông Lâm Dũ Xênh.

- Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị ban đầu để thực hiện các mô hình tại Gành Yến khi được cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể.

3. Huyện Ba Tơ

a) Xây dựng các mô hình trải nghiệm

- Mô hình 1: Hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng mô hình trải nghiệm văn hóa Hre tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ đã được triển khai từ tháng 5/2017 với các hoạt động: Tham quan bảo tàng, xem trình diễn múa hát Hre, trình diễn cồng chiêng, trình diễn dệt thổ cẩm, bán hàng lưu niệm, ẩm thực đồng bào Hre.

- Mô hình 2: Kêu gọi đầu tư xây dựng khu vực hồ Tôn Dung theo mô hình trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Hre với hoạt động cắm trại dã ngoại, lưu trú tại nhà sàn và trải nghiệm ẩm thực đồng bào Hre, kết hợp mở rộng các dịch vụ vui chơi giải trí tại hồ như: đạp vịt, chèo thuyền, câu cá...

- Mô hình 3: Thí điểm triển khai tổ chức cho khách du lịch cắm trại qua đêm tại đồi sim, rừng ổi sẻ, đồi cỏ thảo nguyên tại Bùi Hui xã Ba Trang và tổ chức các hoạt động giao lưu tương tác giữa khách với đồng bào Hre địa phương trên tuyến du lịch phượt kết nối với các mô hình du lịch cộng đồng của Bình Sơn, Lý Sơn và Nghĩa Hành hay khu du lịch Thác Trắng tại huyện Minh Long.

b) Các hoạt động:

- Biên tập lại chương trình văn nghệ giao lưu cồng chiêng với du khách tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ cho phù hợp với bản sắc văn hóa của người Hre tại Ba Tơ; xây dựng lại bài thuyết minh tại sa bàn trong thời gian tối đa là 15 phút, xây dựng trailer giới thiệu về Ba Tơ trong thời gian 7 phút.

- Hỗ trợ trang phục, đạo cụ cho các đội nghệ nhân.

- Xây dựng nội dung thực hành và huấn luyện nghiệp vụ cho các đội nghệ nhân; tổ chức học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh.

- Tổ chức famtrip, presstrip giới thiệu sản phẩm.

- Tổ chức Liên hoan phượt toàn quốc 2019 qua 4 địa điểm Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ, kết hợp với tổ chức các giải thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa nghệ thuật tại huyện Ba Tơ.

4. Huyện Nghĩa Hành

a) Xây dựng các mô hình trải nghiệm

- Mô hình 1: Tại thôn Bình Thành và thôn Tân Lập xã Hành Nhân phát triển sản phẩm du lịch miệt vườn cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, chuối, vườn tiêu kết hợp trải nghiệm tại nhà máy sản xuất bánh tráng, làng nghề trồng dâu nuôi tằm, nhà homestay và các loại hình trò chơi tập thể như (tát cá, đu dây qua ao...), tham quan rừng sim tại núi Bé, hướng đến xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng sau 2020.

- Mô hình 2: Tại suối Chí, kết hợp với khu du lịch sinh thái suối Chí, tổ chức tour du lịch kết hợp nghiên cứu lâm nghiệp, sinh học cho học sinh, sinh viên tại khu vực rừng nguyên sinh; tổ chức tour du lịch phượt, du lịch hikking băng rừng lên đỉnh thác Giê gắn với các lớp huấn luyện kỹ năng sinh tồn; chèo thuyền kayak, trò chơi trượt thác...

b) Các hoạt động:

- Ban hành kế hoạch triển khai các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện

- Ra quyết định thành lập các đội/tổ/hộ gia đình tham gia vào các mô hình, địa điểm thực hiện các mô hình.

- Xây dựng nội dung thực hành và huấn luyện nghiệp vụ cho các hộ; tổ chức học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh

- Tổ chức famtrip và presstrip giới thiệu các mô hình

- Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mô hình: Xây dựng clip, viết blog, xây dựng tờ rơi và các hình thức quảng bá, truyền thông khác phù hợp.

- Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị ban đầu để thực hiện các mô hình khi được cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể.

- Xây dựng phương án bảo vệ và phát triển rừng sim tại núi Bé.

- Cải thiện đường đất đi bộ ven suối phục vụ du khách khám phá thượng nguồn; kiểm đếm và gắn bảng chú thích trên các cây gỗ quý trong rừng tại Suối Chí; bố trí bảng chỉ dẫn, bảng cảnh báo nguy hiểm trên cung đường chinh phục đỉnh thác.

- Khuyến khích, vận động nhân dân thôn Bình Thành và Tân Lập trồng hoa cảnh quan dọc đường vào làng, dọc lối vào nhà, dọn vệ sinh để tôn vẻ thanh bình của làng quê.

5. Phát triển các tuyến du lịch kết nối đến mô hình du lịch cộng đồng

a) Các tuyến du lịch chủ đạo kết nối ngoài tỉnh

- Thành phố Quảng Ngãi - Thác Trắng Minh Long - Ba Tơ - Lý Sơn (04 ngày 03 đêm)

- Thành phố Quảng Ngãi - Ba Tơ - Lý Sơn - Bình Sơn - Quảng Nam (05 ngày 04 đêm)

- Lý Sơn - Bình Sơn (03 ngày 02 đêm)

b) Các tuyến du lịch đi về trong ngày

- TP Quảng Ngãi - Bảo Tàng Ba Tơ - Suối Chí

- Tp Quảng Ngãi - Làng tranh Bích họa 3D Gành Yến - Nhà trưng bày Lâm Zũ Sênh - Làng gốm Mỹ Thiện

- TP Quảng Ngãi - Thác Trắng Minh Long - Miệt vườn Nghĩa Hành

c) Các tuyến du lịch kết nối ngoài tỉnh tiềm năng:

- Lào - Cửa Khẩu Bờ Y - Kon Tum - Ba Tơ - Lý Sơn - Bình Sơn (06 ngày 05 đêm)

- Quảng Ngãi - Thác Trắng Minh Long - Ba Tơ (Ba Trang) - Lý Sơn - Bình Sơn (05 ngày 04 đêm)

- Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Thác Trắng Minh Long - Ba Tơ - Lý Sơn - Bình Sơn (06 ngày 05 đêm)

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Nguồn kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này được chi từ nguồn sự nghiệp kinh tế của tỉnh cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm và nguồn ngân sách hàng năm của các huyện theo kế hoạch cụ thể được xây dựng hàng năm giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện và từ các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác (nếu có).

Trước mắt, trong năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế phân bổ cho du lịch, đã được ngân sách tỉnh cấp để triển khai ngay kế hoạch (theo phụ lục đính kèm).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với Công ty Vietravel, UBND các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Ba Tơ, Nghĩa Hành xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng huyện để triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Trong năm 2018, triển khai ngay việc xây dựng các mô hình; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ và học tập kinh nghiệm cho các hộ tham gia; hỗ trợ các hộ gia đình được lựa chọn triển khai các dịch vụ;

- Xây dựng tài liệu, clip, chương trình truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm; Tổ chức các đoàn famtrip, presstrip để trải nghiệm và truyền thông các mô hình;

- Xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình HĐND ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện ban đầu để thực hiện các mô hình làm cơ sở tổ chức thực hiện Kế hoạch.

- Kịp thời tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kế hoạch hay tổ chức các sự kiện kích cầu du lịch để đưa khách đến với tỉnh.

2. Đề nghị Công ty Vietravel hỗ trợ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Kích cầu sản phẩm tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

- Xây dựng các sản phẩm du lịch liên quan triển khai trong năm 2018 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

- Tư vấn cho tỉnh Quảng Ngãi xây dựng các dự án thúc đẩy du lịch tại hai địa bàn:

+ Tại thành phố Quảng Ngãi: Tạo được điểm nhấn cho cả thành phố, tạo sức hút cho điểm đến về đêm tại 2 bên bờ sông Trà Khúc và Bãi biển Mỹ Khê. Đồng thời, nghiên cứu sâu hơn cơ cấu dịch vụ du lịch của tỉnh để đưa ra nhiều cơ sở, địa điểm cung cấp dịch vụ chất lượng cao, giúp tạo được nhiều lựa chọn giải trí cho du khách để tăng thời gian lưu trú và chi phí tiêu dùng của du khách.

+ Tại huyện đảo Lý Sơn: Nhằm đảm bảo được dịch vụ ăn uống phục vụ cho các đoàn khách lớn và đạt tiêu chuẩn phục vụ, đề nghị Vietravel hỗ trợ huyện Lý Sơn đào tạo các quy chuẩn trong việc cung cấp dịch vụ, tạo được sự thoải mái hơn cho khách du lịch và giúp huyện đảo thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng.

- Tư vấn cho tỉnh Quảng Ngãi các chính sách kích cầu sản phẩm du lịch và làm việc với các hãng hàng không xây dựng chương trình khuyến mãi cho khách du lịch tham quan Quảng Ngãi với tour 4 ngày 3 đêm cho thị trường khách tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; nghiên cứu, tư vấn sản phẩm du lịch nhằm phát triển đặc sản ẩm thực địa phương.

- Xem xét hỗ trợ cho tỉnh Quảng Ngãi tổ chức các sự kiện, các chương trình truyền thông về du lịch Quảng Ngãi đến du khách trong và ngoài tỉnh.

b) Truyền thông sản phẩm du lịch cộng đồng:

- Triển khai bán sản phẩm Quảng Ngãi trên toàn hệ thống Vietravel đặc biệt đẩy mạnh lượng khách tại thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

- Đẩy mạnh truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch Quảng Ngãi trên các phương tiện: Website, Facebook, tạp chí Vietravel, báo online, báo giấy...

- Kích cầu sản phẩm du lịch Quảng Ngãi với giá hợp lý để thu hút khách du lịch.

- Cập nhật những thông tin sản phẩm dịch vụ mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi để đẩy mạnh truyền thông thu hút du khách.

3. UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ:

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công ty Vietravel xây dựng kế hoạch cụ thể, theo từng năm trên địa bàn từng huyện để triển khai thực hiện kế hoạch này; chịu trách nhiệm lựa chọn các đội/tổ/hộ gia đình tham gia vào các mô hình tại địa phương; đồng thời chủ động bố trí ngân sách của địa phương để triển khai thực hiện các hoạt động, nội dung thuộc trách nhiệm của huyện.

- Chủ động và ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước; nhà vệ sinh công cộng, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện và các địa điểm triển khai kế hoạch; hạn chế tối đa việc xây dựng bê tông cốt thép, xây dựng công trình lấn chiếm và làm ảnh hưởng đến các di tích, di sản địa chất; phát huy hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, phong tục, tập quán đặc trưng, độc đáo của người dân địa phương để cải thiện sản phẩm, nâng chất lượng dịch vụ du lịch; truyền thông thu hút sự tham gia của cán bộ, cộng đồng dân cư về phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách và thực hiện tốt quy định của Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch đã được ban hành.

- Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chức năng tại địa phương tham gia và tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.

5. Các sở, ban ngành liên quan: Phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trên đây là Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ. Yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương liên quan căn cứ Kế hoạch này triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- BCĐ phát triển Lý Sơn;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin Truyền thông, Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PHTH tỉnh;
- Huyện ủy, UBND các huyện: Lý Sơn, Bình Sơn, Ba Tơ, Nghĩa Hành;
- Công ty Vietravel;
- VPUB: CVP, PCVP(KGVX), KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, KGVX(bnt372).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Dũng

 

PHỤ LỤC

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI CÁC HUYỆN: BÌNH SƠN, LÝ SƠN, NGHĨA HÀNH, BA TƠ TỪ NGUỒN KINH PHÍ SỰ NGHIỆP KINH TẾ CỦA SỞ VĂN HÓA -THỂ THAO VÀ DU LỊCH NĂM 2018
(Kèm theo kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 16/5/2018 của UBND tỉnh)

TT

Nội dung công việc

Kinh phí khái toán (vnđ)

Thời gian thực hiện/ hoàn thành

Phân công

1

Xây dựng nội dung thực hành và huấn luyện nghiệp vụ

220.000.000

Từ ngày ban hành Kế hoạch đến hết năm 2018

Chủ trì: Sở VHTTDL

Phối hợp: UBND các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ và các đơn vị liên quan

2

Hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị ban đầu để thực hiện các mô hình

250.000.000

3

Tổ chức các đoàn famtrip, fresstrip

100.000.000

4

Quảng bá trên các kênh truyền thông

80.000.000

5

Biên soạn đề cương trưng bày tại nhà ông Đặng Văn Trịnh và ông Lâm Dũ Xênh

100.000.000

6

Hỗ trợ đồng phục cho nghệ nhân phục vụ giao lưu văn nghệ tại Bảo tàng Ba tơ

50.000.000

Tổng cộng: 800.000.000 vnđ

(Tám trăm triệu đồng)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2018 về phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại 04 huyện: Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành, Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018-2020

  • Số hiệu: 72/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/05/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Ngọc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản