Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1537/BNN-TCCB
V/v chỉ đạo triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2014-2015

Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2014

 

Kính gửi: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", ngày 07/5/2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2013 và xem xét những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nghề nông nghiệp giai đoạn 2014-2015.

Để công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt chất lượng và hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất về chủ trương và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trong thời gian tới như sau:

1. Định hướng đào tạo nghề giai đoạn 2014-2015

a) Yêu cầu:

- Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng đến việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

- Đào tạo gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.

- Đào tạo phải gắn với Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Đối tượng ưu tiên đào tạo:

- Lao động nông thôn làm kỹ thuật nông nghiệp cần có chứng chỉ nghề theo quy định như: thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt thủy sản; người làm nghề dịch vụ thú y, bảo vệ thực vật, dẫn tinh viên, người quản lý thủy nông cơ sở; đào tạo cho các chủ trang trại về kỹ thuật và quản lý.

- Nông dân làm nghề yêu cầu có trình độ kỹ thuật như nuôi trồng thủy sản thâm canh, chăn nuôi gia súc gia cầm; sản xuất giống cây trồng, chế biến nông lâm thủy sản; cơ khí nông nghiệp...

- Nông dân tham gia các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh; có hợp đồng liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

c) Lựa chọn hình thức đào tạo phù hợp với các nhóm đối tượng học nghề:

- Tổ chức đào tạo tại các cơ sở dạy nghề hoặc tại địa phương đủ điều kiện đối với lao động nông thôn có nhu cầu đào tạo và được cấp chứng chỉ để làm kỹ thuật tại địa phương.

- Tổ chức đào tạo ngay tại làng, xã, thôn, bản, ấp… hoặc tại cơ sở sản xuất (trang trại, trạm...), gắn với mô hình sản xuất tiến bộ, lấy thực hành là chính, đặc biệt chú trọng việc đào tạo gắn với yêu cầu của doanh nghiệp đối với nông dân tham gia học nghề nông nghiệp.

d) Lựa chọn các cơ sở đào tạo đủ điều kiện tham gia dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên lựa chọn các cơ sở có kinh nghiệm dạy nghề nông nghiệp, có cơ sở vật chất, điều kiện giảng dạy tốt tham gia đào tạo.

Thực hiện chủ trương tăng cường năng lực cho hệ thống Khuyến nông ở địa phương, đảm bảo cho Trung tâm khuyến nông tỉnh đủ điều kiện tham gia dạy nghề theo các tiêu chí của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; tiến tới trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác dạy nghề nông nghiệp ở các địa phương lâu dài.

e) Chỉ đạo các cơ sở dạy nghề sử dụng các chương trình, giáo trình đào tạo nghề nông nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành trên cơ sở điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2. Một số nhiệm vụ cụ thể cần triển khai

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Giao nhiệm vụ và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động và tích cực thực hiện công tác quản lý đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo đúng phân công tại Thông tư số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT ngày 12/12/2012 của liên Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Thông tin và Truyền thông hướng dẫn trách nhiệm tổ chức thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

- Phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp năm 2014 và chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch năm 2015 theo các định hướng trên.

- Có giải pháp hỗ trợ đầu tư nâng cấp, đảm bảo hệ thống Khuyến nông có đủ điều kiện tham gia dạy nghề theo các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Trên cơ sở các định hướng về đào tạo nghề, rà soát, điều chỉnh kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn năm 2014 trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp năm 2015 theo từng đối tượng và loại hình đào tạo, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh đồng thời gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện đúng các quy định tại Thông tư số 30/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BNN&PTNT-BCT-BTTTT.

- Rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ của hệ thống Khuyến nông, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, có chính sách ưu tiên đầu tư nâng cấp, đảm bảo hệ thống Khuyến nông có đủ điều kiện tham gia dạy nghề theo các quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Giới thiệu các mô hình dạy nghề có hiệu quả, các gương điển hình sản xuất giỏi, nông dân đã thành công sau khi học nghề, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập hợp, phổ biến, nhân rộng để nông dân tham khảo, học tập.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, cơ quan có liên quan làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn tại địa phương; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tình hình thực hiện trách nhiệm theo phân công; kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện để được hướng dẫn, giải quyết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, tập trung chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên môn liên quan tăng cường phối hợp với các cơ quan ngành nông nghiệp để công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt chất lượng và hiệu quả./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- BCĐ TW thực hiện QĐ 1956 (báo cáo);
- Bộ Lao động -TB và XH (phối hợp);
- Bộ Tài chính;
- Sở NN và PTNT các tỉnh (thực hiện);
- Sở Lao động - TB và XH các tỉnh (phối hợp);
- Ban chỉ đạo ĐTN của Bộ (chỉ đạo);
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1537/BNN-TCCB năm 2014 chỉ đạo triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2014-2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 1537/BNN-TCCB
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/05/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản