Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 5020/TCT-CS
V/v khấu trừ thuế GTGT

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2009

 

Kính gửi: Đại diện Tổng cục Thuế tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời công văn số 382/PC-TCT-DD ngày 21/8/2009 và công văn số 317/TCT-ĐD ngày 6/7/2009 của Đại diện Tổng cục Thuế tại thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hướng dẫn xử lý giảm trừ doanh thu và hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu phải giảm giá, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Tại điểm 3, Mục quy định chung Chuẩn mực kế toán số 14- Doanh thu và Thu nhập khác (Ban hành và công bố theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) quy định:

“Giảm giá hàng bán: Là khoản giảm trừ cho người mua do hàng hóa kém phẩm chất, sai quy cách hoặc lạc hậu thị hiếu.

Giá trị háng bán bị trả lại: Là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán”.

- Tại điểm 1, Mục I, Phần B Thông tư số 32/2007/TT-BTC ngày 9/4/2007 của Bộ Tài chính về thuế GTGT hướng dẫn: “Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng, trừ các khoản phụ thu và phí cơ sở kinh doanh phải nộp NSNN. Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức giảm giá bán thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm ghi trên hóa đơn”

- Tại điểm 5.9, Mục IV, Phần B Thông tư số 32/2007/TT-BTC (nêu trên) hướng dẫn:

5.9. Cơ sở kinh doanh đã xuất bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ và lập hóa đơn do hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, quy cách … phải điều chỉnh (tăng, giảm) giá bán thì bên bán và bên mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, quy cách hàng hóa, mức giá tăng (giảm) theo hóa đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn, thời gian), lý do tăng (giảm) giá, đồng thời bên bán lập hóa đơn điều chỉnh mức giá được điều chỉnh. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh giá cho hàng hóa, dịch vụ tại hóa đơn số, ký hiệu … Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh giá, bên bán và bên mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.

- Tại điểm 1.2.d, Mục III, Phần B Thông tư số 32/2007/TT-BTC nêu trên hướng dẫn về việc khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu phải có đủ các điều kiện và thủ tục sau:

+ d1 – Hợp đồng bán hàng hóa, gia công hàng hóa (đối với trường hợp gia công hàng hóa), cung ứng dịch vụ cho tổ chức cá nhân, nước ngoài.

+ d2 – Tờ khai hải quan về hàng xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan đã xuất khẩu.

+ d3 – Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua Ngân hàng.

+ d4 – Hóa đơn GTGT bán hàng hóa, dịch vụ hoặc xuất trả hàng gia công cho nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần Vinh Phát ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa với nước ngoài nhưng khi giao hàng bên mua phát hiện hàng không đảm bảo chất lượng nêu yêu cầu Công ty Vinh Phát giảm giá bán thì hai bên phải có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ số lượng, mức giá giảm theo hóa đơn, hợp đồng (số ký hiệu, ngày, tháng của hóa đơn, hợp đồng); lý do giảm giá; đồng thời Công ty lập hóa đơn điều chỉnh mức giá được điều chỉnh giảm; Công ty phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của tài liệu, số liệu kê khai. Căn cứ vào bản thỏa thuận và hóa đơn điều chỉnh giá này, Công ty điều chỉnh giảm doanh thu hàng bán. Công ty cổ phần Vinh Phát được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của lô hàng xuất khẩu này nếu đáp ứng điều kiện, thủ tục đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định tại điểm 1.2.d Mục III, Phần B Thông tư số 32/2007/TT-BTC nêu trên.

Tổng cục Thuế trả lời để Văn phòng đại diện được biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế, Vụ CST;
- Ban Pháp chế, Thanh tra;
- Lưu: VT, PC, CS (3b)

KT. TỔNG CỤC THUẾ
PHÓ TỔNG CỤC THUẾ




Phạm Duy Khương