Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1834/LĐTBXH-TCDN
V/v Chỉ đạo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai thực hiện đến nay được 4 năm (2010-2013). Ngày 05/11/2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Ngày 17/7/2013, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 đã tổ chức sơ kết, đánh giá ba năm thực hiện Đề án. Sau Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Đề án, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức Hội nghị giao ban chuyên sâu với Thường trực Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tại 03 khu vực Bắc, Trung, Nam. Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội và báo chí rất quan tâm đến kết quả, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Để có báo cáo thường xuyên, cập nhật về kết quả, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, ngày 25/9/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 3663/LĐTBXH-TCDN hướng dẫn công tác kiểm tra giám sát và báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm 2013.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, năm 2013 cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho 530.124 lao động nông thôn, tăng 121.602 người so với năm 2012, nâng tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ dạy nghề trong 4 năm (2010-2013) lên trên 1,6 triệu người. Số người học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn đạt 79,7%, cao hơn 3 năm đầu (2010-2012) là 0,8%. Trong đó, trên 627.000 người làm nghề phi nông nghiệp, được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm, chiếm 56,3% (số nữ gần 800.000 người, chiếm 48,7%); trên 62.000 người đã thoát nghèo, bằng 35,2% số người nghèo học nghề; gần 50.000 người có thu nhập trung bình nay trở thành hộ có thu nhập khá, chiếm 4,2%. Số có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp là 522.000 người, chiếm 43,7%; Công tác chỉ đạo, điều hành và các điều kiện tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn được tăng cường.

Tuy vậy, kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn chưa đạt được mục tiêu của Đề án. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Một số tỉnh, thành phố phê duyệt định mức chi phí đào tạo theo thời gian khóa đào tạo hoặc theo nhóm nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp là chưa đúng theo quy định. Một số địa phương thí điểm điểm sáp nhập trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng thực hiện không thống nhất, lúng túng trong tổ chức hoạt động, chưa phát huy được số biên chế cán bộ, giáo viên đông đảo của trung tâm giáo dục thường xuyên vào dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn cấp huyện. Một số địa phương chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung tâm về việc: Không tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi chưa xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề. Công tác kiểm tra, giám sát, thống kê kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế, nhất là ở cấp xã.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện các công việc sau:

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW, tạo sự chuyển biến thật sự về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng và đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực - Giải pháp đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Chỉ đạo các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nghiêm túc thực hiện trách nhiệm được giao tại Thông tư liên tịch số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT ngày 12/12/2012 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông.

2. Tổ chức rà soát lại danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và yêu cầu tái cấu trúc ngành nông nghiệp, theo văn bản số 1537/BNN-TCCB ngày 14/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp. Chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp phải thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 31/2010/TT-BLĐTBXH ngày 8/10/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình dạy nghề dưới 3 tháng phải cung cấp cho người học các kiến thức, kỹ năng, năng lực thực hiện nghề, làm nghề sau khi học. Xây dựng và phê duyệt mức chi phí đào tạo cho từng nghề theo đúng hướng dẫn tại Xây dựng và phê duyệt mức chi phí đào tạo cho từng nghề theo đúng hướng dẫn tại tiết d điểm 7.1 khoản 7 Điều 6 Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các cơ sở tham gia dạy nghề phải có đủ điều kiện về giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề để dạy nghề cho lao động nông thôn. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện, tổ chức dạy nghề kém hiệu quả tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề học và có điều kiện làm nghề sau khi học. Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

3. Chỉ đạo huy động, lồng ghép các nguồn lực (ngân sách trung ương, địa phương), các chương trình, dự án, đề án khác và khuyến khích các dự án NGO, các nguồn xã hội hóa thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách, mục tiêu, quy trình của Quyết định 1956. Cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, dự án, đề án khác ở địa phương có sử dụng ngân sách nhà nước để dạy nghề cho lao động nông thôn phải tổ chức thực hiện đúng các quy định về dạy nghề, đồng thời báo cáo Ban chỉ đạo 1956 cấp tỉnh và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả dạy nghề trong chương trình, dự án, đề án đó.

4. Kiểm tra, đánh giá hiệu quả sử dụng trang thiết bị dạy nghề đã được đầu tư tại các trung tâm dạy nghề để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả. Đối với các trung tâm dạy nghề đã được đầu tư thiết bị nhưng không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp đề nghị xây dựng phương án điều chuyển cho các cơ sở khác có nhu cầu phù hợp để sử dụng, khai thác có hiệu quả.

5. Đối với các địa phương đã thí điểm sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cần tổ chức đánh giá cụ thể về tổ chức hoạt động, việc triển khai thực hiện từng mảng nhiệm vụ: Dạy nghề - Giới thiệu việc làm - Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp và vai trò của cấp huyện, cấp sở trong quản lý trực tiếp và quản lý nhà nước đối với đơn vị đã sáp nhập, đồng thời báo cáo kết quả đánh giá việc sáp nhập về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/7/2014 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thanh tra việc thực hiện Đề án. Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát tại một số địa phương; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, giám sát đối với cấp huyện, kiểm tra việc quản lý, sử dụng thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề đã đầu tư từ năm 2010 đến nay; Ban chỉ đạo cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát đối với tất cả các xã; cấp xã kiểm tra, giám sát tất cả các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Ban chỉ đạo ở địa phương có văn bản đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng nhân dân cùng cấp tiến hành giám sát việc thực hiện Đề án tại địa phương. Kết quả kiểm tra, giám sát được thông báo kịp thời cho Ban Chỉ đạo 1956 cấp tỉnh để báo cáo giải trình và chỉ đạo tổ chức thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn đạt chất lượng, hiệu quả.

7. Tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án năm 2013 và đánh giá sơ bộ tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2015. Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Đề án. Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- BCĐTW thực hiện QĐ 1956 (để b/c);
- BCĐ thực hiện QĐ 1956 các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Sở LĐTBXH, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Tổ công tác giúp việc BCĐTW (để thực hiện);
- Lưu: VT, TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Phi
Thành viên Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1834/LĐTBXH-TCDN năm 2014 chỉ đạo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1834/LĐTBXH-TCDN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/06/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/06/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản