Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5660/TCHQ-TXNK
V/v thuế GTGT, mã số HS đối với thiết bị y tế

Hà Nội, ngày 26 tháng 8 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty OTTO BOCK VIỆT NAM
(Lô D01, đường Tân Thuận, Khu chế xuất Tân Thuận, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh)

Trả lời công văn số 01-2020 ngày 7/8/2020 của Công ty OTTO BOCK VIỆT NAM (dưới đây gọi là Công ty) về việc thuế giá trị gia tăng (dưới đây gọi là thuế GTGT) đối với thiết bị y tế dùng cho việc lắp ráp tay chân giả phục vụ cho người tàn tật. Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về thuế GTGT

Căn cứ khoản 24 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH13 quy định về đối tượng không chịu thuế “Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật”.

Căn cứ khoản 24 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT “Sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh, bao gồm cả sản phẩm là bộ phận cấy ghép lâu dài trong cơ thể người; nạng, xe lăn và dụng cụ chuyên dùng khác dùng cho người tàn tật”.

Trường hợp Công ty nhập khẩu các bộ phận của mặt hàng Bàn chân giả được xác định là sản phẩm nhân tạo dùng để thay thế cho bộ phận cơ thể của người bệnh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

2. Về mã HS hàng hóa

a) Việc áp mã HS của hàng hóa chỉ căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về hải quan; hồ sơ, tài liệu kỹ thuật của hàng hóa và thực tế hàng hóa. Hồ sơ công bố và phân loại trang thiết bị y tế chỉ liên quan đến chính sách quản lý hàng hóa nhập khẩu, không phải là căn cứ để phân loại hàng hóa.

b) Về phân loại mặt hàng “bàn chân giả” ở dạng hoàn chỉnh:

Theo chú giải chi tiết nhóm 90.21:

(III) Chi giả, răng giả, mắt giả hay những bộ phận nhân tạo khác của cơ thể

Đó là những dụng cụ để thay thế toàn bộ hay một phần cho bộ phận bị khuyết của cơ thể và nói chung làm giống như thật. Trong số những dụng cụ này có thể kể:

...(C) Các dụng cụ và đồ giả khác, và như cánh tay, cẳng tay, bàn tay, cẳng chân, bàn chân, mũi, khớp giả (ví dụ cho hông, đầu gối) và các ống bằng sợi tổng hợp để thay thế cho các mạch máu và van tim.

Như vậy, mặt hàng Bàn chân giả ở dạng hoàn chỉnh phù hợp phân loại vào nhóm 90.21 “Dụng cụ chỉnh hình, kể cả nạng, băng dùng trong phẫu thuật và băng cố định; nẹp và các dụng cụ cố định vết gẫy khác; các bộ phận nhân tạo của cơ thể người; thiết bị trợ thính và dụng cụ khác được lắp hoặc mang theo, hoặc cấy vào cơ thể, để bù đắp khuyết tật hay sự suy giảm của một bộ phận cơ thể”.

c. Về phân loại mặt hàng “bàn chân giả” ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời:

- Trường hợp Công ty nhập khẩu đầy đủ các bộ phận của Bàn chân giả trong cùng một lô hàng: Phân loại chung tất cả các bộ phận này theo mã số của sản phẩm Bàn chân giả ở dạng hoàn chỉnh.

- Trường hợp Công ty nhập khẩu các bộ phận của Bàn chân giả thành nhiều lô hàng, hoặc nhập dư thừa các bộ phận của Bàn chân giả trong cùng một lô hàng: Phân loại riêng các bộ phận, mã HS của mỗi bộ phận được xác định theo quy tắc phân loại bộ phận của Chú giải 2 Chương 90.

Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty biết và liên hệ với Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa để được hướng dẫn cụ thể./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- PTCT Lưu Mạnh Tưởng (để b/c);
- Lưu: VT, TXNK-Đ.Thuân (4b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Lê Mạnh Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5660/TCHQ-TXNK năm 2020 về thuế giá trị gia tăng, mã số HS đối với thiết bị y tế do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 5660/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 26/08/2020
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Lê Mạnh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/08/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản