Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/KH-UBND

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1956/QĐ-TTG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2020

Thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Căn cứ Quyết định số 6999/QĐ-UBND ngày 06/12/2019 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2020 của thành phố Hà Nội; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 1956) trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Quyết định 1956, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nông thôn, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động.

2. Yêu cầu

- Huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân vào việc triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo sự phối kết hợp chặt chẽ của các cấp, ngành trên địa bàn Thành phố trong việc thực hiện Quyết định 1956.

- Đào tạo gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương.

- Tổ chức đào tạo nghề đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định; chỉ tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo nghề cho 13.100 lao động nông thôn, trong đó:

- Nghề Nông nghiệp: 8.322 người;

- Nghề phi Nông nghiệp: 4.778 người

(Chi tiết theo biểu đính kèm)

Hình thức đào tạo: Thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đào tạo nghề theo quy định để thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

2. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã

Căn cứ Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã thành phố Hà Nội đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-UBND ngày 06/01/2017, Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, công chức xã hàng năm, trình UBND Thành phố phê duyệt để tổ chức thực hiện.

3. Giải quyết việc làm sau học nghề

Tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

4. Công tác tuyên truyền

Các huyện, thị xã đảm bảo 100% lao động nông thôn được tuyên truyền, hiểu biết về chính sách học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

5. Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2020

- Kết thúc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020 các quận, huyện và thị xã Sơn Tây có thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, khẩn trương tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn;

- Chuẩn bị tổ chức tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn quận, huyện và thị xã Sơn Tây (thời gian cụ thể thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố).

III. NỘI DUNG

1. Đối tượng

Đối tượng học nghề lao động nông thôn theo quy định Khoản 3, Điều 1 Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

2. Chính sách đối với người học nghề

a) Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề

- Lao động nông thôn tham gia học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg được hỗ trợ chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.

- Mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề, thời gian học nghề thực tế được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 7499/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 của UBND Thành phố về việc phê duyệt định mức chi phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, nhưng tối đa không quá mức đối tượng được hưởng theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b) Mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại học nghề

- Đối tượng được hỗ trợ: Lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi ngươi có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm tham gia học nghề theo Quyết định 1956.

- Mức hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học, trường hợp địa điểm đào tạo cách xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

3. Danh mục nghề đào tạo

Danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 trên địa bàn Thành phố gồm 33 nghề, trong đó:

- 17 nghề phi Nông nghiệp: Kỹ thuật điêu khắc gỗ; Kỹ thuật sơn mài; Thêu, ren mỹ thuật; Sản xuất hàng mây tre, giang đan; Hàn điện; Điện dân dụng; Mộc dân dụng; Mộc mỹ nghệ; Dịch vụ nhà hàng; Xây trát dân dụng; Pha chế đồ uống; Sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí; Kỹ thuật khảm trai; May công nghiệp; Thiết kế tạo mẫu tóc; Sửa chữa xe gắn máy; sửa chữa điện thoại di động.

- 16 nghề Nông nghiệp: Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh; Trồng lúa chất lượng cao; Trồng rau hữu cơ, trồng rau an toàn; Trồng cây ăn quả; Kỹ thuật trồng và chế biến thuốc nam; Kỹ thuật trồng chè; Kỹ thuật trồng hoa; Kỹ thuật chăn nuôi lợn; Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm; Chăn nuôi thú y; Kỹ thuật nuôi cá thương phẩm nước ngọt; Nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu; Trồng hoa lily, hoa loa kèn; Trồng đào, quất cảnh; Trồng và sơ chế gừng, nghệ; Chăn nuôi gà, lợn hữu cơ.

4. Quy mô đào tạo, chương trình, phương thức đào tạo, nội dung chi

a) Quy mô đào tạo: Tối đa 35 học viên/lớp.

b) Chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề

- Chương trình đào tạo được thực hiện theo Quyết định số 3755/QĐ-UBND ngày 22/6/2017 của UBND Thành phố về phê duyệt chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp.

- Giáo trình do đơn vị tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn xây dựng theo khung chương trình đào tạo được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3755/QĐ-UBND ngày 22/6/2017. Học liệu dạy nghề đơn vị đào tạo phải bố trí đầy đủ theo quy định tại Quyết định số 7499/QĐ-UBND ngày 27/10/2017.

c) Tổ chức đào tạo nghề

- Thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

- Việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu dạy thực hành, thời gian đào tạo phù hợp từng nghề, phù hợp nhận thức của người lao động.

+ Đối với các nghề phi nông nghiệp tập trung tổ chức đào tạo theo vị trí việc làm tại các doanh nghiệp tuyển dụng theo hợp đồng lao động hoặc tổ chức việc làm cho lao động nông thôn theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

+ Đối với các nghề nông nghiệp tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng nông dân ở các vùng sản xuất hàng hóa thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lao động làm việc trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với nông dân, đủ điều kiện áp dụng kiến thức nghề sau khi học.

- Ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm đối với: Lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm.

- Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và xác định được mức thu nhập tăng thêm của người lao động sau khi học nghề.

d) Nội dung chi

Thực hiện đúng đối tượng, đúng mục đích, đúng nội dung đảm bảo hiệu quả và đúng quy định tài chính.

5. Cơ sở thực hiện đào tạo nghề

- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm đào tạo nghề, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt và có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề.

- Không để các cơ sở đào tạo nghề không đủ điều kiện, tổ chức đào tạo nghề kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

IV. KINH PHÍ

Tổng kinh phí thực hiện từ ngân sách Thành phố: 36.281.000.000 đồng (giao tại Quyết định số 6999/QĐ-UBND ngày 06/12/2019) gồm:

1. Hỗ trợ lao động nông thôn học nghề: 35.981.000.000 đồng (kinh phí giao cho các huyện và thị xã Sơn Tây thực hiện tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn).

2. Kinh phí tuyên truyền; hoạt động điều hành, kiểm tra, giám sát: 300.000.000 đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Hoàn thành trước 30/10/2020.

2. Phân công trách nhiệm

Các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Nội Vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; UBND cấp huyện, UBND cấp xã, các phòng chuyên môn của cấp huyện căn cứ trách nhiệm được quy định tại Thông tư số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT ngày 12/12/2012 của Liên Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội - Nội Vụ - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công Thương - Thông tin và Truyền thông và các văn bản liên quan triển khai thực hiện; đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ:

a) Sở Lao động Thương binh và Xã hội (là cơ quan thường trực)

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 năm 2020.

- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí của Thành phố thực hiện hoạt động tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trình UBND Thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo tiến độ.

- Định kỳ tổng hợp báo cáo chung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã có thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn tổng hợp đánh giá kết quả, tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020, theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn Thành phố.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 năm 2019 đối với nghề nông nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp trực tiếp tới người lao động biết để áp dụng và tham gia; thực hiện lồng ghép chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông đảm bảo hiệu quả.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành và các cấp chính quyền liên quan làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 tại các huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố thuộc trách nhiệm theo quy định; tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp 06 tháng, 01 năm và giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Thành phố báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

c) Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo 1956 các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã, trình UBND Thành phố phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và các cấp chính quyền liên quan làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã trên địa bàn Thành phố thuộc trách nhiệm theo quy định; tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

d) Sở Giáo dục và Đào tạo

- Tổ chức lồng ghép nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh để tuyên truyền tới người dân hiểu và tham gia học nghề phù hợp, hiệu quả.

- Rà soát, thống kê và cung cấp thông tin, số liệu học sinh đủ độ tuổi, đáp ứng các điều kiện theo quy định, có nhu cầu học nghề lao động nông thôn theo Quyết định 1956 gửi Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã để được tham gia học nghề và tạo việc làm sau học nghề.

- Tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

đ) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Xây dựng, bố trí nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo nghề lao động nông thôn theo Quyết định 1956.

- Tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

e) Sở Tài chính

- Trên cơ sở đề xuất của các Sở, ngành liên quan, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố năm 2020 theo quy định.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thanh toán, quyết toán tài chính kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đúng quy định.

- Tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

- Định kỳ tổng hợp kinh phí tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 trên địa bàn Thành phố gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

g) Sở Công Thương

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ đề xuất chương trình, nội dung đào tạo các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

- Chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin về thị trường hàng hóa; hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp cho người lao động.

- Lồng ghép kế hoạch đào tạo nghề trong chương trình khuyến công với việc triển khai Quyết định 1956.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc Sở quản lý thực hiện các nội dung:

+ Rà soát nhu cầu tuyển dụng lao động sau học nghề theo Quyết định 1956 gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội để phối hợp Ban Chỉ đạo 1956 các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo hiệu quả.

+ Tuyển dụng, giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề để nâng cao mức thu nhập, ổn định cuộc sống.

- Lập kế hoạch đào tạo nghề theo chương trình khuyến công hàng năm gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp, phối hợp tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 đảm bảo hiệu quả, không chồng chéo.

- Định kỳ 6 tháng, 01 năm tổng hợp báo cáo công tác đào tạo nghề theo chương trình khuyến công báo cáo các Bộ, ngành liên quan theo quy định; đồng thời gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

h) Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp; Ban Chỉ đạo 1956 cấp huyện; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng nội dung, chuyên đề tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956; tuyên truyền mô hình điểm về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thông tin về thị trường lao động, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp; tuyên truyền các chuyên đề khởi nghiệp của người lao động... để các cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và người lao động biết, lựa chọn nghề học phù hợp, hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thành phố trên các phương tiện thông tin tuyên truyền thuộc thẩm quyền.

- Tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

i) Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội

- Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn vay vốn học nghề, tạo việc làm sau học nghề và được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi về vốn vay; tổ chức triển khai chính sách tín dụng đối với lao động nông thôn; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, bảo toàn vốn vay theo quy định.

- Định kỳ 06 tháng, 01 năm tổng hợp, báo cáo kết quả cho vay vốn đối với người lao động nông thôn sau học nghề gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Tham gia đầy đủ kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956 của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố.

k) Ban Quản lý khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội

- Tổ chức tuyên truyền kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 đến các doanh nghiệp trong khu Công nghiệp và Chế xuất.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp trong khu Công nghiệp và Chế xuất thực hiện các nội dung:

+ Thống kê, tổng hợp nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề (chi tiết theo từng nghề, từng cấp trình độ) gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Chỉ đạo 1956 các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch đào tạo và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.

+ Tham gia công tác xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình; kiểm tra đánh giá công tác tổ chức, đồng thời tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người lao động sau học nghề có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

+ Tổ chức tuyển dụng lao động nông thôn sau học nghề, ưu tiên tuyển dụng lao động thuộc đối tượng chính sách, người khuyết tật, người lao động thuộc hộ nghèo...

l) Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí Thành phố

- Chủ động mở chuyên mục về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của các cấp ngành về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg; tích cực phổ biến, tuyên truyền các mô hình hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn để người lao động biết và học tập.

- Tham gia kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Ban Chỉ đạo 1956 Thành phố theo chức năng nhiệm vụ để tuyên truyền, phát huy các hình thức tổ chức hiệu quả và ngăn ngừa các hình thức tổ chức đào tạo không hiệu quả.

m) UBND các huyện, thị xã

- Giao Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy định.

- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; gắn chặt việc rà soát, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề. Tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận vay vốn sản xuất kinh doanh và tạo việc làm sau khi học nghề để phát huy hiệu quả dạy và học nghề.

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn 2020, bám sát quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; yêu cầu của thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả đào tạo tại địa bàn.

- Trên cơ sở kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Thành phố, xây dựng Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg tại địa phương và triển khai đảm bảo hiệu quả, đúng quy định, trong đó:

+ Đối với nghề nông nghiệp: Tập trung lựa chọn nghề về kỹ thuật, công nghệ ứng dụng và quản lý sản xuất trồng trọt, chăn nuôi; các nghề thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tập trung đào tạo cho lao động làm việc ở các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã. Gắn đào tạo nghề nông nghiệp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch;

+ Đối với nghề phi nông nghiệp: Tập trung lựa chọn nghề trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, công nghệ, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ để phát triển công nghiệp phụ trợ. Tập trung đào tạo gắn với vị trí việc làm tại doanh nghiệp, làng nghề; đào tạo nghề cho lao động nông thôn vào làm việc trong các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Chú trọng xây dựng mô hình điểm về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tổ chức đánh giá chất lượng kết quả đầu ra và nhân rộng các mô hình đào tạo hiệu quả.

- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đặt hàng hoặc đấu thầu các cơ sở đào tạo nghề đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề. Không để các cơ sở đào tạo kém hiệu quả tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Phối hợp chặt chẽ với cấp xã trong tổ chức, quản lý lớp học và thống kê tỷ lệ lao động có việc làm tại thời điểm ngay sau khi tốt nghiệp khóa học và qua từng năm, đảm bảo tính chính xác, làm cơ sở đánh giá hiệu quả của Đề án.

- Tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã trực thuộc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BTC-BTTTT ngày 12/12/2012 của Liên Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội - Nội vụ - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công Thương - Thông tin và Truyền thông và các văn bản chỉ đạo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố về công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại Văn bản số 2103/UBND-KGVX ngày 20/5/2019 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2019 - 2020.

- Thực hiện thanh toán, quyết toán kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo đúng quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn đảm bảo đúng thời gian, đúng nội dung theo chương trình, giáo trình và đúng đối tượng tham gia học nghề. Tổ chức đánh giá sơ kết thực trạng công tác tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại địa phương kịp thời rút kinh nghiệm.

- Định kỳ 06 tháng, 01 năm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 và các chỉ tiêu giám sát, đánh giá theo Quyết định số 1852/QĐ-LĐTBXH ngày 02/12/2011 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, gửi Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

- Chỉ đạo, tổ chức tổng kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020.

n) UBND cấp xã

- Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn trong xã.

- Tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề của lao động nông thôn; nhu cầu tuyển dụng lao động sau học nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn để tổ chức các lớp đào tạo phù hợp nhu cầu, khả năng người học nghề và đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm với thu nhập ổn định.

- Kiểm tra, xác nhận đơn xin học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn đảm bảo chính xác, đúng đối tượng theo quy định và phù hợp nhu cầu việc làm tại địa phương.

- Thực hiện thống kê số liệu kết quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau học nghề theo địa chỉ cụ thể.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, đảm bảo đào tạo nghề đúng đối tượng, đúng thời gian đào tạo và đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, nguyên vật liệu thực hành nghề theo chương trình đào tạo.

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

p) Các đơn vị tham gia đào tạo nghề

- Đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề khi tham gia đào tạo cho lao động nông thôn theo quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

- Tổ chức tuyển sinh đào tạo cho lao động nông thôn các nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp theo quy định tại Điều 2 Thông tư Liên tịch số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BTC-BTTTT ngày 12/12/2012 của Liên Bộ: Lao động Thương binh và Xã hội - Nội vụ - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Công Thương - Thông tin và Truyền thông hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các quy định về đào tạo sơ cấp nghề tại Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

- Thực hiện đầy đủ nội dung, thời lượng chương trình đào tạo; bố trí giáo viên đủ điều kiện; đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đồng thời cung cấp đầy đủ vật tư, nguyên vật liệu..., tài liệu học tập theo quy định trong chương trình đào tạo.

- Thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nghề lao động nông thôn; quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí, báo cáo tình hình, kết quả tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng quy định.

- Phối hợp với địa phương và doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề. Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi không xác định được nơi làm việc và mức thu nhập sau học nghề.

- Phối hợp UBND cấp xã theo dõi, thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn do cơ sở đào tạo sau học nghề.

- Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, các đoàn thể Thành phố

a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội

- Tổ chức tuyên truyền, vận động lao động nông thôn tham gia học nghề.

- Tham gia Kế hoạch của UBND Thành phố về kiểm tra, giám sát tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

b) Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

Chủ động phối hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia các hoạt động của kế hoạch, đặc biệt là công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội

- Tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về học nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

- Tư vấn, vận động các hội viên tích cực tham gia học nghề.

d) Hội Nông dân thành phố Hà Nội

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia học nghề; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

- Thực hiện Kế hoạch của UBND Thành phố về kiểm tra, giám sát tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

đ) Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội

- Tổ chức lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, tư vấn về học nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

- Chỉ đạo đoàn thanh niên các cấp vận động thanh niên lao động tích cực tham gia học nghề và dạy nghề.

- Tham gia Kế hoạch của UBND Thành phố về kiểm tra, giám sát tình hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg.

UBND Thành phố đề, nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, các Đoàn thể Thành phố; yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiêm túc chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020./.

 


Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Bộ Lao động TB&XH;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội;
- Các Đoàn thể Thành phố: LĐLĐ, HLHPN, HND, ĐTN CSHCM;
- UBND các huyện, thị xã;
- VPUB: CVP, các PCVP, KGVX, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KGVXt.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Quý

 

CHỈ TIÊU, KINH PHÍ ĐÀO TẠO NGHỀ LAO ĐỘNG NÔNG THÔN CỦA CÁC HUYỆN, THỊ XÃ NĂM 2020

(Kèm theo Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2020 của UBND Thành phố)

TT

Quận, huyện và thị xã

Số người được đào tạo (Người)

Kinh phí (triệu đồng)

Tổng số người được đào tạo (Người)

Trong đó

Tổng kinh phí theo Quyết định số 6999/QĐ-UBND

Trong đó

Số người được đào tạo nghề phi nông nghiệp

Số người được đào tạo nghề nông nghiệp

Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp

Kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp

 

Tổng số:

13,100

4,778

8,322

35,981

14,978

21,003

1

Huyện Thanh Oai

1,225

350

875

3,060

1,100

1,960

2

Huyện Ứng Hòa

700

350

350

1,608

862

746

3

Huyện Mỹ Đức

1,332

350

982

2,830

776

2,054

4

Huyên Thường Tín

350

-

350

679

-

679

5

Huyện Phú Xuyên

875

210

665

2,435

600

1,835

6

Huyện Chương Mỹ

1,260

560

700

2,553

1,164

1,389

7

Thị xã Sơn Tây

1,295

420

875

3,642

1,414

2,228

8

Huyện Ba Vì

385

140

245

1,060

484

576

9

Huyện Hoài Đức

625

315

310

2,592

1,393

1,199

10

Huyện Đan Phượng

350

245

105

931

681

250

11

Huyện Quốc Oai

910

455

455

2,878

1,764

1,114

12

Huyện Phúc Thọ

823

648

175

2,349

1,953

396

13

Huyện Thạch Thất

560

280

280

2,083

1,084

999

14

Huyện Thanh Trì

175

105

70

350

210

140

15

Huyện Mê Linh

455

175

280

1,854

871

983

16

Huyện Sóc Sơn

980

-

980

2,758

-

2,758

17

Huyện Đông Anh

665

140

525

2,059

552

1,507

18

Huyện Gia Lâm

135

35

100

260

70

190

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 31/KH-UBND về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020

  • Số hiệu: 31/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/02/2020
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Ngô Văn Quý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản