Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9421/BTC-TCT
V/v thực hiện kiến nghị của UBTVQH về hoàn thuế GTGT tại Công ty An Phát

Hà Nội, ngày 05 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi: Ban Dân nguyện.

Bộ Tài chính nhận được Công văn số 883/BDN ngày 26/7/2023 của Ban Dân nguyện về việc thực hiện kiến nghị của UBTVQH về hoàn thuế GTGT tại Công ty An Phát (kèm theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023 tại Thông báo số 2654/TB-TTKQH ngày 26/07/2023 của Tổng Thư ký Quốc hội).

Về vấn đề này, trên cơ sở báo cáo của Cục Thuế thành phố Hà Nội tại Công văn số 57459/CTHN-TTKT10 ngày 07/08/2023, Bộ Tài chính tổng hợp, đánh giá và có ý kiến như sau:

1. Các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang tạm dừng của Công ty An Phát.

Công ty Cổ phần Thương mại Xuất Nhập Khẩu Toàn cầu An Phát (trước đây là Công ty TNHH Thương mại và Hỗ trợ Đầu tư An Phát, sau đây gọi tắt là Công ty) được thành lập năm 2012, đăng ký kê khai nộp thuế tại: Chi cục Thuế quận Ba Đình - Thành phố Hà Nội.

- Từ ngày thành lập năm 2012 đến tháng 12/2019, Công ty đã đề nghị hoàn thuế GTGT 31 kỳ. Tổng số thuế GTGT đã được hoàn là 121.290.601.263 đồng.

- Kỳ hoàn số 32 (kỳ tính thuế từ tháng 12/2019 đến tháng 01/2020), Công ty đề nghị hoàn thuế GTGT trường hợp xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn, số tiền: 7.998.616.902 đồng. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của Công ty, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra chấp hành pháp luật thuế năm 2017-2019 và thanh tra trước hoàn thuế giai đoạn từ tháng 12/2019-01/2020 đối với Công ty và ban hành Kết luận thanh tra số 68839/KL-CT-TTKT10 ngày 24/7/2020 về việc tạm dừng hoàn thuế GTGT cho kỳ tính thuế tháng 12/2019-01/2020 để chờ cơ quan điều tra xác minh làm rõ.

- Kỳ hoàn số 33 (kỳ tính thuế từ tháng 02/2020 đến tháng 03/2021) đề nghị hoàn: 3.840.974.000 đồng. Lý do đề nghị hoàn: Hoàn thuế GTGT đối với trường hợp xuất khẩu tinh bột sắn. Chi cục Thuế quận Ba Đình đã thực hiện kiểm tra trước hoàn, hiện nay đang tạm dừng để xác minh.

Công ty đã gửi Đơn khiếu nại Kết luận số 68839/KL-CT-TTKT10 nêu trên đến cơ quan Thuế. Đơn khiếu nại của Công ty được Cục Thuế thành phố Hà Nội giải quyết khiếu nại lần đầu tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 85586/QĐ-CT-KTNB ngày 23/9/2020, Tổng cục Thuế giải quyết khiếu nại lần 2 tại Quyết định số 333/QĐ-TCT-KTNB ngày 12/3/2021, kết quả giải quyết khiếu nại lần 1 và lần 2 đều: Không chấp nhận nội dung khiếu nại của Công ty.

2. Công tác phân tích rủi ro và phối hợp xác minh của cơ quan thuế

Năm 2019, thực hiện công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới đường bộ, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã rà soát và phân tích rủi ro đối với các hồ sơ hoàn thuế của Công ty An Phát.

Nhận thấy Công ty có rủi ro cao, cần thiết phải xác minh các giao dịch kinh tế có liên quan, Cục Thuế thành phố Hà Nội đề nghị[1] Tổng cục Thuế hỗ trợ xác minh thông tin về các khách hàng (1 tổ chức và 02 cá nhân) nhập khẩu hàng hóa của Công ty tại Trung Quốc. Kết quả xác minh do Tổng cục Thuế Trung Quốc[2] cung cấp cho thấy: 01 tổ chức đã bỏ địa chỉ kinh doanh từ tháng 01/2018; 01 cá nhân không có thật; 01 cá nhân không thừa nhận có quan hệ kinh tế, mua tinh bột sắn từ Công ty[3].

Kết quả xác minh đặt ra nghi vấn rất lớn về tính xác thực của giao dịch kinh tế và tính hợp pháp của các hợp đồng kinh tế giữa Công ty An Phát (là bên xuất khẩu) với bên nhập khẩu, trong khi hợp đồng là một trong các điều kiện quan trọng để được hoàn thuế theo quy định pháp luật. Do đó, để có cơ sở cho việc hoàn thuế tại công ty An Phát, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật thuế và kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố Hà Nội: “Trong quá trình thanh tra, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã tiến hành phân tích hồ sơ, đánh giá rủi ro đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hoàn thuế, sau khi phân tích hồ sơ đã xuất hiện một số các dấu hiệu rủi ro như về quy mô doanh nghiệp, công ty thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ, số lao động ít, công ty kinh doanh thương mại xuất khẩu có doanh thu lớn hơn nhiều lần so với số vốn điều lệ; công ty không có kho hàng. Hàng hóa xuất khẩu được vận chuyển trực tiếp từ nhà cung cấp đến thẳng cửa khẩu xuất khẩu hoặc được công ty thuê vận chuyển đến cửa khẩu xuất khẩu. Các cửa khẩu xuất hàng được thông báo thông qua điện thoại hoặc tin nhắn từ phía khách hàng Trung Quốc cho công ty mà không quy định cụ thể trên hợp đồng mua bán.” Về chứng từ thanh toán, mặc dù nội dung thanh toán thể hiện số, ngày tháng hợp đồng mua bán nhưng “chứng từ thanh toán biên mậu qua Internet Banking TQ VN không có thông tin của khách hàng nước ngoài theo hợp đồng xuất khẩu, không có thông tin về người mua hàng. Người chuyển tiền là các Trung tâm thanh toán hoặc các cá nhân được ủy quyền thanh toán theo hợp đồng.”

Vì vậy, Cục Thuế tiếp tục đề nghị Tổng cục Thuế[4] hỗ trợ xác minh các khách hàng là tổ chức, cá nhân người Trung Quốc nhập khẩu mặt hàng tinh bột sắn của Công ty An Phát. Kết quả xác minh do Tổng cục Thuế Trung Quốc cung cấp cho thấy: 01 Công ty đã bỏ địa chỉ kinh doanh; 02 Công ty và 03 cá nhân không có thật (không tồn tại tại địa chỉ); còn lại 15 Công ty và 03 cá nhân không thừa nhận có quan hệ kinh tế với Công ty An Phát[5].

Việc bên nhập khẩu không tồn tại hoặc không thừa nhận có nhập khẩu tinh bột sắn từ Công ty An Phát dẫn đến rủi ro cao về giá trị pháp lý của hợp đồng. Từ tình hình trên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các quy định tại Thông tư liên tịch số 85/2016/TTLT-BTC-BCA ngày 20/6/2016 của Bộ Tài chính và Bộ Công an quy định về phối hợp công tác bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã có văn bản[6] đề nghị cơ quan điều tra phối hợp xác minh đối chiếu các hợp đồng xuất khẩu; hàng hóa mua vào của Công ty An Phát.

Ngày 15/10/2020, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội ban hành Thông báo kết quả giải quyết nguồn tin tội phạm số 617/PC03, trong đó có nêu: “Công An thành phố Hà Nội đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tương trợ tư pháp, hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật nhung chưa có kết quả, ngày 15/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra Quyết định số 360/PC03-Đ5 về việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.”

Ngày 18/01/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội có công văn số 181/CSĐT-Đ5 trao đổi kết quả xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm hoàn thuế VAT của Công ty An Phát: “Đối với các doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu tinh bột sắn của Công ty An Phát, do đến nay chưa có kết quả tương trợ tư pháp của cơ quan chức năng phía Trung Quốc nên Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội chưa có đủ căn cứ để kết luận việc mua bán tinh bột sắn giữa các doanh nghiệp này với Công ty An Phát.”

Ngày 24/07/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội tiếp tục có công văn số 6616/CSĐT-Đ5[7] trao đổi kết quả liên quan đến việc xác minh dấu hiệu vi phạm hoàn thuế GTGT của Công ty An Phát: “Cơ quan điều tra đã yêu cầu tương trợ tư pháp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc nêu trên đang tạm đình chỉ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, do vậy chưa đủ căn cứ kết luận việc mua bán, nhập khẩu tinh bột sắn của các cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc với Công ty An Phát.

Đến nay, qua công tác phối hợp với Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an thành phố Hà Nội thì Cục Thuế thành phố Hà Nội có báo cáo:

“Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) - Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện xác minh khách hàng Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa của Công ty An Phát. Đến nay đã có 03 văn bản gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đề nghị hỗ trợ thực hiện.

Sau 03 lần Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam gửi công văn đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc để phối hợp xác minh thì ngày 26/7/2023, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có văn bản đề nghị bổ sung thông tin, tài liệu cung cấp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc theo Công hàm đề ngày 02/6/2023. Việc cung cấp thông tin này là để tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc xem xét, thực hiện nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp cho phía Việt Nam.”

*Liên quan đến hồ sơ hoàn thuế GTGT của Công ty An Phát, trong chương trình làm việc ngày 22/8/2023 của Đoàn công tác của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) tại Cục Thuế thành phố Hà Nội về các nội dung liên quan trong công tác hoàn thuế GTGT, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã báo cáo bổ sung:

Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ thứ 32, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định giải quyết hoàn thuế số 163093/QĐ-CTHN-KDT ngày 21/8/2023, số tiền thuế Công ty được hoàn: 339.287.902 đồng và ra Thông báo số 18748/TB-CCT-KTr2 ngày 18/8/2023 về số thuế GTGT chưa đủ điều kiện được hoàn: 7.659.329.000. Đối với hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ thứ 33, Cục Thuế ra Thông báo số 18749/TB-CCT-KTr2 ngày 18/8/2023 về số thuế GTGT chưa đủ điều kiện được hoàn: 3.840.974.000 đồng.

3. Căn cứ phép lý và đánh giá của Bộ Tài chính

- Căn cứ khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý thuế ngày 13/06/2019[8], thông tin trao đổi với cơ quan thuế nước ngoài là một trong các nguồn thông tin mà cơ quan thuế phải rà soát, xử lý trong công tác quản lý thuế. Căn cứ thông tin nhận được, cơ quan thuế đánh giá rủi ro về thuế và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế tại khoản 14 và 15 Điều 3 và Điều 9 Luật Quản lý thuế[9].

Do đó, thông tin trao đổi giữa Tổng cục Thuế Việt Nam và Tổng cục Thuế Trung Quốc theo Hiệp định thuế giữa 02 nước là nguồn thông tin quan trọng, có giá trị pháp lý mà cơ quan thuế phải đánh giá và cân nhắc trong quá trình quản lý thuế nói chung và công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế nói riêng.

- Căn cứ khoản 2 Điều 12 và khoản 2 Điều 13 Luật Thuế giá trị gia tăng ngày 03/6/2008[10], hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu cần đáp ứng 04 điều kiện: (i) hợp đồng ký kết với bên nhập khẩu; (ii) hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; (iii) chứng từ thanh toán qua ngân hàng; và (iv) tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

Qua quá trình thanh tra, kiểm tra tại Công ty, Cục Thuế thành phố Hà Nội nhận thấy các điều kiện hoàn thuế GTGT theo quy định của Công ty chưa đảm bảo và tồn tại các vấn đề pháp lý quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát ngân sách nhà nước liên quan đến tính pháp lý của hợp đồng ký kết với bên nhập khẩu và các rủi ro qua phân tích hình thức và chứng từ thanh toán nên Cục Thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xác minh, điều tra theo thẩm quyền là phù hợp với quy định tại Điều 23, khoản 2 Điều 108, khoản 4 và 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế[11].

- Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 13 Thông tư số 99/2016/TT-BTC[12] ngày 29/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng và khoản 5 Điều 35 Thông tư số 80/2021/TT-BTC[13] ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế: Trong quá trình giải quyết hoàn thuế, trường hợp cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra thì cơ quan thuế thông báo cho người nộp thuế về việc hồ sơ chưa đủ điều kiện hoàn thuế và sẽ thực hiện giải quyết hoàn thuế khi có kết quả hoặc ý kiến của cơ quan công an. Do đó, trường hợp Cục Thuế thành phố Hà Nội tạm dừng giải quyết hoàn thuế khi chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra là đúng quy định về thủ tục hoàn thuế GTGT.

Theo báo cáo của Cục Thuế thành phố Hà Nội ở trên, hiện nay quá trình xác minh thông qua tương trợ tư pháp giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc vẫn đang được thực hiện; Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Hà Nội chỉ đang tạm đình chỉ điều tra. Do đó, việc Cục Thuế thành phố Hà Nội chưa tiếp tục giải quyết hoàn thuế GTGT kỳ hoàn 32, 33 cho Công ty An Phát là có cơ sở.

- Căn cứ các quy định tại Luật Khiếu nại ngày 11/11/2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cơ quan thuế (Cục Thuế thành phố Hà Nội và Tổng cục Thuế) đã ban hành các Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 và lần 2 của Công ty đối với các quyết định tạm dừng hoàn thuế GTGT của Cục Thuế thành phố Hà Nội. Như vậy, đối với hồ sơ hoàn thuế GTGT của Công ty An Phát, cơ quan thuế đã xử lý đầy đủ theo đúng các quy định và trình tự thủ tục có liên quan.

Trường hợp Công ty không đồng ý với quyết định hành chính của cơ quan thuế thì Công ty thực hiện khởi kiện hành chính theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Tuy nhiên, Công ty không thực hiện mà liên tục có nhiều văn bản “cầu cứu” gửi các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trình bày nhiều quan điểm bảo vệ lợi ích của Công ty nhưng nội dung báo cáo thể hiện không đầy đủ, chưa khách quan.

4. Nhận xét và ý kiến của Bộ Tài chính

Thứ nhất, thẩm quyền giải quyết hồ sơ và quyết định hoàn thuế đã được quy định cụ thể. Trách nhiệm giữa cơ quan thuế các cấp đã được phân công, phân nhiệm đầy đủ, rõ ràng, không có sự đùn đẩy, né tránh.

Căn cứ khoản 4 Điều 76 Luật Quản lý thuế “4. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định trình tự, thủ tục hoàn thuế”, Bộ Tài chính đã quy định chi tiết, hướng dẫn cơ quan thuế các cấp thực hiện trình tự, thủ tục hoàn thuế tại Chương V Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngay 29/9/2021.

Tại điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 27; khoản 1 và 3 Điều 36 Thông tư số 80/2021/TT-BTC đã quy định rõ Cục Thuế có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và ban hành quyết định hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu đối với người nộp thuế do Cục Thuế quản lý trực tiếp và người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý trực tiếp[14]. Trường hợp trong quá trình giải quyết hồ sơ có phát sinh vướng mắc thì Cục Thuế đề nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính hướng dẫn về mặt chính sách, quy trình; Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế không thể chỉ đạo Cục Thuế thực hiện hoàn thuế hay không hoàn thuế đối với 01 hồ sơ cụ thể.

Công ty An Phát do Chi cục Thuế quận Ba Đình quản lý trực tiếp, do đó, quyết định hoàn thuế GTGT cho Công ty thuộc thẩm quyền của Cục Thuế thành phố Hà Nội. Quá trình giải quyết hồ sơ của Cục Thuế thành phố Hà Nội đã được báo cáo ở phần trên.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, trên cơ sở đề nghị của Cục Thuế thành phố Hà Nội, Tổng cục Thuế đã 03 lần hỗ trợ Cục Thuế thành phố Hà Nội trao đổi thông tin với cơ quan thuế Trung Quốc và nhiều lần trả lời các vướng mắc của Cục Thuế[15]. Khi nhận được các đơn thư của Công ty An Phát và các văn bản của các cơ quan, ban, ngành chuyển đến, Tổng cục Thuế đã luôn kịp thời chỉ đạo Cục Thuế xem xét, đối thoại, giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT của Công ty An Phát theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền[16].

Đối với công tác quản lý hoàn thuế nói chung, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn số 5427/BTC-VP ngày 26/5/2023, Tổng cục Thuế có các công văn số 2099/TCT-KK ngày 26/5/2023, số 2426/TCT-KK ngày 15/6/2023, số 2489/TCT-VP ngày 19/6/2023 và Công điện số 07/CĐ-TCT ngày 09/8/2023 về việc đẩy nhanh giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT, đảm bảo giải quyết hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đúng thời hạn quy định, đúng đối tượng và trường hợp được hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế và pháp luật quản lý thuế.

Thứ hai, xác định nghĩa vụ thuế phải căn cứ trên hồ sơ, chứng từ có giá trị pháp lý, được pháp luật công nhận.

Tại khoản 4 Điều 143 Luật Quản lý thuế[17] đã quy định hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ làm tăng số thuế được hoàn là hành vi trốn thuế. Điều 4 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP[18] ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn có quy định chi tiết về từng hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp và hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ. Về nguyên tắc, người nộp thuế khi kê khai, xác định nghĩa vụ thuế phải sử dụng các hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo đúng quy định pháp luật; trường hợp có mua bán hàng hóa, dịch vụ nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì cũng không được sử dụng để kê khai thuế.

Thực tế vẫn còn tình trạng mua bán hóa đơn, chứng từ không hợp pháp nhằm hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc bán ra để kê khai, nộp thuế. Thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực phối hợp với cơ quan công an phát hiện, điều tra, khởi tố một số vụ việc có phạm vi rộng, thủ đoạn tinh vi làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà các cơ quan truyền thông cũng có phản ánh. Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế phải ban hành nhiều chỉ đạo yêu cầu cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác quản lý hóa đơn để phòng chống, ngăn ngừa tình trạng này.

Thứ ba, trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài nói riêng và hợp tác quốc tế về thuế nói chung là một công cụ hữu hiệu phục vụ công tác quản lý thuế.

Việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài là một trong những nguyên tắc đã được quy định tại Luật Quản lý thuế, là một hoạt động cần thiết đã và đang được thực hiện thường xuyên nhằm phục vụ công tác quản lý thuế. Trao đổi thông tin về thuế nói riêng và hợp tác quốc tế về thuế nói chung hiện nay đã trở thành xu thế không thể đảo ngược và đang ngày càng phát triển với nhiều hình thức hợp tác mới nhằm giải quyết các nguy cơ trốn thuế, gian lận về thuế và những thách thức rất lớn trong thời đại kinh tế số. Thông qua trao đổi thông tin về thuế, cơ quan thuế các nước mới có thể nhìn nhận và đánh giá rủi ro tiềm tàng từ các giao dịch kinh tế xuyên biên giới mà bản thân từng cơ quan thuế riêng lẻ không thể thực hiện được.

Chính từ các kết quả trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài (theo yêu cầu của phía cơ quan thuế Việt Nam hoặc do cơ quan thuế nước ngoài trao đổi tự nguyện), cơ quan thuế đã phát hiện và đấu tranh với nhiều hành vi vi phạm pháp luật về thuế, qua đó giúp thu vào ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng. Việc không áp dụng trao đổi thông tin nghĩa là cơ quan thuế đã tự làm mất đi một công cụ hữu hiệu phục vụ quản lý nhà nước về thuế.

Thứ tư, áp dụng quy định pháp luật cần đảm bảo nguyên tắc bình đẳng và thống nhất.

Vấn đề Công ty An Phát đề nghị không công nhận kết quả trao đổi thông tin hoặc không thực hiện trao đổi thông tin như Hiệp hội sắn Việt Nam đã từng đề xuất tại các hội nghị đối thoại với cơ quan thuế trước đây là không phù hợp với thực tiễn quản lý thuế và trái quy định của Luật Quản lý thuế, cần lưu ý rằng sử dụng thông tin trao đổi không phải là áp đặt hành vi phạm pháp luật cho người nộp thuế mà thông tin là cơ sở để cơ quan thuế rà soát, đánh giá rủi ro và lựa chọn áp dụng biện pháp nghiệp vụ phù hợp, trong đó có công tác phối hợp, đề nghị các cơ quan chức năng xác minh, điều tra nếu cần.

Nếu áp dụng riêng cho Công ty An Phát hoặc các công ty tương tự sẽ không đảm bảo sự công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp khác, nhất là các trường hợp vi phạm pháp luật mà cơ quan thuế đã xử lý thông qua kết quả trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh thông tin trao đổi cho thấy đây là trường hợp có phát sinh vấn đề pháp lý quan trọng.

Thứ năm, cần có quan điểm và ứng xử nhất quán đối với quan hệ kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, cùng với sự mở cửa ngày càng tăng của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng mở rộng phạm vi giao thương với các doanh nghiệp/đối tác nước ngoài. Và hiển nhiên, rủi ro trong các hoạt động kinh tế này là không thể phủ nhận.

Điển hình như thời gian gần đây, khi các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản bị đối tác nước ngoài lừa đảo thì các doanh nghiệp gửi đơn “cầu cứu” Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ và rất nhiều bộ, ngành. Trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, lãnh đạo Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời và yêu cầu các bộ, ngành hỗ trợ, can thiệp cả về mặt ngoại giao để giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại.

Vậy câu hỏi đặt ra: Khi giao dịch với đối tác nước ngoài bị lừa đảo làm thiệt hại quyền lợi của doanh nghiệp thì Nhà nước phải huy động nhiều nguồn lực vào cuộc hỗ trợ cho doanh nghiệp; còn khi giao dịch với đối tác nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật, làm thất thoát ngân sách nhà nước thì Nhà nước phải chấp nhận thiệt hại tiền thuế, doanh nghiệp hoàn toàn không chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, pháp luật đã có cơ chế giải quyết tranh chấp giữa doanh nghiệp và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, giữa người nộp thuế với cơ quan thuế.

Việc bất đồng quan điểm giữa doanh nghiệp và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, giữa người nộp thuế với cơ quan thuế thực tế vẫn thường xuyên xảy ra. Điều này dẫn đến người nộp thuế có thể cho rằng quyết định hành chính của cơ quan thuế ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của họ và không đồng ý với quyết định của cơ quan thuế. Vấn đề này, pháp luật Việt Nam đã có đầy đủ cơ chế để giải quyết và phân xử. Quốc hội đã ban hành Luật Khiếu nại ngày 11/11/2011 và Luật Tố tụng hành chính ngày 25/11/2015. Trường hợp người nộp thuế đã thực hiện khiếu nại nhưng vẫn không đồng ý với cơ quan thuế thì có thể khởi kiện ra tòa hành chính, tại các quyết định giải quyết khiếu nại đều có nêu. Đây là hành xử văn minh nhưng Công ty đến nay không thực hiện.

Việc Công ty không thực hiện hết các quyền của mình theo quy định pháp luật mà liên tục có nhiều văn bản “cầu cứu” gửi các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trình bày nhiều quan điểm bảo vệ lợi ích của Công ty nhưng nội dung báo cáo thể hiện không đầy đủ, chưa khách quan đã làm ảnh hưởng đến uy tín và thời gian, công việc thường xuyên của ngành tài chính và cơ quan thuế các cấp. Bộ Tài chính rất mong Ban Dân nguyện có ý kiến trao đổi để Công ty thực hiện theo đúng quy định pháp luật.

Trong công tác giải quyết hoàn thuế GTGT, Bộ Tài chính và cơ quan thuế các cấp đã triển khai rất nhiều các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, kịp thời giải quyết hoàn thuế GTGT theo đúng quy định. Bộ Tài chính và cơ quan thuế luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và rất mong nhận được sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật thuế, tiếp tục phối hợp với cơ quan thuế trong việc phát hiện, phản ánh các trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để kịp thời xử lý theo quy định, góp phần chong thất thoát ngân sách nhà nước trong hoàn thuế GTGT và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước giao.

Bộ Tài chính kính báo cáo Ban Dân nguyện tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (để b/c);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó TTgCP Lê Minh Khái (để b/c);
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Tài chính - Ngân sách;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Thuế thành phố Hà Nội;
- Lưu: VT, TCT (VT, TTKT).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Chi

 



[1] Công văn số 64924/CT-TKT10 ngày 19/8/2019.

[2] Tổng cục Thuế Trung Quốc (China State Tax Administration) là cơ quan ngang bộ thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung quốc.

Các văn bản do Tổng cục Thuế Trung Quốc gửi về kết quả trao đổi thông tin được ký bởi 01 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trung Quốc - là Nhà chức trách có thẩm quyền theo quy định của Hiệp định thuế được phía Trung Quốc thông báo cho Việt Nam.

[3] Tổng cục Thuế thông báo kết quả trao đổi thông tin tại công văn số 501/TCT-HTQT ngày 11/02/2020.

[4] Công văn số 65421/CT-TKT10 ngày 14/7/2020 và số 18288/CTHN-TTKT ngày 25/5/2021.

[5] Tổng cục Thuế thông báo kết quả trao đổi thông tin tại các công văn số 2271/TCT-HTQT ngày 24/06/2020 và số 216/TCT-HTQT ngày 19/01/2022.

[6] Công văn số 29/CT-TKT10 ngày 22/05/2020 của Cục Thuế thành phố Hà Nội

[7] Cục Thuế thành phố Hà Nội có công văn số 51097/CTHN-TTKT10 ngày 14/07/2023 đề nghị Cơ quan điều tra sớm có kết luận chính thức, thông tin đến cơ quan thuế về việc mua bán tinh bột sắn giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với Công ty An Phát.

[8] Điều 96. Xây dựng, thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin người nộp thuế

2. Cơ quan quản lý thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để thu thập, trao đổi, xử lý thông tin trong nước, ngoài nước, thông tin chính thức từ các cơ quan quản lý thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến lĩnh vực thuế, lĩnh vực hải quan để sử dụng trong công tác quản lý thuế.

[9] Điều 3. Giải thích từ ngữ

14. Rủi ro về thuế là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của người nộp thuế dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

15. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.

Điều 9. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế

1. Cơ quan thuế áp dụng quản lý rủi ro trong đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, hoàn thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế, quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

2. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong khai thuế, hoàn thuế, không thu thuế, kiểm tra thuế, thanh tra thuế và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

3. Áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế gồm nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế; xây dựng tiêu chí quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế; phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế và tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

4. Đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế được quy định như sau:

a) Đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế được thực hiện dựa trên hệ thống các tiêu chí, thông tin về lịch sử quá trình hoạt động của người nộp thuế, quá trình tuân thủ pháp luật và mối quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý thuế trong việc thực hiện pháp luật về thuế và mức độ vi phạm pháp luật về thuế;

b) Phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế được thực hiện dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế. Trong quá trình phân loại mức độ rủi ro, cơ quan quản lý thuế xem xét các nội dung có liên quan, gồm thông tin về dấu hiệu rủi ro; dấu hiệu, hành vi vi phạm trong quản lý thuế; thông tin về kết quả hoạt động nghiệp vụ của cơ quan quản lý thuế, cơ quan khác có liên quan theo quy định của Luật này;

c) Cơ quan quản lý thuế sử dụng kết quả đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và kết quả phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

5. Cơ quan quản lý thuế ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để tự động tích hợp, xử lý dữ liệu phục vụ việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

6. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, phân loại mức độ rủi ro và việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

[10] Điều 12. Khẩu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:

a) Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;

b) Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;

c) Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các Điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này phải có hợp đồng ký kết với bên ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chứng từ thanh toán qua ngân hàng, tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu..

Điều 13. Các trường hợp hoàn thuế

2. Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý.”

[11] Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh tội phạm trong lĩnh vực thuế theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan quản lý thuế.

Điều 108. Xử lý kết quả kiểm tra thuế, thanh tra thuế

2. Trường hợp kiểm tra thuế, thanh tra thuế mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan quản lý thuế chuyển hồ sơ cha cơ quan điều tra có thẩm quyền để điều tra theo quy định của pháp luật; cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong việc điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật..

Điều 143. Hành vi trốn thuế

4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào tong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

5. Sử dụng chúng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

[12] Điều 13. Xác định số thuế giá trị gia tăng được hoàn của người nộp thuế

3. Trong quá trình giải quyết hoàn thuế mà cơ quan thuế qua công tác kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra hoặc người hộp thuế bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ liên quan đến số thuế đề nghị hoàn thì cơ quan thuế phải thông báo cho người nộp thuế về việc hồ sơ chưa đủ điều kiện hoàn thuế. Cơ quan thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế khi có kết quả hoặc ý kiến của cơ quan công an hoặc của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi có đủ hồ sơ theo quy định.”

[13] Điều 35. Áp dụng biện pháp nghiệp vụ trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế

5. Trong quá trình giải quyết hoàn thuế mà cơ quan thuế qua công tác kiểm tra, thanh tra thuế phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra hoặc người nộp thuế bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu giữ sổ sách kế toán, hóa đơn chứng từ liên quan đến số thuế đề nghị hoàn thì cơ quan thuế phải gửi Thông báo về việc hồ sơ chưa đủ điều kiện hoàn thuế theo mẫu số 04/TB-HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này cho người nộp thuế. Cơ quan thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế khi có kết quả hoặc ý kiến của cơ quan công an hoặc của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi có đủ hồ sơ theo quy định.

[14] Điều 27. Trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc xử lý hồ sơ hoàn thuế

1. Trường hợp hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế:

a) Hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng.

b) Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng sinh học.

c) Hoàn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế

a) Cục Thuế có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hoàn thuế nêu tại khoản 1 Điều này (trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản này) đối với người nộp thuế do Cục Thuế quản lý trực tiếp và người nộp thuế do Chi cục Thuế quản lý trực tiếp.

Điều 36. Quyết định hoàn thuế

1. Cơ quan thuế giải quyết hồ sơ hoàn thuế xác định số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không được hoàn, số tiền thuế nợ phải bù trừ, số thuế đề nghị nộp thay vào ngân sách nhà nước cho người nộp thuế khác, số tiền thuế còn được hoàn trà cho người nộp thuế, thực hiện lập đề xuất hoàn thuế và dự thảo Quyết định hoàn thuế theo mẫu số 01/QĐHT (hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 02/QĐHT), Phụ lục số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp được bù trừ theo mẫu số 01/PL-BT (nếu có), Thông báo về việc không được hoàn thuế theo mẫu số 04/TB-HT (nếu có) ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.

3. Chi cục Thuế được phân công tiếp nhận và giải quyết theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Thông tư này chuyển toàn bộ hồ sơ giải quyết hoàn thuế theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này cho Cục Thuế để xem xét ban hành Quyết định hoàn thuế. Cục Thuế ban hành Quyết định hoàn thuế theo mẫu số 01/QĐHT trong trường hợp người nộp thuế không còn tiền thuế nợ hoặc Quyết định hoàn kiêm bù trừ khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 02/QĐHT, Phụ lục số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp được bù trừ theo mẫu số 01/PL-BT (nếu có) trong trường hợp người nộp thuế còn nợ tiền thuế nợ hoặc người nộp thuế đề nghị bù trừ số thuế được hoàn trả với khoản nợ, khoản thu phát sinh của người nộp thuế khác, hoặc Quyết định thanh toán cho ngân hàng là đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 72/2014/TT-BTC ngày 30/5/2014 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Thông tư số 92/2019/TT-BTC ngày 31/12/2019 của Bộ Tài chính đối với hoàn thuế cho ngân hàng là đại lý hoàn thuế giá trị gia tăng, Thông báo về việc không được hoàn thuế mẫu số 04/TB-HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này. Cục Thuế chịu trách nhiệm về quyết định hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

[15] Các công văn số 2373/TCT-TTKT ngày 13/06/2023 và số 2958/TCT-TTKT ngày 17/07/2023.

[16] Các công văn số 364/TCT-TTKT ngày 10/02/2022, số 2170/TCT-TTKT ngày 01/06/2023, số 2296/TCT-TTKT ngày 08/06/2023, số 2365/TCT-TTKT ngày 12/06/2023, số 2623/TCT-TTKT ngày 27/06/2023, số 2754/TCT TTKT ngày 05/07/2023.

[17] Điều 143. Hành vi trốn thuế

4. Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

[18] Điều 4. Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ

1. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:

a) Hóa đơn, chứng từ giả;

b) Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;

c) Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

d) Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

đ) Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

e) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

2. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

b) Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

c) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

d) Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

đ) Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

e) Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 9421/BTC-TCT năm 2023 thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoàn thuế giá trị gia tăng tại Công ty An Phát do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 9421/BTC-TCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 05/09/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Đức Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản