Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1011/TB-TCT

Hà Nội, ngày 06 tháng 12 năm 2023

 

THÔNG BÁO

PHÂN CÔNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA ỦY BAN TÀI CHÍNH NGÂN SÁCH - QUỐC HỘI VỀ QUẢN LÝ HOÀN THUẾ GTGT

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính tại văn bản số 8987/VPCP-KTTH ngày 16/11/2023 về việc nghiên cứu báo cáo, đề xuất, kiến nghị của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) tại văn bản số 1595/BC-UBTCNS15 ngày 22/10/2023 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT đối với xuất khẩu” để rà soát, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT và pháp luật có liên quan, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, giải quyết dứt điểm các vướng mắc tồn đọng của doanh nghiệp trước ngày 31/12/2023; thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục tại tờ trình ngày 22/11/2023 của Vụ Kê khai về việc phân công triển khai nghiên cứu, thực hiện các đề xuất, kiến nghị của UBTCNS về công tác hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế phân công các Vụ/Cục/Đơn vị triển khai thực hiện ngay một số công việc, cụ thể như sau:

1. Giao Vụ Chính sách:

Tiếp tục chủ trì việc rà soát, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về hoàn thuế GTGT, hóa đơn điện tử để báo cáo Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung, qua đó khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoàn thuế GTGT.

Ngoài ra, chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế nghiên cứu, báo cáo, tham mưu Tổng cục về tính pháp lý của hợp đồng xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu theo chính sách biên mậu quy định tại Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; nghiên cứu nhận xét, kiến nghị, đề xuất của UBTCNS đối với việc phải làm rõ quan điểm về chính sách thuế GTGT của hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn qua biên mậu theo quy định tại Nghị định số 14/2018/NĐ-CP để xử lý dứt điểm các hồ sơ hoàn thuế GTGT mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu qua biên mậu thời gian qua.

(Nội dung và thời hạn thực hiện các kiến nghị số 3, 6.5, 6.6, 7 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

2. Giao Ban Quản lý rủi ro:

Kịp thời nắm bắt các vướng mắc, đề xuất của Cục Thuế, đánh giá kết quả thực hiện công tác phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động theo quản lý rủi ro để báo cáo Tổng cục có điều chỉnh kịp thời mức điểm rủi ro của bộ tiêu chí, hoàn thiện bộ tiêu chí chỉ số tại Quyết định số 1388/QĐ-TCT ngày 18/9/2023, đảm bảo tính khách quan, phù hợp thực tiễn quản lý hoàn thuế GTGT đối với công tác phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT tự động theo quản lý rủi ro.

Phối hợp với Cục CNTT kịp thời nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng TPR phân hệ phân loại hồ sơ hoàn thuế để triển khai, đáp ứng tự động hóa tối đa trong công tác phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quản lý rủi ro.

(Nội dung và thời hạn thực hiện kiến nghị số 2 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

3. Giao Cục Thanh tra Kiểm tra Thuế:

- Tiếp tục chỉ đạo toàn diện về công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT:

+ Nắm bắt kịp thời các vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT của Cục Thuế các tỉnh, thành phố khi thực hiện chỉ đạo của Tổng cục tại công văn số 5004/TCT-TTKT ngày 09/11/2023 để đảm bảo việc thực hiện đúng, thống nhất chỉ đạo về thanh tra, kiểm tra hoàn thuế của các Cục Thuế;

+ Ban hành sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, xác minh hoàn thuế đảm bảo tập trung vào các trường hợp, nội dung cụ thể, phù hợp với mức độ rủi ro, tránh thực hiện tràn lan theo kiến nghị của UBTCNS.

+ Đẩy mạnh công tác hậu kiểm và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phù hợp nguyên tắc quản lý rủi ro và bảo đảm minh bạch; có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra sau hoàn thuế đối với những lĩnh vực có rủi ro cao về hoàn thuế GTGT (như trường hợp xuất khẩu của các doanh nghiệp có nguyên liệu là kim loại phế liệu thu mua từ các tổ chức/cá nhân trong nước đã được cơ quan thuế địa phương phát hiện, chuyển cơ quan công an điều tra thời gian qua).

- Chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố xử lý dứt điểm các hồ sơ tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu (đặc biệt là dăm gỗ, cao su...) đang có vướng mắc, phản ánh như: Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh trong công tác giải quyết hoàn thuế GTGT mặt hàng dăm gỗ; Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc trong việc giải quyết hoàn thuế Công ty CP Công nghệ Thủ Đô xuất khẩu dăm gỗ; Cục Thuế tỉnh Gia Lai trong việc giải quyết hoàn thuế Công ty Gia Tín Trọng Nghĩa xuất khẩu hàng tiêu dùng (bim bim, nước ngọt, mì tôm)...

(Nội dung và thời hạn thực hiện các kiến nghị số 3, 4, 5 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

4. Giao Vụ DNNCN

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu Tổng cục trong việc ban hành văn bản pháp luật, quy trình nghiệp vụ để hướng dẫn, quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc khai thác thông tin, dữ liệu về hóa đơn điện tử để phát hiện kịp thời các dấu hiệu vi phạm trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác quản lý thuế nói chung và hoàn thuế GTGT nói riêng.

(Nội dung và thời hạn thực hiện kiến nghị số 6.2 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

5. Giao Cục CNTT

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác hóa đơn điện tử phục vụ công tác hoàn thuế GTGT: chú trọng hỗ trợ NNT và cơ quan thuế trong khai khác dữ liệu hóa đơn điện tử, bảo đảm việc khai thác, tra cứu, sử dụng ứng dụng hóa đơn điện tử trong việc hỗ trợ xác minh hóa đơn một cách hiệu quả; tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế.

(Nội dung và thời hạn thực hiện các kiến nghị số 6.1, 6.3 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

- Đảm bảo việc cập nhật kịp thời về tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp (bên bán), kết nối, liên thông giữa thông tin quản lý của Bộ KHĐT với thông tin quản lý của ngành Thuế trên ứng dụng hóa đơn điện tử, tạo điều kiện đối đa cho NNT tra cứu về tính hợp pháp của các hóa đơn đầu vào, tình trạng hoạt động của bên bán hàng cho đến thời điểm kê khai thuế GTGT và thời điểm nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

(Nội dung và thời hạn thực hiện kiến nghị số 6.4 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

- Chủ trì thực hiện kiến nghị bảo đảm sự kết nối mạng liên thông giữa cơ quan quản lý thuế và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Bộ KHĐT, Bộ Công an) để có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin và quản lý chặt chẽ đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, tạo điều kiện phòng tránh các trường hợp gian lận, mua bán hóa đơn hoàn thuế GTGT một cách hiệu quả.

(Nội dung và thời hạn thực hiện kiến các nghị số 6.1, 6.3, 6.4, 7 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

6. Giao Vụ Kê khai và Kế toán Thuế

- Tham mưu Tổng cục tiếp tục báo cáo Bộ có văn bản gửi Bộ KHĐT về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế, hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng để thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm mục đích gian lận trong phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử trục lợi ngân sách nhà nước.

- Tổng hợp tình hình thực hiện các kiến nghị của UBTCNS, báo cáo Bộ báo cáo Chính phủ/UBTCNS của Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị, giải quyết các tồn đọng trong hoàn thuế GTGT.

(Nội dung và thời hạn thực hiện các kiến nghị số 3, 7 của UBTCNS tại Phụ lục kèm theo)

7. Giao Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là các Cục Thuế tỉnh, thành phố có số lượng hồ sơ hoàn thuế GTGT đang giải quyết lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương: tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua về công tác quản lý hoàn thuế GTGT, khẩn trương giải quyết các hồ sơ hoàn thuế GTGT đã tiếp nhận, hoàn thành trước ngày 31/12/2023, đảm bảo không còn tình trạng tồn đọng hồ sơ hoàn thuế GTGT, gây ảnh hưởng đến kết quả hoàn thuế GTGT của toàn ngành.

Tổng cục Thuế gửi kèm bản photocopy văn bản số 8987/VPCP-KTTH ngày 16/11/2023 của Văn phòng Chính phủ, văn bản số 1595/BC-UBTCNS ngày 22/10/2023 của Ủy ban Tài chính Ngân sách, tờ trình Tổng cục ngày 22/11/2023 của Vụ Kê khai và Kế toán Thuế để các Vụ/Cục/Đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo kết quả theo đúng thời hạn về Vụ Kê khai và Kế toán Thuế để tổng hợp báo cáo Tổng cục, báo cáo Bộ, Chính phủ, UBTCNS của Quốc hội trước ngày 15/01/2024.

Tổng cục Thuế thông báo để các Vụ/Cục/đơn vị được biết và nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Lãnh đạo Tổng cục (để b/c);
- Các Vụ/đơn vị: CS, PC, TTKT, QLRR, DNNCN, CNTT, KK;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, VP (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Đoàn Xuân Toản


PHỤ LỤC

CHI TIẾT PHÂN CÔNG CÁC VỤ/ĐƠN VỊ THỰC HIỆN KIẾN NGHỊ CỦA UBTCNS
(kèm theo Thông báo số 1011/TB-TCT ngày 06/12/2023 phân công triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Tài chính Ngân sách - Quốc hội về quản lý hoàn thuế GTGT)

Kiến nghị của UBTCNS

Cấp mà UBTCNS kiến nghị

Kiến nghị chi tiết

Nội dung dự kiến phải triển khai

Đơn vị thực hiện tại Tổng cục Thuế

Thời hạn báo cáo Tổng cục/hoàn thành

Kiến nghị số 1

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật về hoàn thuế GTGT và sớm có phương án bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi nội dung quy định liên quan của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT một cách phù hợp để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu tại các điểm 2, 3 Mục IV báo cáo (điểm 2.1 mục V trang 24 báo cáo).

Bộ Tài chính

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật về hoàn thuế GTGT và sớm có phương án bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để sửa đổi nội dung quy định liên quan của Luật Quản lý thuế và Luật Thuế GTGT một cách phù hợp để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu tại các điểm 2, 3 Mục IV báo cáo (điểm 2.1 mục V trang 24 báo cáo).

Hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT

Vụ Chính sách

Báo cáo Tổng cục trước ngày 15/12/2023

Hoàn thiện các quy định pháp luật về Luật Quản lý thuế

Vụ Chính sách

Báo cáo Tổng cục trước ngày 15/12/2023

Kiến nghị số 2

Khẩn trương triển khai việc áp dụng quản lý rủi ro vào thực chất để tăng cường hiệu quả quản lý thuế (điểm 2.2.4 mục V trang 25 báo cáo). Trong quý IV/2023, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế khẩn trương đưa vào triển khai trên thực tế

Tổng cục Thuế

Trong quý IV/2023, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế khẩn trương đưa vào triển khai trên thực tế:

+ Bộ tiêu chí và chỉ số về phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quản lý rủi ro mới được ban hành theo Quyết định số 1388/QĐ-TCT ngày 18/9/2023. Đồng thời, đề nghị công khai Bộ Tiêu chí trên các phương tiện thông tin đại chúng và các Cổng thông tin điện tử để đảm bảo sự rõ ràng minh bạch và tạo điều kiện khuyến khích người nộp thuế tự hoàn thiện tính tuân thủ của mình.

+ Ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro dựa trên bộ chỉ số tiêu chí phân loại, bảo đảm hiệu quả thực tế trong việc hỗ trợ công tác quản lý hoàn thuế GTGT.

Tổng hợp vướng mắc, đề xuất của Cục Thuế liên quan công tác phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động theo quản lý rủi ro; đánh giá kết quả thực hiện để có điều chỉnh kịp thời mức điểm rủi ro của bộ tiêu chí đảm phù hợp với nguồn lực thanh tra, kiểm tra của toàn ngành.

Ban QLRR

Báo cáo Tổng cục trước ngày 15/12/2023

Hoàn thiện ứng dụng phân loại tự động hồ sơ hoàn thuế GTGT theo quản lý rủi ro

Cục CNTT

Báo cáo Tổng cục trước ngày 15/12/2023

Kiến nghị số (3)

Rà soát các văn bản thanh tra kiểm tra hoàn thuế (điểm 2.2.1 mục V trang 24 báo cáo của UBTCNS):

Tổng cục Thuế

- Khẩn trương đến 31/12/2023 hoàn thành việc rà soát tổng thể các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của ngành thuế đã ban hành về hoàn thuế GTGT để có biện pháp điều chỉnh phù hợp và bảo đảm (điểm 2.2.1 mục V trang 24 báo cáo):

+ Tính hệ thống và phù hợp các nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên phân loại NNT về mức độ tuân thủ mức độ rủi ro, đã được quy định tại Luật Quản lý thuế;

+ Quy trình thực hiện rõ ràng và phù hợp quy định pháp luật về việc phân loại hồ sơ hoàn thuế và thời hạn đối với từng phân loại;

+ Đẩy mạnh công tác hậu kiểm và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phù hợp nguyên tắc quản lý rủi ro và bảo đảm minh bạch;

+ Hoàn thiện các biện pháp nghiệp vụ trong kiểm tra, thanh tra, rà soát, xác minh, tập trung vào các trường hợp, nội dung cụ thể phù hợp với mức độ rủi ro, tránh thực hiện tràn lan (có thể ban hành sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành)

Nắm bắt kịp thời các vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT của Cục Thuế các tỉnh, thành phố khi thực hiện chỉ đạo của Tổng cục tại công văn số 5004/TCT-TTKT ngày 09/11/2023 để đảm bảo việc thực hiện đúng, thống nhất chỉ đạo về thanh tra, kiểm tra hoàn thuế của các Cục Thuế

Cục TTKT

Báo cáo Tổng cục trước ngày 15/12/2023

Ban hành sổ tay nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, xác minh hoàn thuế đảm bảo tập trung vào các trường hợp, nội dung cụ thể, phù hợp với mức độ rủi ro, tránh thực hiện tràn lan theo kiến nghị của UBTCNS.

Cục TTKT

Báo cáo Tổng cục trước ngày 31/12/2023

Kiến nghị số (4)

Giải quyết, xử lý dứt điểm các hồ sơ tồn đọng (điểm 2.2.2 mục V trang 24 báo cáo)

 

Trước ngày 31/12/2023 giải quyết,  xử lý dứt điểm số hồ sơ đề nghị hoàn còn tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu đang gặp vướng mắc, đặc biệt là đối với các hồ sơ đã dừng hoàn trong một thời gian dài gây bức xúc cho doanh nghiệp. Đối với các trường hợp không có cơ sở để dừng hoàn theo quy định của pháp luật, đề nghị cơ quan thuế có văn bản trả lời rõ ràng về việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế, theo đó ban hành quyết định hoàn nếu đã đủ điều kiện. Trường hợp CQT cho rằng không đủ điều kiện hoàn thì ban hành văn bản về việc không giải quyết hoàn và chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Trong trường hợp doanh nghiệp không đồng tình với quyết định của CQT thì tiếp tục giải quyết theo quy trình khiếu nại và thủ tục tố tụng hành chính (nếu cần thiết) theo đúng các quy định pháp luật về quản lý thuế hiện hành.

Nghiên cứu, báo cáo, tham mưu Tổng cục về tính pháp lý của hợp đồng xuất khẩu mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu theo chính sách biên mậu quy định tại Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; nghiên cứu nhận xét, kiến nghị, đề xuất của UBTCNS đối với việc phải làm rõ quan điểm về chính sách thuế GTGT của hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn qua biên mậu theo quy định tại Nghị định số 14/2018/NĐ-CP để xử lý dứt điểm các hồ sơ hoàn thuế GTGT mặt hàng tinh bột sắn xuất khẩu qua biên mậu thời gian qua.

Vụ Chính sách

Báo cáo Tổng cục trước ngày 15/12/2023

Chủ trì chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố xử lý dứt điểm các hồ sơ tồn đọng của một số ngành hàng xuất khẩu (đặc biệt là dăm gỗ, cao su...) đang gặp vướng mắc tại kiến nghị số (3) như: Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh trong công tác giải quyết hoàn thuế GTGT mặt hàng dăm gỗ; Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc trong việc giải quyết hoàn thuế Công ty CP Công nghệ Thủ Đô xuất khẩu dăm gỗ; Cục Thuế tỉnh Gia Lai trong việc giải quyết hoàn thuế Công ty Gia Tín Trọng Nghĩa xuất khẩu hàng tiêu dùng (bim bim, nước ngọt, mì tôm)...

Cục TTKT

Chỉ đạo các Cục Thuế giải quyết dứt điểm trước 31/12/2023 theo thời hạn tại kiến nghị của UBTCNS

Tổng hợp kết quả hoàn thuế năm 2023, báo cáo Bộ báo cáo Chính phủ, UBTCNS

Vụ Kê khai

Báo cáo Tổng cục báo cáo Bộ trước ngày 15/1/2024

Kiến nghị số (5)

Tăng cường thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế (điểm 2.2.3 mục V trang 25 báo cáo)

 

- Đề nghị ngành thuế có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra sau hoàn thuế đối với những lĩnh vực được cảnh báo rủi ro (điểm 2.2.3 mục V trang 25 báo cáo).

- Xây dựng kế hoạch TTKT sau hoàn thuế trong năm 2024

Cục TTKT

Hoàn thành trước 31/12/2023

Kiến nghị số (6)

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, rà soát hóa đơn phục vụ công tác hoàn thuế GTGT (điểm 2.3.1 mục V trang 25 báo cáo).

 

(6.1) Chú trọng hỗ trợ NNT và bảo đảm việc khai thác, tra cứu, sử dụng ứng dụng Hóa đơn điện tử trong việc hỗ trợ xác minh hóa đơn một cách hiệu quả.

Hỗ trợ cơ quan thuế và NNT

Cục CNTT

Hoàn thành trước 31/12/2023

(6.2) Sớm ban hành văn bản pháp luậtquy trình nghiệp vụ để hướng dẫn, quy định rõ trách nhiệm của cán bộ, cơ quan quản lý thuế trực tiếp phải khai thác thông tin hóa đơn điện tử để có cơ chế phát hiện các dấu hiệu vi phạm, bảo đảm phục vụ kịp thời cho công tác quản lý thuế.

Nghiên cứu đề xuất về ban hành quy trình nghiệp vụ theo kiến nghị của UBTCNS

Vụ DNNCN

Báo cáo Tổng cục trước 31/12/2023

(6.3) Đẩy mạnh áp dụng các giải pháp CNTT phù hợp phục vụ việc khai thác thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý từ hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử của ngành thuế, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý.

Hỗ trợ cơ quan thuế và NNT

Cục CNTT

Hoàn thành trước 31/12/2023

(6.4) Kịp thời cập nhật về tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp (bên bán) đã đăng ký trên hệ thống và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin này, bảo đảm sự kết nối giữa ứng dụng quản lý thành lập doanh nghiệp (của Bộ KHĐT) với ứng dụng Hóa đơn điện tử, để tạo điều kiện cho NNT có thể tự tra cứu và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của các hóa đơn đầu vào và cập nhật được tình trạng pháp lý của bên bán hàng cho đến thời điểm kê khai nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế (tiết (1) điểm 2.3.2 mục V trang 26 báo cáo).

Liên thông giữa hệ thống thông tin trạng thái DN và hệ thống của hóa đơn điện tử

Cục CNTT

Báo cáo Tổng cục trước ngày 31/12/2023

(6.5) Nghiên cứu, ban hành văn bản quy định về thời điểm NNT phải chịu trách nhiệm về tính hợp lý hợp lệ của các hóa đơn đầu vào đã kê khai và tình trạng pháp lý của doanh nghiệp phát hành hóa đơn (bên bán). Ví dụ như: NNT sẽ tra cứu trên ứng dụng hóa đơn điện tử và chịu trách nhiệm về tính xác thực cho đến thời điểm NNT kê khai và nộp hồ sơ (tiết (2) điểm 2.3.2 mục V trang 26 báo cáo).

Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP

Vụ Chính sách

Báo cáo Tổng cục trước ngày 31/12/2023

(6.6) Đề nghị làm rõ tác dụng (tính tin cậy, xác thực) của việc CQT cấp mã vạch cho hóa đơn điện tử của doanh nghiệp để có cơ sở xác định trách nhiệm của các bên liên quan (điểm 2.3.2 mục V trang 26 báo cáo).

 

Vụ Chính sách, Cục CNTT

Báo cáo Tổng cục trước ngày 31/12/2023

Kiến nghị số 7

Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử liên quan đến quản lý hoàn thuế (điểm 2.4 mục V trang 26 báo cáo)

Chính phủ

Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan song song với việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử cần chú trọng xây dựng các giải pháp công nghệ đồng bộ với xây dựng hệ thống pháp luật để bảo đảm xác định danh tính người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, không để các đối tượng sử dụng giấy tờ giả ngay từ khi đăng ký thành lập, đăng ký thuế và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

+ Rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành về thành lập doanh nghiệp, đăng ký thuế và đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, để có phương án sửa đổi, bổ sung các quy định đối với các cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp hoặc thay đổi người đại diện, chủ sở hữu phải sử dụng mã định danh cá nhân, tài khoản định danh điện tử hoặc xác định lý lịch tư pháp,... hoặc các phương tiện điện tử khác một cách phù hợp;

Rà soát quy định về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế để báo cáo Bộ có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

Vụ Kê khai

Báo cáo Tổng cục trước ngày 31/12/2023

Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP

Vụ Chính sách

Báo cáo Tổng cục trước ngày 31/12/2023

+ Bảo đảm sự kết nối mạng liên thông giữa cơ quan quản lý thuế và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Bộ KHĐT, Bộ Công an) để có cơ chế phối hợp trao đổi thông tin và quản lý chặt chẽ đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, tạo điều kiện phòng tránh các trường hợp gian lận, mua bán hóa đơn hoàn thuế GTGT một cách hiệu quả

Hạ tầng, ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin liên thông về trạng thái DN

Cục CNTT

Báo cáo Tổng cục trước ngày 31/12/2023

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 1011/TB-TCT năm 2023 phân công triển khai thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Tài chính Ngân sách - Quốc hội về quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1011/TB-TCT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 06/12/2023
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Đoàn Xuân Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/12/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản