Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2296/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 19 tháng 7 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 54/NQ-CP NGÀY 12/4/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

Thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bức phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 đạt 6,63%.

- Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đến năm 2025 đạt khoảng 36-40%.

- Đóng góp của du lịch trong GRDP đến hết năm 2025 đạt 10-11%.

- Tỷ lệ đơn vị sự nghiệp công lập đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% so với năm 2021. Số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước giảm 10% so với năm 2021. Đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác, có đủ điều kiện, hoàn thành việc chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

- Tỷ lệ nợ xấu nội bảng bình quân giai đoạn 2021-2025 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức dưới 3%.

- Tốc độ tăng bình quân của doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ trong giai đoạn 2021-2025 đạt 15%/năm.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 43-47%.

- Số lượng doanh nghiệp đến năm 2025 đạt 6.150 doanh nghiệp. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong GRDP của tỉnh đến năm 2025 đạt 73,9%.

- Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 đạt khoảng 20%. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đến năm 2025 đạt tối thiểu 10%.

- Phấn đấu đến hết năm 2025 có 253 hợp tác xã, trong đó có trên 10 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; có khoảng 35% hợp tác xã nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Cơ cấu lại đầu tư công:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình cấp bách nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch, đảm bảo phù hợp với năng lực và khả năng thực hiện của dự án. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc; khẩn trương trong công tác chuẩn bị đầu tư; quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các sở, ban, ngành, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp sang các sở, ban, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

- Các sở, ban, ngành và địa phương có trách nhiệm rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư của các ngành kinh tế; tổ chức thực hiện, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm hiệu quả đầu tư công, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước trong quá trình đầu tư công.

b) Cơ cấu lại ngân sách nhà nước:

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bền vững, tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.

- Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách pháp luật về thuế, đảm bảo minh bạch, công bằng tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030 theo đúng lộ trình và tiến độ đề ra. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế, trong đó tiếp tục đổi mới, đa dạng công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm soát chặt chẽ, chống thất thu thuế, đôn đốc và xử lý thu kịp thời các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước.

c) Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng:

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Thuận chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tài chính, quản trị và chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và phát triển bền vững.

d) Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập:

Sở Tài chính, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

- Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, chế độ về đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy định pháp luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hoạt động trong các ngành, lĩnh vực.

- Rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đáp ứng điều kiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn 2021-2025.

- Đối với giá các loại dịch vụ được ngân sách nhà nước chi trả toàn phần hoặc một phần, và giá các dịch vụ có sự điều tiết của nhà nước, hoàn thành tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công, bảo đảm công khai, minh bạch và điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách và người nghèo; đồng thời với thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị cung cấp các loại dịch vụ nói trên. Nghiên cứu các giải pháp nhằm tăng cường xã hội hóa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Đối với các đơn vị và các loại dịch vụ công khác, thực hiện đầy đủ tự do hóa thị trường, tăng cường xã hội hóa, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong cung cấp dịch vụ công giữa các đơn vị, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế. Các đơn vị dịch vụ công tương ứng được tự do kinh doanh, cung ứng dịch vụ công, tự chủ thỏa thuận và quyết định giá theo quy luật thị trường; đồng thời, nâng cao trách nhiệm xã hội của các đơn vị sự nghiệp.

- Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình, tỷ lệ vốn nhà nước cần thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp được chuyển đổi (cổ phần hóa từ đơn vị sự nghiệp công).

2. Phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực:

a) Phát triển thị trường tài chính:

- Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chiến lược tài chính đến năm 2030.

- Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Phát triển thị trường quyền sử dụng đất:

Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Triển khai lập và thực hiện tốt Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2025 tỉnh Bình Thuận và Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 cấp huyện.

- Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ số trong việc thu thập và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về đất đai, cập nhật và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

- Thực hiện tốt các chính sách, giải pháp nhằm tăng cường mở rộng dịch vụ công trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý chặt chẽ quỹ đất công, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

- Thực hiện tốt các giải pháp nhằm đẩy mạnh điều tra, thống kê, kiểm kê và xác định giá đất làm cơ sở hạch toán đầy đủ giá trị quyền sử dụng đất, nhất là đất do các đơn vị sự nghiệp công lập, lâm trường quản lý.

c) Phát triển thị trường lao động:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành: (1) Kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; (2) Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông thôn. Triển khai thực hiện Đề án nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

Triển khai thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và môn Giáo dục địa phương nhằm cung cấp cho học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên các kiến thức cơ bản về tiêu chí chọn ngành, chọn nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của tỉnh, của quốc gia và khu vực.

Tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài kết nối với các cơ sở giáo dục phổ thông trong khuôn khổ pháp luật để tăng cường khả năng hợp tác và hướng nghiệp.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030 (sau khi Trung ương ban hành).

- Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau khi Trung ương ban hành).

d) Phát triển thị trường khoa học và công nghệ:

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

Triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Thúc đẩy các giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ, tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học và công nghệ; các hoạt động nhằm gắn kết thị trường khoa học và công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính và lao động; cơ chế đẩy mạnh hợp tác viện, trường - doanh nghiệp; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh.

Điều tra, thống kê, đánh giá nhu cầu công nghệ, năng lực giải mã, hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp trong tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn cầu công nghệ của một số lĩnh vực, ngành sản xuất chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đánh giá, định giá, thẩm định giá công nghệ; tìm kiếm, lựa chọn và tiếp nhận, thử nghiệm công nghệ; khai thác, phát triển tài sản trí tuệ. Thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm trong nước và hài hòa với tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế.

Cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp/ngành hàng xuất khẩu chủ lực, lợi thế của tỉnh. Hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Từng bước hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ.

Xây dựng và triển khai chương trình, dự án hợp tác xúc tiến công nghệ và chia sẻ chuyên gia giữa tổ chức khoa học và công nghệ trong tỉnh với các đối tác ngoài tỉnh và quốc tế. Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có công nghệ mới được công bố, trình diễn, giới thiệu, tham gia chợ, hội chợ công nghệ trong nước, ngoài nước. Tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả hoạt động xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

Triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xây dựng, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số làm động lực cho quá trình chuyển đổi số.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

Đẩy mạnh việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật ở tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển các dịch vụ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng hiện đại trong bảo quản, chế biến nông sản. Tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm có lợi thế, như quả thanh long, hải sản, nước mắm.

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ sau thu hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển hàng hóa quy mô lớn trong nông nghiệp. Tích cực kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực tham gia đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.

3. Phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã:

a) Cơ cấu và phát triển doanh nghiệp nhà nước:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Phát triển lực lượng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy chuyển đổi số, liên doanh, liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại công khai định kỳ ít nhất hai lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025.

- Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định.

- Các sở, ban, ngành, địa phương:

Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật, giảm bớt, loại bỏ các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp. Chủ động xây dựng các đề án, chính sách triển khai các quy định của Trung ương, trình cấp thẩm quyền thông qua để thực hiện kịp thời.

Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhất là về đất đai, xây dựng, môi trường, đầu tư, đăng ký kinh doanh, tín dụng, thuế, hải quan,… cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

c) Phát huy vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương thu hút có hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng đến các lĩnh vực có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế và quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh.

d) Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã:

Liên minh Hợp tác xã tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; vận động thành lập mới hợp tác xã và các hình thức kinh tế hợp tác đối với ngành, sản phẩm có nhu cầu khách quan về liên kết chuỗi từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về kinh tế tập thể tiên tiến, có hiệu quả.

4. Phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2022.

- Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý việc xây dựng và trật tự đô thị. Xây dựng quản lý tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất các khu vực ven biển, quy hoạch đô thị. Chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị; lập chương trình, kế hoạch phát triển đô thị.

- Các sở, ban, ngành, địa phương:

Thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, hoàn thiện mô hình phát triển kinh tế đô thị, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phương thức quản lý của chính quyền đô thị.

Tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Công văn số 932/UBND-TH ngày 16/3/2020 về việc triển khai Chỉ thị số 27/CT- TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng miền Trung và văn bản chỉ đạo khác có liên quan.

Thực hiện tốt Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội.

5. Cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế:

a) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

- Triển khai thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 10/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tăng cường các biện pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất để tăng thu nhập cho dân cư nông thôn.

- Đề xuất các chương trình nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa 04 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) để gắn sản xuất với chế biến, phân phối và tiêu thụ.

- Đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến, có khả năng tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở những vùng sản xuất tập trung.

b) Cơ cấu lại ngành công nghiệp:

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 1321/KH-UBND ngày 05/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch hành động thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương.

Tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế chủ lực, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ưu tiên điện gió ngoài khơi, điện khí hóa lỏng LNG. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường thu hút đầu tư tốt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt hồ, mặt biển,... trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Thúc đẩy tiến độ triển khai, hoàn thành các công trình, dự án sản xuất điện đã có chủ trương đầu tư.

Đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với các sản phẩm lợi thế của tỉnh như: hải sản, nước mắm, thanh long, cao su, gỗ gia dụng xuất khẩu... với quy mô phù hợp, công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao. Xây dựng và triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác và chế biến sâu quặng sa khoáng titan gắn với bảo vệ môi trường. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, thu hút những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường để khai thác, chế biến sâu sa khoáng titan. Tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ quặng titan.

Phát triển một số ngành: Công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng; sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu ngành dệt - may, da - giày; sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử; vật liệu mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phần mềm và công nghiệp môi trường; công nghiệp cơ khí, đóng, sửa tàu thuyền phục vụ đánh bắt hải sản xa bờ; sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp điện, nước, xử lý rác thải, nước thải,... nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững. Quản lý, khai thác, tái sử dụng có hiệu quả chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất các phế phẩm, trang thiết bị, phương tiện... đã hết hạn sử dụng, có nguy cơ phát thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp: Tân Bình 1, Nghĩa Hòa, Đông Hà, Nam Hà, Nam Hà 2 để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đã có.

- Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương đôn đốc các chủ đầu tư triển khai công tác đền bù giải tỏa đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp (KCN). Chuẩn bị đầy đủ các thủ tục để khởi công xây dựng KCN Tân Đức, KCN Sơn Mỹ 1, KCN Sơn Mỹ 2, KCN - đô thị - dịch vụ Hàm Tân, La Gi tỉnh Bình Thuận phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các KCN hiện có. Phối hợp với các sở ngành và các chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các KCN theo hướng chủ động. Đặc biệt thu hút những nhà đầu tư thật sự có năng lực, dự án có công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

c) Cơ cấu lại ngành dịch vụ:

- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Chú trọng công tác kêu gọi đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại, phát triển các công trình thương mại kinh doanh hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý, với phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện, góp phần phát triển mạng lưới bán lẻ nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh: Kế hoạch hành động tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 của tỉnh Bình Thuận; Kế hoạch tổ chức triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Bình Thuận (sau khi có hướng dẫn của Bộ Công Thương); Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 18- CT/TU, ngày 15/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện tiếp cận với thị trường nước ngoài, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo cơ hội liên kết, hợp tác đầu tư trong và ngoài nước.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan đến lợi ích và thách thức trong quá trình thực thi các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã và sẽ ký kết nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ và thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

Tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Công văn số 2932/UBND-KT ngày 08/8/2019 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”.

Đề xuất quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics tích hợp Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch liên quan khác để kêu gọi nhà đầu tư thành lập Trung tâm logistics phục vụ nhu cầu lưu thông và phân phối hàng hóa, trở thành một đầu mối quan trọng trong hệ thống dịch vụ logistics của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1771/KH-UBND ngày 03/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và vận hành có hiệu quả các website nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, ngành hàng gắn với ứng dụng giao dịch hiện đại thông qua thương mại điện tử.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Triển khai thực hiện Kế hoạch số 848/KH-UBND ngày 22/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách tạo thuận lợi để phát triển các loại hình kinh doanh về đêm hỗ trợ phát triển du lịch.

Phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch bao gồm hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại tại khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại du lịch; phát triển du lịch thông minh; xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu và hoạt động du lịch.

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ thương mại du lịch với cơ cấu ngành nghề hợp lý, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập. Xây dựng và kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình vui chơi giải trí nhất là các loại hình vui chơi giải trí về đêm.

- Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Tiếp tục nâng cao năng lực vận tải, chất lượng phương tiện; nâng cấp cơ sở vật chất cũng như chất lượng phục vụ các tuyến vận tải cố định; duy trì ổn định và tổ chức tốt công tác phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Phát huy vai trò của Cảng quốc tế Vĩnh Tân, Cảng hàng không Phan Thiết, tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn quan địa bàn tỉnh) để phát triển hệ thống dịch vụ logistics, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Phát triển dịch vụ cảng biển gắn kết với các khu công nghiệp của địa phương.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng thông tin hiện đại, chuẩn hóa, đồng bộ, liên thông đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng cho mọi đối tượng. Quản lý chặt chẽ thuê bao di động trả trước, nâng cao chất lượng dịch vụ tăng cường hoạt động kinh doanh dịch vụ nội dung đa dạng trên môi trường mạng đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Phổ cập điện thoại thông minh; tăng mức tiêu dùng dữ liệu; đẩy mạnh thanh toán điện tử bằng tài khoản viễn thông.

- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI) và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ. Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thực hiện tốt chính sách đổi mới công nghệ - thiết bị, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo năng suất và giá trị gia tăng cao, nhất là đối với các sản phẩm lợi thế của tỉnh. Thực hiện tốt chính sách khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động khoa học công nghệ, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là của các doanh nghiệp cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển thị trường khoa học - công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học - công nghệ. Tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động khoa học - công nghệ.

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Phát triển quy mô và mạng lưới trường các cấp bậc học; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học liên kết đào tạo và hợp tác quốc tế trong công tác tuyển sinh, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tăng cường chất lượng giáo dục; thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đổi mới quản lý hệ thống quản lý nhà trường. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa từng bước hiện đại. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, tăng cường giáo dục trực tuyến.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Tập trung đào tạo nghề cho lao động bằng nhiều hình thức, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ,… đảm bảo sau khi học nghề người lao động có việc làm ngay. Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập theo loại hình xã hội hóa.

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan, địa phương:

Xây dựng Đề án phát triển ngành Y tế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn, đáp ứng với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, gia hóa dân số, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực y tế.

Chủ động, cập nhật thường xuyên các chính sách của Trung ương liên quan đến dịch vụ y tế, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động dịch vụ y tế phát triển; thay đổi tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ y tế, chú trọng xã hội hóa công tác y tế, coi trọng phát triển y tế tư nhân, không phân biệt y tế công lập và y tế tư nhân.

Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ y tế. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính các cơ sở y tế công lập; huy động các nguồn lực xã hội đầu tư dịch vụ y tế. Tăng cường công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn. Chủ động liên kết, hợp tác hội nhập với các địa phương và quốc tế trong quản lý phòng, chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cho người dân.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch này.

2. Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thực hiện, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch này, cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể, các sở, ban, ngành và địa phương chủ động đề xuất, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Ủy viên UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành;
- Cơ quan HCSN Trung ương trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, các Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Các phòng: Kinh tế, ĐTQHXD, KGVXNV;
- Lưu: VT, TH Hùng

CHỦ TỊCH




Lê Tuấn Phong

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2296/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 54/NQ-CP về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 2296/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Lê Tuấn Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản