Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 55/1997/L-CTN

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 1997

PHÁP LỆNH

BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Để xây dựng Bộ đội biên phòng vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia;
Để tăng cường quản lý Nhà nước về Bộ đội biên phòng;
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ Luật Nghĩa vụ và Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt nam;
Căn cứ vào Nghị quyết Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 8 về chương trình xây dựng pháp luật;
Pháp lệnh này quy định về Bộ đội biên phòng.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam, là nghĩa vụ của toàn dân.

Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu theo phạm vi nhiệm vụ do pháp luật quy định và là một lực lượng thành viên trong khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới.

Điều 2

Bộ đội Biên phong đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà trực tiếp là đảng uỷ quân sự Trung ương, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý của Chính phủ và sự quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng.

Nhà nước xây dựng Bộ đội biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Điều 3

Bộ đội biên phòng hoạt động theo pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và theo các điều ước Quốc tế có liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam ký kết tham gia.

Điều 4

Cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt nam và các tổ chức thành viên, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân có trách nhiệm xây dựng, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và góp phần xây dựng Bộ đội biên phòng vững mạnh.

Chương 2:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Điều 5

Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới Quốc gia, hệ thống dấu hiệu mốc quốc giới; đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, vượt biển, nhập cư, cư trú trái phép, khai thác trộm tài nguyên và những hành vi khác xâm phạm đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh, trật tự, gây hại đến môi trường ở khu vực biên giới; chủ trì phối hợp các ngành, địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu.

Điều 6

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định, Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các điều ước quốc tế có liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên khu vực biên giới đất liền, các hải đảo, vùng biển mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia; kiểm soát việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới và qua các đường qua lại biên giới.

Ở tất cả các cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không) đều có lực lượng của Bộ nội vụ, lực lượng của Bộ quốc phòng (Bộ đội biên phòng) để làm nhiệm vụ theo chức năng của mỗi lực lượng.

Trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày Pháp lệnh này được công bố, Chính phủ căn cứ vào các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật ban hành văn bản quy định cụ thể sự phân công trách nhiệm và phối hợp hiệp đồng giữa lực lượng Bộ đội biên phòng thuộc Bộ quốc phòng và lực lượng quản lý xuất, nhập cảnh thuộc Bộ nội vụ trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu quốc tế.

Điều 7

Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, các bọn phản cách mạng, gián điệp, thổ phỉ, hải phỉ, biệt kích, các tội phạm khác xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển.

Điều 8

Bộ đội biên phòng phối hợp với các đơn vị khác của các lục lượng vũ trang nhân dân và dựa vào nhân dân xây dượng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới vững mạnh; sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống gây xung đột vũ trang và chiến tranh xâm lược.

Điều 9

Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ trực tiếp và phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển theo quy định của pháp luật.

Điều 10

Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới.

Điều 11

Bộ đội biên phòng được bố trí lực lượng và cơ động trong khu vực biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu; được trang bị và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ an ninh, các loại phương tiện, vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ và xây dựng các công trình bảo vệ biên giới quốc gia theo yêu cầu nhiệm vụ.

Điều 12

Bộ đội biên phòng tiến hành hoạt động điều tra tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Điều 13

Trong trường hợp chiến đấu truy, truy lùng, đuổi bắt người phạm tội quả tang, người đang có lệnh truy nã, ngăn chặn hành vi phạm tội, cấp cứu người bị nạn, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng được sử dụng các loại phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện giao thông, kể cả người điều khiển phương tiện của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và cá nhân; trừ phương tiện của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt nam. Khi thực hiện nhiệm vụ, nếu người điều khiển phương tiện được huy động bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ thì bản thân gia đình được hưởng chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, nếu phương tiện bị hư hỏng hoặc bị mất thì cơ quan, đơn vị sử dụng phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 14

Để đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn tính mạng của nhân dân, ngăn chặn dịch bệnh lan truyền, theo quyền hạn do Chính phủ quy định, người chỉ huy Bộ đội biên phòng được quyền quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động cũng như việc qua lại biên giới ở những khu vực nhất định, trừ trường hợp luật có quy định khác và phải báo cáo ngay lên cấp có thẩm quyền, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định đó.

Điều 15

Trong khi thi hành nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, Bộ đội biên phòng có quyền:

1- Trực tiếp truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật từ biên giới vào nội địa; phối hợp với các lượng truy tìm, bắt giữ người có hành vi vi phạm pháp luật trốn chạy sâu vào nội địa;

2- Truy đuổi, bắt giữ người, phương tiện vi phạm pháp luật trong nội thuỷ, lãnh hải Việt Nam ra ngoài phạm vi lãnh hải Việt Nam theo pháp luật của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Điều 16

Bộ đội biên phòng được quan hệ, phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới, chính quyền địa phương nước tiếp giáp theo quy định của Chính phủ để thi hành các điều ước Quốc tế về biên giới, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị; đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa các nước có chung biên giới và xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hào Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 17

Ngoài trường hợp trực tiếp chiến đấu bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng khi đang thi hành nhiệm vụ được nổ súng trong các trường hợp sau:

1- Để bắt giữ người có hành vi phạm tội mà chạy trốn;

2- Để bắt giữ người có hành vi phạm tội đang bị dẫn giải, bị giữ, bị giam mà chạy trốn;

3- Để bảo vệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng và công dân bị người khác dùng vũ khí và các hung khí khác uy hiếp trực tiếp đến tính mạng.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng chỉ được nổ súng trực tiếp vào đối tượng sau khi đã bắn cảnh cáo hoặc đã sử dụng các công cụ hỗ trợ nhằm ngăn chặn nhưng không có kết quả, trong trường hợp có người bị thương thì phải tổ chức cấp cứu, nếu có người chết thì phải cùng với chính quyền địa phương lập biên bản.

Chương 3:

TỔ CHỨC CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Điều 18

Tổ chức của Bộ đội biên phòng do Chính phủ quy định.

Biên chế, trang bị, tổ chức, nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan, đơn vị Bộ đội biên phòng do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quy định.

Điều 19

Bộ đội biên phòng gồm có sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức Quốc phòng.

Điều 20

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ, phong, thăng, giáng và tước cấp bậc, quân hàm Bộ đội biên phòng được thực hiện như sau:

1- Đối với sĩ quan thực hiện theo Luật về sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam;

2- Đối với quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ thực hiện theo Luật nghĩa vụ quân sự;

3- Đối với công nhân, viên chức quốc phòng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 21

Chế độ phục vụ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong Bộ đội biên phòng thực hiện theo các văn bản pháp luật quy định đối với Quân đội Nhân dân Việt nam và các văn bản pháp luật liên quan.

Điều 22

Quân kỳ quyết thắng, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, cờ hiệu, băng, biển công tác; trang phục, giấy chứng minh của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong Bộ đội biên phòng do Chính phủ quy định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

Chương 4:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Điều 23

Nội dung quản lý Nhà nước đối với Bộ đội biên phòng gồm:

1- Ban hành và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật về công tác biên phòng và Bộ đội biên phòng;

2- Quy định hệ thống tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy Bộ đội biên phòng;

3- Quy định và thực hiện các chế độ, chính sách đối với Bộ đội biên phòng;

4- Quyết định ngân sách hoạt động công tác hoạt động biên phòng và xây dựng Bộ đội biên phòng;

5- Kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về Bộ đội biên phòng;

6- Sơ kết, tổng kết công tác biên phòng và xây dựng nền biên phòng toàn dân.

Điều 24

1- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về Bộ đội biên phòng.

2- Bộ quốc phòng giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về xây dựng và hoạt động của Bộ đội biên phòng; chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và hướng dẫn, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng và hoạt động của Bộ đội biên phòng.

Điều 25

1- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng Bộ đội biên phòng, kết hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, y tế nhằm xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

2- Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ quốc phòng và Bộ nội vụ về việc thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn Bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Điều 26

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn dược Chính phủ phân cấp, có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về xây dựng và hoạt động của Bộ đội biên phòng, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới, các ngành, các cơ quan cấp mình thực hiện những nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động của Bộ đội biên phòng và góp phần xây dựng Bộ đội biên phòng.

Điều 27

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức xã hội có trách nhiệm giáo dục, động viên hội viên, đoàn viên và toàn dân tham gia cùng Bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; giám sát việc thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động và xây dựng Bộ đội biên phòng theo quy định của Pháp lệnh này.

Chương 5:

CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

Điều 28

Chế dộ, chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức Quốc phòng trong Bộ đội biên phòng thực hiện theo các văn bản pháp luật quy định đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan

Điều 29

Nhà nước có chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất công tác và địa bàn hoạt động của Bộ đội biên phòng như sau:

1- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ phục vụ ở các đồn, trạm biên phòng và đơn vị cơ động;

2- Phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới, hải đảo;

3- Phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo;

4- Chế độ, chính sách thương binh, bệnh binh, liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng trực tiếp bảo vệ biên giới, hải đảo ở những nơi đăc biệt khó khăn;

5- Chế độ, chính sách khen thưởng đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng hoạt động bảo vệ biên giới, hải đảo lâu năm;

6- Tuyển chọn con em dân tộc ít người và người ở nơi khác đến định cư ở khu vực biên giới, hải đảo để đào tạo, phục vụ trong Bộ đội biên phòng;

7- Chế độ, chính sách đối với gia đình cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng đến định cư ở khu vực biên giới, hải đảo và chính sách hậu phương đối với cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng;

Chính phủ quy định chi tiết chế độ, chính sách đối với Bộ đội biên phòng.

Chương 6:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 30

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức Quốc phòng trong Bộ đội biên phòng có thành tích trong công tác, chiến đấu được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước và của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong Bộ đội biên phòng vi phạm kỷ luật thì bị sử lý theo điều lệnh kỷ luật của Quân đội, nếu vi phạm pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 31

Người có thành tích trong việc bảo vệ biên giới, giúp đỡ Bộ đội biên phòng được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Người có hành vi vi phạm pháp luật trong việc bảo vệ biên giới, gây cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32

Pháp lệnh này có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Những quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.

Điều 33

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.

Nông Đức Mạnh

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh Bộ đội biên phòng năm 1997

  • Số hiệu: 55/1997/L-CTN
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 28/03/1997
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nông Đức Mạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 07/04/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản