Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7001/CT-TTHT
V/v: Hóa đơn, chứng từ

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 08 năm 2015

 

Kính gửi: Chi nhánh Công ty TNHH Tiến Phước và Chín chín mươi - Khách sạn Le Meridien Saigon
Địa chỉ: 3C Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Mã số thuế: 0305113505-001

Trả lời văn bản không ghi số ngày 10/7/2015 của Chi nhánh về hóa đơn, chứng từ (Cục Thuế TP nhận được ngày 21/7/2015), Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

+ Tại Khoản 1h Điều 4 quy định nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập:

“Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hóa đơn.”

+ Tại Khoản 3 Điều 4 quy định:

“Một số trường hợp hóa đơn không nhất thiết có đầy đủ các nội dung bắt buộc:

b) Các trường hợp sau không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, trừ trường hợp nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hóa đơn có đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều này:

- Đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, Cục thuế xem xét và có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán”.

…”

+ Tại Khoản 2 Điều 16 quy định cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn:

“…

d) Tiêu thức “người bán hàng (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)”

Trường hợp thủ trưởng đơn vị không ký vào tiêu thức người bán hàng thì phải có giấy ủy quyền của thủ trưởng đơn vị cho người trực tiếp bán ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn và đóng dấu của tổ chức vào phía trên bên trái của tờ hóa đơn.

đ) Tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”

Riêng đối với việc mua hàng không trực tiếp như: Mua hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX thì người mua hàng không nhất thiết phải ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn. Khi lập hóa đơn tại tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”, người bán hàng phải ghi rõ là bán hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX.

Khi lập hóa đơn cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký của người mua nước ngoài.

…”

Căn cứ Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ:

+ Tại Khoản 1 Điều 3 sửa đổi điểm k Khoản 1 Điều 4 (quy định nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập) như sau:

k) Hóa đơn được thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt.

Dòng tổng tiền thanh toán trên hóa đơn phải được ghi bằng chữ. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.

…”

+ Tại Khoản 7b Điều 3 sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 16 (quy định cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn) như sau:

b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”

Người bán phải ghi đúng tiêu thức “mã số thuế” của người mua và người bán.

Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người bán, người mua phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người bán.

Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường” thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP”, "Việt Nam" thành "VN" hoặc “Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất” thành "SX”, "Chi nhánh” thành "CN”… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

…”

Trường hợp Chi nhánh là đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú theo trình bày hàng ngày sử dụng trung bình hàng trăm hóa đơn, tuy nhiên căn cứ vào Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (quý 2/2015) của Chi nhánh thì bình quân chỉ sử dụng trung bình 25 hóa đơn/ngày nên không có cơ sở để Cục Thuế xem xét việc Chi nhánh đề nghị không phải đóng dấu trên hóa đơn. Tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)” thuộc nội dung bắt buộc khi lập hóa đơn đề nghị Chi nhánh thực hiện theo quy định.

Trường hợp Chi nhánh muốn sử dụng thêm tiếng Anh trên hóa đơn thì chữ tiếng Anh được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Nếu chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC.

Đối với việc viết tắt trên hóa đơn Chi nhánh được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng theo hướng dẫn tại Khoản 7b Điều 3 Thông tư số 26/2015/TTBTC.

Cục Thuế TP thông báo Chi nhánh biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- P.KT3;
- P.PC;
- Lưu VT; TTHT.
1859_5407331 dttchung.

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Lệ Nga

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 7001/CT-TTHT năm 2015 về hóa đơn, chứng từ do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 7001/CT-TTHT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 06/08/2015
  • Nơi ban hành: Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trần Thị Lệ Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản