Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5719/CT-BNN-KTHT

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐÀO TẠO NGHỀ NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thời gian qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện đã đưa lại hiệu quả đáng kể. Người học nghề nông nghiệp có thu nhập ổn định, biết áp dụng nghề đã học vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra được những nông sản có chất lượng, an toàn. Tuy vậy, vẫn còn không ít nông dân sau khi học nghề nông nghiệp chưa biết áp dụng nghề đã học vào sản xuất do không nắm đủ kiến thức, tay nghề để thực hiện các quy trình kỹ thuật sản xuất, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của người học và ngân sách của nhà nước; công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp theo Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ đáp ứng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ, các cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp tập trung triển khai một số nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp hàng năm và cả giai đoạn 2016-2020 theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, phát huy hiệu quả sản xuất, chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn và xây dựng nông thôn mới;

Lựa chọn cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm nhất là các đơn vị, doanh nghiệp đang xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết sản xuất và xây dựng cánh đồng lớn;

Thống nhất với các ngành chức năng ở địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn đào tạo nghề nông nghiệp đến các đơn vị trực tiếp đào tạo; chủ động bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nghề; các mô hình dạy nghề có hiệu quả, các gương điển hình sản xuất giỏi, nông dân đã thành công sau học nghề; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề nông nghiệp;

Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề nông nghiệp, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp sát với thực tế ở địa phương theo phương châm gắn nhu cầu đăng ký của người học với quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đối tượng chính sách; đồng thời có giải pháp hữu hiệu để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân sau học nghề nông nghiệp.

2. Các Cơ quan có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, tham mưu để triển khai thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp; rà soát lại danh mục nghề, xây dựng bổ sung chương trình, giáo trình phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

3. Các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, chủ động làm việc với các địa phương để triển khai đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân gắn với các ngành, nghề đào tạo, cơ sở thực hành, mô hình sản xuất của nhà trường.

4. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn:

Sớm hoàn chỉnh kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề nông nghiệp cho các địa phương, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đào tạo nghề nông nghiệp cho các địa phương và, các Trường đào tạo nghề thuộc Bộ;

Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về cơ chế, chính sách đào tạo nghề, thực hiện thông tin thị trường hàng hóa, hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Chủ trì, tham mưu kiểm tra, đôn đốc thực hiện chỉ thị này; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát ở một số địa phương về thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp theo định hướng chỉ đạo của Bộ.

Định kỳ 6 tháng, 01 năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các đơn vị thuộc Bộ tiến hành đánh giá kết quả triển khai thực hiện chỉ thị này, báo cáo gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn)./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC; LĐTB và XH;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Lãnh đạo Bộ NN và PTNT;
- UBND các tỉnh/TP trực thuộc TW;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/TP;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh tra, VP Bộ (Bộ NN và PTNT);
- Các Trường đào tạo thuộc Bộ NN và PTNT;
- Lưu: VT, KTHT (150b).

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 5719/CT-BNN-KTHT năm 2016 về nâng cao hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5719/CT-BNN-KTHT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 05/07/2016
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản