ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/KH-UBND | Sóc Trăng, ngày 14 tháng 4 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN DÁN TEM, KẸP CHÌ NIÊM PHONG ĐỒNG HỒ (CÔNG TƠ) TỔNG CÁC PHƯƠNG TIỆN ĐO XĂNG, DẦU CỦA CÁC CƠ SỞ KINH DOANH XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Căn cứ Khoản 2 Điều 11 Luật Quản lý thuế ngày 29/11/2006; Công văn số 12733/BTC-TCT ngày 13/9/2016 của Bộ Tài chính về việc đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu;
Theo đề nghị của Cục Thuế tại Tờ trình số 10/TTr-CT ngày 07/4/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH
1. Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, thông qua quản lý chặt chẽ được lượng xăng dầu bán ra, để thực hiện chống thất thu thuế hiệu quả.
2. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngăn ngừa và hạn chế việc mua bán xăng, dầu nhập lậu, không rõ nguồn gốc; đồng thời, tạo môi trường kinh doanh xăng, dầu lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh.
3. Nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tuân thủ pháp luật về thuế, đặc biệt là chống hành vi tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu đảm bảo bắt buộc khi bán xăng, dầu phải xuất hóa đơn cho người tiêu dùng theo quy định.
II. YÊU CẦU
Việc thực hiện quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu thông qua giải pháp quản lý dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Thực hiện đúng quy định pháp luật về thuế và pháp luật liên quan đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu; có tính khách quan, bình đẳng, công bằng về nghĩa vụ thuế giữa các cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
2. Có sự chỉ đạo kịp thời của các cơ quan quản lý cấp trên và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan thuế với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trên địa bàn.
3. Có kế hoạch triển khai thực hiện đồng loạt đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn; có giải pháp ổn định, lâu dài, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, có tác động tích cực và tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.
4. Không gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người nộp thuế; không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế.
III. NỘI DUNG CÔNG VIỆC VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Công tác chuẩn bị:
a) Rà soát, thống kê chính xác số lượng cơ sở kinh doanh xăng, dầu và số lượng phương tiện đo xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh.
b) Xác định số lượng tem, chì, dây đặt mua; xây dựng dự toán kinh phí thực hiện.
c) Thành lập Đoàn công tác liên ngành sau khi Kế hoạch này được ban hành để thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến:
a) Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết (đặc biệt là các cơ sở kinh doanh xăng, dầu) về mục đích và ý nghĩa của việc dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu.
b) Phổ biến đến từng cơ sở kinh doanh xăng, dầu về Kế hoạch triển khai dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu.
3. Triển khai thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong:
a) Thành lập Đoàn công tác liên ngành, gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Cục Thuế, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan. Căn cứ vào số lượng phương tiện đo xăng, dầu đã thống kê quyết định thành lập số lượng Tổ công tác tương ứng, để thực hiện việc dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu đạt hiệu quả.
b) Họp Đoàn công tác liên ngành để thống nhất nội dung, phương thức triển khai thực hiện.
c) Xác định đúng vị trí dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng đúng kỹ thuật.
d) Lập biên bản về: Tình trạng hoạt động và ghi chỉ số đồng hồ (công tơ) tổng từng phương tiện đo xăng, dầu; chốt hóa đơn bán hàng đã sử dụng, chưa sử dụng, số hóa đơn cuối cùng đã viết tại thời điểm dán tem, kẹp chì niêm phong.
đ) Thời gian thực hiện: Triển khai ngay sau khi Kế hoạch được ban hành và hoàn thành dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, chậm nhất ngày 30/6/2017.
4. Công tác quản lý thuế sau khi dán tem kẹp chì, niêm phong:
a) Định kỳ hàng tháng, quý hoặc đột xuất tổ chức ghi chỉ số trên đồng hồ xăng, dầu của từng phương tiện đo, xác định số lượng xăng, dầu bán ra để đối chiếu với hồ sơ khai thuế, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong việc kê khai và nộp thuế. Trường hợp phát hiện cơ sở kinh doanh xăng, dầu tự ý tháo dỡ tem niêm phong, kẹp chì hoặc làm rách, hỏng nhưng không báo kịp thời với cơ quan quản lý thuế trực tiếp thì thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuế và các quy định của pháp luật về thuế.
b) Thường xuyên rà soát, cập nhật kịp thời các cơ sở kinh doanh xăng, dầu mới thành lập đủ điều kiện kinh doanh để tiến hành dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng trên các phương tiện đo xăng, dầu; kiểm tra giám sát các trường hợp ngưng hoạt động và nghỉ kinh doanh, đóng mã số thuế kịp thời các trường hợp bỏ kinh doanh.
c) Định kỳ (hàng năm) khảo sát, điều tra thu thập số liệu, tổng hợp thông tin, vướng mắc của cơ sở kinh doanh xăng, dầu để có biện pháp quản lý thuế phù hợp yêu cầu thực tế.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và Công nghệ:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường), Cục Thuế, Sở Khoa học và Công nghệ (Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định thành lập Đoàn công tác liên ngành để thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu của các cơ quan kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh.
b) Đề xuất, đặt in mẫu tem, mua chì, dây và các dụng cụ cần thiết để tiến hành triển khai dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng; xây dựng dự toán kinh phí thực hiện thông qua Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ; cử công chức tham gia Đoàn công tác liên ngành để triển khai thực hiện.
c) Tổ chức làm việc trực tiếp với các chủ cơ sở kinh doanh xăng, dầu để phổ biến Kế hoạch.
d) Sau khi hoàn thành công tác dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng, phối hợp với Cục Thuế, Sở Công Thương (Chi cục Quản lý thị trường) kiểm tra định kỳ, đột xuất tình trạng hoạt động của đồng hồ, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định đối với các cơ sở kinh doanh tự ý tháo dỡ tem, kẹp chì niêm phong,… hoặc vi phạm các quy định về đo lường trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để thực hiện xử lý theo quy định. Trong trường hợp đồng hồ bị hư hỏng, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Thuế, Sở Công Thương cử cán bộ chuyên môn kiểm tra xác định nguyên nhân, yêu cầu cơ sở kinh doanh xăng, dầu thực hiện thay thế kịp thời.
2. Sở Công Thương:
a) Cử công chức tham gia Đoàn công tác liên ngành thực hiện kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng và các nhiệm vụ có liên quan.
b) Thực hiện việc kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh đối với các hoạt động kinh doanh xăng, dầu theo thẩm quyền.
c) Định kỳ hàng tháng (trước ngày thứ 5 đầu tháng) cập nhật kịp thời các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh xăng, dầu mới thành lập; đồng thời, kiểm tra, giám sát các trường hợp ngưng hoạt động và nghỉ kinh doanh thông báo cho Cục Thuế, Sở Khoa học và Công nghệ để kịp thời theo dõi, quản lý trạng thái hoạt động.
3. Cục Thuế:
a) Thành lập Tổ chỉ đạo về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu theo Công văn 4156/TCT-DNL ngày 13/9/2016 của Tổng cục Thuế; ban hành văn bản phân công lãnh đạo Cục Thuế và lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế, thực hiện giám sát, chỉ đạo công chức thuế tham gia các Đoàn công tác liên ngành và tăng cường quản lý thuế sau khi dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng.
b) Chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Cục Thuế, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phổ biến đến các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh được biết về Kế hoạch dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu.
c) Sau khi Đoàn công tác liên ngành hoàn thành công tác dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các phương tiện đo xăng, dầu thì Cục Thuế phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện việc kiểm soát lượng tiêu thụ xăng, dầu và đối chiếu với số hóa đơn bán hàng, hồ sơ khai thuế của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu để thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định; đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thuế.
d) Khi phát sinh cơ sở kinh doanh xăng, dầu mới thành lập; tem, chì niêm phong bị rách, hỏng do nguyên nhân khách quan hoặc phương tiện đo xăng, dầu cần sửa chữa liên quan đến việc phải bóc dỡ tem, chì thì Cục Thuế phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong mới hoặc niêm phong lại và ghi chỉ số đồng hồ (công tơ) tổng từng phương tiện đo xăng, dầu tại thời điểm niêm phong.
đ) Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 20 hàng tháng (bắt đầu kể từ tháng 5/2017) báo cáo tiến độ triển khai, kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, Tổng cục Thuế để có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
e) Công khai số điện thoại, số fax, địa chỉ email trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và Trang tin điện tử Cục Thuế để các tổ chức kinh doanh xăng, dầu liên hệ khi phát hiện tem bị rách, hỏng hoặc sửa chữa các phương tiện đo cần phải dán lại tem và cần trao đổi các vướng mắc về chính sách thuế.
4. Sở Thông tin và Truyền thông:
Phối hợp Cục Thuế, tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp, mục đích và ý nghĩa của việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu thông qua giải pháp dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu để các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn biết và phối hợp thực hiện.
5. Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh xăng, dầu:
a) Phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kẹp chì, dán tem niêm phong đồng hồ xăng, dầu cung cấp đầy đủ tài liệu, số liệu cần thiết và ký các biên bản có liên quan.
b) Sau khi dán tem, phải bảo quản tem niêm phong, kẹp chì được an toàn, không được tự ý tháo dỡ gây hư hỏng tem hoặc tác động vào nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ thuế. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy định trên, thì cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý theo quy định.
c) Trường hợp tem, chì niêm phong bị rách, hỏng do nguyên nhân khách quan hoặc phương tiện đo xăng, dầu cần sửa chữa liên quan đến việc phải bóc dỡ tem, chì cơ sở kinh doanh xăng, dầu phải thông báo ngay cho cơ quan thuế quản lý để chốt số lượng xăng, dầu tiêu thụ và dán lại tem, kẹp chì niêm phong lại đồng hồ (công tơ) tổng tại thời điểm đó.
d) Thực hiện đầy đủ và đúng quy định của Luật kế toán và các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng, dầu; khi bán xăng, dầu phải xuất đầy đủ hóa đơn cho người tiêu dùng; thực hiện nghiêm túc việc kê khai thuế, nộp thuế đối với lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu theo quy định pháp luật.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc phối hợp, tạo điều kiện để Đoàn công tác liên ngành tỉnh thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu của cơ sở kinh doanh xăng, dầu tại địa phương.
7. Trách nhiệm của Đoàn công tác liên ngành:
a) Phân công trách nhiệm cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên; quy định rõ quy cách dán tem, kẹp chì đối với từng phương tiện đo xăng, dầu.
b) Thành lập các Tổ công tác thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng các phương tiện đo xăng, dầu tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phân công địa bàn pho từng Tổ công tác; lập biên bản bàn giao cho cơ sở kinh doanh tự quản lý tem, chì niêm phong đồng hồ (công tơ); chốt chỉ số đồng hồ, doanh thu và hóa đơn bán hàng gửi Cục Thuế để đối chiếu hồ sơ khai thuế, xác định số liệu khai thuế, nộp thuế của cơ sở kinh doanh xăng, dầu.
c) Tổng hợp tiến độ triển khai, kết quả thực hiện định về Cục Thuế để báo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động phối hợp, triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này và không cản trở, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường của cơ sở kinh doanh xăng, dầu./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu thông qua việc dán tem các đồng hồ (công tơ) tổng trên các thiết bị đo xăng dầu của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2Quyết định 34/2017/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 3Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 4Công văn 4693/SCT-QLNL năm 2023 về triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ do Sở Công Thương Thành phố Hà Nội ban hành
- 1Luật quản lý thuế 2006
- 2Luật kế toán 2015
- 3Công văn 4156/TCT-DNL năm 2016 về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu do Tổng cục Thuế ban hành
- 4Công văn 12733/BTC-TCT năm 2016 đề nghị phối hợp chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu do Bộ Tài chính ban hành
- 5Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu thông qua việc dán tem các đồng hồ (công tơ) tổng trên các thiết bị đo xăng dầu của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 6Quyết định 34/2017/QĐ-UBND Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 7Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 8Công văn 4693/SCT-QLNL năm 2023 về triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ do Sở Công Thương Thành phố Hà Nội ban hành
Kế hoạch 46/KH-UBND năm 2017 về thực hiện dán tem, kẹp chì niêm phong đồng hồ (công tơ) tổng phương tiện đo xăng, dầu của cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- Số hiệu: 46/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 14/04/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Người ký: Lê Thành Trí
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 14/04/2017
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định