Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1428/TCHQ-TXNK
V/v phân loại hàng hóa

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2020

 

Kính gửi: Công ty TNHH Giống gia cầm Minh dư.
(Thôn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định)

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 01/MD-DADT/HS&VAT-2019 ngày 18/12/2019 của Công ty TNHH Giống gia cầm Minh dư (theo công văn số 923/VPCP-ĐMDN ngày 07/2/2020, số 1457/VPCP-ĐMDN ngày 26/02/2020 của Văn phòng Chính phủ) về việc phân loại và xác định thuế GTGT đối với Hệ thống thiết bị tự động xử lý trứng ấp và gà con mới nở. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về việc phân loại

Căn cứ khoản 1 Điều 26 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/06/2014 quy định về phân loại hàng hóa thì: “Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số của hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”.

Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 09/2019/TT-BTC ngày 15/02/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các Phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chú giải 3, 4, 5 phần XVI có quy định:

3. Trừ khi có yêu cầu cụ thể khác, các loại máy liên hợp gồm hai hoặc nhiều máy lắp ghép với nhau thành một thiết bị đồng bộ và các loại máy khác được thiết kế để thực hiện hai hay nhiều chức năng khác nhau hay bổ trợ lẫn nhau được phân loại theo bộ phận chính hoặc máy thực hiện chức năng chính”.

4. Khi một máy (kể cả một tổ hợp máy) gồm các bộ phận cấu thành riêng lẻ (dù tách biệt hoặc được liên kết với nhau bằng ống, bằng bộ phận truyền, bằng cáp điện hoặc bằng bộ phận khác) để thực hiện một chức năng được xác định rõ đã quy định chi tiết tại một trong các nhóm của Chương 84 hoặc Chương 85, thì toàn bộ máy đó phải được phân loại vào nhóm phù hợp với chức năng xác định của máy”.

5. Theo mục đích của Chú giải này, khái niệm “máy” có nghĩa là bất kỳ máy, máy móc, thiết bị, bộ dụng cụ hoặc dụng cụ đã nêu trong các nhóm của Chương 84 hoặc 85”.

Tham khảo Chú giải HS của Tổ chức Hải quan Thế giới, Chú giải 4 Phần XVI thì:

“Theo mục đích của Chú giải này, thuật ngữ “dự kiến được sử dụng để cùng nhau thực hiện một chức năng được xác định cụ thể” chỉ bao gồm các loại máy và tổ hợp máy chủ yếu thực hiện chức năng cụ thể của tổ hợp máy đó, do đó, loi trừ những máy móc hoặc thiết bị đảm nhiệm các chức năng phụ trợ và các chức năng phụ trợ này không tạo nên chức năng chủ yếu của cả tổ hợp nói trên”.

Mặt hàng là hệ thống xử lý chọn trứng, ấp trứng, chăm sóc gia cầm... tùy theo chức năng cụ thể sẽ được xem xét vào các nhóm khác nhau:

- Trường hợp mặt hàng là tổ hợp máy phân loại hoặc lựa chọn trứng thì phân loại vào nhóm 84.33.

- Trường hợp mặt hàng là tổ hợp máy ấp trứng gia cầm và sưởi ấm gia cầm mới nở thì phân loại vào nhóm nhóm 84.36.

- Trường hợp mặt hàng là tổ hợp máy đếm và xếp gà vào thùng, có khả năng đếm và đặt gà vào các thùng (hộp) hoàn toàn tự động thì phân loại vào nhóm 84.22.

Do thông tin Công ty cung cấp chưa đầy đủ (ví dụ: chưa làm rõ cấu tạo, chức năng, cơ chế hoạt động, hình ảnh của từng máy móc; cách lắp ráp hoặc kết nối, quy trình hoạt động, chức năng xác định của dây chuyền) nên Tổng cục Hải quan không đủ cơ sở để xác định bản chất hàng hóa và phân loại mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam.

Đề nghị Công ty nghiên cứu các nội dung nêu trên, căn cứ hồ sơ, thực tế hàng hóa nhập khẩu để xác định mã số theo đúng quy định hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục để được hướng dẫn cụ thể.

2. Về việc khai báo cho 2 lô hàng dự kiến nhập khẩu.

Trường hợp mặt hàng của công ty thỏa mãn chú giải 3, 4, 5 phần XVI nêu trên thì Công ty có thể lựa chọn phân loại theo bộ phận chính/máy thực hiện chức năng chính/chức năng xác định của tổ hợp máy hoặc phân loại theo từng máy móc thiết bị.

Về thủ tục khi lựa chọn phân loại theo bộ phận chính/máy thực hiện chức năng chính/ chức năng xác định của tổ hợp máy thì công ty thực hiện thủ tục khai báo theo quy định tại Điều 7 về Phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam của Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm:

1. Người khai hải quan nhập khẩu máy liên hợp (gồm hai hay nhiều máy) hoặc tổ hợp máy thuộc các Chương 84, Chương 85 và Chương 90 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam được lựa chọn phân loại theo quy định tại Chú giải pháp lý 3, 4, 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam hoặc phân loại theo từng máy móc, thiết bị.

2. Trường hợp phân loại máy liên hợp hoặc tổ hợp máy theo quy định tại Chú giải 3, 4, 5 Phần XVI của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, không phân biệt các máy đó được nhập khẩu từ nhiều nguồn, về cùng chuyến hay nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau thì người khai hải quan, cơ quan hải quan thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 3, khoản 4 dưới đây.

3. Thủ tục thực hiện đối với người khai hải quan:

a) Người khai hải quan đăng ký Danh mục máy móc, thiết bị, sau đây gọi tắt là danh mục, bằng phương thức điện tử (theo mẫu số 01/ĐKDMTB/2015, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này), kèm theo 01 phiếu theo dõi trừ lùi (theo mẫu số 02/PTDTL-DMTB/2015, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này) trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên tại Chi cục hải quan nơi thuận tiện nhất…”

3. Về thuế GTGT

Khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; khoản 1 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính quy định “máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Bộ Tài chính đã có các công văn hướng dẫn về máy móc, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ nông nghiệp: Công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/09/2015, số 1677/BTC-TCT ngày 29/01/2016, số 16659/BTC-CST ngày 22/11/2016, số 3233/BTC-TCT ngày 13/3/2017.

Tại công văn số 1677/BTC-TCT ngày 29/01/2016 của Bộ Tài chính có hướng dẫn các loại máy, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế; khoản 1 Điều 3 Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế; và khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT bao gồm: “e) Các loại máy, thiết bị nuôi gà: Máy đếm trứng gà N50; bộ điều khiển máy đếm trứng; máy đóng gói trứng gia cầm tự động; máy chuyển trứng; xe đẩy trứng dùng trong trại gà; ở đẻ tự động; bộ kích điện cho gà khỏi leo ra ngoài

2. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố xác nhận các máy, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính, điểm 1 công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/9/2015 và điểm 1 công văn này theo nguyên tắc: Máy, thiết bị và linh kiện đồng bộ để lắp ráp thành máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và không thể sử dụng cho mục đích khác là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế”

Trường hợp Công ty TNHH giống gia cầm Minh Dư nhập khẩu hệ thống thiết bị tự động xử lý trứng ấp và gà con mới nở một ngày tuổi cho nhà máy ấp trứng gia cầm thì chưa được liệt kê tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và các công văn hướng dẫn của Bộ Tài chính nêu trên (Công văn số 12848/BTC-CST ngày 15/09/2015, số 1677/BTC-TCT ngày 29/01/2016, số 16659/BTC-CST ngày 22/11/2016, số 3233/BTC-TCT ngày 13/3/2017).

Để được áp dụng đối tượng không chịu thuế GTGT, hệ thống thiết bị tự động xử lý trứng ấp và gà con mới nở một ngày tuổi cho nhà máy ấp trứng gia cầm phải được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố xác nhận các máy, thiết bị chuyên dùng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp theo nguyên tắc: Máy, thiết bị và linh kiện đồng bộ để lắp ráp thành máy móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và không thể sử dụng cho mục đích khác là máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.

Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty TNHH Giống gia cầm Minh dư biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (để biết);
- Lưu: VT, TXNK (My- 3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Lưu Mạnh Tưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1428/TCHQ-TXNK năm 2020 về phân loại Hệ thống thiết bị tự động xử lý trứng ấp và gà con mới nở do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1428/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/03/2020
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Lưu Mạnh Tưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản