Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3364/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 08 tháng 8 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KHO HÀNG CÓ NGUY HIỂM VỀ CHÁY, NỔ CAO TRONG KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thời gian gần đây tình hình cháy, nổ trên địa bàn cả nước diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là xảy ra các vụ cháy lớn tại cơ sở sản xuất, kho chứa hàng hóa trong khu dân cư đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, như: Vụ cháy 04 nhà xưởng trong khu dân cư tại Phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội ngày 12/4/2019 làm 08 người chết; vụ cháy xảy ra tại Công ty Panpacific tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, Bình Dương vào ngày 11/4/2019 thiêu rụi 19.500m2 nhà xưởng với nhiều hàng hóa, thiết bị và gần đây là vụ cháy xảy ra vào lúc 13 giờ 30 ngày 22/5/2019 tại Công ty TNHH Chung An, tại Khu công nghiệp Việt Hương, Thuận An, Bình Dương đã thiêu rụi 2.000m2 nhà xưởng và toàn bộ tài sản... Trên địa bàn tỉnh ta, trong 6 tháng đầu năm 2019 đã xảy ra 07 vụ cháy, tuy không có thiệt hại về người nhưng tài sản thiệt hại ước tính trị giá 6,836 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng hóa có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư; đặc biệt là các loại hình cơ sở sản xuất, kho hàng xây dựng tạm trên các khu đất đang chờ sử dụng cho các mục đích khác. Xác định và làm rõ trách nhiệm của chủ cơ sở, cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan (Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan cấp phép xây dựng...) trong công tác đảm bảo an toàn PCCC.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về PCCC, tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về PCCC tại khu dân cư, công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị, bảo đảm hạ tầng về PCCC.

3. Kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo đảm an toàn PCCC đối với các nhà xưởng, kho chứa hàng hóa để hướng dẫn, tham mưu các giải pháp phòng cháy, chống cháy lan và các điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, công nhân viên trong việc chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy.

4. Công tác kiểm tra phải đảm bảo khách quan, toàn diện, tuân thủ các quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Kiến nghị chính quyền địa phương có phương án di dời các cơ sở sản xuất có nguy hiểm cháy, nổ ra khỏi khu dân cư; chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, kho hàng xây dựng tạm chưa được cấp phép xây dựng.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP, THỜI GIAN, THÀNH PHẦN ĐOÀN KIỂM TRA

1. Đối tượng kiểm tra

Cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư với quy mô có khối tích từ 1.000m3 trở lên;

Đặc biệt lưu ý đối với các nhà xưởng, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng xây dựng tạm trên các khu đất đang chờ sử dụng cho mục đích khác, xây dựng nhưng không báo cáo, không thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định.

2. Phương pháp kiểm tra

Tổ chức rà soát không để sót lọt đối tượng; tiến hành kiểm tra theo hình thức “cuốn chiếu”, kết hợp với đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến công tác PCCC; đồng thời, hướng dẫn các giải pháp an toàn PCCC, kiến nghị người đứng đầu cơ sở triệt để khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác PCCC.

3. Thời gian kiểm tra: Từ ngày 15/8/2019 đến ngày 16/9/2019.

4. Thành phần Đoàn kiểm tra:

- Công an tỉnh.

- Sở Công thương.

- Sở Xây dựng.

- Thanh tra xây dựng.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Mời Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng kiểm tra.

III. NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Kiểm tra hồ sơ cấp phép xây dựng; hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt về PCCC; Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Chứng nhận đầu tư...

2. Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm PCCC của người đứng đầu doanh nghiệp theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Luật PCCC năm 2001.

3. Việc chấp hành chế độ mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ.

4. Kiểm tra thực tế các điều kiện an toàn PCCC theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 và các quy định pháp luật có liên quan:

- Việc ban hành, thực hiện nội quy, quy định, quy trình, các biển báo, biển cấm về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở.

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; việc duy trì công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở.

- Về tổ chức lực lượng phòng cháy và chữa cháy của cơ sở, chế độ hoạt động, khả năng chữa cháy tại chỗ; công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở.

- Phương án chữa cháy, phương án thoát nạn, cứu người, cứu tài sản và thực hiện chế độ thực tập các phương án của cơ sở.

- Các điều kiện kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC của cơ sở: Các giải pháp, điều kiện ngăn cháy, chống cháy lan; điều kiện bảo đảm thoát nạn, cứu người, cứu tài sản khi có cháy; tình trạng hoạt động của công nghệ, thiết bị có liên quan đến cháy, nổ; điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với hệ thống điện, hệ thống chống sét; công tác sắp xếp, bảo quản vật tư, hàng hóa và các chất có nguy hiểm cháy, nổ; vệ sinh công nghiệp có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy (khả năng hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ của các chất lỏng, khí, bụi...).

- Số lượng, chủng loại và chất lượng hoạt động của các phương tiện, thiết bị PCCC được trang bị, lắp đặt tại cơ sở.

- Điều kiện giao thông phục vụ chữa cháy; về dự trữ nguồn nước chữa cháy và các chất chữa cháy khác theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn; hệ thống thông tin liên lạc phục vụ phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tổ chức rà soát, xây dựng lịch kiểm tra cụ thể; chủ trì tổ chức kiểm tra theo các nội dung đã đề ra theo Kế hoạch này; thông báo lịch kiểm tra đến các đối tượng được kiểm tra; kết thúc kiểm tra tổng hợp tình hình, kết quả, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trước ngày 30/9/2019.

2. Sở Xây dựng, Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh rà soát, lập danh sách thống kê các đối tượng kiểm tra trên địa bàn; cử cán bộ có chuyên môn tham gia đoàn kiểm tra theo đúng thành phần, thời gian quy định; gửi danh sách cán bộ tham gia kiểm tra về Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) trước ngày 10/8/2019.

3. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận tham gia đưa tin tuyên truyền, phản ánh thực trạng công tác PCCC tại các cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư trên địa bàn tính; kịp thời tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC./.

 


Nơi nhận:
- C07 - Bộ Công an;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Sở Xây dựng;
- Sở Công thương;
- UBND các huyện, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Ninh Thuận;
- VPUB: LĐ; KTTH;
- Lưu: VT, TCDNC. NH

CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3364/KH-UBND năm 2019 về kiểm tra công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, kho hàng có nguy hiểm về cháy, nổ cao trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 3364/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/08/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Lưu Xuân Vĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản