Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5098/KH-UBND | Lâm Đồng, ngày 12 tháng 7 năm 2022 |
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể, như sau:
1. Mục tiêu tổng quát:
Cơ cấu lại nền kinh tế hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; trọng tâm là cơ cấu lại nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, an toàn về môi trường; phát triển du lịch chất lượng cao; phát triển được nhiều sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực, có thế mạnh và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,0 - 8,0%; trong đó: khu vực nông lâm thủy tăng 4,5 - 5,0%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,5 - 11,0%; khu vực dịch vụ tăng 8,0 - 9,0%
- Cơ cấu kinh tế: Đến năm 2025, khu vực nông lâm thủy chiếm tỷ lệ 35,0 - 36,5%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ lệ 22,0 - 23,5%, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ 42,0 - 43,5%.
- GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 khoảng 120 - 125 triệu đồng, (tương đương khoảng 5.148 đến 5.363 USD); tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 8,0 - 9,0%.
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội hàng năm chiếm khoảng 35 - 36% GRDP.
- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 11 - 12%; trong đó, thuế, phí tăng bình quân 12 - 14%; phấn đấu đến năm 2025, ngân sách địa phương cân đối trên 80% nhu cầu chi thường xuyên.
- Kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm khoảng 14 - 15%, đến năm 2025 đạt khoảng 1.610 triệu USD.
- Lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú tăng bình quân 9%/năm; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 12 - 13% tổng lượng khách qua lưu trú.
- Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 15.000 doanh nghiệp hoạt động.
- Đến năm 2025, toàn tỉnh có 578 hợp tác xã; trong đó, có 116 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, 15% hợp tác xã áp dụng công nghệ lai tạo giông cây trồng có ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử. Phấn đấu mỗi địa phương có ít nhất 02 hợp tác xã nông nghiệp/01 năm, trong đó có ít nhất 01 mô hình hợp tác xã có chuỗi liên kết gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương.
II. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
1.1. Cơ cấu lại đầu tư công:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương:
- Xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng. Huy động tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thông qua các hình theo hình thức đối tác công tư (PPP, BT, BTO,...) để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, đô thị, năng lượng, thủy lợi... gắn với quy hoạch phát triển vùng tỉnh và huyện; tạo bứt phá trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, Internet... Thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống đường vành đai các đô thị lớn. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng các lĩnh vực văn hóa - xã hội, vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Xây dựng, triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; thường xuyên theo dõi, đánh giá, giám sát chặt chẽ việc quản lý và sử dụng vốn của các dự án đầu tư công. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện các dự án, công trình theo đúng tiến độ.
- Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Phát huy vai trò của đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân để tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và xã hội hóa; tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thiểu tình trạng thất thoát lãng phí trong hoạt động đầu tư các dự án đầu tư công.
b) Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Báo cáo kết quả thực hiện Đồ án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh, đề xuất những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong những năm tiếp theo.
- Triển khai hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức và giá xây dựng; thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
c) Các sở, ngành và địa phương liên quan: Triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả đầu tư công; thực hiện có hiệu quả các dự án, công trình đầu tư cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất tạo động lực lan tỏa, từng bước phát triển kinh tế có tính liên kết vùng; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước trong quá trình đầu tư công.
1.2. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước:
a) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương:
- Thực hiện hiệu quả các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế; chú trọng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh kiểm tra; khắc phục triệt để tình trạng thất thu trong các lĩnh vực như chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng tài sản.,., qua đó tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 62-CTr/TU ngày 23/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; phấn đấu đến năm 2025, ngân sách địa phương cân đối trên 80% nhu cầu chi thường xuyên.
- Hàng năm, đánh giá tình hình, kết quả thu ngân sách, xác định những lĩnh vực còn thất thu, những tồn tại trong công tác tổ chức, chỉ đạo, điều hành quản lý thu ngân sách; thực hiện theo kế hoạch, lộ trình, không để dồn vào những tháng cuối năm. Khai thác các nguồn thu mới, nguồn thu phát sinh từ khu vực tài nguyên, đất đai, khoáng sản,... để tăng thu cho ngân sách.
- Tiếp tục tham mưu cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; rà soát, cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển gắn với tái cơ cấu đầu tư công; phấn đấu đến hết năm 2025 chi đầu tư phát triển đạt 35% trong tổng chi cân đối ngân sách; thực hiện nghiêm nguyên tắc chỉ vay nợ cho chi đầu tư phát triển; giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi hợp lý để tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách cấp tỉnh, tăng tỷ lệ tự chủ của ngân sách cấp huyện, xã. Đổi mới mạnh mẽ tài chính khu vực sự nghiệp công lập, giảm dần số cấp từ ngân sách, tăng số lượng đơn vị tự chủ tài chính nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và đơn vị sự nghiệp thuộc huyện quản lý.
b) Sở Thông tin và Truyền thông: Đẩy nhanh việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và kế hoạch của UBND tỉnh để thúc đẩy số, phát triển kinh tế số, an toàn thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực sự hiệu quả
c) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Thuế, các sở, ngành, địa phương liên quan: Đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường,...
1.3. Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng:
a) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh:
- Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát và xử lý nợ xấu bảo đảm an toàn hệ thống.
- Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối, chống đô la hóa. Đẩy mạnh cơ cấu lại dịch vụ ngân hàng trên cơ sở tăng cường ứng dụng, phát triển công nghiệp hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đây nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
- Ưu tiên thực hiện chính sách tín dụng phục vụ cho phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp; gắn tăng trưởng tín dụng với kiểm soát chặt chẽ chất lượng và hiệu quả hoạt động cho vay. Thực hiện các giải pháp tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và phát triển bền vững; triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng.
b) Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Lâm Đồng tiếp nhận nguồn vốn viện trợ, cho vay ưu đãi nước ngoài để tài trợ cho dự án thuộc danh mục phân loại xanh theo quy định pháp luật.
1.4. Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương:
- Rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật hiện hành.
- Đối với giá các loại dịch vụ được ngân sách nhà nước chi trả toàn phần hoặc một phần và giá các dịch vụ có sự điều tiết của nhà nước, hoàn thành tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, bảo đảm công khai, minh bạch, và điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách và người nghèo; đồng thời với thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị cung cấp các loại dịch vụ nói trên.
b) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương: Xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, báo cáo UBND tỉnh.
2. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực:
2.1. Phát triển thị trường tài chính:
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các sở, ngành, địa phương:
- Thực hiện các giải pháp cơ cấu lại và phát triển thị trường tài chính; nâng cao tính công khai, minh bạch và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
- Xây dựng chiến lược tài chính đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
2.2. Phát triển thị trường quyền sử dụng đất:
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương:
- Đẩy nhanh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong việc thu thập và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, cập nhật và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh điều tra, thống kê, kiểm kê và xác định giá đất làm cơ sở hạch toán đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất.
2.3. Phát triển thị trường lao động:
a) Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các địa phương:
- Triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
- Triển khai mô hình đào tạo, đào tạo lại trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác gắn với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và hỗ trợ đào tạo cho người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động nông thôn và các đối tượng chính sách khác.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động đồng bộ, chú trọng công tác hướng nghiệp, dự báo, ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cung - cầu nhân lực trong và ngoài nước gắn với thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phân bổ hợp lý lao động. Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh theo hướng hiện đại, tạo thuận lợi cho người tìm việc và người tuyển dụng lao động.
- Triển khai các giải pháp ổn định và phát triển, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, nhất là các thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động. Quản lý chặt chẽ công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Có giải pháp sử dụng hiệu quả đội ngũ lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước.
- Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, thanh niên nông thôn.
b) Bảo hiểm xã hội tỉnh: Mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
c) Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; tăng cường ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chú trọng kết nối giữa các cơ sở giáo dục đại học với các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Thực hiện các giải pháp để xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành, đạt chuẩn quốc tế (chủ yếu ở thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc).
- Triển khai chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.
- Thực hiện liên kết, hợp tác đào tạo với các Viện, Trường trong và ngoài tỉnh thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
d) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức của tỉnh có trình độ cao, ưu tiên các lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ như: công nghệ thông tin, sinh học, chế biến,...
- Khuyến khích các tổ chức khoa học công nghệ, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ quản lý, tổ chức sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
2.3. Phát triển thị trường khoa học công nghệ:
a) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ và ứng dụng nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ.
- Nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học gắn với thực tiễn sản xuất; đồng thời thực hiện chuyển giao ứng dụng, công nghệ vào thực tiễn sản xuất tại địa phương để tạo chuyển biến mạnh mẽ giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, mang lại hiệu quả thực sự theo yêu cầu phát triển của địa phương.
- Phát huy vai trò của Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu, làm chủ công nghệ để chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống.
b) Sở Thông tin và Truyền thông: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đề xuất giải pháp quản lý các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số và mạng internet.
c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.
3.1. Phát triển lực lượng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Đẩy nhanh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Hỗ trợ để hình thành một số doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực.
- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức đối thoại công khai định kỳ (ít nhất hai lần/năm) hoặc gặp gỡ, trao đổi hàng tháng, quý với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn.
- Triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp và Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.
- Thực hiện các giải pháp khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết của Chính phủ; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
- Đẩy nhanh công tác phân loại đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022-2025 theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục đơn vị sự nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định.
b) Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
- Triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
- Thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất, giải quyết nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định pháp luật cho doanh nghiệp; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
- Rà soát, điều chỉnh các chính sách, quy trình, thủ tục phê duyệt hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quỹ phát triển công nghệ địa phương theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ và hỗ trợ có mục tiêu, trọng điểm.
- Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
c) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tham mưu xây dựng Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022- 2025”.
- Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025” theo Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 và Đề án “hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025” theo Kế hoạch số 9025/KH-UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh.
- Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, áp dụng các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực thông qua triển khai các Chương trình, Đề án[1].
d) Sở Nội vụ: Tổ chức thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính; triển thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cung cấp dịch công trực tuyến; nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.
3.2. Đổi mới, chủ động trong xúc tiến đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Thực hiện theo Kế hoạch số 23-KH/TU ngày 01/10/2021 của Tỉnh ủy va Kế hoạch so 8231/UBND-KH ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài.
3.3. Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh Hợp tác xã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác giai đoạn 2021-2025.
- Đẩy nhanh phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, nòng cốt là hợp tác xã hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi. Chú trọng phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, hình thành các chuỗi giá trị trong nông nghiệp gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; với mô hình “Doanh nghiệp là nòng cốt; kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác là trung tâm; hông dân là chủ thể”. Phát triển những mô hình liên kết để tạo sự bứt phá mang lại hiệu quả cao giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân gắn với nâng cao trình độ quản trị, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ cao.
- Triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
b) Sở Thông tin và Truyền thông: Thực hiện hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
c) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
d) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; đổi mới lề lối phương thức và thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp; công khai, minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu.
đ) Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức đối thoại công khai định kỳ (ít nhất hai lần/năm) hoặc gặp gỡ, trao đổi hàng tháng, quý với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp; chỉ đạo và chịu trách nhiệm đẩy mạnh triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định.
e) Các sở, ban, ngành và địa phương:
- Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
- Rà soát, điều chỉnh các chính sách, quy trình, thủ tục phê duyệt hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quỹ phát triển công nghệ địa phương theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục nhận hỗ trợ và hỗ trợ có mục tiêu, trọng điểm.
- Rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực để đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc loại bỏ cho phù hợp với thị trường và quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
- Thực hiện quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
3.4. Phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài:
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương:
- Xây dựng và thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với cơ chế, chính sách khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
- Đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm vào các đối tác tiềm năng; thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ xanh thân thiện với môi trường.
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
- Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, khẩn trương hoàn thành công tác lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2030.
- Rà soát, báo cáo UBND tỉnh đề xuất Trung ương bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư cho các chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng, lan tỏa, cùng với các địa phương lân cận hỗ trợ nhau phát triển, đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Bám sát định hướng, kế hoạch của Trung ương về việc thực hiện các Chương trình hỗ trợ đầu tư các dự án liên kết vùng giai đoạn 2021-2025 (nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi,...) để đề xuất tỉnh Lâm Đồng tham gia các dự án thành phần; trong đó ưu tiên các dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi, quản lý và bảo vệ tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu,....
b) Sở Giao thông vận tải:
- Tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư và sớm khởi công các dự án thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Dự án Cải tạo, nâng cấp QL.28B đoạn qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đề xuất Bộ Giao thông vận tải quan tâm, báo cáo Chính phủ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, tạo liên kết vùng như: Dự án Cải tạo, nâng cấp QL.27 đoạn Km0 - Km174 thuộc tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Lâm Đồng; Dự án Cải tạo, nâng cấp QL.55 đoạn Km205 140 - Km229 140 thuộc tỉnh Lâm Đồng; Tuyến đường QL.27C thuộc tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng.
- Đề xuất các giải pháp để thu hút, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, trong đó ưu tiên hình thức đối tác công tư để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối giao thông đối ngoại gồm: các tuyến đường tỉnh ĐT.721, ĐT.722, ĐT.725, ĐT.729, đường vành đai, đường tránh đô thị thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và các trục kết nối liên vùng huyện....
- Đề xuất giải pháp nâng cấp sân bay Liên Khương từ tiêu chuẩn 4D lên 4E và trở thành sân bay quốc tế theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, cải tạo nâng cấp ga Đà Lạt.
c) Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
- Tổ chức quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị, vùng đô thị, nhất là quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng, quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh; gắn kết chặt chẽ giữa công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị với nhiệm vụ lập quy hoạch và quản lý, bảo vệ các khu quân sự và địa hình ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
- Rà soát quy hoạch đối với các khu vực nông thôn, trung tâm cụm xã có điều kiện hình thành đô thị, tổ chức lập quy hoạch theo định hướng đô thị mới, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào hệ thống đô thị của tỉnh và quốc gia.
- Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số. Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị.
5.1. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương:
- Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 837/QD-UBND ngày 12/5/2022.
- Triển khai thực hiện hiệu quả các Chiến lược phát triển các tiểu ngành, lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030.
- Tăng cường các biện pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập cho dân cư nông thôn.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Huy động nguồn lực đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
5.2. Cơ cấu lại công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp:
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương:
- Phát triển công nghiệp có chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường. Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành công nghiệp, nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn; công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp;... trình độ công nghệ cao gắn với khai thác được thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp địa phương, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Đầu tư, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát triển các làng nghề truyền thống và làng nghề mới; khôi phục phát triển công nghiệp ươm tơ, dệt lụa gắn với vùng nguyên liệu, nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đan lát,... phục vụ nhu cầu thị trường và phát triển du lịch. Tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp lợi thế như: chế biến trà, cà phê, sữa, tơ tằm, alumin, nhôm, sản phẩm sau nhôm, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp và chế biến... Triển khai xây dựng, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Phú Bình. Đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, gia tăng giá trị nông sản.
5.3. Cơ cấu lại các ngành du lịch, dịch vụ:
a) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
- Tiếp tục khai thác, phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan, môi trường để mở rộng không gian du lịch theo quy hoạch, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh và thật sự trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh; xây dựng thành phố Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, mang tầm quốc gia và quốc tế, hướng tới phát triển du lịch thông minh. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch mới lạ, hấp dẫn theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh; tiếp tục phát triển mạnh các loại hình du lịch đặc trưng mang thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đông và các sản phẩm đặc thù từng địa phương gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; giữ gìn, tôn tạo kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên.
- Đẩy nhanh việc xúc tiến, kết nối du lịch trong nước và quốc tế; khuyến khích, thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí lớn, hiện đại, các nhà hàng, khách sạn cao cấp,... nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế về đêm. Xây dựng các tour, tuyến du lịch trên địa bàn trong quan hệ hợp tác liên tỉnh, liên vùng và quốc tế.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao, ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch theo hướng chất lượng cao, khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ du lịch mới lạ, hấp dẫn nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách. Thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật số trong quản lý, kết nối các dịch vụ du lịch, du khách. Phát triển đội ngũ quản lý và hướng dẫn viên có tính chuyên nghiệp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
- Phát triển mạnh khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, nhất là các dịch vụ có lợi thế, giá trị gia tăng cao, như du lịch, bán buôn, bán lẻ các mặt hàng nông sản; phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính - viễn thông; tư vấn, phát triển thị trường bất động sản.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương: Xây dựng các chính sách nhằm tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Thu hút đầu tư tư nhân vào các ngành du lịch, dịch vụ mũi nhọn, then chốt; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
c) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương:
- Thực hiện hiệu quả Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021- 2030.
- Triển khai Đề án phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 .
- Đẩy nhanh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Xây dựng các giải pháp phát triển thương mại điện tử, khai thác hiệu quả các phương thức thanh toán điện tử và các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới. Xây dựng Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025.
d) Cục Quản lý thị trường: Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lực lượng quản lý thị trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
6. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước:
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:
- Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả gắn với đề án vị trí việc làm, cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XII) và Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa các ban, ngành; sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
- Đẩy mạnh việc phân cấp trong hệ thống hành chính đi đối với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, thực thi công vụ. Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, đồng hành đối với người nhân dân, doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực, đạo đức lối sống trong sáng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công; xây dựng chính quyền điện tử, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động dự báo để giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại, tố cáo, không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu kiện phức tạp. Tiếp tục đổi mới hoạt động của các cơ quan thanh tra theo hướng tăng cường công tác thanh tra hành chính, thanh tra trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng và trong chấp hành chế độ công vụ; kịp thời phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý kịp thời các tồn tại, hạn chế, sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
- Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong giải quyết thủ tục hành chính và các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; thực hành tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành.
1. Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc:
1.1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các nhiệm vụ cụ thể tại Kế hoạch này, thực hiện ngay việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện (có biểu đồ, bảng biểu thực hiện) và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
1.2. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này của từng sở, ban, ngành và địa phương; định kỳ báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10 tháng 12 hàng năm; kịp thời kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
3. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền các nội dung của Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận xã hội, phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Kế hoạch này, các sở, ban, ngành và địa phương chủ động đề xuất, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
[1] Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” theo Kế hoạch số 6736/KH-UBND ngày 16/10/2019; Đề án “Tăng cường, đói mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế” theo Kế hoạch số 5267/KH-UBND ngày 15/6/2020; Chương trình Quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa” theo Kế hoạch số 8206/KH-UBND ngày 15/11/2021.
- 1Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Kế hoạch 2296/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Quyết định 387/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 4Kế hoạch 262/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 1Nghị quyết 39-NQ/TW năm 2015 tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
- 3Nghị quyết 07-NQ/TW năm 2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
- 4Quyết định 996/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 635/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025
- 6Quyết định 1322/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Kế hoạch 6736/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 8Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
- 9Kế hoạch 8206/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 10Kế hoạch 8231/KH-UBND năm 2021 thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- 11Nghị quyết 11/NQ-CP năm 2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình do Chính phủ ban hành
- 12Kế hoạch 9025/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025”
- 13Nghị quyết 54/NQ-CP năm 2022 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do Chính phủ ban hành
- 14Quyết định 837/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng hướng đến toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025
- 15Kế hoạch 174/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do thành phố Hà Nội ban hành
- 16Kế hoạch 2296/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 17Quyết định 387/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 18Kế hoạch 262/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Kế hoạch 5098/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Lâm Đồng ban hành
- Số hiệu: 5098/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 12/07/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Trần Văn Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/07/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra