Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 10 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM 2018 VỀ “BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 08/12/2017 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân Tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện chủ đề năm 2018 về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục đích

- Tập trung công tác tuyên truyền để có chuyển biến tích cực hơn về nhận thức và hành động của các tổ chức, đơn vị, từng người dân, cơ quan quản lý nhà nước, của cả hệ thống về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên để nâng cao chất lượng môi trường sống và trách nhiệm của mỗi tổ chức, công dân và của toàn xã hội.

- Tập trung phòng ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm môi trường; kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh nguồn ô nhiễm; cải tạo phục hồi các khu vực ô nhiễm môi trường; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị; tăng cường nhiệm vụ quản lý và tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu với mục đích bảo vệ, bảo tồn môi trường tự nhiên để nâng cao chất lượng môi trường sống.

- Xác định rõ nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban ngành của tỉnh; huy động sự tham gia đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp từ tỉnh đến huyện, xã và mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Kế hoạch phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng; sự điều hành triển khai cụ thể của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong việc thực hiện; xác định đây là nhiệm vụ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, có những vấn đề trước mắt để tạo sự đột phá, tạo đà cho chiến lược lâu dài. Ưu tiên công tác phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường tự nhiên; sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải quyết liệt, kiên trì và đồng bộ.

- Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình, phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường tự nhiên; kiểm tra giám sát việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường.

- Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và triển khai thực hiện Kế hoạch; địa phương, đơn vị, doanh nghiệp để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận thì người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu hình thức kỷ luật theo quy định.

- Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ môi trường; không cho phép đầu tư loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế.

- Việc tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường phải kết hợp với các biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để xây dựng kỷ cương và văn hóa bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, thay đổi căn bản về nhận thức và hành động trong công tác tái tạo và bảo vệ môi trường.

3. Chỉ tiêu chủ yếu

3.1. Hoàn thành các chỉ tiêu về môi trường trong Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy: (1) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,5%. (2) Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 97%. (3) Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch trên 94%. (4) Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom trên 93,5%.

3.2. Tỷ lệ dân cư nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh 81%.

3.3. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý 100%.

3.4. 100% các khu, cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

3.5. 100% các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn toàn tỉnh chấm dứt hoạt động.

3.6. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng đạt trên 85%.

3.7. 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngày đêm trở lên, các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

A. ĐỐI TƯỢNG

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển, vùng nước trong nội địa và vùng trời.

B. NỘI DUNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CHỦ ĐỀ “BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN”

1. Tuyên truyền, chuyển đổi, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường

2.1. Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp

- Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ các hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất xi măng, nhiệt điện, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; vận hành hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường toàn tỉnh để thống nhất quản lý, theo dõi, giám sát; kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường và tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi các nội dung cam kết.

- Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp năm 2018 theo đúng tiến độ, chất lượng được xác định trong Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020.

- Chấm dứt hoạt động của nhà máy Tuyển than Nam Cầu Trắng trước 31/12/2018 theo Nghị quyết số 201/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

- Chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công, sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lạc hậu trên địa bàn toàn tỉnh trước 31/12/2018; tuyệt đối không để phát sinh mới các lò nung thủ công trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đưa vào hoạt động Modul 1 Dự án Khu xử lý nước thải của Khu công nghiệp Cái Lân mở rộng tại phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long trước ngày 31/3/2018; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các cụm công nghiệp, hướng đến các cụm công nghiệp sẽ có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.

- Thực hiện nghiêm việc thẩm định công nghệ, kết quả thẩm định công nghệ hoặc ý kiến tham gia về công nghệ của cơ quan có thẩm quyền là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư nhằm ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết không chấp thuận các dự án đầu tư có công nghệ lạc hậu và các loại hình sản xuất có phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ban hành bộ Quy chuẩn môi trường tỉnh Quảng Ninh để thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến sau năm 2020; ban hành quy chế về quản lý, sử dụng tro xỉ thải từ các ngành công nghiệp.

- Xây dựng và vận hành có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong kiểm tra, giám sát việc nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động tạm nhập tái xuất, ngăn chặn có hiệu quả, tuyệt đối không cho phép đưa chất thải vào địa bàn tỉnh (kể cả hàng tạm nhập tái xuất).

2.2. Bảo vệ môi trường khu đô thị và trung tâm các khu du lịch

- Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường đô thị, kiên quyết không cho phép triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh khi chưa có đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Thực hiện chỉnh trang và đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, cây xanh đô thị, khắc phục, tiến tới chấm dứt tình trạng ngập lụt tại đô thị các thành phố, thị xã (đặc biệt thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí).

- Có lộ trình cụ thể việc di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh ra khỏi khu dân cư theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 10/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Có phương án tăng diện tích trồng rừng (quy mô từ nhỏ đến lớn) thay rừng Keo thành cây bản địa, thông để duy trì cảnh quan, cũng như nguồn nước tại các huyện, thị xã, thành phố.

- Rà soát hệ thống thu gom và xử lý rác thải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh hướng tới từng bước chấm dứt việc chôn lấp rác; nghiên cứu triển khai, bổ sung các dự án, ứng dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại tại thành phố, thị xã.

- Nghiên cứu, triển khai nhân rộng ứng dụng nhà vệ sinh sinh thái (không sử dụng nước) trên các tàu du lịch nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường vịnh Hạ Long. Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị xử lý nước thải cục bộ (hộ gia đình, cụm dân cư) tiên tiến để xử lý tại các khu dân cư không có điều kiện xử lý theo hệ thống.

- Chuẩn bị tốt các điều kiện và thực hiện đẩy nhanh tiến độ Dự án xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Hạ Long, thành phố Móng Cái và thúc đẩy nguồn vốn ODA để lập dự án xử lý nước thải sinh hoạt đối với thành phố Uông Bí.

- Đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, giảm nhanh các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh.

- Hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường tại 03 bãi rác Đèo Sen và Hà Khẩu tại thành phố Hạ Long, bãi rác Quang Hanh tại thành phố Cẩm Phả và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước rỉ rác đúng tiến độ.

- Hoàn thành việc nâng cao năng lực hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong năm 2018 để thống nhất theo dõi, quản lý, giám sát.

- Đưa vào hoạt động cụm xử lý rác thải rắn y tế nguy hại tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (cụm số 02) và Trung tâm y tế huyện Hải Hà (cụm số 4).

- Rà soát, kiểm tra toàn diện những khu vực ô nhiễm về môi trường không khí trong các khu dân cư, các khu công nghiệp, khu sản xuất để có các giải pháp cụ thể khắc phục triệt để các khu vực đang bị ô nhiễm môi trường không khí.

- Các địa phương rà soát, xử lý, di dời các hoạt động dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất trong đô thị (như nhà hàng, karaoke...) để phòng ngừa cháy nổ, gây mất trật tự...

2.3. Bảo vệ môi trường nông thôn

- Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, các công trình khí sinh học (biogas) ngành chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, vỏ bao phân bón,..; triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, sản xuất nông nghiệp an toàn, triển khai thực hiện thí điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

- Hướng dẫn người dân sử dụng phân hữu cơ, xử lý và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Tăng cường các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, từng bước giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

- Nhân rộng việc áp dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản trong triển khai mô hình xử lý nước thải cục bộ tại các cụm dân cư, hộ gia đình và nhà tiêu hợp vệ sinh tại các hộ gia đình.

- Có chỉ tiêu và biện pháp thực hiện xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh tại các khu dân cư.

- Thực hiện thí điểm phân loại rác đầu nguồn, thực nghiệm bằng phương pháp ủ hữu cơ tại huyện Ba Chẽ, huyện Cô Tô và thành phố Uông Bí; Quy hoạch và đầu tư xây dựng các điểm tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh tại các xã, phường; xây dựng lò đốt rác sinh hoạt tại một số huyện, thị xã, thành phố.

- Xử lý ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề truyền thống; xử lý các điểm ô nhiễm hóa chất do chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

- Hoàn thành đầu tư các công trình cấp nước nông thôn tập trung, tăng cường thực hiện vận động người dân đấu nối sử dụng nước sạch; theo dõi và đánh giá bộ chỉ số nước sạch, hợp vệ sinh, triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép các loại chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, trồng trọt.

3. Bảo vệ tài nguyên đất, nước và khoáng sản

- Thực hiện quản lý chặt chẽ đất đai, đặc biệt tại các địa phương Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Quảng Yên, Cô Tô...; khắc phục tình trạng để đất hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích; kiểm soát chặt chẽ danh mục và chất lượng phân bón, thuốc hóa học sử dụng trong nông nghiệp theo danh mục được phép sử dụng để tránh tác động đến tài nguyên đất, nước.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 5965/KH-UBND thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/01/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ than, chú trọng công tác bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ, kiểm soát than đầu nguồn, phương tiện vận chuyển; Kết luận số 40-KL/TU ngày 27/4/2017 của Tỉnh ủy Quảng Ninh.

- Rà soát toàn bộ các khu vực mỏ khai thác đã được cấp phép, đang khai thác để điều chỉnh lại các mỏ đá được khai thác, với nguyên tắc hạn chế tối đa việc khai thác đá làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan; đồng thời thu hồi các mỏ đã cấp phép nhưng nay không hợp lý; dừng các mỏ đá đang khai thác gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.

- Triển khai rà soát và có lộ trình chấm dứt các dự án nạo vét và tận thu cát, sỏi trên địa bàn Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn; rà soát, quản lý tốt ranh giới khai thác mỏ cát, sỏi, sét, đất để tránh ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái; hạn chế và nghiên cứu lộ trình dừng cấp phép mỏ đá vật liệu xây dựng để tránh ảnh hưởng đến môi trường.

- Xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức có hoạt động khoáng sản đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng khai thác, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, giảm tỷ lệ tài nguyên đảm bảo cảnh quan, môi trường. Ưu tiên, khuyến khích các dự án khai thác, sử dụng khoáng sản để sản xuất cát xây dựng nhằm giải quyết nguồn thiếu hụt cát xây dựng trên địa bàn tỉnh như: tận dụng nguồn đá vụn trong chế biến đá xây dựng (ryolit, cát kết); tận dụng nguồn đá cát kết, cuội kết trong đá thải các mỏ than để nghiền, sàng, rửa thành cát xây dựng.

- Triển khai khoanh vùng hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, hạn chế khác thác và các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất của tỉnh; tăng cường kiểm soát ô nhiễm các lưu vực sông và nguồn nước xuyên biên giới.

4. Bảo vệ và phát triển rừng để giữ ổn định môi trường rừng

- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo các quy định của pháp luật, tập trung thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới; đặc biệt quan tâm giữ, bảo vệ nghiêm ngặt 7.500 ha diện tích rừng phòng hộ đâu nguồn.

- Duy trì công tác phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm về khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh chế biến lâm sản trái phép.

- Thực hiện Quy hoạch về môi trường tỉnh Quảng Ninh, trong đó quan tâm bảo vệ, bảo tồn khu rừng ngập mặn tự nhiên có trên địa bàn Tỉnh. Từng bước khai thác lợi thế của rừng ngập mặn để phát triển kinh tế thủy sản, phát triển du lịch và đa dạng sinh học.

- Thực hiện trồng mới 12.300 ha rừng và triển khai các nhiệm vụ, dự án: nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng cấp bách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2019; xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng tỉnh Quảng Ninh; đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020; làm giàu rừng phòng hộ Yên Lập. Thực hiện chuyển rừng sản xuất thành rừng phòng hộ đầu nguồn để bảo vệ môi trường và nguồn nước (có thể thông qua việc mua lại diện tích rừng sản xuất).

5. Bảo vệ biển, hải đảo; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

- Tăng cường kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép các động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, động vật hoang dã theo quy định.

- Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Rui, Tiên Yên; Lập hồ sơ đăng ký khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là khu Ramsar) cho khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên trình Ban Thư ký Công ước Ramsar Thế giới công nhận; Quy hoạch và triển khai các vùng bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; Khu bảo tồn động thực vật tại đảo Soi Sim, vịnh Hạ Long; Quy hoạch chi tiết khu bảo tồn vịnh Hạ Long.

- Bảo tồn hệ sinh thái biển quan trọng, đặc thù, đại diện cho vùng sinh thái biển tự nhiên; Triển khai các dự án phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái, trong đó tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển; trồng, phục hồi rạn san hô, cỏ biển (Cô Tô, Tiên Yên); triển khai các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen.

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cũng như chuẩn bị tất cả các điều kiện thực hiện Luật Thủy sản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

- Nghiên cứu thả bổ sung vào môi trường tự nhiên một số giống bản địa quý, hiếm có giá trị kinh tế nhằm khôi phục khả năng tái tạo, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, từng bước cân bằng hệ sinh thái, ổn định quần xã sinh vật trong thủy vực; phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của thủy sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng đến môi trường, nguồn lợi thủy sản.

6. Phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

- Ưu tiên triển khai tổ chức thực hiện hoàn thành dứt điểm các dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt, nguy hiểm trong năm 2018 theo Đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt, nguy hiểm; triển khai các danh mục dự án thuộc Đề án môi trường cấp bách ngành than để khắc phục sự cố môi trường ngành than; khắc phục triệt để các điểm ngập úng trong các khu đô thị vào mùa mưa.

- Quản lý khai thác và vận hành các hồ, đập, hệ thống thủy lợi đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; tập trung củng cố các tầng bãi thải, đê đập chắn đất đá, xây dựng bổ sung hồ lắng, đập ngăn đất đá đầu nguồn sông suối thoát nước; nạo vét, củng cố hệ thống thoát nước và các công trình phòng chống mưa bão.

- Tiếp tục thực hiện các nội dung triển khai Luật Khí tượng thủy văn đã được phê duyệt tại Kế hoạch số 4315/KH-UBND ngày 23/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh theo lộ trình.

- Hoàn thành việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Trung tâm GIS vùng); ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ô nhiễm nước vịnh Hạ Long.

III. GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Để thực hiện tốt chủ đề năm 2018 đảm bảo phù hợp, thiết thực, hiệu quả các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tập trung một số nhóm giải pháp trọng tâm như sau:

3.1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Xác định rõ trách nhiệm và sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng các cấp về công tác bảo vệ môi trường; trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý của chính quyền các cấp và người đứng đầu trong công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên môi trường.

- Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Triển khai thực hiện các quy hoạch có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu môi trường và nhiệm vụ, giải pháp trong các Kế hoạch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt: Quyết định số 127/QĐ-UBND ngày 13/01/2016 về phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 236/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 4954/KH-UBND ngày 20/8/2015 về việc Quản lý chất thải y tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Kế hoạch số 6162/KH-UBND ngày 30/9/2016 thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Kế hoạch số 1460/KH-UBND ngày 22/3/2016 về chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 28/9/2017 về thực hiện Chỉ thị số 18/CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020 và các văn bản liên quan.

3.2. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường

- Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ cấp xã, các tổ chức chính trị xã hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trên mọi lĩnh vực; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, truyền thông, đổi mới phương pháp tuyên truyền để phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa bàn khu dân cư, sát thực tiễn, thiết thực, hiệu quả để nâng cao nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đến mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền thông qua truyền thông.

- Phát động các cuộc thi bảo vệ môi trường trong các trường học; mở chuyên đề, chuyên mục, xây dựng các sản phẩm truyền thông; tổ chức các cuộc thi giải báo chí viết về chủ đề công tác năm của tỉnh. Tuyên truyền nhân rộng mô hình không sử dụng túi nilon khi đi chợ của Hội Phụ nữ thành phố Uông Bí; thực hiện phân loại rác tại nguồn nhất là ở vùng đảo trên địa bàn tỉnh.

- Phát động phong trào thu dọn vệ sinh môi trường biển, đường làng, ngõ xóm vào chủ nhật hàng tuần; triển khai thực chất, có hiệu quả, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh gắn với phong trào: “Ngày chủ nhật xanh”; “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Gia đình 5 không, 3 sạch”; hưởng ứng ngày thứ 7 tình nguyện,... trên địa bàn toàn tỉnh; trọng tâm là các trung tâm dân cư, trung tâm đô thị, khu vực dân cư nông thôn.

3.3. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường

- Rà soát để có hướng điều chỉnh phù hợp thực tiễn đối với quy hoạch bảo vệ môi trường; điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; lập Quy hoạch hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ninh.

- Tăng cường trách nhiệm tổ chức triển khai pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý, trong đó tập trung ban hành các hướng dẫn bảo vệ môi trường theo chuyên ngành, triển khai các dự án bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường...

- Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, các phương tiện sử dụng dụng cụ cấm trong khai thác, đánh bắt thủy sản ngay từ đầu năm; công khai thông tin về hành vi gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng từ tỉnh đến xã nhằm phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường.

- Tăng cường các biện pháp kiểm soát nguồn phát sinh, việc lưu giữ, vận chuyển, xử lý và thải bỏ chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại; quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, cung cấp sản phẩm động vật an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chất lượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện đánh giá tác động môi trường, kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đảm bảo các dự án khi đi vào hoạt động đã có các công trình bảo vệ môi trường được vận hành theo quy định.

- Chú trọng các vấn đề môi trường ngay từ khâu quy hoạch, thẩm định chủ trương thực hiện dự án, trong đó thực hiện nghiêm công tác thẩm định công nghệ đối với các dự án phải thực hiện thẩm định công nghệ trước khi phê duyệt chủ trương, các quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất phải đảm bảo đầy đủ việc bố trí các công trình bảo vệ môi trường cho dự án.

- Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường thực hiện công tác kiểm kê khí nhà kính và hạn chế tối đa phát triển các nhóm ngành phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính; chú trọng phát triển các ngành kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý tài nguyên và môi trường; kết nối trong việc tổng hợp số liệu báo cáo môi trường, chia sẻ thông tin, dữ liệu số liệu về môi trường.

- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban, ngành, các địa phương (đặc biệt là cán bộ quản lý môi trường cấp xã) và các tổ chức chính trị xã hội thông qua tăng cường đối thoại, phối kết hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm.

- Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, các tổ chức quần chúng trong việc huy động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường.

3.4. Chính sách, tài chính

- Đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường; tăng đầu tư và sử dụng đúng mục đích, đầu tư các dự án về môi trường có trọng tâm, trọng điểm, hàng năm ưu tiên chi ngân sách của tỉnh, tăng dần hàng năm tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và các nguồn huy động hợp pháp khác đảm bảo theo đúng Nghị quyết số 236/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020. Các nguồn kinh phí bảo vệ môi trường được quản lý thống nhất và ưu tiên sử dụng cho các lĩnh vực trọng điểm trong bảo vệ môi trường.

- Sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn thu thuế, phí bảo vệ môi trường để đảm bảo nguồn lực cho thực thi công tác bảo vệ môi trường.

- Thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia bảo vệ môi trường theo các Nghị quyết số 15/2009/NQ-HĐND ngày 11/12/2009 về một số cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 208/2015/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng cơ chế chính sách và hướng dẫn giới thiệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đẩy mạnh triển khai đầu tư theo hình thức PPP và thúc đẩy hợp tác với các nhà đầu tư trong nước nhằm triển khai các dự án bảo vệ môi trường nhất là thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt tập trung...

3.5. Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường

- Tập trung các giải pháp kêu gọi ODA nhằm triển khai đảm bảo tiến độ và có hiệu quả các dự án xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo mức độ ưu tiên I (Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030).

- Hợp tác nghiên cứu, triển khai nhân rộng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản thí điểm xử lý chất thải tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ưu tiên khu vực vịnh Hạ Long (Nhà vệ sinh sinh thái Bio-Toilet, xử lý nước thải sinh hoạt độc lập New Johka....).

- Triển khai có hiệu quả công tác phối hợp giữa tỉnh Quảng Ninh và Trung Quốc về kiểm soát ô nhiễm môi trường xuyên biên giới.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương

- Căn cứ nội dung trọng tâm Kế hoạch này, các quy định của pháp luật hiện hành và chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, trong kế hoạch yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian hoàn thành và dự kiến kết quả. Thời gian hoàn thành ban hành kế hoạch trước ngày 30/01/2018; gửi kế hoạch về UBND tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, theo dõi.

- Các sở, ngành, địa phương, đơn vị định kỳ hàng quý, 6 tháng, 9 tháng, năm tổng hợp kết quả thực hiện chủ đề năm của đơn vị, báo cáo về Ủy ban nhân dân Tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo chung). Thời gian báo cáo gửi trước ngày 15 của tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 11/2018.

- Thành lập 01 bộ phận thường trực chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên thường trực; kịp thời tham mưu, báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ quản để xử lý các nội dung liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chịu trách nhiệm chủ trì, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện kế hoạch này.

- Tăng cường kiểm tra đột xuất việc thực hiện kế hoạch đối với chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, khi phát hiện những vi phạm lớn hoặc những vi phạm có tính hệ thống phải kịp thời báo cáo và đề xuất Chủ tịch UBND Tỉnh xử lý theo quy định; kịp thời tham mưu đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh, xử lý và đề xuất xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; chủ động tham mưu ban hành các cơ chế, kế hoạch, dự án về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu phế liệu theo quy định.

- Là cơ quan đầu mối tham mưu tổng hợp chung trình UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh định kỳ hàng quý, năm hoặc tại các phiên họp thường kỳ, khi có yêu cầu đột xuất; thời gian hoàn thành trước ngày 20 tháng cuối quý và trước 20 tháng 11 năm 2018.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục đầu tư khi tham gia đầu tư công trình xây dựng, khai thác, kinh doanh các công trình bảo vệ môi trường theo phương thức xã hội hóa và các hình thức đầu tư khác. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn.

- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh từ nguồn đầu tư phát triển, đầu tư khoa học công nghệ... đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên đã nêu tại Kế hoạch.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên đã nêu tại Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan hướng dẫn lập dự toán, quản lý sử dụng kinh phí đảm bảo thực hiện chủ đề năm 2018 trên địa bàn tỉnh theo quy định.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, an toàn thực phẩm nông nghiệp để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường; ban hành các hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường chuyên ngành (xử lý và tiêu hủy thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã hết hạn sử dụng hoặc không được phép lưu hành tại Việt Nam, dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi vệ sinh ao nuôi trồng thủy sản...); hướng dẫn việc thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng, vỏ bao phân bón; tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và Phát triển rừng; các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi Thú y, giống cây trồng vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động khai thác thủy sản có sử dụng các ngư cụ bị cấm theo quy định.

6. Sở Công thương

- Tăng cường công tác kiểm đối với hoạt động sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chưa có biện pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nghiên cứu, tham mưu biện pháp nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường trong các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chợ và các khu thương mại.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị triển khai Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển Cụm Công nghiệp; Nghị quyết số 48/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020 và rà soát điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 10/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh ra khỏi khu dân cư.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ, toàn diện hoạt động của các chợ trên địa bàn Tỉnh.

7. Sở Xây dựng

- Đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu: Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom trên; tỷ lệ các khu, cụm công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đôn đốc, triển khai Đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường theo Quy chuẩn kỹ thuật về xây dựng trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở/dự án, thiết kế xây dựng các công trình xây dựng tại các khu đô thị mới, khu vực công cộng...

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương triển khai có hiệu quả Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, tăng cường quản lý chất thải sinh hoạt tại các đô thị; quản lý việc lập quy hoạch, phương án cải tạo, chỉnh trang các nghĩa trang nhân dân tại các địa phương; quản lý chặt chẽ công tác xử lý nước thải, rác thải tại các trạm xử lý nước thải và các khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo theo đúng sổ tay vận hành và quy trình xử lý đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

8. Sở Giao thông vận tải

- Rà soát, tăng cường quản lý các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm đối với phát tán khí thải xe cơ giới đường bộ.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan trong việc xử lý nghiêm các vi phạm của phương tiện chở hàng, xe chở vật liệu xây dựng phát tán chất thải gây ô nhiễm ra môi trường.

- Nâng cao chất lượng trong công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn, kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho các phương tiện giao thông. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.

9. Sở Y tế

- Kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý chất thải tại các bệnh viện, cơ sở y tế đảm bảo các công trình thu gom, xử lý nước thải y tế được vận hành thường xuyên, đảm bảo quy chuẩn môi trường; bố trí thiết bị chuyên dụng để phân loại bệnh phẩm, rác thải y tế tại nguồn; xử lý, tiêu hủy bệnh phẩm, rác thải y tế, thuốc hết hạn sử dụng bảo đảm vệ sinh, tiêu chuẩn môi trường; các cơ sở chiếu xạ, dụng cụ thiết bị y tế có sử dụng chất phóng xạ phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn hạt nhân và an toàn bức xạ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.

10. Sở Thông tín và Truyền thông và các cơ quan truyền thông của tỉnh

- Chủ trì, định hướng các cơ quan báo chí của Tỉnh, các đơn vị hợp tác truyền thông với Tỉnh thông tin tuyên truyền về công tác triển khai thực hiện chủ đề công tác năm 2018 của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn Tỉnh.

- Hướng dẫn xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự; tăng thời lượng phát sóng với các hình thức phong phú, sinh động; kịp thời phản ánh kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Tổ chức cập nhật thông tin, thực hiện các phóng sự, tin ngắn, chuyên đề về các nội dung trong Kế hoạch chủ đề năm 2018 nhằm tuyên truyền, giáo dục các tổ chức, đơn vị, cộng đồng dân cư cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn tỉnh.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, trong việc tổ chức các Ngày lễ môi trường trên địa bàn tỉnh.

11. Nội vụ

- Chủ trì triển khai tổ chức tập huấn hoặc lồng ghép nội dung tập huấn bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý môi trường từ cấp xã, huyện, tỉnh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị về bảo vệ môi trường ở các địa phương đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Tỉnh đến cơ sở.

12. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì thực hiện việc thẩm định công nghệ đối với các dự án phải thẩm định công nghệ theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường kiểm tra các thiết bị đo lường theo quy định của pháp luật hiện hành để bảo vệ môi trường.

- Phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, công nghệ xử lý chất thải,... vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

- Tuyên truyền, phổ biến cho các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh áp dụng các giải pháp quản lý bảo vệ môi trường theo ISO 14000.

13. Sở Du lịch

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở lưu trú du lịch, khu, điểm du lịch.

- Rà soát, tăng cường kiểm soát các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác khu di tích, điểm di tích, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

14. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục môi trường trong các cơ sở giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Hướng dẫn tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường cho người học của các cơ sở giáo dục; kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong các trường học.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục môi trường trong trường học và tuyên truyền, vận động thực hiện bảo vệ môi trường.

- Phát động phong trào thi đua toàn ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc tham gia bảo vệ môi trường tại gia đình, nhà trường, xã hội.

15. Công an tỉnh

Chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát môi trường; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực được xác định trong nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch này.

16. Ban Quản lý Khu kinh tế

- Tăng cường công tác kiểm soát môi trường trong khu công nghiệp, đảm bảo các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp phải có biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải ra môi trường.

- Chủ trì kiểm tra, giám sát toàn diện về môi trường trong khu kinh tế, khu công nghiệp.

17. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư

- Triển khai các giải pháp nhằm tăng cường giới thiệu, kêu gọi đầu tư đối với các dự án bảo vệ môi trường ưu tiên trên địa bàn tỉnh; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư theo Luật Khoa học và Công nghệ đảm bảo chỉ tham mưu ban hành chủ trương đầu tư khi đã được Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ theo quy định của pháp luật.

18. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nhằm triển khai hiệu quả chủ đề năm 2018.

- Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, dự án được giao đảm bảo kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, triển khai các Ngày lễ môi trường.

19. Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và các doanh nghiệp xi măng, nhiệt điện

- Tập trung thực hiện Đề án đảm bảo đảm bảo môi trường cấp bách ngành than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020 đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ đã đề ra trong Đề án. Trong đó, năm 2018 tập trung vào các nhiệm vụ: Cải tạo phục hồi môi trường các khu vực bãi thải kết thúc; rà soát, xây dựng đập hồ lắng đất đá đầu nguồn các suối thoát nước hạn chế đất đá, ngập lụt; đầu tư các tuyến băng tải, cầu vượt theo đúng lộ trình.

- Bố trí sẵn nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện di dời xong các hộ dân còn lại nằm trong vùng có nguy cơ cao do ảnh hưởng từ bãi thải, khai trường theo Đề án di dân tổng thể khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

- Giải quyết thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng giai đoạn I dự án Trung tâm Chế biến và Kho than tập trung vùng Hòn Gai trong năm 2018 để chấm dứt hoạt động Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng từ ngày 01/01/2019 theo đúng Nghị Quyết 201/NQ-HĐND ngày 15/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Rà soát, nâng công suất các trạm xử lý nước thải (khi cần) đảm bảo xử lý hết nước thải mỏ phát sinh trong sản xuất; tăng cường công tác chống bụi, thu gom xử lý chất thải nguy hại và các loại chất thải khác đảm bảo quy chuẩn, quy định về môi trường.

- Tăng cường đầu tư công nghệ trong sản xuất, áp dụng công nghệ mới, tự động hóa tối đa các công đoạn sàng tuyển, chế biến than nhằm giảm ô nhiễm môi trường, giảm khâu lao động nặng nhọc cho người lao động... đưa hệ thống kiểm soát khí cháy nổ Mê tan tự động vào trong hầm lò; nghiên cứu trình tự khai thác đá thải vùng Cẩm Phả, cơ cấu lại các mỏ Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai để khai thác tối ưu, triệt để tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất; trình tự kết thúc khai thác các mỏ lộ thiên vùng Hòn Gai kết hợp cải tạo phục hồi môi trường đạt hiệu quả cao nhất; triển khai công tác quy hoạch chung các bãi thải, nghiên cứu các phương án cải tạo, phục hồi các bãi thải đảm bảo hiệu quả theo hướng giao cho một đơn vị thành viên quản lý vận hành chung.

- Thực hiện nghiêm nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường, Đề án cải tạo phục hồi môi trường, Đề án khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước, Đề án đóng cửa mỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai thực hiện hiệu quả và đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai và các văn bản dưới Luật; quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

- Cải tiến, hợp, hợp lý hóa các dây truyền sản xuất để giảm phát tán chất thải gây ô nhiễm, đồng thời hoàn thành việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.

20. Đề nghị các Ban Xây dựng Đảng của Tỉnh ủy (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban Dân vận Tỉnh ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)

- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Theo dõi, đôn đốc các Ban Đảng của Tỉnh ủy, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh; các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện kế hoạch này; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và năm 2018 với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để thống nhất định hướng chỉ đạo.

- Ban Dân vận Tỉnh ủy: Theo dõi, đôn đốc Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện kế hoạch chủ đề công tác năm 2018, triển khai các nhiệm vụ tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

- Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Xây dựng kế hoạch giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 08/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, trong đó bám sát Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chủ đề năm 2018 để cụ thể hóa nội dung giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chủ đề năm.

21. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể Tỉnh

- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; nhân rộng các mô hình tự quản, tăng cường vai trò của các Tổ chức đoàn thể trong việc giám sát các hoạt động quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

- Đối với các tổ chức đoàn thể, mỗi đơn vị thực hiện đăng ký một việc làm hoặc mô hình bảo vệ môi trường phù hợp để tập trung chỉ đạo và nhân rộng trên toàn tỉnh.

Triển khai thực hiện Kế hoạch chủ đề công tác năm 2018 về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 08/12/2017 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 96/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của Hội đồng nhân dân Tỉnh; do đó Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các địa phương trong toàn Tỉnh phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tính chất, đặc điểm của từng đơn vị, địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND Tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND Tỉnh;
- Tập đoàn Công nghiệp Than KS VN;
- Tổng công ty Đông Bắc;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn Tỉnh;
- Thành ủy, thị ủy, huyện ủy, HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ quan Trung ương trên địa bàn Tỉnh;
- Các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo QN, Cổng thông tin ĐT;
- V0-5, các đ/c CV VP. UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, NLN3 (20b, CV15).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

PHỤ LỤC

MỘT SỐ NHIỆM VỤ CỤ THỂ KÈM THEO KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ NĂM 2018
(Kèm theo Kế hoạch số: 09/KH-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

TT

Nhiệm vụ cụ thể

Cơ quan, đơn vị chủ trì

Cơ quan, đơn vị phối hợp

Kết quả dự kiến

Thời gian hoàn thành

I

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

1

Tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở, ban, ngành và UBND các địa phương

Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh

Tháng 01/2018

II

Tăng cường, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường

2

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường trong kiểm tra, giám sát việc nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động tạm nhập tái xuất, ngăn chặn có hiệu quả, tuyệt đối không cho phép đưa chất thải vào địa bàn tỉnh

Công an tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Hải quan tỉnh và các đơn vị liên quan

Quy chế phối hợp

Tháng 4/2018

3

Lập Quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố

Quyết định phê duyệt Quy hoạch

Tháng 06/2018

4

Ban hành bộ Quy chuẩn môi trường tỉnh Quảng Ninh để thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến sau năm 2020

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương

Bộ Quy chuẩn môi trường tỉnh Quảng Ninh

Tháng 9/2018

5

Quy hoạch thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ninh

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành và UBND các địa phương

Báo cáo Quy hoạch

Năm 2018-2019

6

Xây dựng và vận hành hệ thống phát hiện sớm cháy rừng tỉnh Quảng Ninh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương có liên quan

Hệ thống phát hiện sớm cháy rừng

Quý IV/2018

7

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm phục vụ công tác quản lý tài nguyên và môi trường, cảnh báo thiên tai trực tuyến trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh (Trung tâm GIS vùng)

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và UBND các địa phương

Hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý

Năm 2018-2019

8

Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý ô nhiễm nước vịnh Hạ Long

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương

Hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý

Quý I/2018

9

Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ rừng cấp bách tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2019

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan

Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa chát rừng

Năm 2018-2019

10

Nghiên cứu cấu trúc địa chất và tai biến địa chất lưu vực hồ Yên Lập để xây dựng bản đồ cảnh báo rủi ro tai biến địa chất khu vực hồ Yên Lập

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành; UBND các địa phương: Hoành Bồ, Hạ Long, Quảng Yên; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Đông Bắc

Bản đồ cảnh báo rủi ro tai biến địa chất khu vực hồ Yên Lập

Quý IV/2018

11

Lập kế hoạch phát triển mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng tỉnh Quảng Ninh (ứng phó biến đổi khí hậu)

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành, Đài khí tượng thủy văn Tỉnh; UBND các địa phương

Kế hoạch

Năm 2018

12

Lắp đặt hệ thống quan sát, dự báo lũ và hỗ trợ điều hành hồ chứa theo thời gian thực, hồ Tràng Vinh; Xây dựng, lắp đặt hệ thống 10 điểm đo mưa tự động trên thượng nguồn các hồ chứa nước, các điểm có nguy cơ cao để thông báo, cảnh báo, báo động thiên tai tại cộng đồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông

Các địa phương, đơn vị có liên quan

Lắp đặt hệ thống 10 điểm đo mưa tự động; hệ thống quan sát, dự báo lũ

Quý II/2018

13

Xây dựng dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường của địa phương, kết nối với Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc Tài nguyên và Môi trường

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Thông tin truyền thông; UBND các địa phương và đơn vị có liên quan

Cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý

Năm 2018

14

Dự án nâng cao năng lực hệ thống quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường tự động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các địa phương: Hải Hà, Quảng Yên, Đông Triều, Cẩm Phả, Hạ Long

Trạm quan trắc môi trường tự động; nâng cấp trung tâm điều hành, nâng cao năng lực của trung tâm quan trắc

Năm 2018

15

Xây dựng quy chế về quản lý, sử dụng tro xỉ thải từ các ngành công nghiệp

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương

Quy chế được UBND tỉnh phê duyệt

Quý I/2018

16

Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường và tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi các nội dung cam kết; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường

Sở, ban, ngành và đơn vị có chức năng

Các sở, ban, ngành và UBND các địa phương

Kết quả kiểm tra, giám sát

Năm 2018

III

Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo nâng cao nhân thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên

17

Tổ chức tập huấn hoặc lồng ghép nội dung tập huấn bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường từ cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sở Nội vụ

Trường đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ; Sở Tài nguyên và Môi trường; các tổ chức đoàn thể; UBND các địa phương, đơn vị

Các lớp tập huấn, bồi dưỡng

Năm 2018

18

Xây dựng Kế hoạch và phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2018 trong đó có nội dung phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường

Sở Tư pháp

Các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thị xã và thành phố

Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai

Năm 2018

19

Tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đến mọi đối tượng, tầng lớp nhân dân trong đó tập trung tăng cường tuyên truyền thông qua các chương trình truyền hình, đài, báo; tăng cường giáo dục trong trường học, phát động các cuộc thi bảo vệ môi trường; tổ chức mít tinh, ra quân tuyên truyền các ngày lễ môi trường; định hướng dư luận về bảo vệ môi trường vv.

Các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành và UBND các địa phương và đơn vị liên quan

Các đơn vị liên quan

Tổ chức các ngày lễ môi trường; mô hình tuyên truyền mở chuyên đề, chuyên mục, xây dựng các sản phẩm truyền thông; các cuộc thi, tổ chức hội nghị báo cáo viên, bản tin, hội nghị, tập huấn... góp phần nâng cao nhận thức

Năm 2018

IV

Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp

20

Hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường đối với đơn vị có nguồn thải lớn theo quy định của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu

Các đơn vị xi măng, nhiệt điện, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu đô thị; UBND thành phố Hạ Long; Tập đoàn Công nghiệp Than - KS VN, Tổng công ty Đông Bắc

Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Khoa học và Công nghệ; UBND các huyện, thị xã và thành phố

Hệ thống quan trắc môi trường tự động liên tục truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường

Trước 30/06//2018

21

Chấm dứt hoạt động của nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng, chấm dứt vận chuyển than tới cảng Nam Cầu Trắng

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND thành phố Hạ Long

Chấm dứt hoạt động của nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng; chấm dứt vận chuyển than tới cảng Nam Cầu Trắng

Trước 31/12/2018

22

Di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn tỉnh ra khỏi khu dân cư Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 10/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh

UBND các huyện, thị xã và thành phố

Sở Công thương; Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị liên quan

100% các địa phương hoàn thành việc di dời

Năm 2018

23

Chấm dứt hoạt động các cơ sở sản xuất vôi bằng lò nung thủ công trên địa bàn toàn tỉnh

UBND các huyện, thị xã và thành phố

Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan

100% cơ sở sản xuất vôi chấm dứt hoạt động

Trước 31/12/2018

24

Chấm dứt việc sản xuất gạch đất sét nung bằng các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

UBND các huyện, thị xã và thành phố

Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan

100% cơ sở sản xuất sét nung dừng hoạt động

Trước 31/12/2018

25

Xây dựng các tuyến băng tải than, cầu vượt giảm thiểu bụi, ồn, khí thải

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc

UBND các địa phương

Băng tải than, cầu vượt

Theo lộ trình Đề án ngành Than được phê duyệt

26

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Cái Lân mở rộng

Ban Quản lý khu Kinh tế

Công ty TNHH Hoài Nam

Đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải (modul 1)

Trước ngày 31/3/2018

27

Cải tạo phục hồi môi trường các bãi thải mỏ

Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc; các tổ chức, doanh nghiệp khai thác khoáng sản; cá nhân, hộ gia đình

UBND các địa phương, đơn vị liên quan

Cải tạo phục hồi môi trường các điểm mỏ khai thác, các bãi thải mỏ

Theo lộ trình Đề án ngành than và kế hoạch của từng địa phương

28

Xây Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Sở Công thương

Các đơn vị liên quan

Kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt

Tháng 08/2018

29

Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất các giải pháp quản lý, giảm nhẹ phát thải trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Sở Tài nguyên và Môi trường

Sở Công thương; UBND các địa phương liên quan

Báo cáo

Năm 2018-2019

V

Bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư và khu du lịch

30

Đưa vào hoạt động cụm xử lý rác thải rắn y tế nguy hại

Sở Y tế

UBND các địa phương: Cẩm Phả, Hải Hà, Uông Bí, Tiên Yên

02 cụm tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả (cụm số 02) và Trung tâm y tế huyện Hải Hà (cụm số 04) được đưa vào hoạt động

Quý 1/2018

31

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế cho một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh

Sở Y tế

Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các địa phương liên quan

Lập dự án và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống xử lý nước thải y tế cho một số cơ sở y tế

Năm 2018

32

Đẩy nhanh tiến độ dự án xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí

UBND thành phố: Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí

Các sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, đơn vị liên quan

Hoàn thiện các thủ tục liên quan; thúc đẩy xác định nguồn vốn ODA để lập, triển khai dự án

Năm 2018

33

Cải tạo phục hồi môi trường bãi rác Hà Khẩu và Đèo Sen thành phố Hạ Long và bãi rác Quang Hanh tại TP Cẩm Phả, Bãi rác Khe Giang thành phố Uông Bí

UBND các thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí

Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Hoàn thành cải tạo phục hồi môi trường và lắp đặt xong trạm xử lý nước rỉ rác

Tháng 06/2018

34

Di dời các cơ sở cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, thu mua phế liệu nằm xen kẽ trong các khu dân cư không phù hợp quy hoạch, tiềm ẩn các nguy cơ ô nhiễm môi trường và cháy nổ

UBND các huyện, thị xã và thành phố

Các Sở: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Lao động Thương binh và xã hội

Đề án di dời các cơ sở Tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm; di dời cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở thu mua phế liệu, giết mổ gia súc, gia cầm

Năm 2018

35

Thực hiện thí điểm phân loại rác đầu nguồn, thực nghiệm bằng phương pháp ủ hữu cơ tại huyện Ba Chẽ, huyện Cô Tô và thành phố Uông Bí (3R)

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND huyện Ba Chẽ, Cô Tô, Uông Bí

Nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; thực nghiệm phương pháp xử lý cho người dân và doanh nghiệp

Năm 2018-2019

36

Đầu tư các công trình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các huyện, thị xã và thành phố

UBND các huyện: Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà, Ba Chẽ; UBND thành phố Móng Cái

Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tài chính; Sở Khoa học và công nghệ

Mua sắm trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải; đầu tư lò đốt rác sinh hoạt tại các huyện, thị xã và thành phố; quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng bãi rác

Trước 31/12/2018

37

Xây dựng mô hình phân loại rác đầu nguồn tại một số phường/xã trên địa bàn thị xã Quảng Yên để nhân rộng sau khi triển khai thực hiện

Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh

UBND thị xã Quảng Yên

Mô hình phân loại rác đầu nguồn

Trước 31/12/2018

38

Nâng công suất, xây trạm xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, thành phố

UBND thành phố Hạ Long

Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ và đơn vị liên quan

Nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Bãi Cháy lên khoảng 6.300 m3/ngày

Trước 31/12/2018

39

Cải tạo, nâng cấp các hệ thống tiêu thoát nước, chỉnh trang các hồ điều hòa v.v...; nâng cấp, xây dựng công trình xử lý nước thải và nước bề mặt

UBND các huyện, thị xã và thành phố; Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng Công ty Đông Bắc

Các đơn vị sản xuất thuộc Tập đoàn và đơn vị liên quan

Nạo vét, củng cố hệ thống tiêu, thoát nước; xử lý nước thải mỏ, rửa xe; nâng công suất trạm xử lý nước cấp hồ; sửa chữa, nâng cấp các kênh, đập, hệ thống đường ống

Theo lộ trình Đề án ngành than và kế hoạch của địa phương

40

Rà soát chi tiết hệ thống thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn, triển khai các giải pháp tiến tới chấm dứt việc chôn lấp rác; nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án, ứng dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại, đảm bảo môi trường

Sở Xây dựng

Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các địa phương

Báo cáo kết quả

Tháng 10/2018

41

Đầu tư các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, giảm nhanh các điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực kiểm soát hoạt động giết mổ giết mổ gia súc, gia cầm, cung cấp sản phẩm động vật an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường

UBND các huyện, thị xã và thành phố

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

Trước 31/12/2018

VI

Bảo vệ môi trường nông thôn

42

Tiếp tục xây dựng mô hình mẫu thu gom, thực hiện thu gom, quản lý, xử lý đạt trên 85% lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và hóa chất bảo vệ thực vật không đảm bảo chất lượng tại các vùng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương liên quan

Thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật... sau khi sử dụng

Năm 2018

43

Xử lý các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu thuộc đề án điều tra ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật đã được UBND tỉnh phê duyệt

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các địa phương liên quan

Xử lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại các địa phương: Quảng Yên, Hạ Long, Móng Cái, Đông Triều

Trước 31/12/2018

44

Quy hoạch, xây dựng nghĩa trang tại các địa phương

UBND các huyện, thị xã và thành phố

Sở Xây dựng các đơn vị liên quan

Quy hoạch và xây dựng nghĩa trang

Năm 2018

45

Đầu tư xây dựng các công trình khí sinh học (bioga) ngành chăn nuôi để đảm bảo vệ sinh môi trường

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; UBND các huyện, thị xã và thành phố

Đầu tư 873 công trình

Năm 2018

46

Hoàn thành đầu tư và nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình cấp nước nông thôn tập trung

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND các huyện, thị xã và thành phố

Công trình cấp nước

Tháng 06/2018

VII

Bảo vệ tài nguyên đất, nước và khoáng sản

47

Xây dựng Đề án khoanh định hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh, vùng cấm, hạn chế khai thác và các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất tỉnh Quảng Ninh

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các địa phương liên quan

Báo cáo kết quả và Bộ cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên nước

Tháng 8/2018

48

Điều tra, tổng hợp, đánh giá hiện trạng ô nhiễm môi trường, hiện trạng xả thải từ đất liền ra biển và trên biển tại vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh và đề xuất giải pháp quản lý

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND các địa phương liên quan

Báo cáo kết quả điều tra

Năm 2018-2019

49

Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Sở Tài nguyên và Môi trường

Các sở, ngành, UBND các địa phương

Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch

Tháng 6/2018

VIII

Bảo vệ và phát triển rừng

50

Làm giàu rừng phòng hộ Yên Lập

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND thị xã Quảng Yên, Hoành Bồ và TP Hạ Long

Trồng những loài cây gỗ bản địa, có giá trị kinh tế, đồng thời tác động một cách hợp lý để phát huy tối đa tiềm năng sinh học, làm giàu rừng

Quý IV/2018

51

Triển khai Dự án gây bồi tạo bãi và trồng cây ngập mặn bảo vệ Đê thôn 1-TP Móng Cái; Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ đặc dụng ven biển tỉnh giai đoạn 2015-2020

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND các địa phương liên quan

Trồng rừng ngập mặn

Quý IV/2018

52

Xây dựng Dự án trồng cây gỗ lớn, nâng cao chất lượng rừng trồng thuần loài bằng hỗn loài các loài cây bản địa để tạo ra đa dạng các loài cây, đa tầng tán và hình thành vùng sản xuất lâm nghiệp bền vững

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố

Dự án được UBND tỉnh phê duyệt

Tháng 9/2018

IX

Bảo vệ biển, hải đảo; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học

53

Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Đồng Rui, Tiên Yên

UBND huyện Tiên Yên

Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn

Thành lập khu bảo tồn thiên nhiên, khoanh vùng bảo vệ

Năm 2018

54

Lập hồ sơ đăng ký khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar) cho khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên

Sở Tài nguyên và Môi trường

UBND huyện Tiên Yên

Hồ sơ trình Ban Thư ký công ước Ramsar

Năm 2018-2020

55

Quy hoạch và triển khai các vùng bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần; thực hiện cải tạo trồng mới rạn san hô khu vực Hồng Vàng, xã Đồng Tiến

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND huyện Cô Tô

Thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần

Trước 31/12/2018

56

Tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017-2018

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

UBND huyện Cô Tô

Tài liệu, xác định phương pháp, kỹ thuật thiết kế rạn nhân tạo phù hợp; thiết lập rạn nhân tạo

Năm 2018

57

Quy hoạch và triển khai khu bảo tồn động thực vật tại đảo Soi Sim, vịnh Hạ Long

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long

UBND thành phố Hạ Long

Quy hoạch khu bảo tồn động thực vật tại đảo Soi Sim, vịnh Hạ Long

Trước 31/12/2018

58

Nghiên cứu tính đa dạng sinh học ở khu vực Quảng Nam Châu để đề xuất thành lập khu bảo tồn loài, sinh cảnh khu vực Quảng Nam Châu, huyện Hải Hà

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sở Tài nguyên và Môi  trường, UBND huyện Hải Hà

Các báo cáo chuyên đề

Quý IV/2018

59

Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng sạt lở, đổ lở và xói lở bờ hệ thống đảo làm cơ sở cho việc quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý giá trị di sản phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội khu vực vịnh Hạ Long và Bái Tử Long

Ban Quản lý vịnh Hạ Long

Sở Du lịch; UBND các huyện, thị xã và thành phố liên quan

Hệ thống bản đồ số hiện trạng; bản đồ phân vùng; Cơ sở dữ liệu hệ thống đảo khu vực vịnh Hạ Long, Bái Tử

Trước 31/12/2018

60

Thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn

UBND các huyện, thị xã và thành phố liên quan

Thả con giống thủy sản các loại

Quý IV/2018

X

Phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

61

Nghiên cứu tác động của con người và biến đổi khí hậu đến quá trình vận chuyển bùn cát, bồi lắng vịnh Hạ Long, và đề xuất các giải pháp giảm thiểu hạn chế tác động tiêu cực

Sở Tài nguyên và Môi trường

Viện Tài nguyên và Môi trường Biển

Bộ tư liệu các yếu tố tác động đến đặc điểm thủy động lực, trầm tích, bồi lắng vịnh Hạ Long, Bái Tử Long; hệ thống bản đồ dạng số

Trước 31/12/2018

62

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và đề xuất các giải pháp quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó cho các đô thị ven biển tỉnh Quảng Ninh

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia

Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động ứng phó với Biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị giai đoạn 2017- 2020

Trước 31/12/2018

63

Xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu trình Bộ Công thương phê duyệt, giai đoạn 2017-2020 theo quyết định số 403/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 có xét triển vọng đến năm 2030

Tổng công ty Đông Bắc

Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các địa phương liên quan

Báo cáo, trình và được Bộ Công thương phê duyệt

Tháng 06/2018

64

Xây dựng hệ thống đê, đập ngăn đất đá trôi lấp

Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Đông Bắc và UBND các huyện, thị xã và thành phố

Các đơn vị liên quan

Hệ thống đê đập, hệ thống thoát nước chống ngập úng

Năm 2018 (theo lộ trình trong Đề án được phê duyệt)

65

Thực hiện Đề án di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 đã được UBND Tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 4/5/2016 và các quyết định liên quan

Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Đông Bắc và UBND các huyện, thị xã và thành phố

Các sở, ngành liên quan

Di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai

Năm 2018 (theo lộ trình trong Đề án được phê duyệt)

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 09/KH-UBND thực hiện chủ đề năm 2018 về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

  • Số hiệu: 09/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 10/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản