Hệ thống pháp luật

BAN CHỈ ĐẠO QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG TRUNG ƯƠNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/QLTT-TW
Về việc kiểm tra, xử lý việc sản xuất và buôn bán hàng giả

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1991

 

Kính gửi:

 

- Các đồng chí Trưởng ban chỉ đạo quản lý thị trường các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương,
- Các đồng chí Giám đốc các Sở Thương nghiệp,

 

Những năm gần đây nhờ đổi mới chính sách kinh tế và cơ chế quản lý, thị trường trở nên sống động, hàng hoá phong phú và đa dạng. Song tệ sản xuất và buôn bán hàng giả trên thị trường cũng phát triển ngày càng nghiêm trọng, gây hậu quả rất xấu về nhiều mặt.

Dư luận xã hội đã và đang công phẫn lên án những hành vi bất lương đó và đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước phải có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc.

Ngày 25-4-1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 140/HĐBT về kiểm tra, xử lý việc sản xuất và buôn bán hàng giả. Sau khi thống nhất ý kiến với các cơ quan hữu quan, Uỷ ban khoa học Nhà nước và Bộ Thương mại và Du lịch đã ra Thông tư Liên bộ hướng dẫn thực hiện. Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương hướng dẫn cụ thể thêm như sau:

I- TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY, CHỈ ĐẠO CHỐNG TỆ LÀM VÀ BUÔN BÁN HÀNG GIẢ MỖI NƠI CẦN CĂN CỨ VÀO TÌNH HÌNH CỤ THỂ MÀ TẬP TRUNG VÀO NHỮNG MỤC TIÊU NHẤT ĐỊNH. NÓI CHUNG TRONG CẢ NƯỚC THÌ HƯỚNG VÀO CÁC MỤC TIÊU CHỦ YẾU SAU:

1. Về mặt hàng: Là những hàng giả mà đưa vào sử dụng sẽ gây độc hại trực tiếp đến sức khoẻ con người, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và an toàn xã hội và gây nên những tiêu cực khác trong đời sống kinh tế, như:

- Thuốc chữa bệnh và phòng bệnh.

- Rượu, bia, nước giải khát đóng chai, bánh kẹo, thuốc lá điếu, nước mắm, nước chấm và mặt hàng thực phẩm công nghệ khác.

- Xi măng, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu và cỏ dại.

- Xe đạp và phụ tùng xe đạp, xe máy.

- Xà phòng và chất tẩy rửa, kem đánh răng.

2. Về địa bàn: là những nơi tập trung sản xuất hàng công nghiệp, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, những trung tâm thương nghiệp, nhất là những nơi phát luồng bán buôn và các đầu mối giao thông lớn.

Trước mắt từ nay đến Tết âm lịch (tháng 2/1992) liên tục tổ chức điều tra và truy quét các loại thuốc chữa bệnh giả, hàng thực phẩm công nghệ giả, xi măng, phân bón và thuốc trừ sâu giả.

II- PHÁP LỆNH THỰC HIỆN

1. Trước hết phải đề cao trách nhiệm của nhà sản xuất và buôn bán hàng hoá đối với khách hàng.

a, Về phía nhà sản xuất:

- Phải thực hiện đúng những quy định trong Điều 21 và 23 của Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ban hành ngày 27-12-1990 được cụ thể hoá trong Điều 3 Nghị định 327/HĐBT ngày 19-10-1991 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Thực hiện đúng quyền sử hữu công nghiệp theo Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ban hành ngày 11-2-1989; quyền và nghĩa vụ đăng ký và sử dụng nhãn hiệu hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 197/HĐBT ngày 14-12-1982, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 84/HĐBT ngày 20-3-1990 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Việc quản lý in, phát hành và sử dụng các nhãn sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá, bao bì phải được tiến hành chặt chẽ theo đúng Thông tư liên bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch và Uỷ ban Khoa học Nhà nước số 1191 ngày 29-6-1991.

- Vì lợi ích của chính mình, nhà sản xuất phải chủ động phát hiện và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp và quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá của mình. Có thể đề nghị các lực lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường điều tra, phát hiện cho mình những trường hợp vi phạm nói trên và bảo đảm điều kiện cho các lực lượng này hoạt động theo hợp đồng hai bên thoả thuận.

b) Về phía nhà buôn bán:

- Tổ chức, cá nhân bán hàng phải biết rõ nguồn gốc và chất lượng hàng hoá mà mình bán ra; thông tin trung thực về chất lượng, hướng dẫn khách hàng lựa chọn, sử dụng, bảo quản hàng hoá và chịu trách nhiệm trực tiếp trước khách hàng về chất lượng hàng hoá mà mình bán ra.

- Thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã trong khi chấn chỉnh việc thực hiện chế độ khoán phải chú trọng quản lý chất lượng hàng hoá mua vào, bán ra, thưởng phạt nghiêm minh trong việc thực hiện chế độ quản lý chất lượng hàng hoá chống hàng giả, hàng rởm.

2. Đối với người tiêu dùng.

- Người tiêu dùng có quyền được thông tin và lựa chọn hàng hoá khi mua hàng, yêu cầu bảo hành; có quyền đòi tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường thiệt hại do hàng hoá không đạt chất lượng gây ra.

- Việc quảng cáo hàng hoá phải tuân thủ những quy định của Liên Bộ Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao - Du lịch trong Thông tư số 1191/TT-LB ngày 29-6-1991. Phải kịp thời ngăn chặn và xử lý việc lừa bịp khách hàng trong quảng cáo hàng hoá.

- Đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương thường xuyên tham gia vào cuộc đấu tranh bài trừ tệ làm và buôn bán hàng giả, động viên dư luận xã hội phát hiện và lên án nghiêm khắc bọn kinh doanh bất lương. Ở một số nơi nên đặt hòm thư và cho số điện thoại để quần chúng phát hiện việc làm và buôn bán hàng giả.

- Phối hợp với cơ quan văn hoá - thông tin và cơ quan quản lý tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá tổ chức trưng bày, giới thiệu hàng thật, hàng giả, giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật, hàng giả.

3. Về kiểm tra và xử lý:

- Điều 6 Nghị định 140-HĐBT ngày 25-4-1991 đã xác định cụ thể các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả.

- Trách nhiệm cụ thể của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các cấp đã được xác định trong Thông tư Liên Bộ Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Thương mại và Du lịch số 1254/TT-LB ngày 8-11-1991 hướng dẫn thi hành nghị định nói trên.

- Ở các thành phố lớn, nếu xét thấy cần thiết, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường có thể tổ chức đội chuyên trách chống hàng giả nằm trong các đội kiểm tra liên ngành của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường.

- Về xử lý các hành vi vi phạm: Theo các quy định từ Điều 8 đến Điều 17 của Nghị định 140-HĐBT ngày 25-4-1991 và Chương VII của Nghị định 327-HĐBT ngày 19-10-1991 ban hành Quy định về việc thi hành Pháp lệnh chất lượng hàng hoá.

- Việc phân phối số tiền phạt thu được trong việc chống hàng giả đã được quy định trong Điều 16 của Nghị định 140-HĐBTĐiều 41 của Nghị định 327-HĐBT, Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố nên bàn với Sở Tài chính rồi trình Uỷ ban nhân dân cho hình thành một quỹ "đấu tranh chống hàng giả" nằm trong quỹ chung về "đấu tranh chống đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh trái phép" do Ban chỉ đạo Quản lý thị trường tỉnh, thành phố quản lý. Quỹ này được hình thành từ các nguồn: xin ngân sách Nhà nước cho phép để lại phần phải nộp vào ngân sách theo quy định trong Điều 16 của Nghị định 140Điều 41 của Nghị định 327; các cơ sở sản xuất đóng góp để chống việc làm hàng giả sản phẩm hàng hoá của mình.

Ban chỉ đạo Quản lý thị trường các cấp có kế hoạch và biện pháp tổ chức thực hiện chu đáo Nghị định 140, Thông tư Liên Bộ Uỷ ban Khoa học - Bộ Thương mại và Du lịch và văn bản này của Ban chỉ đạo Quản lý thị trường Trung ương. Hàng tháng báo cáo cho chúng tôi biết kết quả thực hiện.

 

Vũ Trọng Nam

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn về việc kiểm tra, xử lý việc sản xuất và buôn bán hàng giả

  • Số hiệu: 102/QLTT-TW
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/11/1991
  • Nơi ban hành: Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương
  • Người ký: Vũ Trọng Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/1991
  • Ngày hết hiệu lực: 06/05/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản