Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 5341/TCT-CS
V/v Trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2007

 

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Đồng Tháp

Trả lời công văn số 1978/CT-TTHT ngày 31/8/2007 của Cục thuế tỉnh Đồng Tháp hỏi về hóa đơn không còn giá trị sử dụng và ấn định thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về hóa đơn không còn giá trị sử dụng do doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng do doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thực hiện theo Quy chế xác định, thông báo và xử lý về thuế đối với cơ sở kinh doanh bỏ địa chỉ kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 1006/QĐ-BTC ngày 13/6/2006 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

Từ ngày 1/7/2007 việc xử lý hóa đơn không còn giá trị sử dụng do doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Mục V Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính.

2. Về ấn định thuế

Theo quy định tại Điểm 1.6, Điểm 2 Mục XII Phần B Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế thì: Trường hợp người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai không hạch toán kế toán hoặc có hạch toán kế toán nhưng số liệu trên sổ kế toán không đầy đủ, không chính xác, trung thực dẫn đến không xác định đúng các yếu tố làm căn cứ tính số thuế phải nộp thì người nộp thuế bị ấn định số thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số thuế phải nộp. Trường hợp người nộp thuế hạch toán giá trị hàng hóa mua vào, bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường thì cơ quan thuế sẽ ấn định giá bán, giá mua và số thuế phải nộp.

Ví dụ cụ thể nêu trong công văn của Cục thuế: “Ngày 15/7/2007 Doanh nghiệp A mua vào 10 tấn gạo nguyên liệu 5% tấm không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, ghi giá nhập kho trên chứng từ, sổ sách kế toán là 3.500.000 đồng/tấn. Cơ quan thuế khảo sát Doanh nghiệp B ngày 15/7/2007 mua 10 tấn gạo nguyên liệu 5% tấm, có hóa đơn hợp pháp ghi giá nhập kho trên chứng từ, sổ sách kế toán là 3.300.000 đồng/tấn. Căn cứ vào giá mua có hóa đơn hợp pháp của Doanh nghiệp B để ấn định giá mua của doanh nghiệp A và tính thuế GTGT, TNDN”.

Trường hợp nêu trong ví dụ: Do hàng hóa (gạo) mua không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp nên không xử lý ấn định thuế theo quy định tại Điểm 1.6, Điểm 2 Mục XII Phần B Thông tư số 60/2007/TT-BTC nêu trên mà phải căn cứ vào chính sách thuế để xử lý. Cụ thể là không chấp nhận tính vào chi phí hợp lý Khoản chi mua hàng của doanh nghiệp A mua 10 tấn gạo nguyên liệu 5% tấm do không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Chương II Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và tại Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 quy định không được tính vào chi phí: “Các Khoản chi không có hóa đơn, chứng từ hoặc hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.”

Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế tỉnh Đồng Tháp được biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế;
- Ban PC, HT, TTTĐ;
- Lưu: VT, CS.

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phạm Duy Khương