Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5211/BNN-VPĐP
V/v hướng dẫn triển khai kế hoạch vốn NSTW (vốn sự nghiệp) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2021

Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2021

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Nghị quyết số 129/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 1379/QĐ-TTg ngày 02/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2021 (vốn sự nghiệp) thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), cụ thể như sau:

1. Nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2021

a) Vốn ngân sách Trung ương năm 2021 được phân bổ cho các địa phương để tiếp tục thực hiện các nội dung thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 theo các chế độ, chính sách hiện hành, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2021 được Chính phủ giao, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Ưu tiên hỗ trợ cho các xã chưa đạt chuẩn NTM, không thuộc địa bàn, phạm vi thực hiện của 02 Chương trình MTQG còn lại1, để hoàn thành xây dựng NTM trong giai đoạn 2021-2025, trong đó, ưu tiên hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021.

c) Hỗ trợ cho các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí và đạt chuẩn bền vững.

d) Ngân sách Trung ương chỉ bố trí cho các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi (Căn cứ theo dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2014). Các tỉnh, thành phố còn lại có điều tiết về ngân sách Trung ương2, chủ động cân đối vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.

đ) Đối với các xã đặc biệt khó khăn (thuộc địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo), các huyện nghèo, các địa phương chủ động, cân đối nguồn vốn được giao năm 2021 của hai Chương trình MTQG còn lại, để thực hiện, đảm bảo không chồng chéo đối tượng, nội dung hỗ trợ với Chương trình MTQG xây dựng NTM.

2. Định mức phân bổ

Căn cứ các quy định về định mức phân bổ vốn sự nghiệp hỗ trợ từ ngân sách trung ương (tại điểm b, khoản 2, Điều 5, Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020); các quy định về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 (Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 và Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 của Bộ Tài chính) và các văn bản có liên quan, các địa phương chủ động phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao để hỗ trợ các cấp (tỉnh, huyện, xã), các Sở, ngành tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của Chương trình trong năm 2021, trong đó, ưu tiên thực hiện các nội dung sau:

a) Hỗ trợ thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn: Ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); khuyến khích phát triển các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, phục vụ chế biến, xuất khẩu và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở nông thôn; bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn; phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, trang trại nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị;

b) Hỗ trợ thực hiện bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn: Tập trung hoàn thành các mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM; chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh, các khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu; nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt chuẩn; nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn và xử lý, với các mô hình phù hợp, phân loại rác tại hộ, điểm thu gom liên xã, liên huyện; phát triển, nhân rộng các mô hình tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp xã; phát động các phong trào làm sạch làng quê; thí điểm một số mô hình xử lý nước thải phân tán cụm dân cư góp phần giảm ô nhiễm môi trường và cải tạo cảnh quan ở nông thôn; triển khai các mô hình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, phân phối và chế biến nông sản;

c) Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cho người dân nông thôn; phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc và giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đẩy mạnh công tác giáo dục và chăm sóc sức khoẻ ở nông thôn; mở rộng các mô hình hiệu quả về giữ gìn an ninh trật tự nông thôn;

d) Tổ chức triển khai công tác quản lý, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực, nhận thức và tư duy cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cán bộ Ban quản lý cấp xã, Ban phát triển thôn; truyền thông về xây dựng nông thôn mới....; kinh phí hoạt động của cơ quan chỉ đạo Chương trình ở các cấp;

đ) Kinh phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình đầu tư sau khi đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng trên địa bàn xã;

e) Triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), trong đó, ưu tiên triển khai thí điểm các mô hình xây dựng làng nông thôn mới thông minh theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ số trong lấy ý kiến sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, kết nối sản xuất với tiêu thụ hàng hoá nông sản và dịch vụ, du lịch cộng đồng nông thôn; tiếp cận các văn bản pháp lý và công tác chỉ đạo quản lý theo hệ thống đến thôn bản.

3. Tiến độ thực hiện: Để phấn đấu hoàn thành tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao thực hiện Chương trình trong năm 2021, đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành các thủ tục phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước trong Quý III/2021 theo quy định; chủ động cân đối, bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để có đủ nguồn lực thực hiện các nội dung của Chương trình.

Mọi thắc mắc xin liên hệ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, địa chỉ: Nhà B9, Số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội và số điện thoại: 0243.7379142)./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TTCP Lê Minh Khái (để b/c);
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);
- Các đ/c thành viên BCĐTW (để biết);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KHĐT, TC, chủ trì nội dung thành phần;
- Sở NN&PTNT, VPĐP NTM các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT,VPĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Thanh Nam

 

DANH SÁCH GỬI VĂN BẢN

1. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (để b/c);

2. Bộ trưởng Lê Minh Hoan (để b/c);

3. Thứ trưởng Trần Thanh Nam;

4. Các Bộ, cơ quan Trung ương và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương là lãnh đạo của các Bộ, cơ quan Trung ương: Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông vận tải; Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; TW Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TW Hội Nông dân Việt Nam; TW Hội Cựu chiến binh Việt Nam; TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Ban Thi đua khen thưởng TW; Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam

5. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vụ Kế hoạch; Vụ Tài chính; Tổng cục Thuỷ lợi; Tổng cục Phòng, chống thiên tai; Cục Kinh tế, hợp tác và Phát triển nông thôn; Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

6. Uỷ ban nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 



1 Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025; Chương trình MTQG Giảm nghèo và An sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 -2025

2 Bao gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5211/BNN-VPĐP hướng dẫn triển khai kế hoạch vốn ngân sách Trung ương (vốn sự nghiệp) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5211/BNN-VPĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/08/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Thanh Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản