Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 14 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 52/NQ-CP NGÀY 15/6/2016 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030.

Căn cứ Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Quán triệt và tổ chức tốt việc thực hiện nhằm đạt hiệu quả cao mục tiêu và các chỉ tiêu Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng dân tộc và toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện đầy đủ mục tiêu và các nhiệm vụ của Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, đề án, chính sách, kế hoạch đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; xây dựng các chương trình, dự án, đề án, chính sách, kế hoạch mới để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

- Lồng ghép các đề án, dự án, chính sách và các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc trách nhiệm quản lý của các ngành, các huyện để thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thời gian, đối tượng thực hiện

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

- Đối tượng: Người dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên các dân tộc: Mông, Thái, Khơ Mú (sau đây gọi tắt là nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp) và các dân tộc khác theo Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ.

2. Mục tiêu

Nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực còn hạn chế để từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai; xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Nâng cao thể lực:

- Tăng cường sức khỏe người dân tộc thiểu số: Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người dân tộc thiểu số đến 2020 xuống 25‰, năm 2030 là 14‰; trong đó, ở nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2020 tối đa là 26‰ và 2030 là 15‰. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số lên 73 tuổi, năm 2030 khoảng 75 tuổi gần với tuổi thọ bình quân quốc gia;

- Nâng thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn 29% và 2030 xuống 19%; trong đó ở nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 2020 tối đa là 30% và năm 2030 còn 20%.

b) Phát triển trí lực:

- Đến năm 2020, có ít nhất 26% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non; tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 98,5%, trung học cơ sở 96,5% và 65% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi ở bậc tiểu học là 99,7%, trung học cơ sở 99,0% và trung học phổ thông là 75,0%.

- Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng), trong đó có nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp đạt tối thiểu từ 130 đến 150 sinh viên/vạn dân (người dân tộc thiểu số); năm 2030 đạt từ 200-250 sinh viên/vạn dân;

- Đào tạo sau đại học cho người dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ khoảng 0,4%, năm 2030 là 0,7% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo, ưu tiên các dân tộc chưa có người ở trình độ sau đại học;

- Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 đạt trên 30%, nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp đạt tối thiểu 25%; phấn đấu năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 50% và trên 45%.

c) Nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường:

- Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, có khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh người dân tộc thiểu số;

- Đến năm 2020, phấn đấu có 50%, năm 2030 đạt 70% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm.

4. Nhiệm vụ và giải pháp

4.1. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

a) Mở rộng các trường phổ thông dân tộc bán trú ở các huyện nghèo; củng cố, mở rộng các trường (khoa) dự bị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo hệ dự bị đại học cho học sinh dân tộc thiểu số để bảo đảm chất lượng đào tạo đại học người dân tộc thiểu số; phát triển đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường, điểm trường có nhiều học sinh phổ thông dân tộc bán trú, học sinh các dân tộc rất ít người theo học;

b) Nâng mức học bổng học sinh dân tộc nội trú và định mức hỗ trợ học sinh bán trú phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước;

c) Người dân tộc thiểu số trong nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp học cao học, nghiên cứu sinh được miễn học phí, giáo trình, tài liệu học tập và hỗ trợ tiền ăn, ở hàng tháng (trong thời gian học thực tế) bằng mức lương cơ sở.

4.2. Lĩnh vực y tế, chăm sóc và nâng cao sức khỏe:

a) Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ về chăm sóc hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa khi sinh con theo đúng chính sách dân số: phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con bú được cấp miễn phí các vi chất dinh dưỡng cần thiết theo khuyến cáo của ngành Y tế;

b) Trẻ em con hộ nghèo ở vùng khó khăn: Từ sơ sinh đến 2 tuổi được ưu tiên hỗ trợ để bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn bổ sung hợp lý từ sau 6 tháng và bú mẹ kéo dài đến 2 tuổi; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ dinh dưỡng “uống sữa miễn phí” cho trẻ em từ 2 đến 3 tuổi phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước;

c) Mở rộng dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số, quản lý thai, khám thai định kỳ, bổ sung vi chất cần thiết cho bà mẹ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn mang thai; nghiên cứu sửa đổi theo hướng nâng cao định mức hỗ trợ đội ngữ cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số.

4.3. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm:

a) Rà soát danh mục nghề đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu và thời gian đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp phù hợp với trình độ, văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số và đặc điểm vùng miền; phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, nghề trọng điểm theo các cấp độ và các trường, khoa giáo dục nghề nghiệp nội trú cho người dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 12/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ;

b) Tăng cường cung cấp thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh và mở rộng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng cơ chế đào tạo nghề theo đơn đặt hàng và khuyến khích doanh nghiệp đào tạo, sử dụng lao động người dân tộc thiểu số;

c) Ủy ban nhân dân xã bố trí những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kiêm nhiệm theo dõi công tác giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm để thông tin, tư vấn và tổng hợp nhu cầu học nghề, cung cấp thông tin về các khóa đào tạo nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng như quyền lợi và trách nhiệm của người lao động đến người dân vùng dân tộc thiểu số.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành cấp tỉnh chủ động triển khai các Chương trình, dự án, đề án, chính sách, kế hoạch đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số của tỉnh (có phụ lục số 01 kèm theo); tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xây dựng các Chương trình, dự án, đề án, chính sách, kế hoạch mới để cụ thể hóa mục tiêu và các nhiệm vụ của Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ, phù hợp với thực tiễn vùng dân tộc của tỉnh (có phụ lục số 02 kèm theo) và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Ban Dân tộc

- Là cơ quan thường trực, có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra tình hình triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công Thương và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện và xây dựng kế hoạch vốn hàng năm, 5 năm thực hiện Nghị quyết;

- Phối hợp cùng với các Sở, ngành liên quan xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số để đạt được các Mục tiêu của Nghị quyết, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt;

- Chủ trì, phối hợp cùng với các Sở, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết ở các huyện; tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

- Theo chức năng nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các Sở, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổng hợp vốn thực hiện Nghị quyết vào kế hoạch trung hạn 5 năm, hàng năm và trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, giao vốn để thực hiện;

- Hướng dẫn cơ chế tài chính; giám sát chi tiêu, tổng hợp, quyết toán kinh phí thực hiện Nghị quyết.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học:

Thực hiện có hiệu quả nội dung, chương trình giáo dục các cấp học, bậc học; thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt, đảm bảo dạy học phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn giáo dục miền núi; tập trung đổi mới phương pháp dạy học, dạy học phân hóa phù hợp với năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình, sắp xếp hợp lý hoạt động của giáo viên và học sinh.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non mới; tập trung đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động trẻ nhà trẻ, mẫu giáo ra lớp; giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Xây dựng kế hoạch để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở bậc tiểu học, học sinh trước khi vào lớp 1 phải được tăng cường tiếng Việt ít nhất 03 tuần; củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau bậc trung học phổ thông.

Mỗi huyện xây dựng một trường THCS thành trường trọng điểm chất lượng cao. Nâng cao chất lượng học sinh vào lớp đầu cấp, tổ chức có hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh khá giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém để tăng tỷ lệ học sinh giỏi, giảm tỷ lệ học sinh yếu kém; tăng tỷ lệ học sinh đậu vào các trường Đại học, Cao đẳng, nhất là học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh sau bậc trung học, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề, hướng học phù hợp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 89/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Đề án xây dựng xã hội học tập tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; phát triển các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Dạy nghề và Hướng nghiệp; nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

b) Củng cố, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú

Tiếp tục đầu tư, cải tạo các hạng mục công trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 2446/QĐ-UBND ngày 02/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh về Kế hoạch củng cố và phát triển hệ thống Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2011 - 2015 cho 12 trường phổ thông dân tộc nội trú, đồng thời cải tạo các hạng mục công trình không nằm trong danh mục đầu tư tại Quyết định số 2446/QĐ-UBND ngày 02/8/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh cho các nhà trường nhưng đã xuống cấp và không đáp ứng được công năng sử dụng.

Tiếp tục thực hiện Đề án thành lập Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh số 2 tại đô thị Ngọc Lặc.

Tiếp tục mở rộng mạng lưới trường phổ thông dân tộc bán trú, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho 19 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS đã thành lập. Thực hiện có hiệu quả Đề án mở rộng, nâng cấp khu nhà ở nội trú cho học sinh trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020.

c) Rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với dân số, điều kiện của từng địa phương

Củng cố mạng lưới trường lớp mầm non phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, đảm bảo môi trường giáo dục.

Giảm các điểm lẻ, lớp ghép ở trường tiểu học có quy hoạch chưa hợp lý, không đảm bảo các điều kiện cho hoạt động dạy và học; sáp nhập các trường tiểu học, THCS ở những đơn vị có quy mô số lớp, học sinh quá ít, khoảng cách địa lý phù hợp. Xây dựng thí điểm mô hình trường phổ thông có nhiều cấp học (THCS, THPT) để tạo điều kiện cho việc bố trí đủ giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục chuyển đổi các trường THCS ở các xã đặc biệt khó khăn (có đủ điều kiện theo quy định) thành trường phổ thông dân tộc bán trú.

d) Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực hiện chế độ chính sách cho học sinh

Tiếp tục thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên theo Quyết định số 1625/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ưu tiên thực hiện có hiệu quả chương trình, mục tiêu quốc gia cho giáo dục miền núi; lồng ghép các chương trình, dự án để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Thực hiện tốt việc tuyên truyền chủ trương xã hội hóa giáo dục, khuyến khích, huy động các lực lượng xã hội tham gia tích cực công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập.

Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú; chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016, Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 206/2006 của Chính phủ.

4. Sở Y tế

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách, thuộc lĩnh vực do ngành quản lý theo hướng tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số nhằm đạt được các Mục tiêu của Nghị quyết.

b) Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể:

- Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/04/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; hỗ trợ khám, điều trị phụ khoa cho phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số.

- Mở rộng dịch vụ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số: Thành lập câu lạc bộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho nam nữ thanh niên, vị thành niên dân tộc thiểu số; tổ chức tập huấn về tư vấn, quản lý và khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân cho các cán bộ y tế thôn bản, cán bộ dân số và cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình cấp xã; cung cấp dịch vụ khám, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số; tổ chức các hội nghị, hội thảo, học tập kinh nghiệm, kiểm tra, giám sát, quản lý trong công tác phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Công tác đào tạo nghề

- Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học trình độ cao đẳng, trung cấp; chính sách miễn giảm học phí và các chính sách khác về đào tạo nghề.

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

- Triển khai thực hiện Thông tư số 12/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 16/6/2016 của liên Bộ Lao động - Thương binh, Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách nội trú quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp.

- Chỉ đạo các huyện điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm của lao động trên địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động dân tộc thiểu số theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho Trường Trung cấp nghề Miền núi thành Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú. Đề xuất cho trường Trung cấp nghề Thạch Thành vào danh mục trường có nghề trọng điểm, được đầu tư giai đoạn 2016 - 2020; sáp nhập các trung tâm dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên để thực hiện đồng thời 3 chức năng: Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp.

b) Công tác giải quyết việc làm

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân tộc thiểu số rèn luyện nâng cao thể lực, trí lực, chủ động học nghề và ngoại ngữ để có đủ điều kiện đi làm việc trong nước và nước ngoài.

- Phát triển thông tin thị trường lao động để nhân dân và người lao động vùng dân tộc miền núi dễ dàng tiếp cận với các thông tin về dạy nghề, về việc làm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động nhanh chóng tìm kiếm được nơi học nghề, nơi làm việc phù hợp với khả năng của mình. Tăng thêm kinh phí hàng năm cho hoạt động sàn giao dịch việc làm, để tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện miền núi.

- Đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, mở rộng thị trường lao động nước ngoài, chú trọng lao động khu vực miền núi, người dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động.

- Tăng thêm nguồn vốn hàng năm cho Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động người dân tộc thiểu số, các dự án vay tự tạo việc làm của người lao động.

c) Công tác giảm nghèo: Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện, ưu tiên vùng dân tộc miền núi và vùng khó khăn.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền về các nội dung liên quan đến giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số. Phát triển các mô hình truyền thông hiệu quả tại cộng đồng vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết thuộc lĩnh vực của ngành được giao.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch tổng thể kết hợp quân dân y bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc thiểu số; hàng năm ưu tiên tuyển chọn và gọi thanh niên các dân tộc ít người nhập ngũ vào Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; đề xuất chính sách đào tạo, bồi dưỡng thanh niên người dân tộc thiểu số trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự để khi xuất ngũ về địa phương trở thành nguồn cán bộ tham gia chính quyền cơ sở.

8. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, góp phần đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

9. Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và các Sở, ngành liên quan triển khai Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới và các chính sách liên quan để sử dụng hiệu quả nhân lực các dân tộc thiểu số đã qua đào tạo.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

Theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, tích cực tuyên truyền, vận động, giám sát, hỗ trợ việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung hoạt động nhằm phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, góp phần đạt được mục tiêu của Nghị quyết.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch hoạch trung hạn 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện Nghị quyết;

- Chỉ đạo, tổ chức lồng ghép, huy động các nguồn lực, thực hiện có hiệu quả các chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực và các chính sách hiện hành, trong đó tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết việc làm để phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số.

Trên đây là Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm tổng hợp kết quả báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ủy ban Dân tộc (để b/c);
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc (để b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Ban Tỉnh ủy; Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VX.
DTMN/2016/Ngọc.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN, CHÍNH SÁCH, KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 52/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ

Phụ lục 01: Tiếp tục triển khai thực hiện các Chương trình, đề án, dự án, chính sách, kế hoạch đã được phê duyệt để thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ

TT

Tên chương trình, dự án, đề án, chính sách

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian hoàn thành

Trình, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh

Ghi chú

1

Đề án Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020

Sở Giáo dục và Đào tạo

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

- UBND các huyện miền núi

Năm 2020

Báo cáo kết quả thực hiện hàng năm

 

2

Đề án mở rộng, nâng cấp khu nhà ở nội trú cho học sinh trường THCS và THPT các huyện miền núi cao tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020

Sở Giáo dục và Đào tạo

- Sở Tài chính

- Sở Xây dựng

- Sở KH&ĐT

- UBND 7 huyện miền núi cao

Năm 2020

Báo cáo kết quả thực hiện hàng năm

 

3

Đề án thành lập Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tại đô thị Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa

Sở Giáo dục và Đào tạo

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

- UBND huyện Ngọc Lặc

Năm 2017

Báo cáo kết quả thực hiện hàng năm

 

4

Kế hoạch thực hiện Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tỉnh Thanh Hóa từ nguồn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012 -2015

Ban Chỉ đạo chương trình cấp tỉnh

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

- UBND 07 huyện miền núi cao

Năm 2017

Báo cáo kết quả thực hiện hàng năm

 

5

Chương trình kết hợp quân dân y, nâng cấp sửa chữa trạm y tế xã

Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa

Sở Y tế Thanh Hóa

Năm 2020

Báo cáo kết quả thực hiện hàng năm

 

6

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010 - 2020”

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Các Sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố

Năm 2020

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án

 

7

Đề án “Tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2020”

Ban Dân tộc

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

- UBND các huyện miền núi và có miền núi

Năm 2020

Báo cáo kết quả thực hiện hàng năm

 

 

Phụ lục số 02: Danh mục xây dựng các Chương trình, Đề án, Dự án, Chính sách, kế hoạch mới để thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ

TT

Tên chương trình, dự án, đề án, chính sách

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Cấp phê duyệt

Thời gian xây dựng và trình

Thời gian triển khai

1

Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”

Sở Giáo dục và Đào tạo

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

- UBND các huyện miền núi

UBND tỉnh

Quý III năm 2016

Giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025

2

Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020

Sở Giáo dục và Đào tạo

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

- UBND các huyện miền núi

UBND tỉnh

Quý III năm 2016

Giai đoạn 2016-2020

3

Chương trình việc làm tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 -2020

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính và các sở, ngành có liên quan

UBND tỉnh

Tháng 9/2016

Giai đoạn 2016 -2020

4

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính và các sở, ngành có liên quan

UBND tỉnh

Tháng 10/2016

Năm 2016

5

Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Các Sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố

UBND tỉnh

Quý IV năm 2016

Giai đoạn 2016-2020

6

Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Các Sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố

UBND tỉnh

Quý IV năm 2016

Giai đoạn 2016 - 2020