Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 740/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 18 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;

Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTTU, TT HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KHỞI NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2011-2016

1. Đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2011-2016

Trong giai đoạn 5 năm qua, môi trường kinh doanh của tỉnh từng bước được cải thiện, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng khá, nhiều doanh nghiệp đã nâng cao được năng lực cạnh tranh. Riêng năm 2016, có 917 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.455,3 tỷ đồng, tăng 8,4% về số lượng doanh nghiệp, 103,3% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp năm 2016 đạt 9,2 tỷ đồng, cao gấp 1,13 lần mức bình quân cả nước, tăng 87,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tỷ lệ tăng trưởng đăng ký kinh doanh bình quân giai đoạn 2011-2016 là 15,87%.

Đến 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 6.447 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 60.972 tỷ đồng, tăng 16,5% về số doanh nghiệp và 16,3% về vốn đăng ký so với 2015. Doanh thu thuần bình quân một doanh nghiệp 10,13 tỷ đồng; số doanh nghiệp có lãi chiếm tỷ trọng khoảng 52,9%, số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chiếm 27,95%; số doanh nghiệp hòa vốn chiếm tỷ lệ 19,2%.

Về cơ cấu ngành nghề, doanh nghiệp nông lâm nghiệp chiếm 7,27%; dịch vụ chiếm 11,04%; công nghiệp - xây dựng chiếm 21,11%; thương mại và dịch vụ chiếm 48,39% và các ngành nghề khác 12,19%. Tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh gồm: Nông lâm nghiệp chiếm 3,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 6,4%; dịch vụ chiếm 4,7%. Khu vực doanh nghiệp tạo việc làm cho khoảng 720 nghìn lao động với thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm và tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu hơn 480 triệu USD/năm.

Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển được nhiều sản phẩm mới, khai thác tốt thị trường....Những khó khăn của doanh nghiệp về tiếp cận tín dụng, đất đai, các thủ tục đầu tư, xây dựng... đã từng bước được tháo gỡ nên tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhìn chung vẫn đạt được những kết quả khả quan so với tình hình doanh nghiệp chung của cả nước.

2. Đánh giá khái quát các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn

Các hoạt động khởi nghiệp đã hình thành từ trước những năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2002, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 90/2002/NĐ-CP về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; từ đó khái niệm khởi nghiệp mới được chính thức quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và một số cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp cũng bắt đầu được ban hành. Khái niệm khởi nghiệp tuy đã được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa thật sự trở thành chủ trương lớn, chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng khắp và việc tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ khởi nghiệp. Việc triển khai Nghị định số 90/2002/NĐ-CP của Chính phủ chỉ tập trung vào một số hoạt động đào tạo khởi nghiệp nhưng còn rời rạc và nhỏ lẻ, chưa đạt được những kết quả rõ nét. Những năm gần đây, với sự hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể quần chúng, các trường đại học, cao đẳng...phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên, sinh viên được phát động, hỗ trợ và đã đạt được một số kết quả bước đầu với khoảng 20 ý tưởng được bình chọn hàng năm nhưng chưa có nguồn lực và cơ chế hỗ trợ để những ý tưởng được chọn tiếp tục tham gia thị trường. Chương trình khuyến công của tỉnh đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập nhưng chủ yếu là tập huấn khởi nghiệp, tổ chức một số cuộc thi lựa chọn các sản phẩm mới và chỉ dừng lại ở mức chấm sản phẩm đạt giải, chưa có cơ chế hỗ trợ các hoạt động tiếp theo để phát triển sản phẩm. Các cơ quan chức năng chưa phối hợp và kết nối với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức đoàn thể và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp nên tác dụng còn hạn chế. Trong số khoảng 800 doanh nghiệp mới thành lập hàng năm, có từ 30 đến 40 doanh nghiệp được thành lập theo hình thức khởi nghiệp từ các vườn ươm khởi nghiệp của các trường đại học, cao đẳng và từ sự khuyến khích, động viên của các đoàn thể, hiệp hội doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hình thành và được triển khai, tuy nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhưng chỉ là những chính sách hỗ trợ chung, chưa có chính sách riêng dành cho các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp và chưa có những quy định pháp luật điều chỉnh sự hình thành và phát triển của những doanh nghiệp khởi nghiệp.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Để thực hiện thành công chủ trương hỗ trợ khởi nghiệp, rất cần tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ cho các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ khởi nghiệp trên tổng dân số Việt Nam đang là 2,4%. Đây là con số còn khiêm tốn trong khi mức trung bình của thế giới là 12%. Khởi nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hoạt động như: tập huấn khởi sự doanh nghiệp, tọa đàm thanh niên tham gia phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm khởi sự doanh nghiệp, tư vấn hỗ trợ thủ tục pháp lý, hỗ trợ nuôi dưỡng và phát triển ý tưởng khởi nghiệp (Vườn ươm doanh nghiệp), hỗ trợ chế tạo thử sản phẩm, tiếp cận thuận lợi các nguồn tín dụng ưu đãi, đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối đầu tư và thị trường... Đặc biệt, vai trò của nhà nước trong việc tạo ra môi trường khởi nghiệp thuận lợi là rất quan trọng.

Chính phủ đã xác định mục tiêu đến năm 2020 cả nước có trên 01 triệu doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Đối với tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Lâm Đồng phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đu trong khởi nghiệp, phấn đấu tăng nhanh số doanh nghiệp ít nhất gấp hai lần hiện nay”. Vì vậy, Lâm Đồng đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 10.000 doanh nghiệp hoạt động và để thực hiện mục tiêu này, hàng năm Lâm Đồng phải có gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Khó khăn đặt ra hiện nay trong hoạt động khởi nghiệp là nhiều thanh niên, nhiều doanh nghiệp trẻ có ý tưởng tốt, có phương án đầu tư khả thi và mong muốn đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, công tác hướng dẫn chuẩn bị ý tưởng, xây dựng phương án, thử nghiệm các hoạt động ươm tạo ý tưởng và kiểm nghiệm tính khả thi của phương án kinh doanh,...chưa được quan tâm và phần lớn các ý tưởng đều khó khăn về nguồn vốn để triển khai các hoạt động thử nghiệm... Để giúp các tổ chức và cá nhân khởi nghiệp thành công, cần sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong các hoạt động xây dựng, triển khai các chương trình, chính sách, đề án hỗ trợ, đồng hành với các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp từ khi hình thành ý tưởng, phương án khởi nghiệp cho đến khi tham gia thị trường.

2. Căn cứ xây dựng Đề án

- Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;

- Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

- Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”;

- Thông báo số 127/TB-VPCP ngày 14/6/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020;

- Kết luận số 66-KL/TU ngày 06/6/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc xây dựng, thực hiện chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

3. Mục tiêu của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp

a) Hình thành nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã mới; đến năm 2020 tỉnh Lâm Đồng có khoảng 10.000 doanh nghiệp;

b) Hình thành nhiều sản phẩm mới đặc thù của Lâm Đồng trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ;

c) Hình thành nhiều mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

4. Đối tượng áp dụng

a) Cá nhân, nhóm cá nhân có ý tưởng, phương án khởi nghiệp được các Vườn ươm của các trường, các đoàn thể và các hiệp hội giới thiệu qua các cuộc thi tuyển chọn;

b) Các doanh nghiệp, các hợp tác xã, tổ hợp tác có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu và có dự án phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

c) Các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nhiều hộ nông dân.

5. Nội dung hỗ trợ

a) Hỗ trợ thông tin về các lĩnh vực:

- Công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ;

- Chính sách, pháp luật;

- Đào tạo nguồn nhân lực;

- Nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; tìm kiếm đối tác, khách hàng;

- Tư vấn thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án đầu tư, kinh doanh;

- Tổ chức đào tạo, huấn luyện;

- Xây dựng, phát triển thương hiệu, sở hữu trí tuệ...;

- Hỗ trợ các hoạt động liên quan đến khuyến nông, khuyến công,...;

- Quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường,...;

- Hỗ trợ kết nối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng tham gia phát triển ý tưởng, phương án khởi nghiệp.

b) Hỗ trợ vốn:

- Hỗ trợ chi phí thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ...;

- Cho vay có thu hồi từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, Quỹ Khuyến công, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ nông dân... của tỉnh Lâm Đồng với lãi suất ưu đãi;

- Hỗ trợ lãi suất sau đầu tư.

6. Mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ 50% (tối đa 100 triệu đồng) cho các cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp để chi trả các chi phí sau:

- Tiền công lao động trực tiếp và các dịch vụ đào tạo, huấn luyện khởi nghiệp;

- Chi phí khai thác thông tin công nghệ và đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ;

- Chi phí tư vấn pháp lý, sở hữu trí tuệ, nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm thị trường.

b) Hỗ trợ 50% chi phí áp dụng khoa học, công nghệ tạo sản phẩm mới (tối đa 50 triệu đồng một sản phẩm).

c) Hỗ trợ 3% lãi suất sau đầu tư (thời gian hỗ trợ tối đa 36 tháng kể từ ngày dự án được các tổ chức tín dụng cho vay vốn).

d) Hỗ trợ vay vốn tại Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, Quỹ Khuyến công, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ nông dân... của tỉnh Lâm Đồng theo phương án vay vốn được duyệt thuộc phạm vi, điều kiện được vay vốn theo quy chế cho vay của các các quỹ nêu trên.

7. Điều kiện được hỗ trợ: Có phương án được xét chọn theo các tiêu chí do Hội đồng xét chọn ban hành và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

8. Quy trình xét chọn và hỗ trợ:

a) Hồ sơ đăng ký xét chọn gồm phương án khởi nghiệp, phương án chế tạo sản phẩm mới, phương án liên kết tiêu thụ sản do các cá nhân, doanh nghiệp gửi đến hoặc do các trường đại học, cao đẳng, các hiệp hội và các đoàn thể... trên địa bàn tỉnh giới thiệu;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch Hội đồng; Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng và các thành viên Hội đồng, gồm các Sở, ngành liên quan; các hiệp hội doanh nghiệp; các trường đại học, cao đẳng; các chuyên gia thuộc các lĩnh vực có liên quan và các đoàn thể giới thiệu hồ sơ, phương án khởi nghiệp của các cá nhân, doanh nghiệp có ý tưởng khởi nghiệp;

c) Hồ sơ, phương án khởi nghiệp được Hội đồng xét chọn sẽ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt làm cơ sở để thực hiện hỗ trợ theo quy định;

d) Định kỳ hàng quý, Hội đồng xét chọn sẽ họp để xem xét các hồ sơ, phương án khởi nghiệp do các hiệp hội doanh nghiệp; các trường đại học, cao đẳng và các đoàn thể giới thiệu. Trường hợp cần thiết, Hội đồng tổ chức họp đột xuất.

9. Kinh phí thực hiện Đề án:

a) Nhu cầu kinh phí phải bố trí từ ngân sách tỉnh để thực hiện Đề án khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 là 5.000 triệu đồng, cụ thể:

- Năm 2017: 875 triệu đồng;

- Từ năm 2018 - 2020: 1.375 triệu đồng/năm.

b) Ngoài nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách tỉnh như đã nêu trên, kinh phí thực hiện Đề án khởi nghiệp được sử dụng từ các nguồn:

- Ngân sách Trung ương hỗ trợ hàng năm để triển khai các hoạt động khoa học công nghệ; kinh phí từ các chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của các cơ quan Trung ương hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo;

- Nguồn vốn của các Quỹ: Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh, Phát triển Khoa học và Công nghệ, Khuyến công, Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã, Hỗ trợ nông dân.. .và kinh phí từ các tổ chức, cá nhân...đóng góp cho Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh;

- Kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Hàng quý, cung cấp số lượng và các thông tin kèm theo về các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho cơ quan đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp và phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận với các chương trình hỗ trợ của nhà nước;

b) Là Chủ tịch Hội đồng xét chọn các ý tưởng, phương án khởi nghiệp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt để chuyển đến các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ theo quy định;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các tiêu chí xét chọn phương án khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân; nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp;

d) Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và các trường đại học, cao đẳng, các đoàn thể, các hiệp hội doanh nghiệp,...phát động phong trào khởi nghiệp trong toàn tỉnh; đề xuất cơ chế hỗ trợ các vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp của các trường, các đơn vị cung ứng dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng Chương trình hành động và đề xuất cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể thành lập doanh nghiệp theo mô hình khởi nghiệp;

đ) Định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai Đề án.

2. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025” và các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ gắn với Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng.

3. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các Sở, ngành liên quan thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng; ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng;

b) Hướng dẫn Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện những nội dung của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp theo quy định. Đồng thời, tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện các nội dung của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp và cấp vốn cho Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng;

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành Quy định về tiêu chí, điều kiện, quy trình và thủ tục hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các đối tượng vay vốn thực hiện ý tưởng, phương án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

4. Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch:

a) Thường xuyên phổ biến thông tin về chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chủ trương tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, thân thiện... để động viên, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp;

b) Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận tổng hợp, phân loại và đề xuất tổ chức Hội đồng xét chọn ý tưởng, phương án khởi nghiệp... do các cá nhân, doanh nghiệp gửi đến hoặc do các trường đại học, cao đẳng, các hiệp hội và các đoàn thể... trên địa bàn tỉnh giới thiệu;

c) Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp mới tham gia thị trường quảng bá sản phẩm, dịch vụ; công nghệ, sáng chế…; các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối giao thương... và ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp mới thành lập trong 5 năm đầu theo mô hình khởi nghiệp tham gia các hoạt động tiếp cận và mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh; tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối các dự án đã được xét chọn với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư; giới thiệu các sản phẩm đã hình thành đến các thị trường tiềm năng...;

d) Nghiên cứu đề xuất cơ chế ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp được trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm miễn phí tại các địa điểm tổ chức hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước do nhà nước tổ chức;

đ) Nghiên cứu, đề xuất thành lập Tổ hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch để thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ khởi nghiệp theo quy định;

e) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, tổng hợp dự toán kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối vào dự toán ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện Đề án.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Nghiên cứu, định hướng nội dung công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tỉnh Lâm Đồng về các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng;

b) Đăng tải nội dung Đề án hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

6. Các Sở, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Xây dựng chuyên mục hỗ trợ doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; tổng hợp các thông tin liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp giúp các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được thông tin, cơ hội kinh doanh, phát triển ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp;

b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đã được phê duyệt, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp hàng năm và giai đoạn 2017 - 2020 theo quy định.

7. Các trường đại học, cao đẳng; các Hiệp hội doanh nghiệp; các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội nghề nghiệp:

a) Phát động rộng rãi trong đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương, chính sách khuyến khích và hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng;

b) Thường xuyên tổ chức các cuộc thi, xét chọn ở cấp cơ sở để giới thiệu các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp được chọn đến Hội đồng xét chọn của tỉnh để xét chọn và hỗ trợ theo quy định;

c) Tham gia thực hiện các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp theo điều kiện và khả năng của cơ quan, đơn vị;

d) Xây dựng chương trình, kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp hàng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch để tổng hợp chung, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt./-

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 740/QĐ-UBND năm 2017 Đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

  • Số hiệu: 740/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/04/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đoàn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản