Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1820/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 29 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG TÂM CẢI CÁCH TƯ PHÁP NĂM 2022

Thực hiện Chương trình số 02-CTr/BCĐ ngày 04/4/2022 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Xác định rõ định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu tại Chương trình số 02-CTr/BCĐ ngày 04/4/2022 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; tiếp tục bám sát và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV; các Nghị quyết chuyên đề đã ban hành trong năm 2021 và năm 2022.

2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 22/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 73-KL/TW ngày 20/5/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.

3. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân về ý nghĩa của chủ trương cải cách tư pháp trong đời sống xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường pháp lý ổn định cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022, cùng với phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, của tỉnh đề ra phương châm hành động năm 2022 “Đoàn kết, thích ứng, sáng tạo, kỷ cương, phát triển, hiệu quả”.

4. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

5. Công tác cải cách tư pháp phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, liên tục, có hiệu quả, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở bám sát chủ trương, nghị quyết, kết luận và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về cải cách tư pháp.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tuyên truyền, phổ biến về Chiến lược cải cách tư pháp:

a) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Hiến pháp năm 2013, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp nhằm đảm bảo thực hiện đúng lộ trình cải cách tư pháp theo tinh thần Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX); Nghị quyết số 96/2019/QH19 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và Công tác thi hành án; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý vụ án, vụ việc (gọi tắt là Chỉ thị số 26-CT/TW); Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới; Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kết luận số 73-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 399-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực tư pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Kết luận số 69-KL/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của luật sư; triển khai kịp thời các đạo luật liên quan đến công tác tư pháp trong năm 2022. Tiếp tục mở rộng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó tập trung hướng đến các đối tượng đặc thù, địa bàn trọng điểm để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền sâu kỹ việc thực hiện đúng quy định tại các luật, bộ luật và các văn bản hướng dẫn thi hành về lĩnh vực tư pháp gồm: Luật Đặc xá; Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam… và các văn bản pháp luật liên quan mới được Quốc hội thông qua đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người dân nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, sự đồng thuận trong Nhân dân đối với các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, gắn nhiệm vụ cải cách tư pháp với việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

b) Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường cũng như đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, chú trọng các hình thức tuyên truyền, phổ biến có sức lan tỏa lớn trong xã hội; thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 260/KH-UBND ngày 18/01/2022 về thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022; Kế hoạch số 1436/KH-UBND ngày 04/4/2022 về phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch hưởng ứng “Ngày pháp luật” năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan chủ trì: Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh.

- Cơ quan phối hợp: Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Công an tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Năm 2022.

2. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống Chính trị, gắn với Chỉ thị số 05- CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan tư pháp.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Nội vụ.

b) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022 và các năm tiếp theo.

3. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp; xử lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật đối với các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; tiếp tục tổ chức thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96/2019/NQ-QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án dân sự; thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, cơ quan, tổ chức.

Chỉ đạo cơ quan điều tra các cấp đảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều tra, nhất là điều tra về tội phạm tham nhũng, ma túy, tội phạm công nghệ cao và các loại tội phạm phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, vận động đối tượng truy nã. Tiếp tục nâng cao công tác kỹ thuật hình sự phục vụ công tác điều tra tội phạm; công tác thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, quản lý giam giữ đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Nâng cao năng lực của lực lượng Công an xã trên toàn tỉnh trong công tác tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm tại địa bàn cơ sở.

a) Cơ quan chủ trì: Công an tỉnh.

b) Cơ quan phối hợp: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022 và các năm tiếp theo.

4. Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đạo luật liên quan đến công tác tư pháp mời được Quốc hội thông qua; rà soát tiếp tục tham mưu thực hiện cải cách hành chính thuộc lĩnh vực tư pháp và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các tổ chức bổ trợ tư pháp; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, giám định, đấu giá tài sản, trợ giúp pháp lý,...). Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đảm bảo các tổ chức bổ trợ tư pháp thực hiện đúng quy định. Quan tâm chỉ đạo công tác hòa giải cơ sở, giải quyết tốt những mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện trong nội bộ Nhân dân ngay từ khi mới nảy sinh, nhằm giảm tải các vụ việc cho các cơ quan tư pháp. Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động tư pháp.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

b) Cơ quan phối hợp: Hội Luật gia tỉnh, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022 và các năm tiếp theo.

5. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng công chức, viên chức, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tư pháp phải thật sự liêm chính, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, thành thạo kỹ năng, nắm vững chủ trương, chính sách của đảng, đủ phẩm chất năng lực, uy tín; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bổ trợ tư pháp (luật sư, giám định viên, công chứng viên, trợ giúp viên pháp lý...), công chức Tư pháp-Hộ tịch cấp xã theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 1604-CV/TU ngày 20/10/2021 về kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng công chức Tư pháp - Hộ tịch xã đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

b) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022 và các năm tiếp theo.

6. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và của địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tư vấn pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội.

a) Cơ quan chủ trì: Hội Luật gia tỉnh.

b) Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022.

7. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân với nội dung và các hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn và công tác phòng chống dịch Covid-19. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền về công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh, tăng thời lượng mở chuyên trang, chuyên mục. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế…

a) Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

b) Cơ quan phối hợp: Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022.

8. Thực hiện tốt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác xác minh, phân loại án có điều kiện, chưa có điều kiện để tổ chức thi hành án đạt hiệu quả; tăng cường phối hợp với UBND cùng cấp và các cơ quan liên quan giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài; khắc phục tình trạng chậm thi hành án, vi phạm trình tự, thủ tục trong thi hành án dân sự.

a) Cơ quan chủ trì: Cục Thi hành án dân sự tỉnh.

b) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022 và các năm tiếp theo.

9. Tăng cường chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, bảo đảm các điều kiện làm việc cho các cơ quan tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

a) Cơ quan chủ trì: Sở Tài chính.

b) Cơ quan phối hợp: Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

c) Thời gian thực hiện: Năm 2022 và các năm tiếp theo

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, Công an tỉnh, Hội Luật gia tỉnh, Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nội dung Kế hoạch này, tiếp tục quán triệt chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp; căn cứ tình hình thực tế và nhiệm vụ được giao xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện hoặc lồng ghép vào Kế hoạch trọng tâm hàng năm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện đảm bảo đạt hiệu quả; định kỳ quý, 6 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp, tham mưu xây dựng báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch này, định kỳ kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp, tham mưu xây dựng báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ (06 tháng, năm hoặc đột xuất) theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (báo cáo);
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- BCĐ Cải cách tư pháp tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- MTTQ và các TCCT-XH tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Công an tỉnh;
- Hội Luật gia tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Ninh Thuận; Đài PT-TH tỉnh;
- VPUB: LĐ, CV;
- Lưu: VT, TCDNC. ĐTL

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên