Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2237/BCT-XNK
V/v xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2020

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2280/VPCP-NN ngày 25 tháng 3 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2020 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt vào ngày 26 tháng 3 năm 2020 tại TP. Hồ Chí Minh để rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo, thực hiện dự trữ lưu thông và tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.

Tham dự buổi làm việc ngày 26 tháng 3 năm 2020, về phía Đoàn kiểm tra liên ngành, có đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Trồng trọt), Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá, Tổng cục Dự trữ Nhà nước), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh). Về phía địa phương, có đại diện của các tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và UBND TP. Hồ Chí Minh. Về phía doanh nghiệp, có đại diện của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam.

Thay mặt Đoàn kiểm tra liên ngành, Bộ Công Thương xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, đánh giá và kiến nghị như sau:

I. VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT LÚA GẠO VÀ NHU CẦU DỰ TRỮ, TIÊU DÙNG TRONG NƯỚC

Tại văn bản số 2092/BC-BNN-TT ngày 23 tháng 3 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sản xuất và tiêu thụ lúa gạo và rau quả năm 2020 như sau:

1. Kế hoạch và tình hình sản xuất

Sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Trong đó:

- Vụ Đông Xuân: sản lượng ước đạt 20,2 triệu tấn thóc; trong đó, sản lượng vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 10,8 triệu tấn.

- Vụ Hè Thu: sản lượng ước đạt 11,0 triệu tấn thóc; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 8,7 triệu tấn (đến nay đã xuống giống được 0,3 triệu ha, tập trung ở vùng không bị ảnh hưởng của hạn, mặn).

- Vụ Thu Đông tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 4,2 triệu tấn thóc, diện tích gieo cấy dự kiến 750 nghìn ha.

- Vụ Mùa: sản lượng ước đạt 8,2 triệu tấn thóc. Vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng ước đạt 4,7 triệu tấn; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ước đạt 1,4 triệu tấn.

Riêng vùng ĐBSCL, vụ Đông Xuân tới nay đã thu hoạch được 1,3 triệu ha/1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng đã thu hoạch được 9 triệu tấn thóc/10,8 triệu tấn dự kiến.

2. Nhu cầu tiêu dùng và dự trữ

Tại văn bản số 2092/BC-BNN-TT dẫn trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc, cụ thể như sau:

- Tiêu thụ của người dân: 14,26 triệu tấn

- Phục vụ chế biến: 7,5 triệu tấn.

- Phục vụ chăn nuôi: 3,4 triệu tấn.

- Dùng làm giống, giống dự phòng: 1,0 triệu tấn.

- Dự trữ trong nước: 3,8 triệu tấn.

Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Riêng vụ Đông Xuân, theo báo cáo của đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT tại cuộc họp ngày 26 tháng 3 năm 2020, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn.

II. VỀ TÁC ĐỘNG CỦA HẠN HÁN VÀ XÂM NHẬP MẶN

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 là không đáng kể do Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã chỉ đạo xuống giống sớm. Bên cạnh đó, do vụ Đông Xuân này được mùa, năng suất đạt bình quân gần 7 tấn/ha nên đã bù đắp được tác động của hạn hán và xâm nhập mặn. Sản lượng thóc gạo tại vùng ĐBSCL, vì vậy, dự kiến tương đương năm 2019.

III. VỀ TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU GẠO

1. Kết quả xuất khẩu Quý I/2020

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 02 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gạo đạt khoảng 930 ngàn tấn, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm 2019. Đến ngày 15 tháng 3 năm 2020, xuất khẩu đạt khoảng 1,3 triệu tấn, tăng 370 nghìn tấn so với cuối tháng 2/2020. Như vậy, bình quân mỗi ngày trong 15 ngày đầu tháng 3 xuất khẩu khoảng 25 nghìn tấn. Nếu xuất khẩu vẫn giữ nguyên tốc độ như 15 ngày đầu tháng 3, Quý I/2020 sẽ xuất khẩu gần 1,7 triệu tấn, tăng gần 21 % so với cùng kỳ năm 2019.

2. Về thị trường xuất khẩu

Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 2 tháng đầu năm 2020, đạt 357.055 tấn, chiếm 38,44%; tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019. Châu Phi là thị trường lớn thứ hai, đạt 105.698 tấn, chiếm khoảng 11% tổng lượng xuất khẩu. Malaysia đứng thứ 3, đạt 94.413 tấn, tăng 149% so với cùng kỳ, chiếm gần 10%.

Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 66.222 tấn, tuy tăng tới 595% về lượng (do 2 tháng đầu năm 2019 nhập rất ít) nhưng chỉ chiếm 7,13% tổng xuất khẩu.

3. Đánh giá kết quả xuất khẩu

Công tác điều hành xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm đã bám sát mục tiêu tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành. Kết quả xuất khẩu tích cực đã góp phần duy trì giá thóc, gạo ở vùng ĐBSCL ở mức bảo đảm có lãi cho người nông dân. Xuất khẩu gạo được thực hiện gần như toàn bộ theo hình thức chính ngạch bởi hoạt động xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới (qua các cửa khẩu phụ) trên thực tế đã dừng từ sau Tết Nguyên đán tới nay.

Hoạt động xuất khẩu gạo những tháng đầu năm cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm đang tăng mạnh trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Bên cạnh nhu cầu tiêu dùng thực tế mà các nước xuất khẩu gạo vẫn có thể đáp ứng, đã xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ tại nhiều quốc gia khiến giao dịch gạo trong thời gian qua rất sôi động, giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, xuất khẩu gạo lớn) được mùa.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 02 tháng đầu năm 2020 tăng 31,7% về lượng là mức tăng khá cao so với mức tăng cùng kỳ 3 năm gần đây. Nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh đã làm cho giá thị trường nội địa biến động tăng 20% - 25% tùy theo chủng loại thóc, gạo.

Sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-191, dự báo nhu cầu đối với gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Nếu tiếp tục giữ tốc độ xuất khẩu bình quân 25 nghìn tấn/ngày (mà khả năng này là cao) thì xuất khẩu gạo Quý I/2020 sẽ đạt gần 1,7 triệu tấn, Quý II/2020 có thể đạt trên 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm (trước khi vụ Hè Thu thu hoạch rộ) có thể sẽ xuất khẩu trên 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với lượng gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu là 3 triệu tấn. Kết hợp với 2 yếu tố quan trọng và cũng rất khó xác định là diễn biến dịch bệnh và tâm lý người dân, khả năng thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước là có thể xảy ra, nhất là khi việc mua thóc, gạo cho dự trữ quốc gia đang không thuận lợi.

IV. VỀ KẾT QUẢ RÀ SOÁT

1. Về sản lượng vụ Đông Xuân, lượng gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu và tình hình xuất khẩu

Tổng hợp ý kiến phát biểu của đại diện các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, UBND TP Hồ Chí Minh, VFA và 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam cho thấy số liệu về cơ bản là đúng với thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể là vụ Đông Xuân năm 2020 sẽ có khoảng 3 triệu tấn gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu, có thể lớn hơn một chút (khoảng 200-300 nghìn tấn) do thông thường sẽ có một lượng gạo nhất định “gối đầu” từ năm trước chuyển qua. Về xuất khẩu, số liệu do Tổng cục Hải quan cung cấp là đúng.

2. Về rà soát khối doanh nghiệp

VFA hiện có 92 hội viên, chiếm khoảng 75% xuất khẩu gạo của cả nước. Theo báo cáo của VFA, đến ngày 27 tháng 3 năm 2020, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là 1,574 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao từ nay đến 31 tháng 5 năm 2020 là 1,385 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên (60/92 hội viên) là 1,651 triệu tấn.

Như vậy, chỉ tính riêng các doanh nghiệp hội viên của VFA, nếu tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo “không ký hợp đồng mới” của Thủ tướng Chính phủ, lượng gạo dư vào thời điểm 31 tháng 5 năm 2020 là khoảng 266 nghìn tấn.

Tính cả các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công Thương thì tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là 1,665 triệu tấn gạo. Lượng hiện có trong kho của doanh nghiệp là 1,708 triệu tấn gạo và 144 nghìn tấn thóc (tương đương khoảng 75 nghìn tấn gạo).

Các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL cho biết lượng gạo dồi dào và sẵn sàng đưa gạo ra thị trường theo yêu cầu của Chính phủ. Các thương nhân cùng cam kết tuân thủ quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về việc thường xuyên duy trì dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu2.

V. Ý KIẾN CỦA CÁC TỈNH/THÀNH PHỐ, HIỆP HỘI LƯƠNG THỰC VIỆT NAM VÀ CÁC DOANH NGHIỆP

Các ý kiến tại buổi làm việc đều bày tỏ sự đồng tình cao với việc đặt an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu và sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đánh giá lượng thóc gạo còn tồn trong dân và trong doanh nghiệp là khá lớn (riêng trong kho của các hội viên VFA là 1,651 triệu tấn), các tỉnh/thành phố và các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cân nhắc thêm về giải pháp, theo hướng vừa bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia nhưng vừa giảm thiểu gián đoạn cho chuỗi sản xuất lúa gạo (bao gồm không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu gạo mà còn cả người nông dân, ngân hàng3 và các dịch vụ phụ trợ như cảng, vận tải, bốc xếp, kho bãi). Nhiều ý kiến cho biết nếu không có thu nhập từ tiêu thụ thóc gạo vụ Đông Xuân, người nông dân sẽ không có tiền mua giống, vật tư để khởi động mùa vụ tiếp theo và đây cũng là nguy cơ cho an ninh lương thực quốc gia. Theo hướng đó, các ý kiến đề nghị Đoàn kiểm tra liên ngành xây dựng phương án “xuất khẩu có kiểm soát chặt chẽ” để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cố gắng đạt được mục tiêu kép, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng cũng vừa duy trì được sản xuất và tăng trưởng kinh tế.

Nhiều ý kiến đề nghị loại trừ gạo nếp, gạo đồ và gạo hữu cơ ra khỏi diện tạm dừng xuất khẩu bởi đây là các loại gạo không có nhiều ý nghĩa đối với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực trong khi diện tích gieo trồng nếp ở một số tỉnh (như An Giang, Long An) là khá lớn.

VI. PHẢN ỨNG QUỐC TẾ

Sau khi nhận được thông tin Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo, một số quốc gia/vùng lãnh thổ nhập khẩu gạo đã đề nghị điện đàm với Bộ Công Thương hoặc gửi thư trao đổi khẩn cấp với VFA.

1. Philippines

Ngày 26 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Philippines đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương để trao đổi về thương mại gạo giữa 2 nước và về xác minh thông tin Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu gạo.

Tại cuộc điện đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thông tin, do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, Chính phủ Việt Nam yêu cầu các nhà xuất khẩu tạm thời giãn tiến độ thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo cho đến sau ngày 31 tháng 5 năm 2020. Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá tình hình nguồn cung và dự trữ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Bộ trưởng Tài chính Philippines cho biết Việt Nam là nhà cung cấp gạo rất quan trọng đối với Philippines. Trong bối cảnh Philippines cũng đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung lương thực cũng có thể làm thị trường nước này rối loạn, thậm chí gây ra bất ổn xã hội. Bộ trưởng Tài chính Philippines nhắc đến các trao đổi về hợp tác thương mại gạo giữa Tổng thống Duterte và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị Việt Nam ưu tiên Philippines trong cung cấp gạo, coi Philippines là ngoại lệ và không áp dụng lệnh ngừng xuất khẩu gạo đối với Philippines.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines William Dar cũng có thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường với nội dung tương tự.

2. Australia

Ngày 27 tháng 3 năm 2020, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, đã gửi thư cho Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng để bày tỏ sự quan ngại trước quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo.

3. Hồng Kông

Ngày 24 tháng 3 năm 2020, Hiệp hội các nhà bán buôn và nhập khẩu gạo Hồng Kông đã gửi thư cho VFA thể hiện sự quan ngại về lệnh ngừng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hiệp hội phía Hồng Kông khẳng định Việt Nam luôn là một nguồn cung chính đối với Hồng Kông. Thị phần gạo Việt Nam tại Hồng Kông là 30%, người tiêu dùng Hồng Kông phụ thuộc vào việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Hiệp hội phía Hồng Kông đề nghị VFA báo cáo quan ngại của Hiệp hội phía Hồng Kông lên Chính phủ Việt Nam.

VII. KIẾN NGHỊ PHƯƠNG ÁN ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO

Căn cứ kết quả rà soát, ý kiến của các tỉnh/thành vùng ĐBSCL và các doanh nghiệp, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án Điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới như sau:

1. Nguyên tắc xây dựng phương án

- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cần bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực quốc gia, không để xảy ra tình trạng thiếu lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

- Trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, có biện pháp hợp lý để duy trì chuỗi sản xuất lúa gạo; hỗ trợ tiêu thụ thóc, gạo cho người nông dân với giá tốt; bảo đảm mục tiêu “kép” là chiến thắng dịch bệnh và duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế.

- Công khai, minh bạch, công bằng; dễ thực hiện, dễ giám sát; không sử dụng cơ chế xin - cho, không tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm.

2. Đề xuất

Phương án được đề nghị là: sau khi đã tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực, có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5 năm 2020. Cụ thể như sau:

2.1 Về số lượng được phép xuất khẩu

Theo thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và PTNT, lượng gạo hàng hóa của vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn, nếu tính cả số lượng “gối đầu” từ 2019 chuyển qua là khoảng 3,2 triệu tấn.

Với tốc độ xuất khẩu 25 nghìn tấn/ngày trong tháng 3 vừa qua, do các tờ khai hải quan đã mở trước 0h ngày 24 tháng 3 vẫn tiếp tục được thực hiện, ước tính lượng gạo xuất khẩu tới 31 tháng 3 sẽ vào khoảng 1,7 triệu tấn. Lượng gạo có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5 năm 2020 được bảo đảm như sau:

- Cần khoảng 300 nghìn tấn để thực hiện kế hoạch mua vào năm 2020 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Nông nghiệp và PTNT đã dự trù khoản dự trữ này khi tính toán số lượng gạo vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu nhưng Đoàn kiểm tra liên ngành nhận thấy vẫn nên dự trù thêm một lần nữa).

- Ngoài lượng 300 nghìn tấn nói trên, giữ lại thêm 400 nghìn tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong 2 tháng (trước khi có thóc vụ Hè Thu) sẽ là 700 nghìn tấn. Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3kg gạo, một hộ gia đình 4 người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30kg cho tháng 4 và tháng 5 (khoảng nửa cuối tháng 5 ta bắt đầu thu hoạch vụ Hè Thu).

Như vậy, lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800 nghìn tấn. Lượng được phép xuất khẩu này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019; giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với cùng giai đoạn năm 2017.

Căn cứ tổng số lượng 800 nghìn tấn nói trên, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400 nghìn tấn. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

2.2. Về quản lý số lượng được phép xuất khẩu

Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400 nghìn tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo Tờ khai hải quan hàng xuất khẩu.

Nguyên tắc quản lý như sau:

- Đăng ký Tờ khai trước sẽ được xuất khẩu trước. Số lượng mở trên Tờ khai được trừ lùi vào tổng số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4. Trường hợp không sử dụng Tờ khai sau 15 ngày hoặc số lượng thực xuất ít hơn số lượng đã mở theo Tờ khai thì số dư sẽ được cộng trở lại số lượng được phép xuất khẩu trong tháng 4.

- Tổng lượng đăng ký Tờ khai xuất khẩu và tổng lượng xuất khẩu thực tế được thể hiện theo thời gian thực trên một trang mạng do Tổng cục Hải quan thiết lập và/hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tất cả các doanh nghiệp và người dân đều có thể theo dõi.

3. Tính khả thi

Đoàn kiểm tra liên ngành thống nhất cho rằng với kinh nghiệm, nguồn nhân lực và trang thiết bị hiện nay, phương án như đã trình bày là khả thi về mặt kỹ thuật đối với Tổng cục Hải quan.

4. Biện pháp hỗ trợ

Để hỗ trợ cho phương án nêu trên, góp phần bảo đảm mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay, Đoàn kiểm tra liên ngành thống nhất đề xuất thực hiện một số biện pháp hỗ trợ sau đây:

- Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao.

- Chỉ cho phép xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không), nơi đã có đủ trang thiết bị nối mạng để Tổng cục Hải quan có thể theo dõi và phản ảnh theo thời gian thực.

- Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.

- 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất là 01 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp không thực hiện theo thỏa thuận, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được quyền thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.

- Chính phủ có Nghị quyết cho phép Bộ Công Thương được thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp trong trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gạo không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho Bộ Công Thương theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP (trong hơn 1 năm qua, do Nghị định 107/2018/NĐ-CP quy định chế tài xử lý chưa nghiêm nên đa số doanh nghiệp không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ cho Bộ Công Thương4).

- Bộ Công Thương tổng hợp, đăng tải công khai trên website của Bộ địa điểm mà doanh nghiệp xuất khẩu gạo lưu giữ lượng dự trữ lưu thông 5% và giao Sở Công Thương các tỉnh/thành phố giám sát, kiểm tra. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp khai báo không trung thực, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.

VIII. Ý KIẾN THAM GIA CỦA CÁC BỘ, NGÀNH

Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành đã thay mặt Bộ Công Thương gửi dự thảo Báo cáo này tới Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để xin ý kiến chính thức. Tới 15h ngày 28 tháng 3 năm 2020, Bộ Công Thương đã nhận được đủ ý kiến của 3 cơ quan, hoặc bằng văn bản, hoặc qua thư điện tử. Bản tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các cơ quan được trình kèm theo Báo cáo này.

Trên đây là báo cáo kết quả rà soát, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo, thực hiện dự trữ lưu thông và kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì xin kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các đ/c PTTg (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN&PTNT, Bộ TC, NHNNVN;
- UBND các tỉnh ĐBSCL;
- UBND TP. Hồ Chí Minh;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Lưu: VT, XNK(2).

T/M ĐOÀN KIỂM TRA LIÊN NGÀNH




Trần Quốc Khánh
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

 



1 Dẫn đến thiếu hụt nhân lực để bốc xếp hàng hóa.

2 Đây là trách nhiệm của thương nhân theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 107/2018/NĐ-CP

3 Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Cần Thơ tại buổi làm việc, dư nợ cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của các ngân hàng tại thành phố Cần Thơ là khoảng 7.700 tỷ

4 Sau khi lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo được ban hành, dù đã được yêu cầu báo cáo hỏa tốc qua thư điện tử để Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhưng cũng chỉ có 91/188 doanh nghiệp xuất khẩu gạo gửi báo cáo về Bộ Công Thương.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2237/BCT-XNK năm 2020 về xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 2237/BCT-XNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/03/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Trần Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản