Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1143/KH-UBND

Gia Lai, ngày 24 tháng 3 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ 01/CT-TTG NGÀY 09/01/2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ “VỀ VIỆC TỔ CHỨC PHONG TRÀO TOÀN DÂN THAM GIA BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG TÌNH HÌNH MỚI”

Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 01); Hướng dẫn số 7210/HD-BQP ngày 11/8/2015 của Bộ Quốc phòng về thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ;

Trên cơ sở Kế hoạch số 503/KH-UBND ngày 11/02/2015 của UBND tỉnh về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và tình hình thực tế trên địa bàn khu vực biên giới tỉnh.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ngành, các lực lượng và toàn dân, tạo ra phong trào sâu rộng trong toàn tỉnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp trong tham gia quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

2. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 01 phải tiến hành linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, sát đúng với yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường tiềm lực QP - AN và đối ngoại ở khu vực biên giới.

II. NỘI DUNG THAM GIA BẢO VỆ CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA

1. Các hoạt động tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, dấu hiệu đường biên giới quốc gia trên đất liền, mốc quốc giới như: Tuần tra, canh gác, bảo vệ biên giới, mốc quốc giới, phát quang thông tầm nhìn biên giới, dấu hiệu đường biên giới quốc gia; dấu hiệu nhận biết các cọc dấu mốc, kè bảo vệ bờ sông, cồn bãi trên sông biên giới, mốc quốc giới và công trình quốc phòng - an ninh khu vực biên giới,...

2. Các hoạt động tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

3. Các hoạt động tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới của Tổ quốc; vi phạm Hiệp định về Quy chế quản lý bảo vệ biên giới; vi phạm Quy chế khu vực biên giới; xuất, nhập cảnh vùng biên giới trái phép.

4. Các hoạt động tham gia phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo vệ lợi ích quốc gia ở khu vực biên giới.

5. Các hoạt động giao lưu, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới, chính quyền, các lực lượng bảo vệ biên giới hai nước góp phần giữ vững ổn định an ninh biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển.

III. CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Ban hành văn bản, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc ở các cấp

a) Nội dung, phương pháp:

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và UBND 03 huyện biên giới tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.

- Thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và Quy chế thực hiện phong trào theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ ở các cấp (01 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, 03 huyện biên giới mỗi huyện thành lập 01 ban Ban Chỉ đạo cấp huyện, 07 xã biên giới mỗi xã thành lập 01 Ban Chỉ đạo cấp xã).

- Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai ở các cấp, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan ở các cấp (Tỉnh, Huyện, Xã) trong tổ chức thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Thời gian thực hiện: Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2016.

2. Tổ chức khảo sát

a) Nội dung, phương pháp:

- Tổng hợp tình hình biên giới, địa bàn và hệ thống đường biên, mốc quốc giới, cọc dấu mốc trên khu vực biên giới của tỉnh.

- Khảo sát, thống kê các bến, bãi, khu vực tàu thuyền hoạt động; số lượng tàu, thuyền tham gia đánh bắt cá trên các sông, suối và các công ty, đơn vị sản xuất, kinh doanh... ở khu vực biên giới.

- Khảo sát, thống kê các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị và cá nhân có đất sản xuất, kinh doanh, trồng trọt hoặc có trụ sở làm việc, nhà ở trong khu vực vành đai biên giới.

- Rà soát, tổng hợp các mục tiêu cụ thể cần bảo vệ như: đường biên, mốc quốc giới và công trình biên giới,...

- Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và UBND 03 huyện biên giới chỉ đạo, hướng dẫn; các Đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành có liên quan ở các xã biên giới tổ chức thực hiện.

b) Thời gian thực hiện: Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2016 hoàn thành khảo sát tổng thể. Những năm tiếp theo tổ chức khảo sát bổ sung xong trước tháng 10 hàng năm.

3. Tổ chức ký kết và duy trì thực hiện phong trào

a) Nội dung, phương pháp:

- Tự quản đường biên, mốc quốc giới, cọc dấu mốc: Tùy theo tình hình thực tế về đường biên, mốc quốc giới, cọc dấu mốc và điều kiện của các tập thể, hộ gia đình, cá nhân để tổ chức đăng ký tự quản cho phù hợp.

- Tổ tự quản an ninh trật tự: mỗi khu dân cư (cấp thôn, làng), mỗi chi hội, tổ, nhóm tôn giáo ở khu vực biên giới; mỗi bến, bãi, khu vực tàu thuyền neo đậu ở ven sông, suối thành lập 01 “Tổ tự quản an ninh trật tự”. Căn cứ vào kết quả khảo sát, thống nhất với lực lượng công an địa phương để thành lập “Tổ tự quản an ninh trật tự” ở các khu dân cư cho phù hợp (số lượng thành viên 5-7 người/tổ, trong đó, có 1 tổ trưởng, 1 - 2 tổ phó).

- Tổ tàu, thuyền an toàn: tàu, thuyền của tập thể, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trên các sông, suối biên giới (có sự ổn định) ở cùng một khu vực tổ chức thành lập “Tổ tàu, thuyền an toàn” tham gia bảo vệ quyền, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên các sông, suối biên giới (căn cứ kết quả khảo sát để xác định số lượng thành viên cho phù hợp).

- Các Đồn Biên phòng chủ trì, tham mưu với cấp ủy, chính quyền và phối hợp các cơ quan, ban, ngành cấp xã tổ chức ký kết và duy trì phong trào. Các bên tham gia ký kết gồm: Chủ tịch UBND xã, Đồn trưởng đồn biên phòng và đại diện tập thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia phong trào.

- Hàng năm, Đồn Biên phòng tổng hợp số lượng các đối tượng đăng ký tham gia tự quản (tập thể, hộ gia đình, cá nhân), tham mưu cho UBND xã biên giới hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND huyện quyết định công nhận (bằng văn bản).

b) Thời gian thực hiện: Năm 2016, việc tổ chức ký kết thực hiện xong trong 7/2016; Những năm tiếp theo việc ký kết bổ sung và hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND huyện biên giới quyết định công nhận các tổ chức, cá nhân tham gia phong trào thực hiện vào dịp sơ kết hàng năm ở cấp xã.

4. Công tác tập huấn và Hội nghị sơ, tổng kết

4.1. Hàng năm (vào dịp 03 tháng 3), Đồn Biên phòng và chính quyền xã biên giới (do Đồn Biên phòng tham mưu, UBND xã chủ trì) tổ chức đánh giá kết quả thực hiện phong trào; rà soát, bổ sung danh sách đăng ký tham gia của tập thể, hộ gia đình, cá nhân (nếu có). Sau sơ kết, tổng kết ở cấp xã, UBND 03 huyện biên giới tổ chức hội nghị ở cấp huyện để đánh giá tổng thể kết quả thực hiện Chỉ thị 01, ra Quyết định bổ sung, điều chỉnh đối tượng tham gia phong trào trên địa bàn huyện.

4.2. Định kỳ hàng năm (trước ngày 10/12) các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 01 gắn với kết quả công tác dân vận trên địa bàn về UBND tỉnh (qua cơ quan trường trực là Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) và Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

4.3. Định kỳ một năm một lần, các đồn Biên phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND huyện, xã biên giới tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nội dung liên quan đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho các đối tượng tham gia.

4.4. Định kỳ năm năm một lần tổ chức sơ kết ở cấp tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Ngân sách các cấp chịu trách nhiệm bố trí kinh phí để thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ theo phân cấp hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Xây dựng hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị 01 gắn với các chương trình, phong trào, cuộc vận động đang triển khai trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo các tổ chức thành viên tăng cường công tác tuyên truyền và vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân khu vực biên giới nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; vận động các đơn vị, sở, ngành của tỉnh, thành phố, huyện, thị xã, địa phương phía sau hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các xã biên giới, đồn Biên phòng và quần chúng nhân dân trên khu vực biên giới của tỉnh.

2. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh

- Là cơ quan thường trực, giúp Ban Chỉ đạo của tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 01, định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, những vấn đề vướng mắc, phát sinh, đề xuất biện pháp giải quyết; tổng hợp, đề xuất khen thưởng thường xuyên, định kỳ hoặc đột xuất cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

- Bổ sung quy chế phối hợp giữa Đảng ủy BĐBP tỉnh với huyện ủy 03 huyện biên giới về nội dung phối hợp thực hiện Chỉ thị 01.

- Chỉ đạo các Đồn biên phòng tham mưu cho UBND các xã biên giới xác định về nội dung, yêu cầu, phạm vi, trách nhiệm, quyền hạn cho từng đối tượng, sát với tình hình, đặc điểm của địa phương; tổng hợp, đề xuất UBND huyện khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; bổ sung quy chế phối hợp giữa Đảng ủy đồn Biên phòng với Đảng ủy xã. Tăng cường phối hợp hoạt động với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của MTTQ các xã biên giới, các cơ quan, ban, ngành có liên quan, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong các cơ quan, đơn vị và nhân dân trên biên giới nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

- Chỉ đạo các Đồn biên phòng định kỳ 01 năm/lần phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho chính quyền địa phương (huyện, xã biên giới) tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia phong trào về kiến thức pháp luật, quy định, thủ tục, quy trình liên quan đến việc thực hiện các nội dung quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ tài nguyên, môi trường, lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật, các điều ước và thoả thuận Quốc tế về biên giới mà Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng; giao Đồn biên phòng quản lý hồ sơ đăng ký của tập thể, hộ gia đình, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ định kỳ 5 năm một lần.

- Phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán kinh phí đảm bảo các hoạt động bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các huyện biên giới, các cơ quan, ban, ngành có liên quan huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn, vững chắc trên khu vực biên giới; xây dựng nền Quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh.

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự 03 huyện Biên giới (Đức Cơ, Chư Prông, la Grai) theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các Đồn biên phòng, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn huyện.

4. Công an tỉnh

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở khu vực biên giới.

- Chỉ đạo Công an 03 huyện Biên giới (Đức Cơ, Chư Prông, la Grai) theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các Đồn biên phòng, tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn huyện.

5. Sở Tài chính

Hàng năm, chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các sở, ngành có liên quan và UBND 03 huyện biên giới lập dự toán kinh phí, bổ sung, điều chỉnh kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ trở thành phong trào thường xuyên, hiệu quả, thiết thực, lâu dài.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các sở, ngành, đơn vị có liên quan, UBND 03 huyện biên giới bổ sung, lồng ghép các chương trình, nội dung chính sách đầu tư có liên quan để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 01 gắn với bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ các khu dân cư trên địa bàn các huyện, xã biên giới, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở khu vực biên giới.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai

Chỉ đạo và đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về trách nhiệm của hệ thống chính trị và công dân, gương người tốt, việc tốt trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên các phương tiện thông tin đại chúng.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện lồng ghép đưa nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên, học viên các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường dạy nghề, các trường phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với UBND 03 huyện biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức khảo sát, rà soát lại quy hoạch, bố trí dân cư trên khu vực biên giới theo hướng vừa đảm bảo sản xuất ổn định đời sống lâu dài, vừa tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân có điều kiện tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

10. Các sở; ban, ngành và các đoàn thể; các đơn vị LLVT; các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh

Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị 01 cho cán bộ, công chức, viên chức; đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thuộc ngành, địa phương, đơn vị mình nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; hàng năm, xây dựng Kế hoạch, Chương trình công tác cụ thể hướng về biên giới và thực hiện tốt chính sách hậu phương, quân đội.

11. UBND 03 huyện biên giới

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01. Tổ chức quán triệt, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn huyện;

- Chỉ đạo tiến hành chặt chẽ hoạt động khảo sát, xác định nội dung, hình thức, quy mô, phạm vi thực hiện, Quyết định công nhận các tập thể, cá nhân, hộ gia đình tham gia thực hiện tốt Chỉ thị 01 trên địa bàn huyện.

- Hàng năm, UBND 03 huyện biên giới phối hợp với Sở Tài chính cân đối bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chỉ thị 01 gắn với giao đất, giao rừng, ưu tiên hỗ trợ trang bị, phương tiện, kỹ thuật, vốn sản xuất, kinh doanh,... cho các đối tượng tham gia phong trào ở khu vực biên giới.

- Định kỳ hàng năm, chỉ đạo việc sơ kết phong trào trên địa bàn huyện; bổ sung hoặc điều chỉnh nội dung, biện pháp thực hiện và danh sách tập thể, cá nhân, hộ gia đình đăng ký tham gia phong trào theo quy định.

Yêu cầu các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh kịp thời về Ban Chỉ đạo (qua Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) để tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo, trình UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Quốc phòng;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- BTL BĐBP, TT.BTL BĐBP;
- BTL QĐ3, BTL BĐ15;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Chủ tịch và các PCTUBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công an tỉnh, Quân sự, Biên phòng tỉnh;
- Lưu VT, KTTH, NC(P).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Ngọc Thành

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1143/KH-UBND năm 2016 triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 1143/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/03/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Võ Ngọc Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản