Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5235/KH-UBND

Gia Lai, ngày 14 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

HỢP TÁC THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ GIỮA TỈNH GIA LAI VỚI CÁC TỈNH VƯƠNG QUỐC CAMPUCHIA GIAI ĐOẠN 2016-2020

Trong giai đoạn 2011- 2015, hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Vương quốc Campuchia đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Hoạt động thương mại không ngừng phát triển qua các năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh gia tăng đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn đạt 25%; các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đăng ký đầu tư sang các tỉnh của Vương quốc Campuchia với tổng vốn đầu tư 702 triệu USD, đến nay đã thực hiện được 407 triệu USD.

Hoạt động thương mại, đầu tư biên giới của tỉnh Gia Lai với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia đã góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong tỉnh, đặc biệt là hàng nông sản như sắn lát, đậu, điều, đậu tương, nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Campuchia… đã tạo nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu. Để hoạt động thương mại, đầu tư giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh của Vương quốc Campuchia ngày càng phát triển, đáp ứng hội nhập quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đề ra kế hoạch hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia trong giai đoạn 2016-2020 như sau:

I/ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Mục đích:

Chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, trong đó tập trung hợp tác chủ yếu tại các tỉnh khu vực Đông Bắc - Vương quốc Campuchia (Ratanakiri, Stung Treng, Moldulkiri, Kratier); góp phần thực hiện hội nhập quốc tế, trọng tâm là các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy nội lực trong tỉnh, tranh thủ các điều kiện thuận lợi từ bên ngoài tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và chủ động hội nhập trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai và khu vực biên giới.

2. Yêu cầu:

- Tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân chủ động, tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai; xác định cụ thể các nội dung công việc, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương và tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương trong quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hợp tác thương mại, đầu tư với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia nói riêng.

- Các hoạt động hợp tác phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp với định hướng, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

- Kết hợp chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

II/ MỤC TIÊU.

1. Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia trên một số lĩnh vực như: Nông nghiệp, khai thác khoáng sản, trồng cao su, du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh việc tăng cường giao lưu và hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế giữa các địa phương có chung đường biên giới.

2. Phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới đến năm 2020 đạt 220 triệu USD, tốc độ tăng bình quân 12%/năm.

3. Tiếp tục triển khai các dự án của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai sang Campuchia để đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp tục tìm hiểu đầu tư cơ hội đầu tư sang Campuchia và ngược lại.

III/ NỘI DUNG.

1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế:

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi về hội nhập quốc tế, về tổ chức thương mại thế giới (WTO), về cộng đồng ASEAN, về các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, về Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế; những rào cản thương mại của các nước đối với hàng hóa xuất khẩu sản xuất trong nước...

- Triển khai có hiệu quả tiềm năng đầu tư, phát triển thương mại của tỉnh Gia Lai nhằm thu hút đầu tư các nguồn lực bên ngoài nói chung và Vương quốc Campuchia nói riêng.

2. Chủ động nâng cao năng lực trong hợp tác thương mại, đầu tư:

- Triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai đến năm 2020, quy hoạch thương mại tỉnh Gia Lai đến năm 2020, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Gia Lai đến năm 2020; cụ thể hóa lộ trình thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

- Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước (trong đó có Campuchia); tập trung rà soát, cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, xóa bỏ những bất hợp lý về thủ tục trong thẩm định dự án, cấp phép đầu tư, cấp đăng ký kinh doanh, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cấp phép xây dựng... giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

- Nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của tình hình quốc tế tới sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng để xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư của tỉnh Gia Lai với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia.

3. Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, đầu tư:

- Thực hiện có hiệu quả các dự án hợp tác, các thỏa thuận với Campuchia mà tỉnh đã ký kết; đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng các hoạt động đầu tư và thương mại xuyên biên giới với các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

- Hỗ trợ thông tin về kinh tế thị trường, pháp luật, tập quán kinh doanh thương mại về thị trường Campuchia cho các doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vấn đề phát sinh với các đối tác nước ngoài, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp.

- Chủ động tham gia một số diễn đàn, hội nghị đa phương trong khu vực Tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.

4. Củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác:

- Duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác đã có quan hệ với tỉnh, như: Các cơ quan đại diện ngoại giao của Campuchia tại Việt Nam; đại diện các tổ chức Việt Nam tại Campuchia.

- Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng với tỉnh Rattanakiri là tỉnh giáp biên giới với tỉnh Gia Lai; hợp tác chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.

- Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh quốc phòng; ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội của tỉnh; chủ động phòng chống việc lợi dụng hợp tác để thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.

IV/ PHÂN GIAO NHIỆM VỤ.      

1. Sở Ngoại vụ:           

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường hoạt động thông tin đối ngoại về các chủ trương, chính sách tiềm năng, thế mạnh của tỉnh thông qua các kênh đoàn ra, đoàn vào, hội nghị, hội thảo quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

- Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế cho cán bộ, công chức làm nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập kinh tế của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

- Làm đầu mối vận động và thu hút viện trợ phi chính phủ nước ngoài của tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường, giám sát, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.

- Phối hợp với công an tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về người Gia Lai sinh sống, định cư và làm ăn ở nước ngoài. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các ngành, địa phương thực hiện công tác bảo hộ công dân của tỉnh ở nước ngoài.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:       

- Tham mưu UBND tỉnh triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có định hướng vào các dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ, chế biến nông, lâm sản mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh; xây dựng chương trình tăng cường vận động đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo các hình thức BT; BOT, PPP và đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa.

- Xây dựng chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng đàm phán, đấu thầu quốc tế, năng lực hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh với một số địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

3. Sở Công thương:

- Tiếp tục vận động một số doanh nghiệp và cá nhân tăng cường đưa hàng hóa do Việt Nam sản xuất đến các thị trường của tỉnh lân cận với Việt Nam để tiêu thụ, đặc biệt vận động Công ty cổ phần thương mại Gia Lai và Công ty TNHH Một thành viên xăng dầu Bắc Tây Nguyên tích cực tham gia.

- Phối hợp với Bộ Công thương xây dựng đề án tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia nằm trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Campuchia, qua đó giới thiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm của Việt Nam.

- Tổ chức từ 01 đến 02 lượt hội chợ tại Campuchia tập trung vào địa bàn tỉnh Ratanakiri trong giai đoạn này, với chủ đề “Thương hiệu hàng Việt trong hội nhập kinh tế quốc tế”, sau khi có chủ trương của Bộ Công thương phân bổ nguồn kinh phí về cho địa phương.

- Vận động các doanh nghiệp Gia Lai tăng cường hợp tác với các cơ quan thông tin đại chúng của Campuchia để tăng thời lượng quảng bá hình ảnh, sản phẩm và thương hiệu của sản phẩm Việt Nam.

- Tổ chức đoàn doanh nghiệp sang nghiên cứu, khảo sát và học tập kinh nghiệm tại thị trường Campuchia, một mặt nắm bắt cơ hội kinh doanh, mặt khác rút ra những bài học nhằm phục vụ cho chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

- Tổ chức liên kết với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Campuchia để nắm bắt tình hình và những thông tin cần thiết về thị trường tiêu thụ hàng hóa tại Campuchia, để các doanh nghiệp tỉnh Gia Lai có định hướng và chiến lược trong quá trình hợp tác với Campuchia.

- Xây dựng chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa; đề án tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh xúc tiến thương mại. Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai, ứng dụng thương mại điện tử.

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; triển khai các giải pháp thực hiện quy hoạch, xây dựng hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ theo hướng hiện đại; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh:          

- Tăng cường cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, thúc đẩy hàng hóa qua lại cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh được dễ dàng, thuận tiện.

- Phối hợp với Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế và Cục Hải quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh người, gia súc, gia cầm qua lại ở cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

5. Chi cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum:

- Tích cực hỗ trợ công tác xuất, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có hoạt động đầu tư, thương mại qua biên giới tỉnh Gia Lai và Vương quốc Campuchia; phối hợp với Sở Công thương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để chủ động phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại qua biên giới.

- Phối hợp chặt chẽ và chia sẻ thông tin hải quan theo quy định với các ngành có liên quan của tỉnh; tổ chức phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu về trình tự, thủ tục hải quan, thông quan điện tử.

6. Sở Y tế:       

- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và chuyên môn kỹ thuật của hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện.

- Phối hợp với Ban quản lý khu Kinh tế chủ động giám sát, phát hiện và khống chế kịp thời các bệnh dịch ở người, gia súc, gia cầm vận chuyển qua lại biên giới giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp sang sản xuất nông sản, thực phẩm chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn phát triển nông nghiệp với cải thiện, bảo vệ môi trường bền vững.

- Quy hoạch phát triển một số vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp sinh thái sạch, hình thành một số vùng sản xuất giống áp dụng công nghệ cao.

Với kinh nghiệm sẵn có về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác các loại cây công nghiệp dài ngày, phát triển các loại cây giống, các doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp khác của Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia hợp tác sản xuất, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng nông sản bằng nhiều hình thức như liên doanh, thuê đất sản xuất hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ... Các loại cây trồng có thể phát triển với quy mô thương mại là cao su, cà phê, điều và một số cây ngắn ngày khác.

8. Sở Giao thông vận tải:        

- Cải tiến thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký transit xe tải vận chuyển hàng hóa tại Sở Giao thông Vận tải; chủ động làm việc với các Bộ ngành liên quan về chỉ tiêu transit phương tiện vận tải giữa Việt Nam và Campuchia.

- Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Pleiku (Gia Lai) - Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai) thuộc 01 trong 21 tuyến cao tốc chính, được quy hoạch đầu tư trong giai đoạn trước năm 2030.

9. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch:   

Các tỉnh bạn của Campuchia có điều kiện địa lý và tiềm năng du lịch sinh thái, dã ngoại phong phú tương đồng với các tỉnh Tây Nguyên như: Bơi thuyền trên sông, cưỡi voi xuyên rừng, trekking... nên các công ty du lịch Việt Nam có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường mở rộng liên kết các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp nước bạn; phát triển đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên cơ sở tích cực khai thác mọi tiềm năng của tỉnh nhưng phải bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững.

10. Chi nhánh ngân hàng nhà nước tỉnh Gia Lai:        

- Chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đa dạng hóa dịch vụ phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư có hoạt động đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Campuchia.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hoạt động thương mại, đầu tư với Campuchia về vốn vay, lãi suất, thủ tục vay vốn và những vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động ngân hàng.

11. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

- Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nhằm đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, thích nghi với môi trường làm việc theo nhu cầu xã hội, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước và quốc tế để cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý người lao động nước ngoài tại địa phương và người lao động trong tỉnh sang làm việc tại Campuchia.

- Tăng cường quản lý nhà nước về lao động, việc làm, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên địa bàn, bảo vệ quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật.

Với năng lực cho phép của mình, tỉnh Gia Lai có thể tạo điều kiện giúp đỡ các tỉnh bạn Campuchia trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh như đào tạo cán bộ quản lý, công nhân lành nghề làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cho tỉnh bạn.

12. Sở Thông tin và Truyền thông:      

- Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại và hướng dẫn tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa, thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai với cả nước và các nước trên thế giới; kịp thời thông tin tình hình thế giới và khu vực đến nhân dân trong tỉnh, nhất là các chính sách về thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

- Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng viễn thông, internet phù hợp với đặc trưng của các xã vùng biên giới có diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân cư thưa thớt.

- Xây dựng các đề án phổ cập kiến thức về internet cho cán bộ, nhân dân tại các xã biên giới, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và phát triển các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông công cộng có chất lượng.

- Xây dựng cụm thông tin, truyền thông và tuyên truyền đối ngoại khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

13. Sở Tài chính và Cục thuế tỉnh:      

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan cân đối và bố trí nguồn kinh phí hàng năm đảm bảo cho các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh.

- Cục thuế tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế, giảm thủ tục và thời gian nộp thuế, nâng cao hiệu quả công tác thuế; hiện đại hóa các thủ tục về thuế đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác phổ biến chính sách thuế, công tác tư vấn và hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục và quy trình liên quan đến thuế.

14. Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:         

- Tăng cường công tác nắm tình hình ngoại biên, nghiên cứu, đánh giá, phân tích, dự báo tác động, ảnh hưởng của tình hình chính trị tại Campuchia để tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các hoạt động hợp tác thương mại và đầu tư của tỉnh Gia Lai với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan, phòng, chống tội phạm lợi dụng hợp tác thương mại đầu tư để rửa tiền, tài trợ cho các hoạt động chống phá chính quyền nhân dân, vượt biên trái phép, trốn đi nước ngoài, gian lận thương mại, trốn thuế...

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương lập kế hoạch và triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn và tăng cường quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và các thủ tục có liên quan của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm và chủ động hợp tác có chọn lọc với một số đối tác nước ngoài trong một số lĩnh vực an ninh phi truyền thống như chống khủng bố, bạo loạn, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao; cứu hộ, cứu nạn, xử lý thảm họa; phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh.

- Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Hiệp định về Quy chế biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia, các Điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Luật biên giới quốc gia, pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ...

- Duy trì tốt mối quan hệ với chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới của Campuchia đối diện, thường xuyên thông báo, trao đổi tình hình, hội đàm định kỳ, đột xuất, thăm chúc mừng nhân dịp lễ, Tết, Quốc khánh, ngày truyền thống của hai bên..., giữ ổn định biên giới, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến độ phân giới - cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

- Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, sở ngành liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, lối mở biên giới, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động giao lưu biên giới đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Gia Lai và các tỉnh Đông Bắc Campuchia.

- Hạn chế tối đa người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vượt biên sang Campuchia, nâng cao ý thức của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc.

15. UBND các huyện, thị xã, thành phố:           

- Theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trong kế hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền về quan điểm, đường lối của trung ương, tỉnh Gia Lai về hợp tác quốc tế, nhất là quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân về các văn bản của Đảng, Nhà nước về mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 22 NQ/TW của Bộ Chính trị.

- Chủ động và tích cực tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, xúc tiến vận động và thu hút vốn đầu tư và viện trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Phối hợp hướng dẫn, quản lý hoạt động của các cá nhân, tổ chức nước ngoài theo quy định; hỗ trợ và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam.

16. Đối với các doanh nghiệp đầu tư sang Campuchia:           

Chủ động liên hệ với các cơ quan liên quan, trong đó có Công an tỉnh Gia Lai để nắm bắt được thế mạnh, hạn chế, khó khăn và đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương nơi dự kiến đầu tư, để đảm bảo đầu tư được an toàn và hiệu quả.

V/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN.        

1. Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương mình trong quý IV năm 2016 và tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả; định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tham gia tổ chức triển khai Kế hoạch, lồng ghép các nội dung của Kế hoạch với các chương trình, đề án có liên quan; phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên.

3. Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành các đoàn thể nhân dân tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này; định kỳ hướng dẫn sơ, tổng kết, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh; tiếp thu ý kiến để đề xuất với UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung nội dung Kế hoạch này cho phù hợp với điều kiện thực tế./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c)
- Các Bộ: Ngoại giao, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư (b/c):
- Thường trực Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh:
- Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội BP tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Chi nhánh NH nhà nước tỉnh, Cục thuế tỉnh, Chi cục Hải quan Gia Lai - Kon tum, BQL khu kinh tế tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu VT, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 5235/KH-UBND năm 2016 hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với tỉnh thuộc Campuchia giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 5235/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Nguyễn Đức Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản