Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/KH-UBND | Sóc Trăng, ngày 16 tháng 11 năm 2010 |
KẾ HOẠCH
VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và Quyết định số 585/QĐ-TTg, ngày 05/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho Doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch thực hiện, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế cho doanh nghiệp.
- Tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành tỉnh với Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các hiệp hội, hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp tỉnh (gọi chung là các tổ chức đại diện của doanh nghiệp), tạo các điều kiện cần thiết để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thuận lợi, kịp thời.
2. Yêu cầu:
- Thực hiện hỗ trợ pháp lý đối với mọi doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động.
- Các tổ chức đại diện của doanh nghiệp chủ động tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức có liên quan thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Kế hoạch này.
- Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu pháp luật, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý.
- Kết hợp thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với thực hiện các Chương trình, dự án khác liên quan đến doanh nghiệp, nhất là Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” do Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì (theo Quyết định số 31/QĐ-UBND về thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp từ năm 2009-2012” trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng).
II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC THỰC HIỆN
1. Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp:
a) Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; tổ chức đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh hoặc Cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp để doanh nghiệp truy cập, vận dụng.
b) Sở Thông tin và Truyền thông quản lý, điều hành hệ thống cơ sở dữ liệu, đảm bảo hoạt động có hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và người dân; cập nhật thường xuyên những văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là cập nhật, đăng tải kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới của tỉnh.
Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, doanh nghiệp có quyền đề nghị cập nhật và Sở Thông tin truyền thông có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị của doanh nghiệp và cập nhật văn bản ngay trong ngày làm việc, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước.
2. Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp:
Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (cơ quan thường trực là Sở Tư pháp) phối hợp với các cơ quan liên quan, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Sóc Trăng và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp biên soạn tài liệu, tổ chức phổ biến tài liệu, giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, Ban ngành chủ động, phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp.
3. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp:
Các Sở, Ban ngành tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, bằng các hình thức quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, tổ chức tiếp nhận mọi vướng mắc, phản ánh của doanh nghiệp và thực hiện giải đáp hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng có liên quan giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp (trừ các yêu cầu giải đáp pháp luật về các trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp).
Yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp phải được trả lời trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật. Đối với các trường hợp có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước trong nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn trả lời là 30 ngày làm việc.
Trong trường hợp không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do.
4. Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật:
a) Các Sở, Ban ngành tỉnh khi nhận được kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc hoàn thiện các quy định pháp luật, có trách nhiệm xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của ngành mình, đồng thời chuyển cho Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Sở Tư pháp làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan Trung ương. Hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật, dự thảo văn bản để Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp trước ngày 31/12.
5. Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Quyết định số 585/QĐ-TTg:
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, các Sở, Ban ngành có liên quan và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện điều tra, khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ, theo ngành, lĩnh vực và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Khuyến khích các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, Đoàn Luật sư, Hội Luật gia tỉnh và các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
a) Sở Tư pháp có trách nhiệm:
- Là cơ quan làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc chủ trì, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Thông tư liên tịch số 157/TTLT-BTC-BTP, ngày 12/10/2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
c) Sở Nội vụ có trách nhiệm
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, Ban ngành tỉnh, Giám đốc (Tổng Giám đốc) các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh phương án xây dựng, kiện toàn và củng cố nhân sự làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh để làm đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với người làm công tác pháp chế tại các Sở, Ban ngành, sau khi có hướng dẫn của Bộ Nội vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 66/2008/NĐ-CP
d) Giám đốc các Sở, Ban ngành, Giám đốc (Tổng Giám đốc) các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh có trách nhiệm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế của đơn vị mình và thực hiện giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết và báo cáo Bộ Tư pháp về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan và doanh nghiệp phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp hướng dẫn, chỉ đạo.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 231/QĐHC-CTUBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2014
- 2Kế hoạch 3719/KH-UBND hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2014 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 3Quyết định 25/2014/QĐ-UBND về mức chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu
- 1Nghị định 66/2008/NĐ-CP về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
- 2Quyết định 585/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên tịch 157/2010/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành
- 4Quyết định 231/QĐHC-CTUBND phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2014
- 5Kế hoạch 3719/KH-UBND hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2014 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- 6Quyết định 25/2014/QĐ-UBND về mức chi đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Kế hoạch 22/KH-UBND năm 2010 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- Số hiệu: 22/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 16/11/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
- Người ký: Nguyễn Trung Hiếu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra