Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 241/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 20 tháng 9 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM TẠI THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, với các nội dung sau:

Phần I

KẾT QUẢ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO Y TẾ BIỂN, ĐẢO

I. TÌNH HÌNH CHUNG

- Hải Phòng là thành phố lớn thứ 3 cả nước, là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, nằm ở ven biển phía đông miền duyên hải Bắc Bộ với trên 125 km bờ biển; có diện tích 1.057 km2, dân số trên 2,0 triệu người.

- Thành phố Hải Phòng có 15 quận, huyện và 217 xã, phường, thị trấn; trong đó có 2 huyện đảo (Bạch Long Vĩ, Cát Hải), 12 xã đảo thuộc huyện Cát Hải; 6 quận, huyện ven biển (Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên) và 17 xã, phường ven biển.

- Huyện đảo Bạch Long Vĩ nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 140 km, diện tích tự nhiên khoảng 4 km2. Huyện chưa có đơn vị hành chính cấp xã. Dân số trên đảo biến động từ 2.000 đến 3.000 người, bao gồm cả cư dân thường trú, lực lượng thanh niên xung phong, bộ đội và ngư dân tạm trú. Trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ thường xuyên có hàng nghìn tàu cá, tương ứng với khoảng 3.000 - 5.000 ngư dân của các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Thanh Hóa, Phú Yên, Bình Định... đến khai thác thủy hải sản trên ngư trường vịnh Bắc Bộ, nên nhu cầu về chăm sóc y tế rất lớn.

- Huyện đảo Cát Hải bao gồm 367 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2 đảo lớn là đảo Cát Bà và đảo Cát Hải, diện tích tự nhiên khoảng 345 km2, dân số gần 30.000 người. Đảo Cát Bà cách đất liền khoảng 40 km, diện tích tự nhiên trên 300 km2, có 1 thị trấn và 6 xã đảo (trong đó có xã Việt Hải là xã đảo độc lập); đảo Cát Hải cách đất liền khoảng 10 km, diện tích tự nhiên khoảng 40 km2, có 1 thị trấn và 4 xã đảo.

- 6 quận, huyện ven biển, có 17 xã, phường ven biển, cụ thể: Quận Hải An có 4 phường (Đông Hải 1, Đông Hải 2, Nam Hải, Tràng Cát), quận Dương Kinh có 2 phường (Tân Thành, Hải Thành), quận Đồ Sơn có 4 phường (Hải Sơn, Bàng La, Vạn Hương, Ngọc Xuyên), huyện Kiến Thụy có 2 xã (Đại Hợp, Đoàn Xá), huyện Tiên Lãng có 3 xã (Vinh Quang, Đông Hưng, Tây Hưng), huyện Thủy Nguyên có 2 xã (Phả Lễ, Lập Lễ).

II. MẠNG LƯỚI Y TẾ HUYỆN ĐẢO VÀ CÁC HUYỆN, QUẬN VEN BIỂN

- Y tế huyện đảo Cát Hải: Có 01 Trung tâm y tế huyện Cát Hải tại đảo Cát Bà (50 giường bệnh) và Bệnh viện đa khoa Đôn Lương tại đảo Cát Hải (50 giường bệnh); 13 trạm y tế/12 xã, thị trấn (xã Trân Châu tại đảo Cát Bà có 2 trạm y tế trong đó 01 trạm y tế thôn).

- Y tế huyện đảo Bạch Long Vĩ: Có 1 Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ (hợp nhất Bệnh viện Đa khoa Bạch Long Vĩ và Bệnh xá quân y Tiểu đoàn Phòng thủ đảo thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố) với quy mô 20 giường bệnh (giường kế hoạch 20 giường bệnh, thực kê 20 giường bệnh); đảm nhiệm chức năng cấp cứu, khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên đảo và ngư dân.

- Các huyện, quận ven biển (Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng) đều có 01 Trung tâm Y tế thực hiện 02 chức năng khám chữa bệnh và y tế dự phòng, huyện Thủy Nguyên (có 01 Bệnh viện đa khoa, 01 Trung tâm y tế) và các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN, ĐẢO THEO QUYẾT ĐỊNH 317/QĐ-TTg

1. Công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” thành phố Hải Phòng.

- Ban hành Quyết định số 1602/QĐ-UBND ngày 22/8/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 317/QĐ- TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” tại thành phố Hải Phòng.

- Ban hành Kế hoạch số 1946/KH-UBND ngày 04/10/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố triển khai thực hiện Đề án phát triển y tế biển, đảo thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016-2020.

2. Một số kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Đề án Phát triển y tế biển, đảo

- Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế huyện đảo và các cơ sở y tế ven biển trên địa bàn thành phố (các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, quận, trạm y tế tuyến xã) như: Trung tâm y tế huyện Cát Hải, Bệnh viện đa khoa Đôn Lương - Cát Hải, Trung tâm Y tế quận Hải An, Trung tâm Y tế quận Đồ Sơn, Trung tâm y tế huyện Kiến Thụy, Trung tâm y tế huyện Tiên Lãng. Trung tâm y tế huyện Thủy Nguyên, Bệnh viện đa khoa huyện Thủy nguyên, Trung tâm Cấp cứu 115... bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và nguồn đối ứng, ngân sách của địa phương... và các trạm y tế xã, phường, thị trấn huyện đảo, huyện, quận ven biển.

Một số dự án xây mới đang triển khai xây dựng và sắp hoàn thành như: Xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (tổng mức đầu tư: 141.991 triệu đồng bằng nguồn Ngân sách Trung ương và Ngân sách thành phố); xây dựng Trung tâm Y tế quận Dương Kinh (tổng mức đầu tư: 222.187 triệu đồng bằng nguồn Ngân sách thành phố).

- Thành lập Trạm Y tế quân dân y xã Việt Hải, huyện Cát Hải và thành lập Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ nhằm đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và ngư dân tại xã đảo, huyện đảo phù hợp với mô hình y tế biển, đảo cùa cả nước.

- Lồng ghép đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” tại thành phố Hải Phòng vào các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của thành phố, ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế biển, đảo và ven biển.

- Các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện đảo, huyện quận ven biển thường xuyên quan tâm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Ủy ban nhân dân thành phố và Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 07/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về y tế biển, đảo.

- Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân huyện Bạch Long Vĩ, huyện Cát Hải đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người dân sinh sống trên huyện Đảo Bạch Long Vĩ và huyện đảo Cát Hải.

- Một số Trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2 (như Trung tâm y tế Cát Hải, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ); thực hiện bảo quản nguồn máu từ Trung tâm Huyết học và Truyền máu Hải Phòng và thực hiện triển khai ngân hàng máu sống trên đảo từ nguồn người hiến máu dự bị sẵn sàng hiến máu trong trường hợp khẩn cấp, đảm bảo nguồn máu và chế phẩm máu an toàn, ổn định, kịp thời. Thường xuyên tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, cử nhiều cán bộ tham gia đào tạo và đào tạo lại tại cơ sở và tuyến trên. Công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế được triển khai tốt.

- Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ: Cùng với các kỹ thuật đã triển khai Trung tâm đã áp dụng thành công kỹ thuật gây tê tủy sống, gây tê đám rối thần kinh và năm 2019 lần đầu tiên triển khai gây mê nội khí quản trong mổ cấp cứu, cơ bản đã đảm bảo mổ trung phẫu an toàn. Hàng năm Trung tâm đã xử lý cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng như: Shock chấn thương trên bệnh nhân bị gãy hở độ III C ở 1/3 giữa 02 xương cẳng chân phải; Chửa ngoài tử cung vỡ; Viêm ruột thừa cấp; Vết thương cụt chi do cá mập cắn…, thực hiện được các ca trung phẫu tương đương bệnh viện hạng 2 về ngoại khoa; tham gia cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển bệnh nhân nặng trên biển về đất liền an toàn, đã nhận được sự hỗ trợ của chương trình Đề án như: Hệ thống Phòng mổ; Hệ thống Telemedicine; Hệ thống khí oxy trung tâm; Tủ bảo quản xác; Máy X quang kỹ thuật số; Hệ thống xử lý nước thải y tế; Xe ô tô cứu thương, thực hiện được kết nối Telemedicine trong chẩn đoán và hỗ trợ y tế trong các tình huống khẩn cấp; trình độ các y, bác sỹ từng bước được nâng cao, làm chủ các trang thiết bị và độc lập xử trí bước đầu an toàn cho người bệnh.

- Trung tâm y tế huyện Cát Hải: Tăng cường phát triển kỹ thuật thông thường, các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được Trung tâm cập nhật và có kế hoạch hàng năm thực hiện. Trung tâm thực hiện 40% danh mục kỹ thuật bệnh viện theo phân tuyến theo Thông tư 43/2013/TT-BYT và vượt tuyến một số kỹ thuật đặc biệt về chuyên ngành Ngoại khoa; phấn đấu thực hiện các kỹ thuật Ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2. Tích cực thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816, đã đạt được những kết quả khá tốt. Đảm bảo thực hiện độc lập một số kỹ thuật khó, kỹ thuật cao tại tuyến đảo.

- Bệnh viện Đa khoa Đôn Lương - Cát Hải: Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, tăng cường phát triển kỹ thuật thông thường, các kỹ thuật mới, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và đề án 1816, thực hiện khám chữa bệnh theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, các trung tâm y tế huyện đảo, huyện, quận ven biển thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, các chương trình mục tiêu về y tế.

- Trung tâm Cấp cứu 115 Hải Phòng đảm bảo công tác tiếp nhận, vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ biển, đảo về đất liền. Thực hiện vận chuyển các ca tai nạn, bệnh tật từ biển đảo chiếm khoảng 5% các ca bệnh; thực hiện vận chuyển cấp cứu người bệnh từ các tàu, thuyền, cano do Trung tâm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn gọi yêu cầu và các trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo gọi chuyển người bệnh vào đất liền.

- Viện Y học biển Việt Nam đã xây dựng Trung tâm Hỗ trợ y tế từ xa và hệ thống Telemedicine kết nối Viện Y học biển Việt Nam và Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Viện Y học Biển Việt Nam tham mưu cho Bộ Y tế về danh sách thuốc, vật tư y tế cần thiết trên các tàu hoạt động trên biển, phù hợp với các công ước quốc tế, thực hiện tốt công tác đào tạo cấp cứu ban đầu cho người lao động biển, tư vấn hướng dẫn sử dụng tủ thuốc, thiết bị y tế cho các tàu vận tải viễn dương theo tiêu chuẩn quốc tế, Viện cũng thực hiện các đợt cấp phát tủ thuốc miễn phí cho các tàu cá của ngư dân trên biển. Viện Y học biển Việt Nam là Viện đầu ngành về lĩnh vực y học biển, là nơi tiếp nhận các ca bệnh khó, đặc thù về biển như tai biến lặn, bệnh giảm áp, ngộ độc khí CO... từ khắp cả nước chuyển về.

IV. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

- Hiện tại cả nước nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng vẫn áp dụng mô hình hệ thống y tế trong đất liền, chưa có mô hình đặc thù cho y tế vùng biển, đảo. Vì vậy rất khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, bộ đội, ngư dân ở biển, đảo do đặc thù về vị trí địa lý của vùng biển, đảo (huyện đảo, xã đảo xa đất liền, bị chia cắt, cô lập, đặc biệt khi có tình huống thiên tai, chiến tranh xảy ra); khí hậu, thời tiết, mô hình bệnh tật vùng biển, đảo cũng khác với đất liền.

- Do ngân sách thành phố còn khó khăn nên việc ưu tiên nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp các bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo và các trung tâm y tế, bệnh viện huyện, quận ven biển còn thấp so với nhu cầu.

- Việc huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác đảm bảo y tế biển, đảo trên địa bàn thành phố còn thấp.

- Cơ sở hạ tầng Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ, Trung tâm y tế huyện Cát Hải, Bệnh viện đa khoa Đôn Lương - Cát Hải... còn khó khăn, nhiều hạng mục đã xuống cấp:

+ Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ, đang sử dụng 01 dãy nhà 03 tầng (được cải tạo lại năm 2019), 01 dãy nhà 02 tầng (xây dựng từ năm 2005) và 01 dãy 01 tầng (xây dựng từ năm 1999 đã xuống cấp không sử dụng được) để phục vụ cho công tác khám bệnh, cấp cứu và điều trị, công tác hành chính. Số phòng chức năng so với các khoa phòng còn chưa tương ứng, còn phải sử dụng ghép, không có nhà công vụ cho cán bộ y tế, phải sử dụng phòng bệnh để cán bộ y tế nghỉ và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt bác sĩ quân y và bác sĩ tăng cường chưa có phòng riêng, vẫn ở ghép tại phòng bệnh với cán bộ nhân viên Trung tâm. Nhiều năm không tuyển được bác sĩ ra đảo.

+ Trung tâm y tế huyện Cát Hải: thời gian qua đã được quan tâm đầu tư cải tạo nâng cấp, năm 2021 cải tạo, nâng cấp khu nhà khám bệnh 3 tầng, khu nhà 2 tầng ngoại và các công trình phụ trợ, tuy nhiên một số công trình tại Trung tâm và các Trạm y tế xã, thị trấn được xây dựng từ lâu hiện tại đã xuống cấp.

+ Bệnh viện Đa khoa Đôn Lương: Năm 2019 cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, cải tạo, sửa chữa các khoa phòng bệnh viện, khu hành chính; năm 2021 cải tạo sửa chữa khu nhà 2 tầng khoa dược, cải tạo khoa truyền nhiễm, khu nhà 2 tầng khoa nội. Khu nhà 3 tầng (gồm khoa khám bệnh tầng 1, khoa ngoại sản tầng 2, khu khám sức khỏe quân sự, sức khỏe định kỳ tầng 3) đã xuống cấp, tầng 2 và tầng 3 đã tạm ngừng hoạt động từ tháng 6 năm 2023 do xuống cấp nhiều, nay khoa Ngoại Sản hoạt động chung tầng 2 khoa Nội nhi ảnh hưởng nhiều công tác điều trị của 2 khoa do thiếu phòng, khu nhà F Ngoại cũ cũng xuống cấp dừng hoạt động.

- Đề án xây dựng Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ với quy mô 50 giường bệnh (xây dựng Đề án từ năm 2017), thành phố đã cũng đồng ý phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương xây dựng Trung tâm y tế quân dân y Bạch Long Vĩ giai đoạn 2017-2020 với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

- Công tác cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân từ biển, đảo vào trong đất liền gặp nhiều khó khăn do khoảng cách xa, thời tiết diễn biến thất thường, huy động các phương tiện tham gia cấp cứu, vận chuyển; việc huy động phương tiện tham gia vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân từ đảo Bạch Long Vĩ vào đất liền như thuê trực thăng, thuê tàu của ngư dân hoặc huy động tàu của Tổng đội Thanh niên xung phong, Bộ đội biên phòng Hải Phòng, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I...; vận chuyển bệnh nhân từ đảo Cát Bà vào đất liền phải qua phà Đình Vũ, cảng Bến Bính; vận chuyển bệnh nhân từ đảo Cát Hải vào đất liền bằng xe cứu thương. Chưa có phụ cấp đặc thù hỗ trợ cho cán bộ y tế trực tiếp vận chuyển, cấp cứu bệnh nhân từ đảo vào đất liền.

- Chưa có tàu chuyên dụng để tham gia cấp cứu vận chuyển bệnh nhân nặng về đất liền, gây khó khăn và nguy hiểm cho cán bộ y tế mỗi khi vận chuyển bệnh nhân đi trên biển bằng tàu đánh cá của ngư dân.

- Trung tâm cứu nạn hàng hải 1 được giao vùng biển có trách nhiệm trải dài từ Quảng Ninh - Quảng Bình, với diện tích lớn trong đó đội tàu tìm kiếm cứu nạn lại mỏng, tàu nhỏ, cũ, khai thác sử dụng nhiều năm (gần 20 năm), khả năng chịu đựng sóng gió hạn chế. Trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu và đội ngũ y tế có chuyên môn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phức tạp trong thực tiễn (đặc biệt trong giai đoạn bệnh dịch như những năm qua).

- Chưa xây dựng được các quy chế phối hợp giữa Trung tâm cứu nạn hàng hải 1, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố trong việc cấp cứu và vận chuyển nạn nhân từ biển và trên các đảo về đất liền.

- Chưa xây dựng được chương trình huấn luyện cho lực lượng y tế có đủ khả năng tham gia lực lượng tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Phần II

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN, ĐẢO ĐẾN NĂM 2030

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ quân và dân khu vực biển, đảo; bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở khu vực vùng biển, đảo, ven biển của thành phố Hải Phòng được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025:

- 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2.

- Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, 70% trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo và huyện, quận ven biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

- 70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định.

- 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

b) Đến năm 2030:

- 100% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2.

- Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, 100% trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo và huyện, quận ven biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

- 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định.

- 100% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế biển, đảo

- Các địa phương huyện đảo, quận, huyện ven biển chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác y tế biển, đảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn.

- Các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các địa phương huyện đảo, quận, huyện ven biển thực hiện hiệu quả công tác y tế biển, đảo.

2. Củng cố và tăng cường năng lực y tế dự phòng khu vực biển, đảo

- Kiện toàn biên chế, tổ chức, nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố; các trung tâm y tế huyện đảo, huyện, quận ven biển đủ năng lực khám dự phòng, phòng chống dịch bệnh khu vực biển, đảo.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, nhân viên y tế, Nhân dân và người lao động khu vực biển, đảo.

- Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích; quản lý chất thải y tế, ứng phó biến đổi khí hậu và các sự cố liên quan đến y tế trên khu vực biển, đảo.

3. Củng cố, tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh

- Kiện toàn biên chế, tổ chức, nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm đủ năng lực cấp cứu, thu dung, điều trị phù hợp đặc thù vùng biển, đảo.

- Các trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo (Trung tâm y tế huyện Cát Hải, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ, bệnh viện đa khoa Đôn Lương - Cát Hải) đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và tăng cường đào tạo, nhân lực bảo đảm đủ năng lực cấp cứu, thu dung, điều trị phù hợp đặc thù vùng biển, đảo, đủ năng lực triển khai thực hiện các kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; chú trọng phát triển, nâng cao năng lực cấp cứu, điều trị các chuyên khoa: Nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu để giải quyết độc lập các trường hợp cấp cứu, tai nạn, các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo và đảm bảo tốt công tác vận chuyển cấp cứu trên đảo, trên biển đảo và từ đảo về đất liền.

- Các trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện ven biển: Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cấp cứu.

- Các trạm y tế xã đảo và các trạm y tế xã, phường ven biển: Được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, cấp cứu ban đầu cho người dân.

- Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố đảm bảo nhân lực, vật lực để tiếp nhận và giải quyết các trường hợp cấp cứu từ biển, đảo chuyền đến và hỗ trợ cho y tế huyện đảo về chuyên môn kỹ thuật; tiếp tục duy trì cử luân phiên cán bộ y tế của 3 bệnh viện: Hữu nghị Việt Tiệp, Phụ Sản, Kiến An tăng cường cho Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ.

- Xây dựng các mô hình trợ giúp y tế từ xa từ các bệnh viện, viện tuyến Trung ương, tuyến thành phố đến bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo để thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh trên khu vực biển, đảo.

- Trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo các quy định.

- Phối hợp với Viện Y học biển Việt Nam tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù vùng biển, đảo và hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedicine) theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

- Phối hợp với Viện Y học biển Việt Nam, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng đào tạo kiến thức về y học biển, sơ cấp cứu ban đầu, bệnh đặc thù vùng biển đảo cho cán bộ y tế; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sỹ tại các huyện đảo, xã đảo.

- Thực hiện các hướng dẫn về chẩn đoán, cấp cứu, điều trị đặc thù cho khu vực biển, đảo.

4. Nâng cao năng lực cấp cứu, vận chuyển người bệnh

- Đầu tư đủ trang thiết bị phù hợp, nhân lực cho Trung tâm Cấp cứu 115 theo mô hình “Quân - dân y kết hợp” làm nhiệm vụ phối hợp với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 1 và lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng trong tổ chức cấp cứu, vận chuyển người bệnh về đất liền.

- Trang bị đủ phương tiện cấp cứu, vận chuyển cho trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo.

- Xây dựng các phương án, quy chế phối hợp giữa Trung tâm Cấp cứu 115 Hải Phòng với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 1, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 và lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố trong tổ chức cấp cứu, vận chuyển người bệnh. Trong đó quy định rõ ràng việc huy động và sử dụng các tàu tìm kiếm cứu nạn tham gia vào việc vận chuyển nạn nhân từ biển, đảo vào bờ và giữa các đảo, quy định rõ về nguồn kinh phí chi trả các chi phí vận chuyển cấp cứu.

- Xây dựng các phương án y tế phối hợp giữa ngành Y tế với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 1, Bộ Tư lệnh Vùng 1 - Quân chủng Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 1, Công ty dịch vụ Hàng không, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện đảo và huyện, quận ven biển để huy động tàu, thuyền, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân giữa các đảo, từ trên biển về cơ sở y tế trên đảo và vào đất liền.

- Xây dựng các phương án y tế phối hợp với Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An - Cát Bi, Sư đoàn 371 tham gia phối hợp với lực lượng y tế trong tình huống bệnh nhân cấp cứu được vận chuyển bằng máy bay trực thăng từ biển, đảo vào đất liền.

- Xây dựng các phương án y tế phối hợp với Viện Y học biển Việt Nam tiếp nhận cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù vùng biển, đảo và hỗ trợ cấp cứu từ xa (Telemedicine).

- Tổ chức, huấn luyện, trang bị cho các đội y tế cơ động của các bệnh viện tuyến thành phố (Hữu nghị Việt Tiệp, Kiến An, Phụ Sản, Trẻ em) sẵn sàng chi viện cấp cứu trên biển, đảo khi cần thiết và trong tình huống khẩn cấp, bị chia cắt.

- Tổ chức, huấn luyện cho các lực lượng bán chuyên trách, lực lượng huy động của các đơn vị liên quan để sẵn sàng phối hợp tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

- Tổ chức, huấn luyện đội cơ động cấp cứu trên các huyện đảo có sự tham gia của các lực lượng, trong đó lực lượng y tế làm nòng cốt.

- Phối hợp với các lực lượng xây dựng chương trình huấn luyện cho lực lượng y tế, nâng cao năng lực cấp cứu người bị nạn trên biển, đảo.

- Xây dựng chương trình huấn luyện, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị y tế và cấp cứu các bệnh thông thường cho thuyền viên các tàu tìm kiếm cứu nạn.

- Cần trang bị đóng mới 01 tàu biển đa năng, chịu đựng được sóng gió trên cấp 8, có chức năng là tàu bệnh viện, đóng vai trò là cơ sở y tế lưu động trên biển vừa để thực hiện tiếp nhận, vận chuyển y tế cấp cứu người bị nạn do các tàu tìm kiếm cứu nạn chuyển giao.

5. Phát triển nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo

- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho y tế huyện đảo và các quận, huyện ven biển. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đặc thù, ưu đãi, thu hút của Nhà nước đối với cán bộ, viên chức y tế được bố trí công tác trên biển, đảo.

- Phối hợp với Trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Viện Y học biển Việt Nam đào tạo, đào tạo lại, bổ túc kiến thức về y học biển cho cán bộ y tế các cơ sở y tế tuyến thành phố, các huyện đảo, xã đảo và các quận, huyện, xã, phường ven biển.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế các trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo và quận, huyện, ven biển; chú trọng các chuyên ngành: Ngoại, nội, sản, nhi, hồi sức cấp cứu...

- Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện cấp cứu biển; đào tạo kiến thức y học đặc thù biển, đảo cho cán bộ y tế các trung tâm y tế, bệnh viện huyện đảo.

6. Đầu tư cho y tế vùng biển, đảo, ven biển và chính sách cho vùng biển, đảo

- Ưu tiên đầu tư cho các cơ sở y tế huyện đảo và các huyện, quận ven biển để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về phòng bệnh, khám chữa bệnh, cấp cứu, vận chuyển cấp cứu người bệnh.

- Thực hiện các chế độ chính sách đặc thù cho y tế khu vực biển, đảo theo quy định.

7. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân khu vực biển, đảo

- Đầu tư nhân lực, trang thiết bị, phương tiện truyền thông và nâng cao năng lực cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, các trung tâm y tế huyện đảo và quận, huyện ven biển, các trạm y tế xã đảo và xã, phường ven biển.

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe phù hợp với từng nhóm đối tượng, tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động truyền thông cho người dân làm việc và sinh sống trên khu vực biển, đảo.

- Truyền thông trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có kiến thức cơ bản để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo và các kiến thức pháp luật về y tế biển đảo.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách thành phố.

2. Ngân sách Trung ương.

3. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

4. Nguồn kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phân cấp ngân sách và theo quy định của pháp luật có liên quan.

5. Nguồn xã hội hóa và huy động hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì triển khai thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Xây dựng kế hoạch của ngành y tế thực hiện các nhiệm vụ do Sở Y tế thực hiện.

- Chủ trì, chỉ đạo các phòng chuyên môn, các đơn vị xây dựng kế hoạch, hoạt động cụ thể; phương án, quy chế phối hợp liên ngành thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo đến năm 2030, lộ trình cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Hàng năm trên cơ sở đề xuất, dự toán kinh phí của đơn vị, xây dựng dự toán ngân sách để thực hiện Kế hoạch, các nhiệm vụ của Sở Y tế thực hiện Kế hoạch Phát triển y tế biển, đảo, tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định.

- Trên cơ sở danh sách do Sở Giao thông vận tải cung cấp, căn cứ nhu cầu thực tế cần sử dụng tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố đàm phán, ký kết hợp đồng thuê các phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải phù hợp với nhu cầu khi triển khai tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân giữa các đảo, từ trên biển về đảo và từ biển, đảo vào đất liền,

- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Y tế theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương bố trí các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách thành phố và các nguồn vốn khác để thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển, đảo trên địa bàn thành phố.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Y tế và các Sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam tại thành phố Hải Phòng đến năm 2030 theo khả năng cân đối ngân sách thành phố.

4. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các quy định về củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, công tác biên chế, đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức y tế biển, đảo.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố, Cổng Thông tin điện tử thành phố, hệ thống thông tin cơ sở tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phát triển y tế biển, đảo và Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển y tế biển, đảo đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp với Trung tâm Tần số khu vực V, Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng Hải Việt Nam và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho ngư dân về tần số vô tuyến điện, kỹ năng sử dụng thiết bị vô tuyến điện và phương thức thông tin liên lạc giữa tàu với bờ khi xảy ra sự cố, thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân khi vươn khơi, bám biển.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; tiếp tục triển khai và cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở y tế trên vùng biển đảo, đảo và ven biển theo quy định.

- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành, địa phương liên quan bố trí quỹ đất theo quy hoạch cho các cơ sở y tế huyện đảo và các huyện, quận ven biển.

7. Sở Giao thông Vận tải

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, các địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp các danh sách các đơn vị vận tải có đủ uy tín, kinh nghiệm, năng lực vận chuyển cho ngành y tế tham mưu cho thành phố đàm phán, lên phương án ký kết hợp đồng vận chuyển khi triển khai tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân giữa các đảo, từ trên biển về đảo và từ biển, đảo vào đất liền,

8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tủ thuốc và dụng cụ y tế cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo các quy định quốc gia và quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án về xây dựng nông thôn mới, nước sạch nông thôn tại các huyện đảo và các huyện, quận ven biển.

- Chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên biển, đảo và ven biển thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

9. Sở Du lịch

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành, địa phương liên quan xây dựng phương án đảm bảo y tế cho khách du lịch đến các huyện đảo và huyện, quận ven biển; hướng dẫn việc thực hiện các quy định về bảo đảm y tế đối với các cơ sở hoạt động du lịch trên biển, đảo và ven biển.

10. Bảo hiểm xã hội thành phố

Thực hiện thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (nếu có) theo quy định.

11. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố, Bộ Tư lệnh Vùng 1 - Quân chủng Hải quân

- Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho các hoạt động cho công tác y tế biển, đảo của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và huy động lực lượng, phương tiện tàu, thuyền để vận chuyển cấp cứu và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo.

- Chỉ đạo lực lượng Quân y kết hợp chặt chẽ với lực lượng y tế Hải Phòng, y tế huyện đảo thực hiện tốt công tác kết hợp quân - dân y trên các huyện đảo, xã đảo.

12. Công an thành phố

- Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho các hoạt động cho công tác y tế biển, đảo của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

- Phối hợp với các lực lượng y tế và lực lượng tìm kiếm, cứu nạn của các đơn vị liên quan đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu và vận chuyển cấp cứu bệnh nhân trên biển, đảo và khu vực ven biển.

13. Hội Chữ thập đỏ Hải Phòng

- Phối hợp với ngành Y tế chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân vùng biển, đảo và ven biển thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Hội.

- Củng cố và phát triển các Câu lạc bộ hiến máu dự bị (ngân hàng máu sống tại huyện Cát Hải và huyện Bạch Long Vĩ).

- Phát triển các đội tình nguyện xung kích Chữ thập đỏ ở các xã, phường, thị trấn trên đảo và ven biển; tổ chức tập huấn kiến thức về sơ cấp cứu, tải thương trong điều kiện biển, đảo cho cộng đồng; phối hợp với lực lượng y tế tổ chức tốt công tác sơ cấp cứu và vận chuyển cấp cứu bệnh nhân.

14. Các Sở, ban, ngành, đơn vị và tổ chức đoàn thể

- Tổ chức quán triệt và chủ động lồng ghép các nội dung của Chương trình vào các kế hoạch, hoạt động và triển khai thực hiện.

- Huy động các nguồn lực và chỉ đạo các đơn vị có liên quan tham gia, phối hợp thực hiện tốt Kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.

15. Ủy ban nhân dân các huyện đảo (Cát Hải, Bạch Long Vĩ) và các huyện, quận ven biển

- Căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình cụ thể của địa phương, xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo đến năm 2030 trên địa bàn huyện, quận; đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế trên địa bàn theo phân cấp quản lý; đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đảo và ven biển xây dựng Kế hoạch thực hiện trên địa bàn quản lý. Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển y tế biển, đảo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của địa phương.

- Lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án triển khai thực hiện tại địa phương.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến phát triển y tế biển, đảo.

- Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo đến năm 2030, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (qua Sở Y tế) theo quy định.

16. Viện Y học biển Việt Nam

- Phối hợp với Sở Y tế, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng tổ chức đào tạo, tập huấn chuyên môn về y học biển cho lực lượng y tế và lao động trên biển, đảo.

- Phối hợp hướng dẫn cấp cứu ban đầu, cách sử dụng tủ thuốc cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo các quy định.

17. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 1, Vùng Cảnh sát biển 1

- Sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện và huy động lực lượng, phương tiện tàu, thuyền tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển, cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân giữa các đảo, từ trên biển về đảo và từ biển, đảo vào đất liền.

- Phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 Hải Phòng để cấp cứu, vận chuyển cấp cứu bệnh nhân từ biển, đảo về đất liền.

18. Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật sân bay Kiến An - Cát Bi, Sư đoàn 371

- Phối hợp với ngành Y tế Hải Phòng, y tế huyện đảo tổ chức tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu được vận chuyển bằng máy bay trực thăng từ biển, đảo về đất liền đáp xuống sân bay Cát Bi hoặc sân bay Kiến An.

- Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về huy động máy bay trực thăng tham gia vận chuyển bệnh nhân cấp cứu từ biển, đảo vào đất liền khi có yêu cầu và trong các tình huống khẩn cấp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện;
- CPVP;
- Các Phòng CV;
- CV: YT;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số      /KH-UBND ngày    tháng    năm 2023 của UBND thành phố Hải Phòng)

STT

Nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian

1

Xây dựng các phương án, quy chế phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia vận chuyển, cấp cứu, xử lý tình huống khẩn cấp về y tế trên biển, đảo

Sở Y tế

- Các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan.

- Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 1 và lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố.

- UBND huyện đảo, huyện quận ven biển.

Năm 2024

2

Đầu tư, nâng cấp bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2. Và đảm bảo công tác dự phòng, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, cấp cứu cho Nhân dân và người lao động vùng biển, đảo

Sở Y tế

- Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành, đơn vị có liên quan.

- UBND huyện đảo: Bạch Long vĩ, Cát Hải.

2024 - 2030

3

Đầu tư nâng cấp các trạm y tế xã đảo, trạm y tế ven biển, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ Nhân dân

Sở Y tế

- Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành, đơn vị có liên quan.

- UBND huyện đảo, huyện quận ven biển: Bạch Long vĩ, Cát Hải, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên.

2024 - 2027

4

Đầu tư, nâng cấp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện ven biển, tăng cường năng lực dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh cho Nhân dân và người lao động vùng biển, đảo, ven biển.

Sở Y tế

- Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành, đơn vị có liên quan.

- UBND huyện, quận ven biển: Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên.

2024 - 2030

5

Đầu tư nâng cấp Trung tâm Cấp cứu 115 theo mô hình “quân dân y kết hợp’’. Đủ khả năng phối hợp với các đơn vị, lực lượng liên quan trong tổ chức cấp cứu, vận chuyển người bệnh về đất liền

Sở Y tế

- Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành, đơn vị có liên quan.

- Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Khu vực 1 và lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố.

- UNBD huyện đảo, huyện quận ven biển.

2024 - 2027

6

Trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo quy định.

Sở Y tế

- Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở ngành, đơn vị có liên quan.

- UBND huyện đảo, huyện quận ven biển: Bạch Long vĩ, Cát Hải, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên.

2023 - 2030

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 241/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam tại thành phố Hải Phòng đến năm 2030

  • Số hiệu: 241/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/09/2023
  • Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng
  • Người ký: Lê Khắc Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản