Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/2020/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 22 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI CÁC TÁC PHẨM ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VÀ TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 58/TTr-STTTT ngày 10 tháng 9 năm 2020 (kèm theo Báo cáo thẩm định số 222/BC-STP ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Sở Tư pháp).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm được đăng trên Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 01 năm 2021.

Quyết định này bãi bỏ Điều 11 và phần Phụ lục tại Quyết định số 40/2012/QĐ-UBND ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định về việc ban hành Quy chế quản lý, vận hành và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử và các Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ TT&TT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UB MTTQ VN tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Trung tâm TH-CB tỉnh;
- Lưu: VT, K9.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

QUY ĐỊNH

NHUẬN BÚT, THÙ LAO ĐỐI VỚI CÁC TÁC PHẨM ĐƯỢC ĐĂNG TRÊN CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VÀ TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 92/2020/QĐ-UBND ngày 22/12/2020 của UBND tỉnh Bình Định)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định về chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm được đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Trang thông tin điện tử); thù lao cho người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin, người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm đăng tải trên Trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Định.

2. Các nội dung khác liên quan đến chế độ nhuận bút, thù lao không quy định trong văn bản này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đối tượng hưởng nhuận bút: Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được sử dụng trên Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị nhà nước.

2. Đối tượng hưởng thù lao: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan, đơn vị, tổ chức; những người thực hiện các công việc liên quan để cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử trên địa bàn tỉnh và các cơ quan nhà nước, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm được sử dụng.

3. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến tác phẩm đăng tải trên Trang thông tin điện tử.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Nhuận bút: Là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khi tác phẩm được sử dụng.

2. Thù lao: Thù lao là khoản tiền do bên sử dụng tác phẩm trả cho người thực hiện công việc có liên quan đến tác phẩm theo quy định tại Quy định này.

3. Tin viết: Phản ánh, tường thuật sự kiện; phân tích các báo cáo, văn bản quy phạm pháp luật mới; có sự so sánh đánh giá các sự kiện; sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

4. Bài viết: Có sự tổng hợp, so sánh, phát hiện vấn đề mới; sử dụng ngôn ngữ chuyên môn nhưng phải dễ đọc, dễ hiểu.

5. Dịch xuôi: Là việc dịch các tin, bài từ tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc thiểu số sang tiếng Việt.

6. Dịch ngược: Là việc dịch tin, bài từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc thiểu số.

7. Tác phẩm: Là thuật ngữ dùng chung để nói đến các thể loại thông tin được đăng tải trên Trang thông tin điện tử, bao gồm: bài viết, tin viết, tin tổng hợp, bài tổng hợp, bài phân tích, bài nghiên cứu, bài phỏng vấn, chính luận, tranh, ảnh, trả lời bạn đọc, đoạn phim số, banner, logo.

Điều 4. Định mức khoán nhuận bút, thù lao

1. Công chức, viên chức, người lao động chuyên trách thực hiện nhiệm vụ chỉ được hưởng nhuận bút, thù lao sau khi đã hoàn thành vượt định mức khoán trong tháng.

2. Cách tính định mức khoán:

a) Định mức khoán nhuận bút, thù lao/người/tháng:

 

SCS x CLCB x TNCTT

 

22 ngày

Trong đó:

+ SCS: Mức lương cơ sở;

+ CLCB: Hệ số lương cơ bản;

+ TNCTT: Số ngày công thực tế.

b) Đối tượng được hưởng nhuận bút, thù lao chỉ được thanh toán chế độ nhuận bút, thù lao vượt định mức khoán trên cơ sở đã hoàn thành định mức chuẩn (khoán) được giao.

c) Thủ trưởng đơn vị quyết định số ngày công thực tế đối với công chức, viên chức, người lao động được cử chuyên trách thực hiện nhiệm vụ viết, biên tập tin, bài.

Điều 5. Nguyên tắc chi trả nhuận bút, thù lao

1. Chậm nhất 30 ngày kể từ ngày tác phẩm được đăng tải, công bố, bên sử dụng tác phẩm phải chi trả tiền nhuận bút cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả; chi trả tiền thù lao cho các cá nhân, tập thể thực hiện sưu tầm, biên tập, biên dịch tin, bài, ảnh... theo quy định.

2. Tác phẩm được đăng, phát lại nhiều lần được hưởng nhuận bút theo thỏa thuận giữa các bên liên quan nhưng không vượt quá hệ số giá trị tin, bài của thể loại đó.

3. Trường hợp cơ quan sử dụng tác phẩm đã liên hệ, thông báo ít nhất 3 lần cho người hưởng nhuận bút, thù lao nhưng không nhận được hồi âm thì tiền nhuận bút, thù lao đó được chuyển sang kinh phí chi nhuận bút, thù lao của năm tiếp theo.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ NHUẬN BÚT, THÙ LAO

Điều 6. Nhuận bút, thù lao

1. Khung nhuận bút:

Nhóm

Thể loại

Đơn vị độ dài tin

Hệ số giá trị tin bài

Khung Hệ số nhuận bút tối đa

1

Tin (tin thời sự, hoạt động chỉ đạo điều hành)

Tin (dẫn nguồn văn bản)

Trả lời bạn đọc

½ trang A4

1

2

2

Tranh

01 tranh

1

1

3

Ảnh

01 ảnh

1

1

4

Bài viết chính luận

01 trang A4

3

10

5

Bài phỏng vấn

01 trang A4

3

8

6

Bài nghiên cứu

01 trang A4

3

10

a) Đối với tác phẩm thông qua hình thức phỏng vấn (bài phỏng vấn) thì tỷ lệ hưởng nhuận bút giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn do hai bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá hệ số khung nhuận bút quy định tại khoản này.

b) Đối với hình thức trả lời bạn đọc thì tỷ lệ hưởng nhuận bút giữa người hỏi và người trả lời do hai bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá hệ số khung nhuận bút quy định tại khoản này.

2. Khung thù lao:

TT

Thể loại

Đơn vị độ dài tin

Hệ số giá trị tin bài

1

Tin tổng hợp

½ trang A4

0,5

2

Bài viết ngắn; tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, phỏng vấn

01 trang A4

1

3

Tranh, ảnh

01 Ảnh

0,5

4

Tin dịch xuôi

½ trang A4

1

5

Bài dịch xuôi

01 trang A4

1,5

6

Tin dịch ngược

½ trang A4

1

7

Bài dịch ngược

01 trang A4

2

3. Quy định về đơn vị độ dài tin, bài:

a) Một trang A4 là 1 trang có số từ tương đương với 500 từ, chữ thường, cỡ chữ 13.

b) Một bài hoặc tin có số từ xấp xỉ 250 từ thì được tính tròn thành ½ (nửa) trang A4.

c) Một bài hoặc tin có số từ xấp xỉ 500 từ thì được tính tròn thành 1 (một) trang A4.

d) Tin viết, trả lời bạn đọc, tin dịch xuôi và tin dịch ngược được tính theo ½ (nửa) trang A4.

4. Cách tính nhuận bút

Nhuận bút = Hệ số nhuận bút x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút

Trong đó: Hệ số nhuận bút = số lượng độ dài tin bài x Hệ số giá trị tin bài

5. Cách tính thù lao

Thù lao = Hệ số nhuận bút x Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút

Trong đó: Hệ số nhuận bút = số lượng độ dài tin bài x Hệ số giá trị tin bài

6. Thành viên Ban biên tập (nếu là cán bộ kiêm nhiệm): Được hưởng mức thù lao bằng 20% mức thù lao của người sưu tầm, cung cấp tin, bài.

7. Hệ số nhuận bút, thù lao: Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút, thù lao bằng 10% mức tiền lương cơ sở.

Chương III

TRÍCH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHUẬN BÚT, THÙ LAO

Điều 7. Lập dự toán chi nhuận bút, thù lao

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức có Trang thông tin điện tử căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm lập dự toán nhuận bút, thù lao trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1. Kinh phí chi nhuận bút, thù lao được hình thành từ các nguồn sau:

a) Kinh phí dùng để chi trả cho nhuận bút và thù lao được bố trí trong dự toán hoạt động chi thường xuyên hàng năm (nguồn kinh phí tự chủ nếu thực hiện cơ chế tự chủ tài chính) của cơ quan, đơn vị có Trang thông tin điện tử được cấp từ ngân sách nhà nước;

b) Sử dụng từ các nguồn thu hoạt động dịch vụ; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn vốn hoạt động hợp pháp khác theo quy định.

2. Hàng năm, căn cứ vào số thực chi từ quỹ nhuận bút năm trước và kế hoạch hoạt động của năm sau, Ban biên tập Trang thông tin điện tử lập dự toán nhuận bút và thù lao cho năm sau, tổng hợp chung vào dự toán chi hoạt động thường xuyên của đơn vị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

3. Xây dựng dự toán nhuận bút đối với Trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước:

Dự toán nhuận bút hàng năm = Tổng nhuận bút bình quân trong 01 tháng x 12 tháng + Thù lao.

Điều 8. Sử dụng và quản lý kinh phí chi nhuận bút, thù lao

1. Sử dụng kinh phí chi nhuận bút, thù lao

Trên cơ sở kinh phí chi nhuận bút, thù lao được giao hàng năm, căn cứ vào chất lượng, thể loại, khung hệ số nhuận bút; Thủ trưởng đơn vị quyết định hệ số nhuận bút, thù lao cho các đối tượng được hưởng đảm bảo phù hợp theo quy định nhưng không vượt quá hệ số tại khung nhuận bút, thù lao được quy định tại Điều 6 Quy định này.

2. Quản lý kinh phí chi nhuận bút, thù lao: Việc lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí chi nhuận bút, thù lao thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2. Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, hàng năm lập dự toán kinh phí chi nhuận bút, thù lao trong dự toán chi thường xuyên hàng năm gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị, tổ chức kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

PHỤ LỤC

HƯỚNG DẪN TÍNH NHUẬN BÚT, GIÁ TRỊ TIN, BÀI
(Kèm theo Quyết định số 92/2020/QĐ-UBND ngày 22 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

1. Hướng dẫn tính nhuận bút

TT

Thể loại

Đơn vị độ dài tin

Độ dài thực tế

Số lượng độ dài tin bài

Hệ số giá trị tin bài

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút (đồng)

Nhuận bút được hưởng (đồng)

a

b

c

d

e

g

h

i=e*g*h

1

Tin

½ trang A4

01 trang A4

02

1

149.000

298.000

2

Bài phỏng vấn

01 trang A4

02 trang A4

02

3

149.000

894.000

3*

Bài nghiên cứu

01 trang A4

5 trang A4

05

3

149.000

2.235.000

4

Tranh, ảnh

01 Ảnh

01 Ảnh

01

1

149.000

149.000

* Trường hợp bài nghiên cứu (số 3), vì số lượng độ dài tin, bài x hệ số giá trị tin, bài (bằng 15) vượt quá khung hệ số nhuận bút tối đa nên chỉ được thanh toán tối đa theo khung hệ số nhuận bút (bằng 10). Cụ thể: khung hệ số nhuận bút tối đa: 10 x 149.000đ= 1.490.000đ.

2. Hướng dẫn tính thù lao sưu tầm

TT

Thể loại

Đơn vị độ dài tin

Độ dài thực tế

Số lượng độ dài tin bài

Hệ số giá trị tin bài

Giá trị một đơn vị hệ số nhuận bút (đồng)

Thù lao được hưởng (đồng)

a

b

c

d

e

g

h

i=e*g*h

1

Tin tổng hợp

½ trang A4

½ trang A4

0,5

0,5

149.000

37.250

2

Bài viết ngắn

01 trang A4

02 trang A4

02

1

149.000

298.000

3

Tranh, ảnh

01 Ảnh

01 Ảnh

01

0,5

149.000

74.500

3. Hướng dẫn tính định mức khoán trong tháng

Một viên chức có hệ số lương là 2,34 được phân công trong tháng là 20 ngày làm nhiệm vụ viết tin, bài; 02 ngày còn lại được Thủ trưởng cơ quan giao nhiệm vụ khác và mức lương cơ sở quy định hiện hành là 1.490.000 đồng thì mức khoán của viên chức là: (1.490.000 x 2,34 x 20 : 22) = 3.170.000 đồng.

Trong tháng, tổng nhuận bút viên chức này thực hiện là 4.000.000 thì chỉ được thanh toán chế độ nhuận bút vượt định mức khoán: 4.000.000 - 3.170.000 = 830.000 đồng.