Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 154/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 102/NQ-CP NGÀY 03/8/2018 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC GIAO CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Thực hiện Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Thu thập, tổng hợp số lượng lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; qua đó, các đơn vị thực hiện đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho số lao động chưa tham gia.

- Xây dựng các giải pháp nhằm tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện; khắc phục tình trạng nợ đọng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo an toàn, hiệu quả tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân góp phần bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

- Tạo cơ sở để cập nhật, theo dõi, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cho từng địa phương.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình thực hiện để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

- Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân để tổ chức thực hiện tốt chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm xã hội.

- Công tác triển khai phải bảo đảm nghiêm túc, tạo được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

II. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến cuối năm 2019, tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chiếm ít nhất 90% số lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và chiếm ít nhất là 95% vào cuối năm 2020.

- Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện, tốc độ gia tăng đối tượng tham gia năm sau so với năm trước ít nhất bằng 30%.

III. Nội dung và trách nhiệm thực hiện

1. Tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

a) Đối với cấp tỉnh:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính và Bảo hiểm xã hội tỉnh.

- Thời gian thực hiện: tháng 12/2019

b) Đối với cấp huyện:

- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội và Phòng Tư pháp các huyện, thành phố.

- Thời gian thực hiện: Tháng 12/2019.

2. Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tự nguyện

a) Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp:

+ Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm cả số người đang làm việc và số người dự kiến bổ sung hoặc tinh giản.

+ Sở Nội vụ: Xác định số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp xã, bao gồm cả số người đang làm việc và số người dự kiến bổ sung hoặc tinh giản.

+ Bảo hiểm xã hội tỉnh: Xác định đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tự nguyện theo điểm 2, mục III phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xác định số người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên, bao gồm cả người quản lý, điều hành trong các loại hình doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp (trừ khối hợp tác xã), cơ quan, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn tỉnh và số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

+ Liên minh hợp tác xã tỉnh: Xác định số người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên, bao gồm cả người quản lý, điều hành hợp tác xã, xã viên có làm việc và hưởng lương trong các hợp tác xã.

+ UBND các huyện, thành phố: Xác định số người hoạt động không chuyên trách các xã, phường, thị trấn, bao gồm cả số người đang làm việc và số người dự kiến bổ sung hoặc tinh giản; số người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên trong các hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác.

+ Các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội báo cáo tình hình số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bao gồm cả số người đang làm việc và số người dự kiến bổ sung hoặc tinh giản về Ban Tổ chức Tỉnh ủy; các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp từ cấp tỉnh đến cấp xã báo cáo tình hình số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bao gồm cả số người đang làm việc và số người dự kiến bổ sung hoặc tinh giản về Sở Nội vụ.

- Thời gian thực hiện: Trước ngày 10/7 và ngày 15/11 hàng năm;

b) Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

- Cơ quan chủ trì: Bảo hiểm xã hội tỉnh.

- Cơ quan phối hợp:

+ Cục Thống kê tỉnh: Xác định số người từ đủ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xác định số người làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp (trừ khối hợp tác xã), cơ quan, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn tỉnh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc.

+ Liên minh hợp tác xã tỉnh: Xác định số người làm việc theo hợp đồng lao động từ dưới 01 tháng (gồm cả người quản lý, điều hành hợp tác xã và xã viên không có hưởng lương) trong các hợp tác xã.

+ UBND các huyện, thành phố: Xác định số người làm việc trong các loại hình doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp (trừ khối hợp tác xã), cơ quan, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn huyện, thành phố không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; xác định số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, khu phố; người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình; người giúp việc gia đình.

- Thời gian thực hiện: Trước ngày 10/7 và ngày 15/11 hàng năm.

c) Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp:

+ Ban Tổ chức Tỉnh ủy: Xác định số lượng viên chức, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, bao gồm cả số người đang làm việc và số người dự kiến bổ sung hoặc tinh giản.

+ Sở Nội vụ: Xác định số lượng viên chức, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên trong các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, bao gồm cả số người đang làm việc và số người dự kiến bổ sung hoặc tinh giản.

+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Xác định số người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên, bao gồm cả người quản lý, điều hành trong các loại hình doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, trừ khối hợp tác xã, cơ quan, tổ chức quốc tế đóng trên địa bàn tỉnh.

+ Liên minh hợp tác xã tỉnh: Xác định số người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên, bao gồm cả người quản lý, điều hành hợp tác xã, xã viên có làm việc và hưởng lương trong các hợp tác xã.

+ UBND các huyện, thành phố: Xác định số người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên trong các hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác.

- Thời gian thực hiện: trước ngày 10/7 và ngày 15/11 hàng năm.

3. Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện tiềm năng.

Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tiềm năng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Cục Thống kê tỉnh và Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, phân tích, tổng hợp số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện tiềm năng cần khai thác cho thời gian tiếp theo.

Thời gian thực hiện: Trước ngày 10/7 và ngày 15/11 hàng năm.

4. Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Trên cơ sở xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện theo điểm 2, điểm 3 mục III Kế hoạch này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, phân tích, đánh giá và xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện tham mưu, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.

Thời gian thực hiện: Trước kỳ họp HĐND cuối năm.

IV. Giải pháp thực hiện

1. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động” theo Quyết định số 2420/QĐ-UBND ngày 14/12/2017 của UBND tỉnh; trong đó, tập trung các hoạt động tuyên truyền, đối thoại với doanh nghiệp và người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội.

Đối với bảo hiểm xã hội tự nguyện cần xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng tuyên truyền viên ở cơ sở, trong đó đặc biệt quan tâm đến uy tín, tầm ảnh hưởng và mối quan hệ của cán bộ cơ sở ở thôn, tổ dân phố, các già làng, trưởng bản và các tổ chức hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên...).

2. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi, có lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận tham gia và thụ hưởng chế độ, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Triển khai và áp dụng thông suốt quy trình thực hiện bảo hiểm xã hội điện tử theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam.

3. Thực hiện tốt cơ chế liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Thực hiện tốt sự liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Thống kê, Thuế và Bảo hiểm xã hội để nắm bắt chính xác số doanh nghiệp, tình hình hoạt động và số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để quản lý, theo dõi và lập kế hoạch tổ chức thu hoặc yêu cầu người sử dụng lao động và người lao động tham gia đầy đủ chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định.

4. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra.

Bảo hiểm xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, trước hết tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp, đơn vị có dấu hiệu trốn đóng, nợ đóng, đóng không đầy đủ số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, trường hợp xét thấy cần thiết đề xuất Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra tỉnh xem xét, xử lý.

5. Bảo đảm về tài chính: Kinh phí thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước đảm bảo và từ nguồn vận động hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Sở Tài chính cân đối ngân sách và tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí ngân sách để thực hiện phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm xã hội tự nguyện hàng năm trên cơ sở dự toán, đề nghị của các sở, ngành; tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế vận động, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và địa phương hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

6. Phát huy vai trò của các tổ chức Hội, đoàn thể ở cơ sở trong việc vận động, thuyết phục hội viên, đoàn viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, trong đó nêu cao tinh thần thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

V. Tổ chức thực hiện

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện cho từng năm với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội của các cơ quan, địa phương, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết, đánh giá việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019 -2020 và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương giai đoạn từ năm 2021 trở đi.

3. Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nhằm đạt các chỉ tiêu đề ra./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành;
- Các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Cục Thống kê tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP(VX), CBTH;
- Lưu: VT, KGVXlmc605.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 154/KH-UBND năm 2019 thực hiện Nghị quyết 102/NQ-CP về giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 154/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/12/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Đặng Ngọc Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản