Hệ thống pháp luật

BỘ QUỐC PHÒNG
******

Số : 167/2004/QĐ-BQP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
******

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ THỦ TỤC, KIỂM TRA, GIÁM SÁT BIÊN PHÒNG TẠI CÁC CẢNG BIỂN VÀ CẢNG CHUYÊN DÙNG.

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 đã sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ngày 28 tháng 3 năm 1997;
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng.
Căn cứ Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại các cảng biển và khu vực hàng hải của Việt Nam, Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển;
Xét đề nghị của Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

QUYẾT ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quyết định này quy định cụ thể về việc thực hiện các thủ tục biên phòng, hoạt động kiểm tra, giám sát biên phòng của Bộ đội Biên phòng đối với người, tầu, thuyền của Việt Nam, nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh; việc giám sát biên phòng tại cảng biển và cảng chuyên dùng Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Người, tầu, thuyền của Việt Nam và nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, ra, vào, trú đậu, hoạt động tại các cảng biển và cảng chuyên dùng đều phải có giấy tờ hợp lệ, phải làm thủ tục biên phòng và phải chịu sự kiểm tra, giám sát biên phòng theo Quyết định này và quy định của pháp luật.

thuyền quân sự vào thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tầu thuyền ra, vào, trú đậu hoạt động tại các cảng quân sự thực hiện theo quy định riêng của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Điều 3. Thời hạn thực hiện thủ tục biên phòng.

1. Tầu, thuyền Việt Nam và tầu, thuyền nước ngoài phải làm thủ tục nhập cảnh tại cảng biển đầu tiên, khi từ nước ngoài vào Việt Nam và làm thủ tục xuất cảnh tại cảng biển cuối cùng, khi từ Việt Nam ra nước ngoài.

2. Chậm nhất 02 giờ kể từ khi đến vị trí neo đậu theo chỉ định của cảng vụ hàng hải, thuyền trưởng hoặc người thay thế hợp pháp thuyền trưởng phải làm thủ tục biên phòng cho tầu.

3. Chậm nhất 01 giờ trước khi tầu rời cảng biển, thuyền trưởng hoặc người thay thế hợp pháp thuyền trưởng phải làm thủ tục biên phòng cho tầu biển xuất cảnh. Riêng tầu khách và tầu định tuyến, thời gian chậm nhất là ngay trước thời điểm tầu chuẩn bị rời cảng. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn trên có thể ngắn hơn, nhưng thuyền trưởng phải kịp thời thông báo cho Biên phòng cửa khẩu cảng biết trước.

4. Chậm nhất 01 giờ kể từ khi tiếp nhận đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ, Biên phòng cửa khẩu cảng phải hoàn thành thủ tục biên phòng .

5. Thời điểm xác định hoàn thành thủ tục biên phòng là thời điểm Biên phòng cửa khẩu cảng đã tiếp nhận hồ sơ và kiểm chứng hoàn thành thủ tục lên Bản khai chung.

Điều 4. Địa điểm làm thủ tục biên phòng.

Việc làm thủ tục biên phòng cho tầu, thuyền Việt Nam và nước ngoài được thực hiện tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của cảng vụ hàng hải, trừ các trường hợp theo quy định tại Điều 17 và Điều 52 của Nghị định số 160/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ.

Điều 5. Việc giám sát biên phòng.

Việc giám sát biên phòng trực tiếp trên tầu, thuyền Việt Nam và nước ngoài tại cảng biển chỉ thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Tầu khách du lịch nhập cảnh, xuất cảnh, chuyển cảng đi và đến.

2. Tầu thuyền có dấu hiệu rõ ràng vi phạm pháp luật.

3. Trường hợp cần thiết để đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và phòng chống dịch bệnh.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về việc cho tầu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, chuyển cảng.

1. Biên phòng Cửa khẩu cảnh:

a) Tiếp nhận, kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ về giấy tờ xuất nhập cảnh của tầu, thuyền, thuyền viên, hành khách và kiểm chứng theo quy định.

b) Tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các yêu cầu của thuyền trưởng về việc xin phép cho thuyền viên đi bờ tham quan du lịch, khám chữa bệnh, xin cấp thị thực, giấy phép tham quan du lịch cho thuyền viên, hành khách.

c) Khi có căn cứ để xác định người, phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng có thể quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.

d) Tiếp nhận các thông tin về kế hoạch tầu đến và rời cảng, địa điểm neo đậu, thời gian xếp dỡ hàng hóa lên hoặc xuống tầu biển từ Cảng vụ để chủ động bố trí lực lượng tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

2. Thuyền trưởng:

a) Khai, nộp và xuất trình các loại giấy tờ theo quy định tại Quyết định này.

b) Cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin liên quan đến tầu, thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa trên tầu. Nếu trên tầu có người vượt biên trốn theo thì Thuyền trưởng phải kịp thời làm báo cáo tường trình; đối tượng người Việt Nam hoặc người nước ngoài có bằng chứng xác đáng chứng minh rằng họ từ nội địa của Việt Nam trốn lên tầu thì bàn giao cho Biên phòng cửa khẩu cảng xử lý; đối tượng là người nước ngoài trốn theo tầu thì thuyền trưởng chịu trách nhiệm quản lý tại tầu và phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam khi tầu xuất cảnh.

c) Thực hiện các quyết định và yêu cầu của Biên phòng cửa khẩu cảng trong việc làm thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng đối với tầu thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa và phương tiện cấm dùng.

d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Cảng vụ hàng hải.

a) Bố trí, sắp xếp văn phòng và các thiết bị cần thiết cho Biên phòng cửa khẩu cảng làm thủ tục tầu, thuyền xuất nhập cảnh tại cảng.

b) Cung cấp cho Biên phòng cửa khẩu cảng các thông tin về tầu thuyền Việt Nam, tầu thuyền nước ngoài nhập, xuất cảnh tại cảng.

c) Cung cấp các thông tin về tầu, thuyền nội địa neo đậu làm hàng tại cảng.

d) Phối hợp với Biên phòng cửa khẩu cảng giải quyết và xử lý các trường hợp vi phạm của tầu, thuyền Việt Nam và tầu, thuyền nước ngoài tại cảng.

4. Doanh nghiệp cảng:

a) Tạo điều kiện để Biên phòng cửa khẩu cảng được sử dụng các công trình thiết bị tại cảng để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về xuất, nhập cảnh và giữ gìn an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.

b) Thông báo cho Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng bằng văn bản các kế hoạch, tình hình hoạt động của cảng, cung cấp các số liệu theo yêu cầu của Biên phòng cửa khẩu cảng và phối hợp trong việc quản lý cán bộ, công nhân viên của cảng nhằm đảm bảo an ninh, trật tự tại cảng.

c) Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về thủ tục biên phòng đối với người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 7 . Cảng chuyên dùng.

Cảng chuyên dùng (do Bộ Giao thông vận tải công bố ) là cảng dành riêng cho doanh nghiệp để xuất khẩu, nhập khẩu một loại mặt hàng nhất định của chính doanh nghiệp đó:

1. Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao nhiệm vụ cho Biên phòng cửa khẩu cảng nơi gần cảng nhất thực hiện việc làm thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng tại cảng.

2. Tại cảng chuyên dùng, Biên phòng cửa khẩu cảng chỉ thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng khi có tầu, thuyền Việt Nam và tầu, thuyền nước ngoài nhập, xuất cảnh.

Điều 8. Ứng dụng công nghệ thông tin.

1. Nơi có điều kiện, Cảng vụ, doanh nghiệp cảng và đại lý của chủ tầu nối mạng máy vi tính với Biên phòng cửa khẩu cảng để thông báo trước tình hình, số liệu về tầu thuyền, thuyền viên, hành khách, hàng hóa dự kiến đến và rời cảng.

2. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đăng ký các địa chỉ thư tín điện tử chính thức sử dụng ở cơ quan, các cửa khẩu cảng để nhận và gửi các thông tin theo quy định; thông báo cho các cơ quan tổ chức cá nhân có liên quan biết để thực hiện.

3. Biên phòng cửa khẩu cảng phải bảo đảm giữ bí mật quân sự khi thực hiện các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Chương 2:

THỦ TỤC BIÊN PHÒNG TẠI CẢNG BIỂN VÀ CẢNG CHUYÊN DÙNG

Điều 9. Đối với tầu, thuyền nhập cảnh.

1. Khi làm thủ tục nhập cảnh, Biên phòng cửa khẩu cảng chỉ yêu cầu thuyền trưởng nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

- Giấy tờ phải nộp:

+ Bản khai chung : 01 bản chính.

+ Danh sách thuyền viên : 01 bản chính.

+ Danh sách hành khách (nếu có): 01 bản chính.

+ Đơn xin phép đi bờ, khám chữa bệnh của thuyền viên (nếu có): 01 bản chính.

+ Nếu trên tầu có vận chuyển hàng nguy hiểm, vũ khí vật liệu nổ thì phải nộp thêm tờ khai hàng hóa chi tiết.

- Giấy tờ phải xuất trình:

+ Sổ danh bạ thuyền viên (đối với tầu thuyền Việt Nam ).

+ Hộ chiếu của thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

+ Hộ chiếu của hành khách hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu.

+ Giấy chứng nhận đăng ký tầu thuyền. 

2. Đối với tầu thuyền mang cờ của quốc gia có chung biên giới với Việt Nam có trọng tải từ 200 DWT trở xuống, khi đến cảng biển tại khu vực biên giới của Việt Nam với quốc gia đó, Biên phòng cửa khẩu cảng chỉ yêu cầu thuyền trưởng xuất trình các giấy tờ sau:

- Đối với người :

+ Hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ theo thỏa thuận của Việt Nam với quốc gia đó.

+ Các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Đối với tầu, thuyền:

+ Giấy chứng nhận đăng ký tầu, thuyền.

+ Danh sách thuyền viên, nhân viên phục vụ và hành khách trên tầu.

+ Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện.

+ Giấy tờ liên quan đến hàng hóa vận chuyển trên tầu, thuyền và các giấy tờ khác có liên quan do pháp luật Việt Nam quy định cho từng loại tầu, thuyền và lĩnh vực hoạt động.

3. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này và kiểm tra trạng thái bảo quản vũ khí, thực hiện niêm phong đối với chất nổ, vũ khí không thuộc diện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Điều 10. Đối với tầu, thuyền xuất cảnh.

1. Khi làm thủ tục xuất cảnh, Biên phòng cửa khẩu cảng chỉ yêu cầu thuyền trưởng nộp và xuất trình các giấy tờ sau :

- Giấy tờ phải nộp:

+ Bản khai chung : 01 bản chính.

+ Danh sách thuyền viên : 01 bản chính.

+ Danh sách  hành khách (nếu có) : 01 bản chính.

+ Nếu trên tầu có vận chuyển hàng nguy hiểm, vũ khí vật liệu nổ thì phải nộp thêm tờ khai hàng hóa chi tiết.

+ Những giấy tờ do Biên phòng cửa khẩu cảng đã cấp cho tầu thuyền, thuyền viên và hành khách (để thu hồi).

- Giấy tờ phải xuất trình :

+ Hộ chiếu thuyền viên, hộ chiếu của hành khách.

+ Các giấy chứng nhận của tầu.

+ Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên.

2. Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này và kiểm tra dấu niêm phong của Biên phòng cửa khẩu cảng đối với vũ khí, chất nguy hiểm của tầu, thu hồi các loại giấy tờ mà Biên phòng cửa khẩu cảng  đã cấp cho tầu, thuyền, thuyền viên và hành khách; kiểm tra việc thực hiện nộp các khoản phí, lệ phí, tiền xử phạt vi phạm hành chính của tầu.

Điều 11. Đối với tầu, thuyền quá cảnh.

1. Thủ tục tại cửa khẩu nhập cảnh:

a) Khi làm thủ tục cho tầu nhập cảnh, Biên phòng cửa khẩu cảng chỉ yêu cầu nộp các giấy tờ sau:

+ Bản khai chung : 01 bản chính.

+ Danh sách thuyền viên : 01 bản chính.

+ Danh sách hành khách (nếu có) : 01 bản chính.

+ Nếu trên tầu có vận chuyển hàng nguy hiểm, vũ khí vật liệu nổ thì phải nộp thêm tờ khai hàng hóa chi tiết.

b) Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này; Tiến hành niêm phong, giao cho thuyền trưởng bộ hồ sơ gồm: báo cáo tầu chuyển cảng, các bản sao của bản khai chung, bản danh sách thuyền viên, bản danh sách hành khách (nếu có) để chuyển cho Biên phòng cửa khẩu cảng làm thủ tục xuất cảnh; Thực hiện niêm phong theo quy định tại khoản 3 Điều 9 của Quyết định này; Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong thời gian tầu thuyền neo đậu tại cảng theo quy định tại Chương III Quyết định này.

2. Trên đường quá cảnh.

Thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm quản lý thuyền viên, hành khách trên tầu, giữ nguyên trạng thái niêm phong tại các kho và hồ sơ Biên phòng cửa khẩu cảng từ cửa khẩu nhập cảnh đến cửa khẩu xuất cảnh.

3. Thủ tục biên phòng tại cửa khẩu xuất cảnh:

a) Khi làm thủ tục xuất cảnh Biên phòng cửa khẩu cảng xuất cảnh chỉ yêu cầu nộp hồ sơ do Biên phòng cửa khẩu cảng nhập cảnh chuyển đến.

b) Biên phòng cửa khẩu cảng thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này và kiểm tra dấu niêm phong của Biên phòng cửa khẩu cảng đối với vũ khí, chất nguy hiểm của tầu: thu hồi các loại giấy tờ mà Biên phòng cửa khẩu cảng đã cấp cho tầu, thuyền, thuyền viên và hành khách; kiểm tra việc thực hiện nộp các khoản phí, lệ phí, tiền xử phạt vi phạm hành chính của tầu.

Điều 12. Đối với tầu, thuyền chuyển cảng

1. Sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của thuyền trưởng hoặc người thay thế hợp pháp của thuyền trưởng về thời gian, mục đích tầu, thuyền chuyển cảng, tên cảng sẽ đến, dự kiến thay đổi về thuyền viên, hành khách, Biên phòng cửa khẩu cảng chỉ yêu cầu nộp các giấy tờ sau :

+ Bản khai chung : 01 bản chính.

+ Danh sách thuyền viên : 01 bản chính.

+ Danh sách hành khách (nếu có ): 01 bản chính.

+ Nếu trên tầu có vận chuyển hàng nguy hiểm, vũ khí vật liệu nổ thì phải nộp thêm tờ khai hàng hóa.

2. Trách nhiệm của Biên phòng cửa khẩu cảng đi:

a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này.

b) Làm thủ tục cho tầu thuyền chuyển cảng, lập và niêm phong hồ sơ giao thuyền trưởng chuyển cho Biên phòng cửa khẩu cảng đến.

3. Trách nhiệm của Biên phòng cửa khẩu cảng đến:

a) Thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này.

b) Tiếp nhận hồ sơ và thông báo ngay cho Biên phòng cửa khẩu cảng đi biết đã tiếp nhận nguyên vẹn hồ sơ biên phòng, niêm phong biên phòng.

c) Thông báo trao đổi tình hình với Biên phòng cửa khẩu cảng nhập cảnh đầu tiên trong trường hợp tầu có vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm.

Chương 3:

KIỂM TRA, GIÁM SÁT BIÊN PHÒNG

Điều 13. Đối tượng kiểm tra, giám sát biên phòng.

1. Tầu, thuyền Việt Nam và tầu, thuyền nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, neo đậu hoạt động tại cảng biển.

2. Các phương tiện khác của Việt Nam và nước ngoài ra, vào, hoạt động trong khu vực cảng biển.

3. Hoạt động của người Việt Nam và người nước ngoài tại cảng biển.

Điều 14. Biện pháp kiểm tra, giám sát biên phòng.

Căn cứ điều kiện, đặc điểm của các loại tầu, thuyền và quy định tại Điều 5 của Quyết định này, Đồn trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng xem xét và quyết định biện pháp kiểm tra giám sát sau :

1. Kiểm tra, kiểm soát giấy tờ đối với người, phương tiện ra, vào, hoạt động trong các khu vực cảng biển.

2. Giám sát khu vực.

3. Giám sát trực tiếp tại cổng cảng, các mục tiêu hoặc trên tầu thuyền Việt Nam và nước ngoài.

4. Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật.

5. Tuần tra, kiểm soát cơ động.

6. Các biện pháp nghiệp vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Nhiệm vụ của Biên phòng cửa khẩu tại cầu cảng và vùng nước cảng.

1. Kiểm tra, giám sát các tầu, thuyền xuất cảnh, nhập cảnh, chuyển cảng, quá cảnh, hoạt động tại vùng nước cảng.

2. Đối với các tầu, thuyền nội địa, phối hợp cảng vụ hàng hải nắm các thông tin về tầu thuyền, thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động của người, phương tiên, hàng hóa tại khu vực cảng theo quy định của pháp luật, đăng ký đầy đủ, chính xác vào sổ nhật ký tình hình các hoạt động của ngườ lên xuống tầu, ra vào khu vực cảng, phương tiện cặp mạn theo giấy phép được cấp.

3. Giám sát mọi hoạt động của người, phương tiện trong khu vực cảng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

4. Chủ trì duy trì thực hiện quy chế khu vực biên giới biển, ngăn chặn hoạt động vượt biên hoặc xâm nhập trái phép, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia, đấu tranh chống buôn bán vận chuyển ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa vật phẩm cấm qua cửa khẩu cảng.

5. Nhập các dữ liệu vào máy vi tính và vào sổ theo dõi tình hình.

Điều 16. Nhiệm vụ của Biên phòng cửa khẩu cảng tại cổng cảng.

1. Kiểm tra, đăng ký các loại giấy phép do Biên phòng cửa khẩu cảng cấp cho người và phương tiện xuống tầu nước ngoài neo nậu tại cảng và rời tầu nước ngoài đang neo đậu tại cảng để vào nội địa.

2. Kiểm tra, kiểm soát đối với thuyền viên, hành khách hoàn thành thủ tục nhập cảnh để hồi hương bằng cửa khẩu khác và người đã nhập cảnh cửa khẩu khác xuống tầu đề xuất cảnh.

3. Kiểm tra, kiểm soát, đăng ký thẻ đi bờ của thuyền viên đối với thuyền viên nước ngoài đi bờ và trở về tầu.

4. Phối hợp với bảo vệ cảng để quản lý các đối tượng khác hoạt động trong khu vực cảng.

5. Nhập các dữ liệu vào máy vi tính và vào sổ theo dõi tình hình.

Điều 17. Các loại giấy phép.

1. Biên phòng cửa khẩu cảng được cấp các loại thẻ và giấy phép sau :

a) Thẻ đi bờ của thuyền viên (SHORE PASS).

Cấp cho thuyền viên làm việc trên các tầu thuyền mang quốc tịch nước ngoài và thuyền viên nước ngoài làm việc trên các tầu mang quốc tịch Việt Nam trong thơi gian tầu thuyền neo đậu tại cảng nhằm quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi bờ của thuyền viên trong khu vực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tầu, thuyền neo đậu theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ.

b) Thẻ đi bờ của hàng khách (PASSENGER’S LANDINH CARD).

Cấp cho hành khách đi trên tầu, thuyền du lịch sử dụng thay hộ chiếu trong thời gian tham quan du lịch tại Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của hành khách và trong công tác quản lý, kiểm tra khách khi nhập xuất cảnh và chuyển cảng.

c) Thẻ xuống tầu.

Cấp cho người Việt Nam và nước ngoài thuộc các cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên xuống các tầu nước ngoài làm việc, thời hạn không quá 12 tháng nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động lên xuống tầu nước ngoài trong quá trình tầu neo đậu tại cảng.

d) Giấy phép xuống tầu.

Cấp cho người Việt Nam và nước ngoài xuống các tầu nước ngoài đang neo đậu tại cảng để làm việc. Thời hạn Giấy phép xuống tầu không quá 3 tháng, nhằm quản lý chặt chẽ người xuống các tầu thuyền nước ngoài đang neo đậu tại cảng và đảm bảo an ninh, an toàn cho tầu.

đ) Giấy phép (PERMIT).

Cấp cho người Việt Nam và nước ngoài thực hiện các hoạt động báo chí, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch, cung ứng lương thực thực phẩm, nhiên liệu, hàng hóa và thực hiện các dịch vụ khác có liên quan đến tầu thuyền nước ngoài trong khu vực cảng.

Khi thực hiện các hoạt động trên phải thông báo và chịu sự kiểm tra của Biên phòng cửa khẩu cảng.

2. Căn cứ vào quy định tại Điều này, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hướng dẫn mẫu các loại thẻ, giấy phép và hướng dẫn quy trình cấp phát, sử dụng thống nhất các loại thẻ, giấy phép cho các đơn vị Biên phòng cửa khẩu cảng.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 19. Trách nhiệm tổ chức thi hành.

Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Chỉ huy các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
ĐẠI TƯỚNG




Phạm Văn Trà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 167/2004/QĐ-BQP về thủ tục, kiểm tra, giám sát biên phòng tại các cảng biển và cảng chuyên dùng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành

  • Số hiệu: 167/2004/QĐ-BQP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/12/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Phạm Văn Trà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 18
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản