Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4944/BNN-TCTS | Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên do Văn phòng Chính phủ chuyển đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tại Công văn số 3864/BDN ngày 23/6/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị (Câu số 81)
a) Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm bổ sung quy định tỷ lệ kinh phí phân bổ cho khối các sở giáo dục và đào tạo từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ địa phương tu sửa cơ sở vật chất để các trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
b) Hoạt động cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67): Tính đến thời điểm dừng ký kết hợp đồng tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67, địa bàn tỉnh Phú Yên đã cho vay 24 con tàu (gồm 19 tàu đóng mới, 05 tàu nâng cấp) với tổng số tiền cho vay là 280,93 tỷ đồng. Hiện nay, một số tàu hoạt động không hiệu quả, làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn vay của các ngân hàng. Hiện nay các Ngân hàng thương mại (NHTM) đang tiến hành khởi kiện các khách hàng (là chủ của 10 con tàu) với dư nợ 105,58 tỷ đồng. Hoạt động cho vay theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau: Thứ nhất, chủ tàu chây ỳ, cố tình trì hoãn trong việc trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém dẫn đến hoạt động của tàu cá không hiệu quả; Thứ hai, một số chủ tàu khai thác hiệu quả nhưng NHTM chưa có biện pháp quản lý được doanh thu hoặc các chuyến khai thác nên việc đôn đốc khách hàng trả nợ gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào thiện chí trả nợ của khách hàng; Thứ ba, thời gian xử lý nợ kéo dài (từ khởi kiện, thi hành án, tổ chức kê biên bán đấu giá,…) nên giá trị thanh lý tài sản dự kiến thu hồi rất thấp, đối với tàu đang được ngân hàng thương mại thu giữ để xử lý, vẫn chưa bán đấu giá thành công vì không có người mua; Thứ tư, khách hàng không hợp tác nên việc tập kết các con tàu về địa điểm bảo quản để thi hành án còn nhiều khó khăn, chi phí tập kết, bảo quản lớn, tài sản bảo đảm là tàu biển là tài sản đặc thù, kén người mua. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan cần sớm ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 và có hướng dẫn cụ thể để có cơ chế phù hợp với tình hình thực tế, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc và hạn chế nêu trên trong quá trình triển khai thực hiện chính sách này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin trả lời như sau:
1. Về kiến nghị Chính phủ quan tâm bổ sung quy định tỷ lệ kinh phí phân bổ cho khối các sở giáo dục và đào tạo từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ địa phương tu sửa cơ sở vật chất để các trường THPT đạt chuẩn quốc gia
Tại Nội dung 04, điểm b, khoản 2, Mục III của Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, có nêu: “Tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Ngày 25/3/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 -2025. Theo đó tại khoản 2, Điều 6 Quyết định này quy định định mức phân bổ vốn ngân sách tại các tỉnh: “Căn cứ tổng mức vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền thông báo và điều kiện thực tế của từng tỉnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn, phương án lồng ghép các nguồn vốn theo quy định để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trên địa bàn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, đảm bảo không chồng chéo, trùng lặp địa bàn, phạm vi, đối tượng đầu tư với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đã được phê duyệt”.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, đề xuất định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho từng nội dung, công việc cụ thể của Chương trình, trong đó có nội dung hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất để các trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
2. Về một số kiến nghị khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện chính sách tại Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản:
Thời gian qua, việc triển khai chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nợ xấu phát sinh tăng cao, trong đó có một số nguyên nhân đã được Đại biểu nêu ở trên.
Trước thực trạng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 2560/BC-BNN-TCTS ngày 27/4/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Nghị định số 67 và xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, trong đó chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế để xử lý các khoản nợ vay và giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vốn vay.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo 04 Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh 27 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xác định rõ nguyên nhân chủ tàu không trả nợ vay đúng hạn, phân loại để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp; thực hiện các biện pháp hỗ trợ khách hàng trong trường hợp ngư dân gặp khó khăn chưa trả được nợ vay khi đến hạn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi sau; tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân có nhu cầu chuyển đổi chủ tàu do không đủ năng lực tiếp tục thực hiện.
Bên cạnh đó, Chính quyền địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trong việc đôn đốc các chủ tàu thực hiện trả nợ vốn vay; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu chính sách của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm trả nợ vốn vay ngân hàng để chính sách phát huy hiệu quả, hạn chế nợ xấu.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các Bộ, Ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 trình Chính phủ ban hành, trong đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thời gian qua gồm: i) Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hưởng hỗ trợ lãi suất cho vay để các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay; ii) Có cơ chế cho phép chuyển nhượng tàu cá nhằm tháo gỡ các khoản vay nợ xấu; iii) Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép; duy trì chính sách hỗ trợ bảo hiểm, đào tạo, hướng dẫn ngư dân vận hành, sử dụng các công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm khai thác nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên; trân trọng cảm ơn cử tri tỉnh Phú Yên đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên để trả lời cử tri./.
| BỘ TRƯỞNG |
- 1Nghị quyết 564/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về Danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 2Công văn 5191/BNN-VPĐP năm 2022 về cân đối nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản
- 2Quyết định 263/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 07/2022/QĐ-TTg quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 564/NQ-UBTVQH15 năm 2022 về Danh sách Ủy viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 5Công văn 5191/BNN-VPĐP năm 2022 về cân đối nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Công văn 4944/BNN-TCTS năm 2022 về tỷ lệ kinh phí phân bổ cho khối các sở giáo dục và đào tạo từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 4944/BNN-TCTS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 29/07/2022
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Lê Minh Hoan
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra