Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 635/QĐ-UBND | Lâm Đồng, ngày 22 tháng 3 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017;
Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Căn cứ Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”;
Căn cứ Kế hoạch số 5713/KH-UBND ngày 07/9/2018 của UBND tỉnh thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng,
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 130/TTr-SKHCN ngày 26/02/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025.
Điều 2. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA KHỞI NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 635/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)
I. Sự cần thiết ban hành Đề án
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (gọi tắt là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo) được thành lập để thực hiện ý tưởng khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Do đó, là loại hình doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển nhanh và phù hợp định hướng phát triển kinh tế tri thức của đất nước. Tuy nhiên, với tính chất là mô hình hoạt động mới, sáng tạo nên hoạt động thường không ổn định, gặp nhiều rủi ro cần có sự hỗ trợ để khởi nghiệp thành công.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, quy định chi tiết tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ; đây là chính sách quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần được triển khai cụ thể tại địa phương.
Ngày 18/4/2017, UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 740/QĐ-UBND; triển khai Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”, ngày 22/9/2017 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6324/KH-UBND về việc hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.
Hoạt động khởi nghiệp đã từng bước được hình thành gắn với hình thành một số tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (gọi chung của: vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp,...) như: Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Trường Đại học Đà Lạt thành lập ngày 25/5/2017; Vườn ươm khởi nghiệp và sáng tạo do Tỉnh Đoàn Lâm Đồng thành lập ngày 14/01/2018; Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp tỉnh thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thành lập tháng 11/2018.
Tuy nhiên, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trên mới đi vào hoạt động, chưa có liên kết của các thành phần khác nhau để trở thành hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp; kết quả chủ yếu chỉ là khơi gợi tinh thần khởi nghiệp thông qua việc tổ chức một số lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh, tổ chức cuộc thi khởi nghiệp,...; chưa có các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ,... chưa thực hiện được việc kết nối nhà tư vấn, nhà đầu tư, quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các tổ chức này còn sơ khởi, không có nhân sự chuyên trách, kinh phí và cơ sở vật chất hoạt động rất hạn chế; chưa có không gian làm việc chung cho cộng đồng khởi nghiệp; chưa có cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho bộ phận thiết kế, thử nghiệm,... Để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cần phát triển và thúc đẩy hoạt động của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như là tổ chức ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và gia tốc cho các doanh nghiệp khởi nghiệp này phát triển.
Do đó, để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh, cần thiết phải ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ, gắn với phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (theo Kế hoạch số 6324/KH-UBND ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh).
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
a) Triển khai các chính sách, pháp luật của nhà nước thành các nội dung hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, góp phần gia tăng hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, hình thành các doanh nghiệp có sức tăng trưởng nhanh, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.
b) Thúc đẩy hình thành, phát triển các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tạo lập hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2019-2025: Hỗ trợ 30 dự án của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (2019-2020: 5 dự án; 2020-2023: 10 dự án; 2023-2025: 15 dự án).
b) Xây dựng một số nội dung hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, không gian làm việc chung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
c) Liên kết, phối hợp các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong tỉnh, trong nước và quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh.
III. Đối tượng, điều kiện hỗ trợ
1. Đối tượng
a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được thành lập, tổ chức, hoạt động theo quy định tại và Khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định của pháp luật về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
b) Các tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
2. Điều kiện và phương thức thực hiện lựa chọn đối tượng hỗ trợ
Thực hiện theo Khoản 1 Điều 17 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định tại Điều 20 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ.
Danh mục các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nội dung hỗ trợ do UBND tỉnh phê duyệt và công bố công khai.
IV. Nội dung Đề án
1. Tuyên truyền về khởi nghiệp sáng tạo
a) Tuyên truyền, phổ biến Đề án và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh;
b) Cung cấp các thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; chính sách pháp luật; nguồn nhân lực; nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; đối tác khách hàng; sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tổ chức, cá nhân hỗ trợ; tin tức sự kiện trong nước, quốc tế và các hoạt động khác hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;
c) Thực hiện các chuyên đề, phóng sự về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công của tỉnh.
2. Xây dựng hạ tầng, khu làm việc chung
Tạo lập hạ tầng vật chất kỹ thuật, khu làm việc chung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường điều kiện vật chất kỹ thuật trong các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ để thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp khởi nghiệp theo lộ trình:
- Giai đoạn 2019-2020: thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung theo hình thức đối tác công tư tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh thuộc Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.
- Giai đoạn 2021-2025: thành lập cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung gắn với trụ sở của Trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ.
3. Tổ chức tập huấn, đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ
Hàng năm, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chung cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, nhằm trang bị kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, xây dựng và bảo hộ thương hiệu của doanh nghiệp, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao vào hoạt động khởi nghiệp.
4. Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Các nội dung cụ thể theo đề nghị của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được phê duyệt tham gia Đề án; được cung cấp từ các tổ chức đáp ứng các yêu cầu quy định quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực hoặc chỉ định thực hiện các hoạt động hỗ trợ; ưu tiên các tổ chức đủ điều kiện trong tỉnh.
a) Hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về: thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ; thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế; xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý (theo Điều 13 Mục 3 Chương III Nghị định số 39/2018/NĐ-CP).
b) Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm mới, mô hình kinh doanh mới:
- Cung cấp thông tin miễn phí về hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;
- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở;
- Giảm 50% phí thử nghiệm mẫu phương tiện đo; giảm 50% phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; giảm 50% chi phí cấp dấu định lượng của hàng đóng gói sẵn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường nhưng không quá 10 triệu đồng/01 lần thử và không quá 01 lần/năm;
- Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tự tổ chức đo lường;
- Giảm 50% phí thử nghiệm về chất lượng hàng hóa tại hệ thống thử nghiệm thuộc cơ quan quản lý nhà nước nhưng không quá 10 triệu đồng/01 lần thử và không quá 01 lần/năm.
c) Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ: Hỗ trợ 50% phí hợp đồng ứng dụng công nghệ cao, hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng không quá 100 triệu đồng/01 hợp đồng và không quá 01 hợp đồng/năm.
d) Hỗ trợ đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa:
- Hỗ trợ 50% chi phí đào tạo chuyên sâu về: Xây dựng, phát triển sản phẩm; thương mại hóa sản phẩm; gọi vốn đầu tư; phát triển thị trường; kết nối mạng lưới khởi nghiệp với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học. Chi phí hỗ trợ không quá 20 triệu đồng/01 khóa đào tạo và không quá 01 khóa/năm;
- Miễn phí tra cứu, khai thác, cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sáng chế, thông tin công nghệ, kết quả nghiên cứu;
- Hỗ trợ 100% chi phí gian hàng tại Hội trợ triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; ưu tiên tham gia Chương trình xúc tiến thương mại có sử dụng ngân sách nhà nước;
- Miễn phí cung cấp thông tin, truyền thông về kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
đ) Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung:
- Hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Hỗ trợ 50% (không vượt quá 5 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp) phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
5. Xây dựng cơ chế, liên kết hoạt động các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp
a) Xây dựng cơ chế liên kết các cấu thành của hệ sinh thái khởi nghiệp, nhất là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, mạng lưới các chuyên gia tư vấn, các nhà đầu tư, nguồn Quỹ đầu tư khởi nghiệp,...
b) Định kỳ tổ chức ngày hội khởi nghiệp và tham gia ngày hội khởi nghiệp quốc gia.
c) Phối hợp tổ chức hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp theo Kế hoạch số 6324/KH-UBND ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh.
V. Nguồn lực và thời gian thực hiện hỗ trợ
1. Nguồn lực thực hiện
a) Thực hiện các Khoản 1, 3, 5 Mục IV: Ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm.
b) Thực hiện Khoản 2 Mục IV: Nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương thực hiện nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Khoản 2, Điều 26, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP).
c) Thực hiện Khoản 4 Mục IV: Nguồn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của nhà nước.
2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2019 đến năm 2025.
VI. Cơ chế quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện
1. Cơ chế quản lý, giám sát
a) Quản lý, giám sát dự án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua hợp đồng hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo.
b) Doanh nghiệp thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo tiến độ triển khai dự án về cơ quan chủ trì theo định kỳ 06 tháng/lần.
c) Cơ quan chủ trì quản lý, kiểm tra dự án nhưng không quá 01 lần/dự án/năm.
2. Đánh giá kết quả
Trong vòng 30 ngày, sau khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng, doanh nghiệp thực hiện dự án có trách nhiệm báo cáo kết quả về cơ quan chủ trì để tổ chức đánh giá, nghiệm thu theo hợp đồng và thanh quyết toán theo quy định tài chính hiện hành.
VII. Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, đầu mối tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.
2. Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan bố trí nguồn kinh phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí theo đúng quy định.
3. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia Đề án.
4. Các tổ chức khởi nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tuyên truyền, tổ chức cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia Đề án.
Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa đổi, bổ sung, đề nghị gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
- 1Nghị quyết 43/NQ-HĐND năm 2018 về chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025
- 2Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020
- 3Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do thành phố Cần Thơ ban hành
- 4Kế hoạch 1873/KH-UBND triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2019
- 5Quyết định 259/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Kế hoạch “Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025”
- 6Quyết định 791/QĐ-UBND năm 2019 về ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 7Quyết định 4889/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025”
- 8Nghị quyết 49/NQ-HĐND năm 2019 về chủ trương ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025
- 9Quyết định 3019/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2025"
- 10Quyết định 514/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025
- 11Kế hoạch 9025/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025”
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Quyết định 844/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017
- 4Quyết định 740/QĐ-UBND năm 2017 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 5Nghị định 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
- 6Kế hoạch 6324/KH-UBND năm 2017 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020
- 7Kế hoạch 5713/KH-UBND năm 2018 thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- 8Nghị quyết 43/NQ-HĐND năm 2018 về chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025
- 9Nghị quyết 148/2018/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020
- 10Nghị quyết 07/2018/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ đầu tư dự án ngoài ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do thành phố Cần Thơ ban hành
- 11Kế hoạch 1873/KH-UBND triển khai hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2019
- 12Quyết định 259/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Kế hoạch “Xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025”
- 13Quyết định 791/QĐ-UBND năm 2019 về ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh
- 14Quyết định 4889/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn năm 2019-2025”
- 15Nghị quyết 49/NQ-HĐND năm 2019 về chủ trương ban hành Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025
- 16Quyết định 3019/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đắk Nông đến năm 2025"
- 17Quyết định 514/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2019-2025
Quyết định 635/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025
- Số hiệu: 635/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/03/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Phạm S
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra