Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 271/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 01 tháng 8 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030”, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Kế hoạch xác định các nội dung, hoạt động, nhiệm vụ chủ yếu và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị, ngành trên địa bàn tỉnh, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tập trung tổ chức triển khai thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch triển khai chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

2. Lồng ghép thực hiện các nội dung, hoạt động, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch trong hoạt động của các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch do đơn vị đang triển khai thuộc các lĩnh vực liên quan.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe quân và dân khu vực biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- 70% Trung tâm y tế thuộc địa phương có biển, cơ sở y tế của bộ đội biên phòng được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

- 70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định.

- 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

b) Đến năm 2030

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 100% Trung tâm y tế thuộc địa phương có biển, cơ sở y tế quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

- 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định.

- 100% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng và phạm vi kế hoạch

a) Đối tượng

Chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030 mang lại lợi ích cho quân dân, ngư dân địa phương, nhân viên y tế, du khách và các cơ sở y tế trong phạm vi triển khai kế hoạch.

b) Phạm vi kế hoạch

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 46 xã/phường/thị trấn thuộc 05 huyện/thành phố có vùng ven biển (Thành phố Huế, huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc), cụ thể:

Thành phố Huế gồm 06 xã/phường: Thuận An, Phú Thanh, Phú Mậu, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương.

Huyện Phong Điền gồm 09 xã: Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hải.

Huyện Quảng Điền gồm 08 xã/thị trấn: Quảng Lợi, thị trấn Sịa, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng An, Quảng Thái.

Huyện Phú Vang gồm 12 xã/thị trấn: Phú Mỹ, Phú An, Phú Xuân, Phú Đa, Vinh Hà, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Vinh Xuân, Phú Gia, Vinh Thanh, Vinh An.

Huyện Phú Lộc gồm 11 xã/thị trấn: Phú Lộc, Lăng Cô, Lộc An, Lộc Điền, Lộc Trì, Lộc Bình, Lộc Vĩnh, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Giang Hải, Vinh Hiền.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2023 đến năm 2030.

IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế biển, đảo

a) Các địa phương vùng ven biển chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác y tế biển, đảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

b) Các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các địa phương vùng ven biển thực hiện hiệu quả công tác y tế biển, đảo.

2. Củng cố và tăng cường năng lực y tế dự phòng khu vực biển, đảo

a) Kiện toàn biên chế, tổ chức, nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; cơ sở y tế của bộ đội biên phòng; đủ năng lực khám dự phòng, phòng chống dịch bệnh khu vực biển, đảo.

b) Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, nhân viên y tế, nhân dân và người lao động khu vực biển, đảo.

c) Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích; quản lý chất thải y tế, ứng phó biến đổi khí hậu và các sự cố liên quan đến y tế trên khu vực biển, đảo.

3. Củng cố, tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh

a) Kiện toàn biên chế, tổ chức, nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm đủ năng lực cấp cứu, thu dung, điều trị phù hợp đặc thù vùng biển, đảo.

b) Xây dựng các mô hình trợ giúp y tế từ xa từ các bệnh viện, viện tuyến Trung ương đến bệnh viện, trung tâm y tế huyện, bệnh xá quân y, quân dân y, cơ sở y tế của bộ đội biên phòng để thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh trên khu vực biển, đảo.

c) Trang bị tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho tàu biển, lực lượng dân quân tự vệ biển, tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo các quy định quốc gia và quốc tế.

4. Nâng cao năng lực cấp cứu, vận chuyển người bệnh

a) Đầu tư trang thiết bị, nhân lực, xây dựng các phương án, quy chế phối hợp giữa Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 với Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố Huế, các bệnh viện tuyến tỉnh, các Bệnh viện trực thuộc Bộ, Ngành, Bệnh viện viện tư nhân trên địa bàn tỉnh trong tổ chức cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

b) Trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế cấp cứu đầu tiên và thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển cho tàu mặt nước thuộc Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và các tàu tìm kiếm cứu nạn.

c) Cải tạo, nâng cấp một số phương tiện hiện có của các Sở, ban, ngành, địa phương để có khả năng cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Trang bị đủ phương tiện cấp cứu, vận chuyển cho bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố.

d) Tổ chức, huấn luyện các đội y tế cơ động cấp huyện, thị xã, thành phố ven biển, lực lượng dân quân tự vệ biển, lực lượng bán chuyên trách, lực lượng huy động ở các Sở, ban, ngành kinh tế biển sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

5. Phát triển nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo

a) Nghiên cứu, đề xuất về tổ chức, biên chế, tiêu chuẩn, chế độ chính sách đặc thù cho nhân lực y tế biển, đảo.

b) Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về y học biển; đào tạo, đào tạo lại về y học biển cho cán bộ y tế và các lực lượng làm việc trên khu vực biển, đảo.

c) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về y học biển.

d) Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện cấp cứu biển; đào tạo kiến thức y học đặc thù biển, đảo cho lực lượng quân y, nhân viên y tế thay phiên làm nhiệm vụ tại các vùng ven biển và các tàu làm nhiệm vụ trên biển.

6. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân khu vực biển, đảo

a) Đầu tư nhân lực, trang thiết bị, phương tiện truyền thông để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe trên khu vực biển, đảo.

b) Ban hành tài liệu, tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động truyền thông cho người dân làm việc và sinh sống trên khu vực biển, đảo.

c) Truyền thông trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có kiến thức cơ bản để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo và các kiến thức pháp luật về y tế biển đảo.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện kế hoạch từ các nguồn:

- Nguồn ngân sách nhà nước, gồm: nguồn chi thường xuyên, nguồn vốn đầu tư, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nguồn kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phân cấp ngân sách và theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Nguồn xã hội hóa và huy động khác.

- Đối với những hoạt động, nhiệm vụ có tính chất đặc thù, ưu tiên hoặc chưa có trong các chương trình, dự án, đề án khác thì đơn vị chủ động lập kế hoạch, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Chủ trì, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ để triển khai Chương trình do Sở Y tế thực hiện.

b) Xây dựng dự toán triển khai các nhiệm vụ của Sở Y tế để thực hiện Chương trình, tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

c) Hướng dẫn xây dựng các phương án, quy chế phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý tình huống khẩn cấp về y tế trên biển, đảo theo từng cấp độ, từng khu vực.

d) Chủ trì tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ triển khai Chương trình do Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện.

b) Chủ trì, xây dựng kế hoạch để thực hiện các dự án, chương trình liên quan đến huy động lực lượng, phương tiện bay, tàu biển để vận chuyển cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo.

3. Công an tỉnh

Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho các hoạt động cho công tác y tế biển, đảo của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương có liên quan cân đối kinh phí để thực hiện Chương trình, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương bảo đảm hệ thống thông tin thông suốt hỗ trợ cấp cứu, điều trị từ xa.

- Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người dân tại khu vực biển, đảo.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tủ thuốc, trang thiết bị y tế cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo các quy định quốc gia và quốc tế.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và truyền thông và các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho nhân dân làm việc trên các tàu biển, tàu cá.

7. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan

Chủ động lồng ghép các nội dung của Chương trình vào các kế hoạch, hoạt động và triển khai thực hiện.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển

- Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả Chương trình; khuyến khích các địa phương bố trí sớm nguồn lực để đạt được các mục tiêu của Chương trình.

- Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

- Lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án triển khai thực hiện tại địa phương.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình, gửi Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên cơ sở Kế hoạch này, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế xây dựng Kế hoạch triển khai, dự toán kinh phí thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh (qua Sở Y tế) trước ngày 05 tháng 12 hàng năm để tổng hợp. Sở Y tế có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ trước ngày 10/12 hằng năm. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Bệnh viện Trung ương Huế;
- Đại học Huế, ĐHYD Huế, CĐYT Huế;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và CV: VH, TH;
- Lưu: VT, VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 271/KH-UBND năm 2023 triển khai chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030

  • Số hiệu: 271/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 01/08/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản