Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 389/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 11 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TÁI CẤU TRÚC HỆ THỐNG CỔNG, TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

Thực hiện Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng (gọi tắt là Nghị định số 42/2022/NĐ-CP); UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Tái cấu trúc hệ thống Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi chung là Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước), với các nội dung như sau:

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Luật Viễn thông ngày 23/11/2009;

Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP;

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ về Quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng;

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển Đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 định hướng 2030;

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030;

Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023. Ngày 13 tháng 4 năm 2023;

Quyết định số 2323/BTTTT-THH ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”;

Kế hoạch số 138-KH/TU ngày 20/02/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế 2.0;

Quyết định số 58/QĐ-BCĐ ngày 13/4/2023 của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế về Kế hoạch Hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023;

Quyết định số 54/2023/QĐ-UBND ngày 30/9/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quy định quản lý hoạt động và cung cấp thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Chương trình hành động số 120/CTr-UBND ngày 23/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

II. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG

Trong thời gian qua, hoạt động của các Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã có sự phát triển nhanh chóng góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, cung cấp thông tin về hoạt động quản lý điều hành của cơ quan, đơn vị, tổ chức, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp cận thông tin chính thống, thuận lợi.

Tuy nhiên, qua rà soát thực trạng Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được xác định những hạn chế như sau:

- Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước đã hoạt động trong thời gian dài, phát sinh một số lỗi kỹ thuật, hạn chế về tốc độ truy cập.

- Giải pháp kỹ thuật Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước chưa đáp ứng Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh hiện hành và kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa với các hệ thống thông tin đảm bảo thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh (LGSP); chưa đảm bảo tính đồng bộ, hội tụ theo hệ sinh thái CQĐT của tỉnh.

- Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước chưa tuân thủ quy định về cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng cũng như cần điều chỉnh, nâng cấp các nội dung kỹ thuật được quy định theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

- Cơ chế tác nghiệp, vận hành chưa đảm bảo cho Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước phát huy tối đa các giá trị hướng đến các mục tiêu thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận, khai thác thông tin, dữ liệu và thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan Nhà nước.

Từ hiện trạng nêu trên, Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cần thiết tái cấu trúc đảm bảo khắc phục những hạn chế nêu trên, cũng như phát huy hiệu quả hoạt động nhằm đáp ứng các mục tiêu nâng hạng liên quan nhóm các chỉ số như DTI, ParIndex, PCI, PAPI và các chỉ số khác.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tái cấu trúc lại hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước nhằm mục tiêu như sau:

- 100% Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước thay đổi kịp thời theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, Bộ chỉ số DTI, ICT-Index.

- 100% Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước không vi phạm báo hóa Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước theo Quyết định số 1418/QĐ- BTTTT ngày 22/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí.

- Định hướng đúng việc cung cấp thông tin của các ngành, địa phương trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

- Sử dụng cơ sở dữ liệu số hóa dùng chung, nền tảng chính quyền số của tỉnh nhằm quản lý thống nhất đảm bảo thông tin chính xác.

- Liên kết, liên thông, đồng bộ từ các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan từ Bộ, ngành đảm bảo quy định.

2. Yêu cầu

a) Người dân, doanh nghiệp có thể truy cập, sử dụng Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước 24/7, ở bất cứ đâu và lựa chọn kênh cung cấp theo nhu cầu.

b) Cơ quan nhà nước quản lý kênh cung cấp thông tin tập trung, thống nhất (đến tận cấp xã), bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp, giúp cơ quan nhà nước tiết kiệm chi phí, nhân lực.

c) Việc cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật sẽ bảo đảm khả năng kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, sử dụng lại thông tin, dữ liệu.

d) Việc đo lường, giám sát tự động hiệu quả cung cấp thông tin theo thời gian thực trên nền tảng Cổng thông tin điện tử hội tụ và hỗ trợ kịp thời cho việc ra quyết định của lãnh đạo các cấp để cải tiến chất lượng, hiệu quả cung cấp, sử dụng thông tin.

đ) Đối với Cổng Thông tin điện tử cấp tỉnh là một thành phần của Cổng thông tin điện tử quốc gia; đối với các Cổng thông tin điện tử các cơ quan cấp tỉnh, huyện, thành phố là thành phần liên thông, liên kết với Cổng Thông tin điện tử cấp tỉnh.

IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nội dung

Tái cấu trúc lại hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước (theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, Bộ chỉ số DTI, ICT-Index) triển khai cho các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh với nhóm kênh thông tin công khai theo quy định Luật tiếp cận thông tin, Luật công nghệ thông tin bắt buộc sử dụng và áp dụng thống nhất toàn tỉnh bao gồm những thành phần sau:

a) Hệ thống văn bản ngành, lĩnh vực:

- Văn bản quy phạm: Văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành hoặc được giao chủ trì biên soạn.

- Văn bản quản lý: Văn bản quản lý hành chính thuộc thẩm quyền ban hành.

- Lấy ý kiến dự thảo văn bản: Các văn bản quy phạm pháp luật được giao dự thảo được công khai lấy ý kiến.

b) Thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến:

- Thủ tục hành chính: Thủ tục hành chính, quy trình giải quyết.

- Dịch vụ công trực tuyến: Dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần.

c) Thông tin phổ biến, hướng dẫn:

- Phổ biến, hướng dẫn: Phổ biến, hướng dẫn về pháp luật đối với lĩnh vực thuộc ngành, địa phương quản lý.

- Chế độ chính sách: Công khai chế độ, chính sách thuộc ngành, địa phương quản lý.

d) Thông tin chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, kinh tế, xã hội:

- Chiến lược: Chiến lược thuộc ngành, địa phương quản lý.

- Kế hoạch: Kế hoạch thuộc ngành, địa phương quản lý.

- Quy hoạch: Quy hoạch thuộc ngành, địa phương quản lý.

- Thông tin dự án (áp dụng cho UBND các cấp): Thông tin về danh mục dự án, chương trình và kết quả thực hiện đầu tư mua sắm công, sử dụng vốn đầu tư công, vốn vay theo quy định pháp luật.

e) Thông tin cơ quan, đơn vị:

- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn: Cung cấp thông tin chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định.

- Cơ cấu tổ chức: Cung cấp thông tin cơ cấu tổ chức theo Quyết định.

- Sơ đồ tổ chức: Sơ đồ và liên kết thông tin đến các thành phần của sơ đồ.

- Danh bạ đơn vị: Danh sách nhân sự trong đơn vị: Họ tên, chức vụ, điện thoại, thư điện tử chính thức.

- Địa chỉ, điện thoại, thư điện tử: Cung cấp thông tin địa chỉ, điện thoại, thư điện tử cơ quan, đơn vị.

- Đường dây nóng: Cung cấp thông tin đường dây nóng cơ quan, đơn vị.

- Mạng xã hội: Cung cấp thông tin mạng xã hội cơ quan, đơn vị.

- Bản đồ hành chính (áp dụng cho UBND các cấp): Bản đồ hành chính đến cấp thôn, tổ.

- Điều kiện tự nhiên (áp dụng cho UBND các cấp): Điều kiện tự nhiên của địa phương.

- Lịch sử, văn hóa (áp dụng cho UBND các cấp): Lịch sử văn hóa của địa phương.

- Di tích, danh thắng (áp dụng cho UBND các cấp): Di tích, danh thắng của địa phương.

- Phân công nhiệm vụ (áp dụng cho UBND các cấp): Nhiệm vụ phụ trách của chủ tịch và các phó chủ tịch.

g) Thông tin công khai:

- Công khai tài chính: Báo cáo tài chính năm, công khai theo Luật Kế toán.

- Thông tin thống kê: Thông tin thống kê ngành, lĩnh vực theo Luật thống kê.

- Kết quả chương trình, đề tài: Danh mục kết quả chương trình, đề tài khoa học theo Luật Khoa học công nghệ.

- Công khai lĩnh vực Phòng chống tham nhũng: Công khai các nội dung theo Điều 10, Điều 16 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

h) Đánh giá mức độ hài lòng:

- Giao diện: Mức độ dễ tiếp cận của giao diện: Dễ tiếp cận, bình thường, khó tiếp cận.

- Nội dung: Thông tin bạn muốn tiếp cận trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước: Đáp ứng, chưa đáp ứng, không đáp ứng.

- Chất lượng: Bạn đánh giá chất lượng thông tin của Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước: tốt, khá, trung bình.

- Tương tác: Chất lượng phản hồi các câu hỏi trực tuyến: Hài lòng, chấp nhận, không hài lòng.

- Chức năng hỗ trợ: Các chức năng hỗ trợ của Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước giúp tiếp cận thông tin: Đáp ứng, đáp ứng một phần, chưa đáp ứng thể.

- Yêu cầu khác: Nhập các yêu cầu khác.

i) Tương tác:

- Hỏi đáp: Công dân, doanh nghiệp gửi câu hỏi cơ quan nhà nước trả lời.

k) Tin tức - Sự kiện:

- Hoạt động đơn vị: Bản tin hoạt động của đơn vị bao gồm hoạt động đoàn

- Hoạt động lãnh đạo: Các hoạt động trực tiếp lãnh đạo đơn vị chủ trì.

- Chuyển đổi số: Hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương, các mô hình tiêu biểu.

l) Thông tin tuyên truyền:

- Theo chủ đề: Chuyên trang hoặc chuyên mục tùy theo chức năng nhiệm vụ của ngành và địa phương để cung cấp các bản tin tuyên truyền trong phạm vi ngành, địa phương quản lý.

m) Liên kết Cổng thông tin:

- Tỉnh ủy: Chức năng liên kết Cổng thông tin.

- Hội đồng nhân dân: Chức năng liên kết Cổng thông tin.

- Ủy ban nhân dân: Chức năng liên kết Cổng thông tin.

- Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh: Chức năng liên kết Cổng thông tin.

- Các cơ quan hành chính cấp tỉnh: Chức năng liên kết Cổng thông tin.

- UBND các huyện: Chức năng liên kết Cổng thông tin.

- UBND cấp xã: Chức năng liên kết Cổng thông tin.

- Cổng dữ liệu mở: Liên kết Banner.

- Cổng chuyển đổi số: Liên kết Banner.

n) Xây dựng nền tảng hội tụ Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước.

o) Chuyển đổi dữ liệu: Chuyển đổi dữ liệu hệ thống Cổng thông tin điện tử đã triển khai qua hệ thống Cổng thông tin điện tử tái cấu trúc.

2. Nhiệm vụ

a) Tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng chung tình hình hoạt động hệ thống Cổng/ Trang thông tin điện tử cơ quan nhà nước làm cơ sở xây dựng kế hoạch, thiết kế và dự toán chi tiết Tái cấu trúc hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước.

b) Triển khai Tái cấu trúc hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước đảm bảo theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP, Bộ chỉ số DTI, ICT-Index (bao gồm những thành phần nêu tại Khoản 1 Mục II Kế hoạch này).

c) Tổ chức tập huấn, truyền thông

- Tập huấn cán bộ, công chức lãnh đạo và công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác biên tập, quản lý hoạt động Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

- Truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet và mạng xã hội để người dân nắm rõ hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

d) Xây dựng, ban hành quy định, quy chế hoạt động

- Rà soát các quy định của pháp luật xây dựng quy định hoặc điều chỉnh quy định về quản lý, vận bành, sử dụng Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát các quy định của pháp luật xây dựng quy định hỗ trợ kinh phí cho việc cập nhật nội dung, dữ liệu vào hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước.

e) Tổ chức cập nhật nội dung, dữ liệu

- Tổ chức cập nhật nội dung, dữ liệu vào các Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước định kỳ theo quy chế, quy định.

3. Giải pháp thực hiện

Thực hiện Tái cấu trúc hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước với định hướng về kỹ thuật, công nghệ như sau:

Theo Điều 6, Nghị định số 42/2022/NĐ-CP: Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước là kênh cung cấp thông tin thống nhất, tập trung của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có Cổng thông tin điện tử thì phải là thành phần của Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Do vậy, định hướng xây dựng Cổng thông tin điện tử cơ quan nhà nước như sau:

- Tuân thủ Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh hiện hành (phiên bản 2.0).

- Thống nhất sử dụng giải pháp công nghệ mới nhất nhằm xây dựng Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước theo hướng hội tụ đảm bảo các thông tin, dữ liệu của các Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có mối quan hệ chia sẻ, liên thông, liên kết với nhau.

- Hình thành nền tảng Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước dùng chung và dữ liệu được lưu trữ tập trung theo định hướng của tỉnh: hạ tầng dùng chung, cơ sở dữ liệu tập trung.

- Việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước với các hệ thống thông tin thực hiện thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp tỉnh (LGSP).

- Định hướng xác thực người dùng theo tài khoản định danh VneID cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Dữ liệu Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước được lưu trữ vào kho số hóa dùng chung của tỉnh.

- Công tác biên tập tin bài, chuyên mục được thao tác trực tiếp tại Nền tảng số dùng chung toàn tỉnh (khi đảm bảo các điều kiện).

- Dữ liệu được tích hợp, liên thông tự động từ các nền tảng Dịch vụ công, Phản ánh hiện trường, Hỏi đáp, báo cáo tích hợp tự động.

V. KINH PHÍ VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí

a) Ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định phân cấp ngân sách. b) Nguồn kinh phí hợp pháp của các đơn vị liên quan.

2. Thời gian thực hiện

a) Năm 2023:

- Hoàn thành triển khai thí điểm tái cấu trúc lại hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước cho UBND huyện Phong Điền, 2 xã thuộc huyện Phong Điền và 3 đơn vị cấp sở, ngành thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Rà soát các Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước các sở ngành, cấp huyện, cấp xã để tái cấu trúc về mặt kỹ thuật theo mô hình khung chung theo từng cấp để chuyển đổi sang cấu trúc mới theo Nghị định 42/2022/NĐ-CP.

b) Năm 2024: 100% sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã tiến hành hoàn thiện nội dung trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng UBND tỉnh

Nghiên cứu triển khai nâng cấp Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu Nghị định 42/2022/NĐ-CP.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính đề xuất kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nghiên cứu, thiết kế, triển khai Tái cấu trúc lại hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế.

c) Bố trí nhân lực tổ chức triển khai Tái cấu trúc lại hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước gồm các thành viên là công chức, viên chức thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.

d) Tổ chức tập huấn, truyền thông; hướng dẫn các đơn vị tổ chức cập nhật nội dung, dữ liệu ban đầu và định kỳ vào Cổng thông tin điện tử theo đúng quy định.

đ) Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hoặc sửa đổi văn bản quy định về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế.

e) Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác xây dựng, cập nhật nội dung, dữ liệu vào Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị.

3. Sở Tài chính

Trong quá trình hướng dẫn, xây dựng dự toán và tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương để tham mưu UBND tỉnh việc bố trí kinh phí theo quy định của Luật ngân sách nhà nước nhằm thực hiện hoàn thành kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

4. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch.

b) Cử nhân sự làm đầu mối tại các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ phối hợp triển khai tái cấu trúc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước của đơn vị. Ưu tiên nhân lực có kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng số tham gia vào quá trình xây dựng, triển khai ứng dụng.

c) Chủ động cân đối, bố trí nguồn lực, cử nhân sự cập nhật nội dung, dữ liệu vào Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước của đơn vị quản lý, sử dụng theo đúng quy định.

Trên đây là Kế hoạch Tái cấu trúc hệ thống Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Thông tin và Truyền thông) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế;
- VP: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 389/KH-UBND năm 2023 về tái cấu trúc hệ thống Cổng, Trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế

  • Số hiệu: 389/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 27/11/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản