Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1810/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 23 tháng 9 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH NHỎ LẺ TRONG KHU DÂN CƯ, NHÀ Ở HỘ GIA ĐÌNH VÀ NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 05/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư và tình hình thực tế ở địa phương;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 2907/TTr-CAT-PC07, ngày 09 tháng 8 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về An toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an (C07);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3 (t/h);
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- VnptiOffice;
- Lưu: VT, NCPC, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

QUY ĐỊNH

VỀ AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH NHỎ LẺ TRONG KHU DÂN CƯ, NHÀ Ở HỘ GIA ĐÌNH VÀ NHÀ Ở KẾT HỢP SẢN XUẤT, KINH DOANH DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1810/QĐ-UBND, ngày 23/9/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định trách nhiệm và điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà Giang có liên quan đến công tác an toàn PCCC đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng

Tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đồng thời, thực hiện quy định này nhằm bảo đảm an toàn PCCC cho cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ trong khu dân cư, nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. An toàn PCCC về bố trí mặt bằng, lối thoát nạn, ngăn cháy

1. Không sử dụng nhà ở hộ gia đình để kinh doanh, chế biến, làm kho chứa hàng hóa nguy hiểm cháy, nổ như: Xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ, độc...; không đặt các kho chứa hóa chất độc hại dễ cháy, nổ trong khu dân cư.

2. Các tầng nhà; các gian phòng của cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tập trung từ 25 người phải có 02 lối thoát nạn; tường, mái phải bằng vật liệu không cháy; khi tiếp giáp liền kề với công trình khác tường, vách phải đáp ứng được yêu cầu ngăn cháy.

3. Cầu thang bộ thoát nạn trong nhà ở có bản thang rộng ít nhất 0,7m, nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế cầu thang xoắn ốc, rẻ quạt, cần bố trí lối lên mái, lên sân thượng từ cầu thang và dễ dàng mở được từ bên trong.

4. Đối với nhà ở có 01 lối ra thoát nạn, cần bố trí thêm lối thoát nạn thứ 2 hoặc bố trí các lối ra khẩn cấp (lối thoát qua ban công, logia, lên mái, sân thượng) để có thể thoát nạn sang nhà liền kề hoặc để lánh nạn tạm thời chờ cứu nạn.

5. Cửa chính của nhà thoát ra ngoài nên sử dụng cửa có bản lề, hướng mở ra phía ngoài nhà, hạn chế lắp đặt cửa trượt, cửa cuốn; nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng...) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy, nổ.

Trường hợp lắp đặt cửa cuốn thì cần sử dụng loại cửa có cơ cấu tự thu, mở nhanh; cửa mở bằng mô tơ điện phải có bộ lưu điện và mở nhanh bằng cơ khi mất điện hoặc mô tơ bị hỏng.

6. Ban công, logia hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần bảo đảm thông thoáng để thoát nạn và cứu nạn; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt bảo vệ thì phải bố trí ô cửa có thể mở nhanh từ bên trong.

Việc lắp đặt biển quảng cáo bên ngoài nhà cần bảo đảm an toàn PCCC và tuân theo quy định của quy chuẩn hiện hành về lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời.

7. Trên hành lang, lối ra thoát nạn, cầu thang thoát nạn của nhà không để các thiết bị, vật dụng, hàng hóa làm cản trở lối thoát nạn hoặc dễ gây cháy lan. Trang bị đèn chiếu sáng sự cố phục vụ chiếu sáng thoát nạn khi mất điện.

8. Nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh dịch vụ cần bố trí tách biệt nơi sản xuất, kinh doanh có chứa hàng hóa dễ cháy với nơi ở, sinh hoạt hoặc có giải pháp ngăn cách bằng tường, vách ngăn, cửa đi kín bằng vật liệu không cháy (khi cháy ngăn được lửa, khói) đồng thời, nơi ở, nơi sinh hoạt phải có lối ra ngoài trực tiếp hoặc lối thoát nạn riêng. Không bố trí nơi ngủ ở cuối nhà xưởng, nhà kho hoặc ngay trên nơi chứa hàng hóa dễ cháy nếu không được ngăn cách, che chắn bằng kết cấu chống cháy và có lối thoát nạn độc lập.

Điều 5. An toàn trong lắp đặt sử dụng điện

1. Việc thiết kế lắp đặt hệ thống điện trong nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải tuân thủ QCVN 12:2014/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng.

2. Hệ thống điện được tính toán thiết kế và lắp đặt bảo đảm an toàn, có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chống ngắn mạch (cầu chì, aptomat) chung của nhà, từng tầng, từng phòng, từng nhánh chiếu sáng, các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn (điều hòa, bình nóng lạnh, bếp, lò nướng...). Cầu dao, aptomat phải lắp đặt tại vị trí thuận tiện cho việc ngắt điện (trên các lối ra cho từng khu vực).

3. Dây dẫn điện được tính toán phù hợp với tải tiêu thụ và thiết bị bảo vệ, phải bảo đảm tiết diện tối thiểu: 1,5mm2 cấp cho đèn điện chiếu sáng; 2,5mm2 cấp điện cho ổ cắm, điện động lực; 4mm2 cấp điện cho căn phòng; 6mm2 cấp điện cho một tầng. Dây dẫn điện sử dụng loại lõi đồng có vỏ bọc cách điện chất lượng tốt.

4. Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, cần tính toán không để quá tải; không sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm vượt quá công suất ổ cắm. Nên sử dụng ổ cắm điện chất lượng, có tính năng an toàn cao như: Có khả năng chịu nhiệt, có tích hợp cầu chì, công tắc; lá đồng của lỗ cắm chắc chắn không bị mất đàn hồi.

5. Không dùng vật liệu dễ cháy như giấy, vải, nilon để bao che bóng điện; không để các chất dễ cháy, nổ gần các thiết bị, dụng cụ tiêu thụ điện như: bảng điện, ổ cắm, bóng đèn..; không câu mắc điện tùy tiện, không cắm dây dẫn điện trực tiếp vào ổ cắm; dây dẫn điện trong mạng điện phải luồn trong ống bảo vệ; các mối nối dây dẫn điện được thực hiện tại hộp đấu nối.

Khi lắp đặt cố định các thiết bị điện sinh nhiệt lớn (bếp điện, lò nướng...) phải có khoảng cách an toàn đến các vật dụng dễ cháy.

6. Hệ thống điện trong nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh phải được thiết kế riêng biệt giữa các khu vực với nhau; thiết bị điện trong kho hàng hóa dễ cháy phải được khống chế chung bằng thiết bị đóng ngắt tự động và đặt bên ngoài kho.

7. Trước khi ra khỏi nhà hoặc khi đi ngủ phải kiểm tra ngắt tất cả các thiết bị điện không có nhu cầu sử dụng; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế các thiết bị điện cũ, hư hỏng không bảo đảm an toàn.

Điều 6. An toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt

1. Không bố trí nơi đun nấu, thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực sản xuất, kinh doanh (trừ việc sản xuất có dùng đến nguồn lửa, nguồn nhiệt).

2. Vị trí đặt bình gas, bếp gas cần bảo đảm thông thoáng và không để gần các thiết bị điện, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; nên lắp đặt đầu báo phát hiện rò rỉ khí gas tại khu vực đặt bình gas, bếp gas. Thường xuyên kiểm tra ống dẫn gas, van khóa, van an toàn để kịp thời thay thế khi bị hư hỏng; khóa van bếp và đóng van bình gas khi không sử dụng.

Đối với bếp điện (bếp từ, hồng ngoại...), cần bố trí đường dây điện phù hợp với công suất của bếp và có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ an toàn (cầu dao, aptomat, thiết bị chống rò điện...).

3. Tại khu vực thờ cúng: Vách, trần nhà nên sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; đèn, bát hương, nến khi thắp phải đặt chắc chắn trên mặt phẳng tránh bị đổ, trường hợp đặt trên vật dụng khác thì phải sử dụng vật liệu không cháy hoặc khó cháy; hạn chế tối đa việc thắp đèn, hương, nến khi không có người ở nhà.

4. Khi đốt vàng mã phải có người trông coi; nơi đốt vàng mã cần được che chắn hoặc mua dụng cụ chuyên dùng bằng kim loại để đốt vàng mã tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa.

5. Khi hàn cắt kim loại phải có biện pháp che chắn không để vảy hàn tiếp xúc với các chất dễ cháy; cần thiết phải chuẩn bị sẵn phương tiện chữa cháy để dập lửa.

6. Không nổ máy xe ô tô, xe máy hay sử dụng bếp than trong không gian kín phòng tránh ngộ độc khí.

Điều 7. Bảo đảm an toàn trong sắp xếp hàng hóa, vật dụng

1. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, các chất lỏng, hóa chất dễ cháy ở trong nhà; trường hợp cần phải dự trữ thì chỉ dự trữ với số lượng ít nhất và đựng trong thiết bị bảo đảm an toàn, phải để nơi thông thoáng, tránh xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, không để trên lối đi, tại lối ra thoát nạn.

2. Ô tô, xe máy và các phương tiện có chứa xăng dầu, chất lỏng, hóa chất dễ cháy phải để cách xa nơi đun nấu và nguồn lửa, nguồn nhiệt.

3. Sắp xếp bảo quản hàng hóa theo từng loại, bảo đảm gọn gàng, không cản trở lối đi, lối thoát nạn; không để hàng hóa, chất dễ cháy, rèm vải... tiếp xúc với bảng điện, ổ cắm, công tắc, aptomat, cầu dao, thiết bị tiêu thụ điện sinh nhiệt.

4. Hàng hóa dễ cháy hoặc dễ bắt cháy cần bố trí trong các khu vực, gian phòng riêng, không để lẫn với các hàng hóa khác và bảo đảm yêu cầu ngăn cháy.

5. Loại trừ những điều kiện có thể dẫn đến tự cháy do phát sinh nhiệt, do phản ứng hóa học giữa các chất với nhau.

Điều 8. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ

1. Mỗi hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ trang bị ít nhất 01 bình bột chữa cháy ABC loại 2kg trở lên hoặc bình chữa cháy bằng khí CO2 loại tương đương; đối với cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao phải trang bị số lượng bình chữa cháy bảo đảm diện tích bảo vệ theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 3890:2009 về phương tiện PCCC cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng và trang bị nội quy, tiêu lệnh về PCCC phù hợp.

2. Bình chữa cháy bố trí nơi dễ thấy, dễ lấy và thuận tiện cho việc sử dụng kịp thời để xử lý sự cố cháy, nổ xảy ra.

Các phương tiện PCCC phải được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ theo quy định.

3. Trang bị phương tiện cứu nạn, cứu hộ như: mặt nạ lọc độc, khẩu trang lọc độc, dây tự cứu, thang dây, dụng cụ phá dỡ (búa, rìu, kìm cộng lực, xà beng), chăn chiên, dụng cụ chứa nước vừa phục vụ sinh hoạt vừa phục vụ chữa cháy... phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm, mục đích sử dụng.

4. Khuyến khích trang bị, lắp đặt đầu báo cháy cục bộ, hệ thống báo cháy tự động.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Trách nhiệm của chủ cơ sở, hộ gia đình

Chủ cơ sở, chủ hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện quy định này khi xây dựng mới, cải tạo sửa chữa và trong quá trình sử dụng nhà ở của hộ gia đình mình.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND các huyện, thành phố

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm phổ biến quy định này đến các hộ gia đình và các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý. Chỉ đạo việc thực hiện quy định an toàn PCCC hộ gia đình, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC đối với hộ gia đình theo thẩm quyền.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp phép xây dựng, cơ quan truyền thông

1. Cơ quan quản lý cấp phép xây dựng trước khi cấp phép xây dựng phải hướng dẫn chủ cơ sở, chủ hộ thực hiện các nội dung quy định liên quan về xây dựng bảo đảm an toàn về PCCC đối với loại hình cơ sở, nhà ở trên.

2. Các cơ quan báo chí tuyên truyền trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các Quy định về An toàn phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 12. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Tham mưu giúp UBND tỉnh hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này.

2. Chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc thực hiện quy định này.

3. Phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; tổng hợp ý kiến vướng mắc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp./.