Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5191/BNN-VPĐP
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 09 tháng 8 năm 2022

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến, theo Công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 52)

Cử tri tiếp tục đề nghị quan tâm, cân đối nguồn lực để giúp các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xem xét và ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, từ tư duy khối lượng sang tư duy giá trị; chuyển nhanh lối sản xuất, liên kết tổ chức sản xuất lớn, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh và bền vững...

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

1. Đối với đề nghị “quan tâm, cân đối nguồn lực để giúp các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nguồn lực thực hiện Chương trình gồm: Nguồn vốn ngân sách nhà nước (Trung ương, địa phương), vốn lồng ghép, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn huy động người dân và cộng đồng,…

Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước: Để cụ thể hóa các nguyên tắc hỗ trợ vốn ngân sách trung ương của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó:

- Khoản 4 Điều 3 Mục I, quy định: “Hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng mức đạt chuẩn của một số chỉ tiêu còn chưa cao để nâng cao chất lượng các tiêu chí và bảo đảm bền vững. Các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.”

- Khoản 3 Điều 7 Mục 2, quy định: “Ngân sách địa phương tập trung đầu tư, hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định”.

Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn đầu tư phát triển được Thủ tướng Chính phủ giao (Quyết định số 652/QĐ-UBND ngày 28/5/2022 về việc giao vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình MTQG) và điều kiện thực tế của tỉnh, chủ động cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, cũng như có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác tại địa phương để hỗ trợ cho những địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

2. Đối với đề nghị “Xem xét và ban hành các cơ chế, chính sách thí điểm ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, từ tư duy khối lượng sang tư duy giá trị; chuyển nhanh lối sản xuất, liên kết tổ chức sản xuất lớn, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh và bền vững

Tiếp thu kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình, trong quá trình hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2030 (Đã được phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ) và cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan nghiên cứu, xem xét, đề xuất các cơ chế, chính sách thí điểm ưu tiên đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp, từ tư duy khối lượng sang tư duy giá trị; chuyển nhanh lối sản xuất, liên kết tổ chức sản xuất lớn, xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh và bền vững… trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Thái Bình đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, VPĐP.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 5191/BNN-VPĐP năm 2022 về cân đối nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5191/BNN-VPĐP
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/08/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Lê Minh Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản